Vũ Hán: Người dân xuống đường biểu tình buộc chính quyền dỡ bỏ lệnh phong tỏa
Hôm 04/09, cư dân ở một khu vực bị phong tỏa ở Vũ Hán, Trung Quốc đã xuống đường đối mặt với cảnh sát và nhân viên an ninh để phản đối việc phong tỏa cộng đồng của họ trong bối cảnh bùng phát dịch COVID-19 gần đây.
Vũ Hán, thành phố thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, nơi đại dịch COVID-19 lần đầu tiên bùng phát, đã áp đặt đợt phong tỏa cục bộ mới nhất này khi phát hiện các ca nhiễm không có triệu chứng hồi cuối tháng Tám.
Hôm 27/08, ban chỉ huy phòng chống dịch của Bàn Long Thành (Panlongcheng) cho biết trong một công văn rằng Bàn Long Thành, một khu phát triển kinh tế ở ngoại ô phía tây bắc của Vũ Hán, đã bị phong tỏa từ hôm 26/08.
Theo thông báo, cư dân bị cấm rời khỏi nhà của họ; tất cả các địa điểm công cộng đã được lệnh đóng cửa ngoại trừ các siêu thị và cơ sở y tế được chính phủ chỉ định; đồng thời phương tiện giao thông công cộng cũng bị ngừng hoạt động.
Bàn Long Thành là nơi có nhiều khu dân cư và xưởng sản xuất công nghiệp lớn, với dân số hơn 250,000 người.
Đã gần mười ngày trôi qua, nhưng khu vực này vẫn bị phong tỏa, cũng không có tin tức gì từ chính quyền về thời điểm họ định dỡ bỏ các biện pháp hạn chế.
Đoạn video do ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times thu được cho thấy các cư dân trong nhiều khu dân cư tụ tập để phản đối, hô vang: “Chúng tôi đề nghị dỡ bỏ phong tỏa” và “Chúng tôi muốn có thức ăn! Chúng tôi cần phải trả tiền đi vay! Gia đình của chúng tôi cần được chu cấp!”
Các cuộc biểu tình phản đối chính sách zero COVID của chính quyền cộng sản này đã được chứng kiến ở một số thành phố trên khắp Trung Quốc trong năm nay, như Trùng Khánh, Bắc Kinh, Thiên Tân, và Thượng Hải.
Ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times đã liên lạc với nhiều nguồn khác nhau ở Bàn Long Thành, họ xác nhận rằng các cuộc biểu tình đã nổ ra ở nhiều khu dân cư. Một trong những nguồn tin nói với ấn phẩm này rằng hơn 2,000 người đã tụ tập để phản đối tại ba tòa chung cư là Tòa Tuấn, Tòa Cẩm, và Tòa Ngự của khu chung cư phức hợp Sào Thượng Thành.
Cô Trương Thanh (Zhang Qing, hóa danh), một cư dân địa phương, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 04/09, “Chúng tôi muốn trở lại làm việc vì chúng tôi phải trả hết các khoản thế chấp và vay mua xe hơi; chúng tôi còn phải nuôi con và phụng dưỡng cha mẹ.”
Cô Trương nói thêm: “Đại dịch sẽ không khiến người ta tử vong, nhưng những khó khăn trong cuộc sống thì sẽ làm điều đó.”
Người dân sống trong phong tỏa sợ bị mất việc
Vì lệnh phong tỏa này chỉ mang tính cục bộ, nên nhân viên sống trong các khu vực bị phong tỏa bắt đầu lo lắng rằng họ có thể mất việc làm vì một số doanh nghiệp ở các khu vực không bị phong tỏa vẫn đang tiếp tục hoạt động bình thường.
Cô Trương là một trong số đó. Cô nói rằng cô không thể kham nổi giá thực phẩm cao trong khi cô không nhận được lương trong tình trạng phong tỏa.
Cô Trương nói: “Công ty của tôi đã trở lại hoạt động bình thường vào đêm qua, nhưng tôi vẫn bị giam hãm trong nhà.”
“Tôi đã không đi làm hơn mười ngày nay. Có ông chủ nào mà lại đi trả tiền cho anh khi anh không làm việc trong một thời gian dài như vậy chứ?” cô nói và cho biết thêm rằng giờ đây cô đang thấp thỏm lo sợ rằng công ty có thể sẽ sa thải cô.
Giá thực phẩm tăng vọt
Vì những cư dân bị phong tỏa không được phép rời khỏi nhà của họ, nên họ phải dựa vào ủy ban dân phố để tiếp cận nguồn cung cấp thực phẩm được cho là cung cấp định kỳ thực phẩm cho cư dân theo khẩu phần từ các siêu thị lớn.
Tuy nhiên, những tổ dân phố này đã không cung cấp bất kỳ thực phẩm nào cho cư dân trong mười ngày qua, khiến người dân phải sống bằng nhu yếu phẩm mà họ tự mua từ các tiểu thương, theo cô Trương, người được tổ dân phố cho phép tiếp cận cư dân. Nhưng giá cả các mặt hàng đó thực sự rất cao.
