Vụ bê bối xã hội chủ nghĩa ở Liên minh Âu Châu: Đây là bài học cho Hoa Kỳ
Liên minh Âu Châu hiện đang ở giữa một trong những vụ bê bối tham nhũng lớn nhất cho đến nay.
Có những cáo buộc đáng tin cậy rằng Qatar— quốc gia vùng Vịnh gần đây tổ chức Giải Vô địch Bóng đá Thế giới — đã hối lộ một số nhân vật cao cấp của Liên minh Âu Châu để gây ảnh hưởng lên chính trường Âu Châu.
Một số người có thể hỏi khó: Dù sao đi nữa thì tại sao chúng ta lại phải quan tâm đến điều rõ ràng là một vụ bê bối của Âu Châu?
Rất đơn giản: Sự việc này cho thấy những nguy hiểm của việc nhượng lại chủ quyền quốc gia và đặt hệ tư tưởng lên trên lợi ích thực tế. Chính sách của EU tình cờ đa phần là được dẫn dắt bởi hệ tư tưởng của cánh tả. Giới tinh hoa chính trị ở Hoa Kỳ tìm cách bắt chước cả mô hình kỹ trị ở Âu Châu và sự thúc đẩy của cánh tả ở đằng sau chế độ chính trị siêu quốc gia của họ.
Các cá nhân tham gia vào kế hoạch tham nhũng cấp cao này, bằng cách này hay cách khác, đều có liên hệ với các đảng phái và các tổ chức chính trị thiên tả.
Với nhiều mối liên hệ khác nhau, vụ bê bối tham nhũng của người Qatar có thể dính líu (hoặc ít nhất dẫn đến các cuộc điều tra và thẩm vấn) lên tới 60 Nghị viên của Nghị viện Âu Châu (MEP), hầu hết là các thành viên của nhóm nghị sĩ Những người Xã hội chủ nghĩa và Những người Cải cách của cơ quan này.
Nhưng câu trả lời về lý do tại sao quý vị nên quan tâm đến tình trạng hỗn độn này của Âu Châu lại có đôi chút liên quan đến khuynh hướng chính trị của những người hữu quan (mặc dù không nhất thiết phải bỏ qua thực tế rằng họ đều là những chính trị gia cực tả).
Ở đất nước này, chúng ta thường được bảo rằng EU đại diện cho một mô hình quản trị ưu việt hơn mô hình quản trị của chúng ta. Trong khi duy trì một số sáng kiến lập pháp nhất định, thì tổ chức này buộc các quốc gia thành viên phải từ bỏ phần lớn chủ quyền quốc gia của họ và trao quyền ra quyết định cho một nhóm quan chức tinh hoa đa phần không được người dân bầu chọn.
Đây là điều mà các nhà lãnh đạo chính trị của chúng ta mong muốn hướng tới: loại bỏ quyền lực khỏi cử tri Mỹ, và đưa quyền lực đó vào các cơ quan không được dân cử của các nhà kỹ trị và “các chuyên gia”, những người có thể thực thi quy tắc hành chính hiệu quả với cái giá phải trả là chủ nghĩa cộng hòa lộn xộn và mang tính dân tộc kiểu Mỹ.
Chẳng hạn, hôm 18/12, EU đã đạt được một thỏa thuận về thuế biên giới carbon lớn đầu tiên trên thế giới. Điều này sẽ làm tăng đáng kể giá năng lượng nhập cảng vào Liên minh Âu Châu. Đồng thời, các ngành công nghiệp sử dụng nhiều carbon ở Âu Châu phải tuân theo các tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt nhất thế giới. Vì vậy, việc nhập cảng nhiên liệu giá rẻ trở nên khó khăn hơn, trong khi hoạt động sản xuất bên trong EU vẫn bị cản trở bởi giá năng lượng cao. Kết hợp lại với nhau, mục đích là bảo đảm rằng chi phí nhiên liệu “bẩn” vẫn cao ngất ngưởng ở lục địa Âu Châu trong khi quy định đối với ngành công nghiệp trở nên thậm chí còn ngặt nghèo hơn.
Mục tiêu phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2050 được ưu tiên hơn khả năng của các quốc gia thành viên EU trong việc bảo đảm năng lượng an toàn cho toàn bộ công dân của mỗi quốc gia — và các lĩnh vực sản xuất. Người ta nghi ngờ liệu các quốc gia này có sẵn sàng chấp nhận các quy định chính sách ý thức hệ như vậy với cái giá phải trả là lợi ích của chính họ nếu như không phải chịu áp lực từ Brussels hay không.
Đối với Hoa Kỳ, kế hoạch khí hậu trị giá 370 tỷ USD của chính phủ ông Biden được coi là một mối đe dọa tiếp theo đối với ngành sản xuất của Âu Châu. Chiến lược cung cấp tín thuế xe điện và trợ cấp cho các sáng kiến “xanh” có thể thu hút doanh nghiệp từ lục địa Âu Châu vào Hoa Kỳ một cách hiệu quả đồng thời giảm xuất cảng xe điện (EV) của EU sang Hoa Kỳ. Xe điện không nhận được các khoản tín thuế ở Âu Châu và, do đó, có chi phí sản xuất đắt hơn.
