Vụ ám sát ông Shinzo Abe là một cuộc tấn công vào nền dân chủ
Thế giới đã phản ứng bằng sự kinh hoàng trước vụ ám sát cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ông Abe đã hai lần giữ chức Thủ tướng Nhật Bản, từ năm 2006 đến năm 2007 và từ năm 2012 đến năm 2020, khi ông từ chức vì các vấn đề sức khỏe. Nhưng ông vẫn duy trì sự quan tâm tới chính trị và tiếp tục vận động thay mặt cho Đảng Dân Chủ Tự Do đang cầm quyền của mình.
Ông đã bị ám sát hôm 08/07 ở Nara trong khi đang đọc bài diễn văn cổ động cho ông Kei Sato, một ứng cử viên chạy đua vào Thượng viện Nhật Bản. Thủ phạm đã được nhận diện là ông Tetsuya Yamagami, người đã thú nhận là ám sát ông Abe bằng một khẩu súng tự chế.
Ông Yamagami đã trình bày với cảnh sát rằng ông Abe có liên quan tới một tổ chức — từ lâu đã được đặt tên như một tổ chức tôn giáo — đã lừa đảo tiền của mẹ ông ta. Dù thế nào, vụ ám sát này là việc làm của một kẻ có đầu óc bệnh hoạn và mất trí. Thêm nữa, điều này đã diễn ra ở một quốc gia có mức độ tội phạm bạo lực vừa phải và các luật về súng chặt chẽ.
Chiến dịch tranh cử đã được nối lại hôm 09/07, và các cuộc bầu cử đã được tổ chức theo đúng lịch trình vào ngày 10/07. Các chính khách của tất cả các đảng phái đã cảm thấy rằng vụ bạo lực này không nên làm trở ngại cũng như trì hoãn các truyền thống dân chủ của Nhật Bản.
Tuy nhiên, quá trình để tang đã khiến nỗi đau thương thực sự dâng trào ở Nhật Bản. Thủ tướng Nhật Bản, ông Fumio Kishida, đã mô tả vụ ám sát này là một “hành động hèn nhát, man rợ.”
Mặc dù hầu hết các nhà bình luận và các nhà lãnh đạo chính trị bên ngoài Nhật Bản cũng đều thương tiếc về vụ ám sát ông Abe, nhưng những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc lại tán dương vụ ám sát và tung hô kẻ ám sát như một “anh hùng”. Những người theo chủ nghĩa dân tộc vẫn duy trì thái độ bài Nhật của họ, được nuôi dưỡng bởi các cuộc xung đột vũ trang trong Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ hai, thời kỳ diễn ra các tội ác chiến tranh và người Nhật đã chiếm đóng các vùng đất rộng lớn ở Trung Quốc đại lục. Phản ứng này chắc chắn là một sự hưởng ứng đáng thất vọng đối với một sự kiện mà tất cả các quốc gia văn minh đều nên lên án.
Người bạn tuyệt vời của Úc
Ông Abe là người bạn tuyệt vời của Úc. Năm 2014 ông đã đến thăm nước Úc để xúc tiến thương mại trong khu vực Á Châu-Thái Bình Dương. Đáng chú ý, ông và Thủ tướng đương thời Tony Abbott đã ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Nhật-Úc (JAEPA) vào ngày 08/07/2014 — chính xác là tám năm trước vụ ám sát nhắm vào ông — để tạo điều kiện thuận lợi cho tự do thương mại và đầu tư giữa Nhật Bản và Úc.
Để tỏ lòng thành kính đến vị lãnh đạo bị sát hại, Thủ tướng Úc Anthony Albanese đã nói cho mọi người biết rằng ông Abe đã đến thăm Úc năm lần trong nhiệm kỳ thủ tướng của mình và đã có công trong việc nhận ra tầm quan trọng của mối liên kết đối tác chiến lược giữa hai nước.
Cụ thể, ông Albanese cho biết: “Theo bản năng, ông Abe đã thấu hiểu những giá trị mà Úc và Nhật Bản cùng chia sẻ về dân chủ và nhân quyền cũng như lợi ích chung mà chúng ta có trong việc củng cố trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ.”
Theo sau vụ ám sát ông Abe, phát ngôn viên Bộ Nội vụ Phe đối lập, bà Karen Andrews, dự đoán rằng đó “chỉ là vấn đề thời gian cho đến khi chúng ta nếm trải một vụ ám sát như vậy ở Úc.” Dự đoán của bà Andrew phản ánh một cách đáng buồn về nước Úc và bộc lộ sự tồn tại của một thái độ theo chủ nghĩa thất bại vì nước này đã chấp nhận một cách không đúng mực rằng một vụ việc thảm khốc như vậy sẽ xảy ra ở Úc trong tương lai.
Tất nhiên, điều gì cũng sẽ xảy ra nếu có đủ thời gian, nhưng hiện tại, dự đoán này, trong việc thúc đẩy những bi kịch u ám, không phục vụ cho bất cứ mục đích hữu ích nào. Thực tế, câu nói của bà Andrew có thể càng kích thích những ý nghĩ không lành mạnh và bất ổn của người ta, những người có thể muốn noi gương tay sát thủ Nhật Bản kia.