Hôm 04/09, ông Phó (hóa danh), một cư dân của Bàn Long Thành, nói với ấn phẩm rằng giá thực phẩm đã “tăng hơn gấp đôi” so với giá thông thường.
“Các chợ nông sản đều đóng cửa, và chúng tôi không thể ra khỏi nhà,” ông Phó nói. “Những người bán hàng rong có thể đến tận khu dân cư và rao bán với giá cắt cổ.”
Ông nói thêm rằng giá thực phẩm cao là một trong những lý do khiến cư dân xuống đường biểu tình.
Cô Trương nói với The Epoch Times, dưa chuột có giá 16 nhân dân tệ (2.30 USD)/kg (2.2 lbs), các loại đậu là 30 nhân dân tệ (6.40 USD)/kg và cà chua là 11 nhân dân tệ (1.60 USD)/kg.
Theo cô Trương, các nhà cung cấp thực phẩm lớn như siêu thị không thể tiếp cận được với từng người dân. “Họ chỉ giao dịch với ủy ban dân phố và những người quản lý tòa nhà. Nhưng cả ủy ban dân phố lẫn người quản lý tòa nhà đều không đưa ra sự hỗ trợ nào [để thu xếp việc bán thực phẩm trực tiếp từ các siêu thị].”
Một số nền tảng mua hàng theo nhóm trực tuyến được mở để mua sắm trực tuyến. Cô Trương cho biết, “Nhưng chúng tôi không có giấy thông hành để ra ngoài, và các doanh nghiệp trực tuyến cũng không có giấy phép để đi vào, vì vậy chúng tôi không có cách nào để có được thực phẩm mà chúng tôi mua trực tuyến.”
Nhiều người đã chỉ trích các quan chức địa phương vì đã không làm nhiều hơn để hỗ trợ người dân trong tình thế khó khăn này.
Phản đối những hạn chế của chính sách zero COVID, xét nghiệm PCR
“Chúng tôi bị phong tỏa bởi vì có một ca dương tính mà lịch sử tiếp xúc của người này có liên quan đến cộng đồng của chúng tôi,” ông Phó nói và cho biết thêm rằng do đó, cộng đồng của ông ấy đã được chỉ định là khu vực “có nguy cơ lây nhiễm cao”.
Cơ quan y tế cấp tỉnh hàng đầu của tỉnh Hồ Bắc cho biết, các lệnh phong tỏa gần đây trong thành phố được thực hiện do tám ca dương tính không có triệu chứng được phát hiện hôm 24/08 thông qua chính sách xét nghiệm PCR thường xuyên bắt buộc của chính quyền địa phương.
Theo một báo cáo trên NetEase, một cổng thông tin trực tuyến lớn của Trung Quốc, vào sáng ngày 25/08 khi người dân chuẩn bị đi làm như thường lệ, một số lối ra của Bàn Long Thành và các ga tàu điện ngầm của quận đã bị chặn lại mà không hề được thông báo.
Một nữ cư dân họ Hạ (hóa danh) nói với The Epoch Times rằng yêu cầu xét nghiệm PCR hàng ngày ở Bàn Long Thành và việc phong tỏa đã khiến cô lo lắng.
“Ngày nào chúng tôi cũng phải làm xét nghiệm PCR, và giờ đây chúng tôi vẫn phải án binh bất động trong nhà của mình,” cô nói khi chỉ trích các biện pháp giám sát COVID-19 hàng loạt.
Ông Phó cho biết thật là vô nghĩa khi áp dụng các biện pháp phong tỏa chặt chẽ thế này, khi mà virus COVID-19 lây lan qua các ca nhiễm không có triệu chứng mà mọi người thậm chí không nhận ra.
Ông nói: “Cái gọi là các chính sách zero COVID linh hoạt khiến toàn xã hội phải gánh chịu hậu quả.” Ông nói thêm rằng người dân đã quá mệt mỏi với những chính sách như thế này.
“Một số người đã hét lớn trong các cuộc biểu tình: ‘Đẩy thuyền đi là nước, mà lật thuyền cũng là nước!’” ông Phó nói với The Epoch Times, trích dẫn một câu thành ngữ cổ của Trung Quốc khuyên nhà cầm quyền hãy đối xử tốt với người dân của mình, vì họ cũng chính là những người có thể lật đổ chính phủ.
Hôm 04/09, ban quản lý Bàn Long Thành đã ban hành một thông báo về các biện pháp cách ly nới lỏng. Cư dân của một số cộng đồng được thông báo rằng họ có thể rời khỏi nhà của họ, nhưng không được rời khỏi khu dân cư nơi mình sống. Cư dân trong các cộng đồng nào không được coi là có nguy cơ cao được cho biết họ có thể rời khu dân cư của mình khi có kết quả xét nghiệm PCR âm tính.
Bản tin có sự đóng góp của Lâm Sầm Tâm, Dịch Như, và Cố Hiểu Hoa
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times