EU coi hành động chính sách này của Hoa Kỳ là một hình thức trục lợi chiến tranh. Trong khi Chiến tranh Nga-Ukraine đe dọa một mùa đông rất lạnh giá, rất đắt đỏ ở Âu Châu, thì Mỹ được coi là đang cố gắng trộm lấy hoạt động sản xuất của EU trong khi đồng thời kéo dài chiến tranh.
Mặc dù nhiều người Âu Châu tiếp tục ủng hộ Kiev trong cuộc đấu tranh đang diễn ra, nhưng khá nhiều người bắt đầu đổ lỗi cho Hoa Kỳ vì đã thổi bùng ngọn lửa chiến tranh và gặt hái những lợi ích từ việc tăng doanh số bán vũ khí, chưa kể đến việc lợi dụng năng suất kinh tế giảm của EU. Nhà lãnh đạo Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thậm chí đã thảo luận việc đáp trả những gì họ tuyên bố là sự cố ý bóp méo thị trường nhằm chuyển sản xuất sang Hoa Kỳ.
Là một người ủng hộ chính sách đặt nước Mỹ lên hàng đầu, tôi không nhất thiết có vấn đề với nỗ lực ưu tiên lợi ích của bản thân chúng ta bằng chi phí của người khác — nếu chúng thực sự có lợi cho Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, cuối cùng thì, mục tiêu của Hoa Kỳ và Âu Châu là một và giống nhau: giữ cho các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ tiếp tục theo đuổi các mục đích ý thức hệ bằng cách tăng cường kiểm soát của chính phủ đối với các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.
Hiệu ứng ròng? Cả hai đều trở nên ít độc lập hơn, quyền tự do kinh tế và quyền sở hữu của công dân trở nên kém an toàn hơn, và gia tăng sự phụ thuộc tiếp sau đó vào những biến động của các quốc gia ngoại quốc.
Ông Mohammad Chahim, một chính trị gia xã hội chủ nghĩa người Hà Lan, người đã làm việc về luật thuế biên giới carbon cho Nghị viện Âu Châu, gọi biện pháp này là một “trụ cột quan trọng” của các chính sách khí hậu Âu Châu.
Tất cả các chính trị gia xã hội chủ nghĩa hiện đang là mục tiêu trong vụ bê bối tham nhũng đang diễn ra chắc chắn sẽ đồng ý với đánh giá này. Trong khi Âu Châu tiếp tục phá hủy khả năng tiếp cận nguồn năng lượng sẵn có và rẻ của chính mình, thì EU phải tìm kiếm các nguồn thay thế để giữ cho đèn sáng và sưởi ấm lưu thông.
Một trong những nguồn thay thế này tình cờ, trong số tất cả các nơi, là Qatar. Tháng trước, Đức đã ký hợp đồng 15 năm với Quốc gia vùng Vịnh này để nhập cảng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Qatar chịu trách nhiệm cho ¼ lượng nhập cảng LNG của EU hồi năm ngoái. Các nhà lãnh đạo của họ hiện tuyên bố rằng những cáo buộc liên tục về tham nhũng của người Qatar có thể có tác động tiêu cực đến sự hợp tác giữa hai bên.
Vụ bê bối tham nhũng có bất kỳ mối liên quan nào với việc tiếp cận LNG của người Qatar không? Có thể là không, nhưng thực tế là EU đã chọn ưu tiên các nghị trình chính sách xanh hy sinh an ninh năng lượng thì chắc chắn có nghĩa là khối này thậm chí còn có ít đòn bẩy hơn khi nói đến chính sách đối ngoại của mình. Nếu như Qatar làm theo và cắt giảm nguồn cung, đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào một EU vốn đã suy yếu. Có khả năng là Brussels sẽ phải đưa ra loại cành ô liu nào đó để ngăn chặn điều này xảy ra.
Thật không may, bản chất loạn luân của giới tinh hoa chính trị ở Âu Châu không quá khác biệt so với những gì xảy ra ở Hoa Thịnh Đốn. Vụ bê bối đang diễn ra cho thấy việc loại bỏ quyền lực khỏi tay quốc gia có chủ quyền làm tăng khoảng cách ra sao giữa các nhà hoạch định chính sách và các cá nhân mà họ có nghĩa vụ phải trả lời. Không gian này thường chứa đầy ý thức hệ. Khả năng xảy ra tham nhũng ngầm và giao dịch hậu trường mờ ám sau đó cũng tăng vọt.
Tương tự như vậy, nếu các van dầu và khí đốt của Mỹ vẫn mở, thì Hoa Kỳ sẽ có thêm bao nhiêu đòn bẩy để bảo vệ ngành công nghiệp của chính mình trong khi đồng thời hỗ trợ khả năng tiếp cận năng lượng an toàn của Âu Châu mà không cần quay sang các nước vùng Vịnh? Khi quý vị có các lựa chọn ở trên bàn, và có đủ cho mọi người ăn, thì chính sách đối ngoại không nhất thiết phải là một nỗ lực có tổng bằng không.
Nhưng mà chính lúc cả bộ tộc đang chết đói thì việc săn bắn trở thành việc mỗi người tự lo cho bản thân mình.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times