Biện lý đặc biệt đề nghị Tối cao Pháp viện ra quyết định cho lời bào chữa của TT Trump về quyền miễn trừ
Các công tố viên vẫn kiên quyết rằng phiên tòa xét xử phải diễn ra vào ngày 04/03/2024 — một ngày trước cuộc bầu cử sơ bộ Siêu Thứ Ba.
Văn phòng biện lý đặc biệt đang ngăn cản cựu Tổng thống (TT) Donald Trump kháng cáo vụ án của ông lên Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ bằng cách kiến nghị tòa án cấp cao này đưa ra một lệnh của tòa cấp trên trước khi xét xử — một quyết định tức thì — về việc liệu cựu tổng thống có thể dựa vào lời bào chữa quyền miễn trừ của tổng thống hay không.
Biện lý Đặc biệt Jack Smith đã buộc tội cựu TT Trump với bốn cáo buộc liên quan đến hành động thách thức kết quả bầu cử năm 2020; cựu TT Trump đã đệ trình bốn kiến nghị để bác bỏ vụ án. Một số kiến nghị đã bị Thẩm phán Tòa Địa hạt Liên bang Tanya Chutkan từ chối, và kể từ đó nhóm biện hộ đã kháng cáo lên tòa phúc thẩm liên bang về đề nghị bác bỏ, dựa trên [lập luận về] quyền miễn trừ của tổng thống.
Các công tố viên đang đặt câu hỏi cho Tối cao Pháp viện: “Liệu một cựu Tổng thống có được miễn trừ hoàn toàn khỏi việc truy tố liên bang đối với những hành vi tội phạm xảy ra khi còn đương chức hay không, hay là được Hiến Pháp bảo vệ khỏi bị truy tố liên bang khi ông bị đàn hặc nhưng không bị kết án trước khi thủ tục tố tụng hình sự này bắt đầu.”
Cựu TT Trump đã yêu cầu tòa án địa hạt tạm hoãn thủ tục tố tụng trong thời gian chờ kháng cáo, lưu ý rằng ông sẽ yêu cầu tòa phúc thẩm tạm hoãn nếu tòa án địa hạt không chấp thuận việc này. Nếu được chấp thuận ở một trong hai tòa án, thì sách lược pháp lý này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lịch trình xét xử.
Các công tố viên hiện đang yêu cầu Tối cao Pháp viện đưa ra phán quyết trước khi có phán quyết của tòa phúc thẩm.
“Vụ án này đặt ra một câu hỏi căn bản về điều cốt lõi của nền dân chủ chúng ta,” nhóm của biện lý đặc biệt lập luận trong hồ sơ mới. “Tòa án địa hạt đã bác bỏ yêu cầu của bị cáo, thừa nhận một cách chính xác rằng các cựu Tổng thống không đứng trên luật pháp và phải chịu trách nhiệm về những hành vi vi phạm luật hình sự liên bang khi còn đương chức.”
Họ cho rằng chiến lược pháp lý của cựu TT Trump tại tòa phúc thẩm hiện đang gây ảnh hưởng đến phiên tòa xét xử vào ngày 04/03/2024 sắp tới.
Các công tố viên lập luận rằng: “Điều quan trọng đối với công chúng là các yêu cầu miễn trừ của bị cáo phải được Pháp viện này định đoạt và phiên tòa xét xử bị cáo phải được tiến hành nhanh chóng nhất có thể nếu yêu cầu miễn trừ của ông ấy bị bác bỏ.”
Họ cho rằng cựu TT Trump đã “lầm lẫn nghiêm trọng” về luật pháp và chỉ có Tối cao Pháp viện mới có thể “định đoạt rõ ràng” các vấn đề này. Nếu tòa án ra một lệnh của tòa cấp trên trước khi phán quyết, thì như vậy “có thể đưa ra giải pháp nhanh chóng mà vụ án này cần.”
Vị Tổng thống thứ 45, người đã không nhận tội đối với 91 cáo buộc hình sự, cũng đang phải đối mặt với một phiên tòa xét xử vào tháng 05/2024 trong một vụ án hình sự liên bang ở Khu vực phía Nam Florida. Phiên tòa này gần như chắc chắn sẽ bị hoãn lại trong bối cảnh thẩm phán chuẩn bị xem xét lại lịch trình xét xử vào tháng Một này.
Tại Georgia, các công tố viên đã đẩy nhanh việc bắt đầu xét xử vào tháng 08/2024, mà luật sư của cựu TT Trump cho rằng quá gần với cuộc tổng tuyển cử và điều này có thể đặt các bồi thẩm viên vào tình thế bỏ phiếu ủng hộ hoặc chống lại ông trong khi họ đang cố gắng xét xử vụ án một cách khách quan.
Cựu TT Trump cũng đang phải đối mặt với các cáo buộc hình sự ở Manhattan; các công tố viên ban đầu ấn định ngày xét xử vào tháng 03/2024, nhưng tòa án quyết định hoãn vụ án này khi xét đến lịch trình của các vụ án hình sự khác.
