Vừa mới mẻ, vừa quen thuộc: Bản giao hưởng số 9 của Beethoven
Bản ghi âm mới tác phẩm Symphony No. 9 (Bản giao hưởng số 9) của Beethoven do Benjamin Zander thực hiện (đã có sẵn trên Brattle Media) là kết quả nghiên cứu cả đời của Zander về âm nhạc của Beethoven. Nhưng bất cứ khi nào bạn dành thời gian cho Zander, bạn sẽ nhận thấy cách mà ông cảm thụ âm nhạc cũng như việc ông nghiên cứu âm nhạc không chỉ để truyền tải một cách hoàn hảo tác phẩm mà còn để thấu hiểu sự thần thánh trong âm nhạc của Beethoven.
Tôi đã gặp gỡ Zander để nói chuyện về bản ghi âm mới và những ý tưởng đằng sau, đặc biệt là bày tỏ sự tôn trọng vì ông đã truyền đạt những ẩn ý của Beethoven.
Liệu thế giới có cần thêm một bản thu âm Symphony No. 9 của Beethoven khác hay không? Zanders quả quyết rằng đó là điều cần thiết. Ông đã làm việc hơn 40 năm với các bản giao hưởng và thực hiện nhiều buổi biểu diễn. Ông đam mê nghiên cứu các bản nhạc gốc của Beethoven và thấy rằng bản ghi âm mới lần đầu tiên thể hiện được các đoạn hay nhất trong cùng một bản thu âm.
Để ghi âm cùng với Dàn nhạc và Hợp xướng Philharmonia, cùng các nghệ sĩ solo như Rebecca Evans, Patricia Bardon, Robert Murray, và Derek Welton, Zander đã dành một lượng rất lớn thời gian luyện tập, đặc biệt đối với một tác phẩm mà dàn nhạc đã chơi rất chuyên nghiệp. Có ba buổi diễn tập (buổi cuối cùng là với dàn hợp xướng và nghệ sĩ solo) và năm buổi ghi âm.
Nhiều nhạc sĩ viết cho dàn nhạc giao hưởng đã nhận xét rằng họ chưa bao giờ thực sự nghiên cứu bản nhạc. Và các thành viên dàn hợp xướng từng không mong đợi gì về bản ghi âm này nay đã tìm thấy một sự mặc khải, và trải nghiệm rất nhiều điều kỳ diệu.
Lịch sử của bản ghi âm
Một trong những trọng tâm của bản thu âm mới là việc Zander thể hiện những điểm nhấn trong nhịp điệu của Beethoven. Từ khi còn nhỏ, Zander đã bị cuốn hút bởi nhịp điệu trong các bản giao hưởng của Beethoven.
Trở lại thời điểm năm 1967, Zander thực hiện buổi biểu diễn lần đầu tiên của mình với bản Symphony No. 5 của Beethoven tại Boston, nó đã gây ấn tượng bởi cách tiếp cận của ông đối với tiết tấu và âm nhạc. Chưa ai từng nghe nhạc của Beethoven theo cách này, và mọi người đã xôn xao về buổi biểu diễn. Đây là thời kỳ đầu tiên trong lịch sử mà mọi người tiếp cận được với Beethoven theo cách này. Vì vậy, theo một nghĩa nào đó, Zander đã dành cả đời làm người tiên phong và ông tự hào về điều đó.
Theo ông, bây giờ tin tức di chuyển nhanh chóng và người ta nghe và chia sẻ những buổi biểu diễn mới với tốc độ chóng mặt, nhưng trước khi có Internet, mọi thứ diễn ra chậm hơn. Ông sẵn sàng thừa nhận rằng có những người tiên phong khác trước ông, những người đã thử tiếp cận trên góc độ tiết tấu trong âm nhạc của Beethoven, nhưng không ai trong số họ tạo ra một hiệu ứng toàn cầu.
Zander đã đưa Bản giao hưởng số 9 và Dàn nhạc Giao hưởng Boston đến biểu diễn ở Carnegie Hall vào năm 1992, và nhà phê bình Andrew Porter đã viết một bài đánh giá dài về buổi biểu diễn, ông thảo luận về Beethoven và nhịp điệu như sau, “Nếu Zander nói đúng, vậy thì trước đó chúng ta đã nghe tác phẩm của nhà soạn nhạc vĩ đại nhất trong sự diễn giải sai lệch.”