Tuy thế, dự đoán của bà Andrew là một lời nhắc nhở đúng lúc rằng các vụ ám sát chính trị luôn có khả năng xảy ra và an toàn của các chính trị gia là một điều bấp bênh, dẫu là tại những thời điểm tốt nhất.
Các vụ ám sát trong lịch sử
Thật vậy, ngay cả khi điểm nhanh qua lịch sử cũng cho thấy [một điều] rằng các vụ ám sát đã xảy ra ở nhiều nền dân chủ. Chẳng hạn, các vụ ám sát cố Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln vào cuối cuộc Nội chiến Hoa Kỳ và cố Tổng thống John F. Kennedy năm 1963 đều được ghi chép đầy đủ.
Cách đây không lâu, Vương quốc Anh đã bị rung chuyển trước vụ sát hại Nghị sĩ Đảng Lao Động Jo Cox vào năm 2016 và Nghị sĩ Đảng Bảo Thủ Anh David Amess vào năm 2021.
Quan điểm của các chính trị gia tạo nên cả sự ngưỡng mộ lẫn thù hận trong xã hội. Và họ càng đạt được thành tựu to lớn nhường nào, thì những kẻ bại hoại càng có thể nhắm mục tiêu đến họ nhường nấy.
Tính hợp lý của cách nhìn này được chứng minh qua vụ ám sát ông Shinzo Abe, người theo đuổi việc cải cách Hiến Pháp theo chủ nghĩa hòa bình của mình để công nhận quân đội của quốc gia và quản lý hiệu quả các nguồn lực kinh tế của Nhật Bản — các nhà phân tích đã bình luận tốt đẹp về thương hiệu kinh tế học Abenomics của ông. Ông Abe cũng vun đắp mối quan hệ thân thiết với cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Nhưng ông cũng đã phải bảo vệ chính mình trước các cáo buộc về chủ nghĩa thân hữu.
Các vụ ám sát ông Abe và các tổng thống Lincoln và Kennedy cũng chứng tỏ rằng các chính khách biết nhìn xa trông rộng dễ gây nên bất bình hơn các chính khách chính thống.
Mà quả thực, ông Lincoln và ông Kennedy, theo cách riêng của mình, đã đóng góp cho đất nước của họ và thế giới. Khi giải phóng những người Mỹ gốc Phi, ông Abraham Lincoln đã hy sinh cả tính mạng vì quyết định táo bạo và can đảm của ông. Còn ông Kennedy có thể đã phải trả một cái giá đắt cho lập trường mạnh mẽ của ông để phản đối việc đặt các hỏa tiễn hạt nhân của Liên Xô ở Cuba.
Họ đều có những quan điểm mạnh mẽ, vốn đã gây ra sự thù ghét và khinh rẻ của một số người, những người tìm cách trả thù thông qua việc phá hoại các quy trình quản trị dân chủ thông thường bằng cách dùng các phương pháp hoàn toàn không thể chấp nhận được.
Có thể học được gì từ vụ việc này?
Thực tế, cần phải cải thiện sự bảo vệ cho các chính khách và các ứng cử viên chính trị bằng cách cung cấp cảnh sát và an ninh cá nhân tốt hơn. Tuy nhiên, cảnh sát chỉ có thể làm được đến mức đó, và không thể lúc nào cũng cung cấp được cho các chính khách bị nhắm mục tiêu bằng một hàng rào an ninh.
Việc nâng cao an ninh cũng sẽ làm tiêu tan mục đích của việc vận động vì tư tưởng trong một nền dân chủ là phải đưa thông điệp của các chính trị gia đến với người dân. Loại dân chủ này được thực hành ở Nhật Bản, nơi việc các chính khách vận động [chính trị] bên lề đường đã trở thành một hình thức nghệ thuật.
Kết cục đáng buồn của vụ ám sát ông Abe là có lẽ các chính khách sẽ dùng đến hình thức vận động trực tuyến, điều mà có thể chia rẽ sự liên kết giữa người được lãnh đạo và những người lãnh đạo.
Hiển nhiên, trong một nền dân chủ, không thể nào đưa ra những quyết định sẽ làm hài lòng tất cả các thành viên trong xã hội và do đó, chúng ta cần một cuộc tranh biện không gặp trở ngại, tự do, và có chừng mực về các chính sách mà các chính khách đưa vào trong một chiến dịch tranh cử.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Gabriël A. Moens là giáo sư luật danh dự tại Đại học Queensland, và từng là phó hiệu trưởng và trưởng khoa tại Đại học Murdoch. Năm 2003, ông Moens được thủ tướng trao tặng Huân chương Thế kỷ Úc cho những hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Ông đã giảng dạy rộng rãi trên khắp Úc, Á Châu, Âu Châu, và Hoa Kỳ. Ông Moens gần đây đã xuất bản hai cuốn tiểu thuyết “A Twisted Choice” (“Sự Lựa Chọn Xấu Xa”) (NXB Boolarong Press, 2020) và “The Coincidence” (“Sự Trùng Hợp Ngẫu Nhiên”) (NXB Connor Court Publishing, 2021).