Vụ án bầu cử ở Hoa Thịnh Đốn: Tòa phúc thẩm phê chuẩn và thu hẹp lệnh bịt miệng cựu TT Trump
Một thẩm phán viết cho hội đồng xét xử: “Cựu tổng thống phải hầu tòa trong phòng xử án theo các thủ tục tương tự áp dụng cho tất cả các bị cáo hình sự khác.”
Một hội đồng gồm ba thẩm phán của Tòa Phúc thẩm Liên bang Khu vực Hoa Thịnh Đốn đã phê chuẩn một lệnh bịt miệng mà Thẩm phán Tòa án Địa hạt Liên bang Tanya Chutkan ban hành lúc đầu, cấm cựu Tổng thống (TT) Donald Trump đưa ra những tuyên bố nhắm vào một số nhóm người liên quan đến một vụ án buộc tội ông can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2020.
Ý kiến và lệnh dài 68 trang này đã cung cấp thêm một số chi tiết cụ thể cho lệnh ban đầu của Thẩm phán Chutkan, thu hẹp phạm vi của lệnh bịt miệng đó.
Cựu tổng thống bị cấm “đưa ra hoặc chỉ thị người khác đưa ra tuyên bố công khai về các nhân chứng đã biết hoặc có thể đoán trước một cách hợp lý liên quan đến sự tham gia tiềm năng của họ vào cuộc điều tra hoặc thủ tục tố tụng hình sự này.” Trước đó, lệnh này cấm TT Trump đưa ra bất kỳ tuyên bố nào nhằm “nhắm mục tiêu” vào bất kỳ nhân chứng tiềm năng nào hoặc nội dung lời khai tiềm năng của họ.
Ông cũng được phép đưa ra các tuyên bố về Biện lý Đặc biệt Jack Smith, người mà các thẩm phán tòa phúc thẩm đã xem là một nhân vật của công chúng trong phiên điều trần trước đó.
Tuy nhiên, ông bị cấm đưa ra những tuyên bố về nhân viên [pháp lý], bao gồm các biện lý liên bang khác, gia đình của họ, và bất kỳ nhân viên tòa án nào và gia đình họ “nếu những tuyên bố đó được đưa ra với mục đích can thiệp nghiêm trọng hoặc khiến người khác can thiệp nghiêm trọng vào công việc của luật sư hoặc của nhân viên trong vụ án hình sự này, hoặc biết rằng sự can thiệp đó rất có thể xảy ra.”
Điều này khiến việc cấm những tuyên bố chỉ “nhắm mục tiêu” vào nhân viên pháp lý và tòa án trong lệnh bịt miệng ban đầu được giữ nguyên hiệu lực.
Bản ý kiến viết: “Chúng tôi hủy bỏ Lệnh cấm đó trong phạm vi bao gồm các tuyên bố ngoài các danh mục được chỉ định đó.”
Hội đồng phúc thẩm đã thông qua lập luận của Thẩm phán Chutkan, viết rằng “một số khía cạnh trong các tuyên bố công khai của ông Trump gây ra mối đe dọa đáng kể và sắp xảy ra đối với việc xét xử công bằng và có trật tự trong các thủ tục tố tụng hình sự đang diễn ra” và phê chuẩn cho một lệnh bịt miệng.
“Tuy nhiên,” họ lưu ý rằng, lệnh bịt miệng ban đầu “bao gồm nhiều ngôn luận được bảo vệ hơn mức cần thiết. Vì lý do này, chúng tôi xác nhận một phần lệnh của tòa án địa hạt và hủy bỏ một phần lệnh đó.”
Ý kiến này đã bị bôi đen một phần và tòa án đã cho các bên thời hạn đến ngày 18/12 để tranh luận về việc liệu các văn bản bị bôi đen một phần có nên được công khai hay không.
Lệnh mới cũng nhắc lại lời giải thích của Thẩm phán Chutkan rằng cựu TT Trump được phép đưa ra các tuyên bố chỉ trích chính phủ TT Biden, bao gồm cả Bộ Tư pháp, cũng như các tuyên bố về việc ông tin rằng cuộc truy tố này có động cơ chính trị.