Ngoài ra, cựu TT Trump còn phải đối mặt với một số vụ kiện dân sự, một trong số đó đang diễn ra ở New York và hai vụ khác sắp được xét xử vào giữa tháng Một.
Quyền miễn trừ của Tổng thống?
Hôm 01/12, một tòa phúc thẩm liên bang đã ra phán quyết rằng quyền miễn trừ của tổng thống không bảo vệ cựu TT Trump khỏi các vụ kiện vào ngày 06/01/2021, đồng thời lưu ý rằng tòa án này chắc chắn sẽ không phải là cơ quan có thẩm quyền cuối cùng về vấn đề này.
Vào tháng 11/2022, chỉ vài ngày sau khi cựu TT Trump tuyên bố ra tranh cử, ông Smith được bổ nhiệm làm biện lý đặc biệt về các vấn đề liên quan đến ngày 06/01/2021. Mùa hè này, ông đã công bố bản cáo trạng truy tố cựu TT Trump về điều được cho là âm mưu phạm tội trong các hành động của cựu tổng thống nhằm thách thức kết quả bầu cử năm 2020, liên kết phần lớn vụ án với sự kiện ngày 06/01.
Thẩm phán Tòa Khu vực Liên bang Sri Srinivasan đã ra phán quyết rằng cựu TT Trump đã đóng vai trò là ứng cử viên Trump trong phần lớn những gì ông ấy đang bị kiện và các hành động của ông ấy không phải là hành động chính thức của một tổng thống.
“Khi một tổng thống đương nhiệm tranh cử nói trong một chiến dịch tái tranh cử hoặc khi nhận đề cử của đảng chính trị của mình tại hội nghị đảng, ông thường nói về những vấn đề được công chúng quan tâm. Tuy nhiên, ông làm thế với tư cách không chính thức, riêng tư của một ứng cử viên, chứ không phải với tư cách chính thức của một người giữ chức vụ. Và những hành động được thực hiện với tư cách không chính thức không thể đủ điều kiện để được miễn trừ như những hành động với tư cách chính thức,” ông viết, bác bỏ một đơn kháng cáo của cựu TT Trump, người cũng đang phải đối mặt với các vụ kiện dân sự liên quan đến ngày 06/01/2021.
Thẩm phán nói thêm rằng việc bác bỏ quyền miễn trừ của tổng thống trong trường hợp này dựa trên giả định rằng những cáo buộc của nguyên đơn chống lại ông là đúng và những giả định này sẽ cần phải được xem xét tại tòa án địa hạt.
“Khi những vụ kiện này được xét xử tại tòa án địa hạt, ông cần phải có cơ hội trình bày tình huống thực tế của mình về vấn đề miễn trừ nếu ông muốn chứng minh rằng ông đã thực hiện các hành động bị cáo buộc trong đơn khiếu nại với tư cách chính thức của mình là một Tổng thống chứ không phải với tư cách không chính thức của một ứng cử viên,” thẩm phán viết. “Vào thời điểm thích hợp, ông Trump có thể đưa ra ý kiến sơ lược đối với tuyên bố của mình về quyền miễn trừ khi hành động với tư cách chính thức.”
Văn phòng biện lý đặc biệt lập luận rằng cựu TT Trump đã tìm cách “lật ngược kết quả hợp pháp của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 bằng cách sử dụng những tuyên bố [mà ông Trump] biết rõ là sai sự thật về gian lận bầu cử” và rằng ông đã âm mưu với một số người bên ngoài văn phòng để làm như vậy.
Họ đã bác bỏ lời biện hộ của TT Trump về quyền miễn trừ của tổng thống bằng cách lập luận rằng một cựu tổng thống không có quyền miễn trừ tương tự, và nếu họ {các cựu tổng thống} có quyền này thì quyền này cũng “sẽ hẹp hơn tiêu chuẩn ‘ngoại vi’” mà một tổng thống đương nhiệm có được.
Luật sư biện hộ cho rằng cựu Trump đã từng coi trọng các cáo buộc gian lận bầu cử. Họ nêu lên một số cuộc điều tra mà ông đã phê chuẩn khi còn đương chức và lập luận rằng bài diễn văn về gian lận bầu cử vào cuối nhiệm kỳ của ông hoàn toàn nằm trong nhiệm vụ của một tổng thống. Biện lý đặc biệt nói rằng tình huống này hoàn toàn khác, cho rằng cựu TT Trump đã nhận thức được rằng bản thân đã thất cử theo luật khi ông đưa ra những tuyên bố được cho là không đúng sự thật về gian lận bầu cử và các phiếu bầu “bị đánh cắp.”
Trong đơn kiến nghị gửi lên Tối cao Pháp viện, họ cũng cho rằng cựu TT Trump đã bị đàn hặc vì những vấn đề tương tự, và điều khoản đàn hặc “làm suy yếu” lập luận miễn trừ.
Biện lý đặc biệt đã lập luận rằng, và tòa án địa hạt đã khẳng định rằng, việc trao quyền miễn trừ của tổng thống cho cựu TT Trump ở đây sẽ đặt ông ấy “lên trên luật pháp.”
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times