Zander đã mang ý tưởng này tới BBC, và họ cũng chú ý đến các lý thuyết của ông về tiết tấu trong âm nhạc của Beethoven nhưng nhấn mạnh rằng nó phải được thực hiện trên các nhạc cụ phiên bản cổ (period instruments). Cuối cùng, Roger Norrington đã tổ chức một buổi biểu diễn của BBC với một dàn nhạc cụ phiên bản cổ.
Zander đã rất căng thẳng vào thời điểm đó nhưng giờ ông cảm thấy rất biết ơn, bởi ông thấy rằng phải mất thêm 30 năm nữa mới có thể thấm nhuần thứ âm nhạc đó vào trong tâm khảm. Giờ đây, khi ông nhận được bản tổng phổ, ông lại nghe thấy tiết tấu trong âm nhạc của Beethoven. Chỉ cần chơi theo tiết tấu của Beethoven là không đủ, bạn phải có âm nhạc trong huyết mạch của mình. Ông đã trích dẫn câu nói của Debussy dành cho André Messager tại buổi ra mắt vở opera “Pelléas et Mélisande”: “Ông đã thức tỉnh thành công Pelleas trong âm nhạc bằng một sự dịu dàng tinh tế… nhạc trưởng là người khai mở những giai điệu từ bên trong của bất kỳ bản nhạc nào.”
Beethoven và những nhịp điệu
Beethoven rất thích những phát minh mới về máy đếm nhịp, vì nó cho phép ông hiểu chi tiết hơn về tiết tấu. Hệ thống đánh dấu nhịp độ Italia của ông rất phức tạp nhằm nắm bắt các biến hóa tinh tế của tiết tấu.
Nhưng chiếc máy đếm nhịp của Beethoven sử dụng có nhiều hạn chế: Tốc độ chỉ đi xuống đến 50. Và sự diễn giải những dấu nhịp của Beethoven đã không hoàn hảo, vì vậy, Zander nghiên cứu cuốn sách trò chuyện với Beethoven, cuốn sách ghi lại sự trao đổi của Beethoven với cháu trai Karl để làm rõ ý định chính xác của ông.
Rất nhiều dấu nhịp của Beethoven là không có gì phải bàn cãi, và trong câu chuyện đi kèm với bản ghi âm mới, Zander đã nghiên cứu chúng một cách rất chi tiết, ông cho thấy phần lớn các nhạc trưởng đã tuân thủ theo các dấu nhịp này.
Nhưng có một số lại gây nhiều tranh cãi. Chương cuối của tác phẩm “March” là một ví dụ. Lúc đầu người ta cho rằng tiết tấu của nó chậm, nhưng khi kiểm tra lại trong cuốn sách trò chuyện, Zander nhận ra rằng tiết tấu mà Beethoven muốn nhắm đến nhanh hơn nhiều.
Với tiết tấu mới, trong chương cuối của “March”, khi toàn bộ dàn nhạc cùng chơi, các nhạc sĩ phải chơi rất nhanh. Khi ghi âm, họ chỉ đúng nhịp được một lần – “vô cùng căng thẳng,” Zander nhớ lại. Nhưng chỉ huy dàn nhạc là Stephanie Gonley đã gợi ý rằng nghệ sĩ chơi đàn dây nên di chuyển cây vĩ thật nhanh trên dây hơn là không chơi – một cách dễ dàng hơn cho buổi biểu diễn cổ điển thuần túy – và nó giúp thực hiện được việc tăng nhịp. Zander sử dụng cách này để minh họa làm thế nào để dàn nhạc phối hợp thật ăn ý với ông trong các buổi thu âm.
Một trong những vấn đề gây tranh cãi hơn là bộ ba Scherzo, một người thưởng thức buổi biểu diễn này lần đầu tiên sẽ cảm thấy vô cùng phấn khích – có điều gì đó không giống với tốc độ chậm hơn như truyền thống. Và Zander hướng đến một mô típ lặp lại khoảng 27 lần, ông cảm thấy rằng nhịp độ nhanh hơn sẽ khiến cho sự lặp lại có ý nghĩa.