“Chúng tôi không dễ dàng cho phép một lệnh như vậy,” Thẩm phán Patricia Ann Millett thay mặt cho hội đồng viết. “Ông Trump là cựu Tổng thống và hiện là ứng cử viên cho chức tổng thống, và công chúng rất quan tâm đến những gì ông ấy nói. Nhưng ông Trump cũng là một bị cáo hình sự bị truy tố, và ông ấy phải hầu tòa trong phòng xử án theo các thủ tục tương tự áp dụng cho tất cả các bị cáo hình sự khác. Đó chính là ý nghĩa của pháp quyền.”
Hội đồng này còn có Thẩm phán Cornelia Pillard và Thẩm phán Bradley Garcia.
Sự cân bằng
Trong phiên điều trần trước đó, hội đồng đã nhấn mạnh rằng họ tìm cách cân bằng các vấn đề của Tu chính án thứ Nhất với nhu cầu bảo vệ tính toàn vẹn của quá trình tố tụng. Để đạt được điều đó, Thẩm phán Millet nhấn mạnh trong bản ý kiến rằng rằng lệnh bịt miệng này phải được thu hẹp lại.
Ý kiến này trích dẫn một số bài đăng và trích dẫn trên mạng xã hội trong đó cựu TT Trump đã nêu lên những cá nhân, bao gồm “một số quan chức tiểu bang và địa phương.”
Văn phòng Biện lý Đặc biệt đã cung cấp lời khai từ một số quan chức này. Họ nói rằng sau khi có các bài đăng trên mạng xã hội của cựu TT Trump, họ đã nhận được những lời đe dọa có tính chất “sinh động” và “cụ thể” đôi khi bao gồm tên và ảnh của các thân nhân và tư gia của họ.
Bên công tố đã tìm cách đưa ra một mô hình hoặc động lực quấy rối làm cơ sở cho một lệnh bịt miệng. Các luật sư biện hộ lập luận rằng bên công tố đã không cung cấp bằng chứng cụ thể nào liên quan đến vụ án này.
Tòa phúc thẩm cho rằng các bị cáo hình sự có thể nói “về những vấn đề cụ thể liên quan đến phiên tòa hình sự.”
Thẩm phán viết rằng họ coi trọng các quyền của Tu chính án thứ Nhất và kết luận rằng quyền được xét xử công bằng của TT Trump không mang lại cho ông quyền có “một phiên tòa có có lợi cho mình.”
Thẩm phán Millet giải thích thêm rằng, việc khẳng định một phần lệnh bịt miệng này được coi là bắt buộc về mặt pháp lý xét theo nghĩa vụ của tòa án là “bảo vệ tính toàn vẹn của quá trình tư pháp hình sự,” đồng thời lưu ý tính chất nổi bật của vụ án cũng như “sự quan tâm và đưa tin rộng rãi trên truyền thông.”
“Tòa án không thể đứng yên và chờ đợi ‘không khí lễ hội’ giảm xuống trước khi hành động,” bà viết.
Vụ án bầu cử bước vào giai đoạn mới
Cựu TT Trump đã bị đưa ra bốn cáo buộc trong vụ án bầu cử này, vốn vừa bước vào giai đoạn mới của thủ tục tố tụng trước xét xử.
Thẩm phán Chutkan gần đây đã bác bỏ hai trong số bốn kiến nghị bác bỏ vụ án của cựu TT Trump, tạo cơ sở cho việc kháng cáo.
Hôm 07/12, nhóm pháp lý của cựu TT Trump đã đệ trình một thông báo kháng cáo, và đề nghị hoãn lại tất cả các thủ tục tố tụng trong khi quá trình này đang được tiến hành, rất có thể sẽ ảnh hưởng đến ngày xét xử ngày 04/03/2024 mà thẩm phán Chutkan đã tái khẳng định một cách kiên quyết.
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times