Một trong những điểm chính khác của Zander là các dàn nhạc hiếm khi chơi chính xác cường độ của Beethoven. Trong nhiều nghiên cứu của chúng tôi, ông chỉ ra những chỗ trên bản nhạc ghi pianissimo (âm lượng rất nhỏ) đã bị bỏ qua và chỗ ghi forters (tăng dần cường độ) lại được chơi fortissimo (cực to). Ví dụ, dàn nhạc được chơi ở tốc độ pianissimo lúc đầu, và khi tới mở màn của những nghệ sĩ solo thì lại là một tông giọng khác, rất hiếm khi đủ nhẹ nhàng để giọng nữ cao không lấn át giọng nữ trung.
Zander yêu cầu các nghệ sĩ độc tấu và các thành viên hợp xướng thể hiện cảm xúc của ca từ thay vì la hét chúng, bởi vì có khá nhiều dấu piano (cường độ nhỏ) trong tổng phổ. Một số chi tiết này rất dễ nhầm lẫn: Bản hòa tấu cuối cùng “vor Gott” là fortissimo với một diminuendo (âm lượng giảm dần) vì đoạn sau là piano (nhỏ), và sau đó trong đoạn tiếp theo, tiếng của piccolo được cho là pianissimo. Để làm đúng được như vậy, ông đã cần tới ba buổi tập.
Một cái nhìn rộng lớn hơn
Zander tự gọi mình là một giáo viên. Bản thu âm mới của ông về Bản giao hưởng số 9 của Beethoven gồm hai đĩa giới thiệu, ông đã giải thích cách ông tìm hiểu và đi đến kết luận về tiết tấu và những vấn đề khác trong âm nhạc của Beethoven. Ông muốn nhắm đến một điều gì đó cao hơn là học thuật thuần túy. Ông hy vọng rằng mọi người sẽ lắng nghe những điều ông truyền tải và hiểu sâu sắc hơn về âm nhạc, ông hy vọng sẽ hướng dẫn được mọi người cách nghe nhạc.
Với ý nghĩ đó, Zander cũng có một cái nhìn thực tế về bản tổng phổ. Có một đoạn viola chơi trong chương cuối cùng nhưng chưa từng được nghe thấy; Zander cho rằng sự tính toán sai lầm này là do Beethoven bị mất thính giác. Để bù đắp vào việc đó, ông đã sử dụng gấp đôi viola cùng với các loại kèn, khiến cho thông điệp âm nhạc (musical line) lần đầu tiên hiện lên trong kết cấu tổng thể, một điều khiến ông cảm thấy rất thỏa mãn. Và ông điều chỉnh bộ trống định âm, bởi thời của Beethoven các trống định âm thiếu linh hoạt hơn hiện nay.
Khi nghe buổi diễn, mà Zander gọi là “nổi da gà”, ông tin rằng chúng ta có thể hiểu Beethoven một cách sâu sắc hơn, ông sống ở bên rìa không gian vũ trụ và hướng tới những điều mà chúng ta chỉ có thể hình dung. Luôn có những con đường để chạm đến niềm vui tột đỉnh, mặc dù bản thân Beethoven phải sống trong bóng tối thăm thẳm.
Khi Zander cảm thấy thoải mái với thực tế rằng những quan điểm và cách diễn giải âm nhạc khác sẽ đồng thời tồn tại, ông thấy tầm nhìn của Beethoven vĩ đại hơn rất nhiều khi chúng ta có thể truyền tải những gì mà nhà soạn nhạc này muốn, không chỉ đơn giản là theo những dấu nhịp, mà là trong từng chi tiết của tổng phổ. Một trong những lời bình luận của Zander đã đúc kết lại lập trường của ông là: Ông ấy không phải một vị thần, ông ấy là nhạc trưởng, “do đó đừng cẩu thả với âm nhạc của Beethoven.”
Bạn có thể tìm hiểu thêm về màn trình diễn bản Symphony No. 9 của Beethoven qua đoạn giới thiệu trên trailer on Vimeo.
Bài viết trên đã được chỉnh sửa, rút gọn so với phiên bản gốc đã được đăng trên Planet Hugill. Robert Hugill là một nhà soạn nhạc, giảng viên, nhà báo và blogger âm nhạc cổ điển. Ông điều hành blog nhạc cổ điển Planet Hugill, là cây viết cho trang web Opera Today, tạp chí Opera Today và Opera. Ông giảng dạy và thuyết trình trước buổi hòa nhạc về opera và nhạc cổ điển ở London. Với tư cách là một nhà soạn nhạc, đĩa “Quickening” của ông đã được phát hành bởi Navona Records vào năm 2017. Bài báo này được đăng lại với sự cho phép của Planet Hugill.
Thuần Thanh biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times