Các nhà lãnh đạo thế giới chia buồn trước sự ra đi của cựu Thủ tướng Shinzo Abe
KUALA LUMPUR, Malaysia — Vụ ám sát cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào hôm thứ Sáu (08/07) tại một trong những quốc gia an toàn nhất thế giới đã gây chấn động toàn cầu. Các nhà lãnh đạo thế giới không khỏi bàng hoàng khi hay tin ông Abe qua đời và đều lên án vụ ám sát.
Ông Abe, 67 tuổi, bị bắn từ phía sau khi đang diễn thuyết tranh cử tại Nara, miền tây Nhật Bản. Ông được đưa đến bệnh viện bằng trực thăng trong tình trạng ngưng thở và tim ngừng đập. Ông được tuyên bố là đã qua đời sau đó tại bệnh viện. Ông Abe là nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất của Nhật Bản trước khi từ chức hồi năm 2020 vì lý do sức khỏe.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã vội vàng trở về Tokyo từ các sự kiện tranh cử trên toàn quốc, gọi vụ xả súng là điều “đê hèn và man rợ.”
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, khi nói chuyện với các ngoại trưởng Nhật Bản và Nam Hàn tại một cuộc họp ba bên ở Bali, nói rằng vụ ám sát ông Abe là “vô cùng đáng lo ngại” và là một “mất mát cá nhân đối với rất nhiều người.”
“Đối với Hoa Kỳ, Thủ tướng Abe là một đối tác phi thường và rõ ràng là một nhà lãnh đạo tuyệt vời đối với Nhật Bản và người dân Nhật Bản,” ông Blinken nói, đồng thời cho biết thêm rằng trong thời gian tại vị, ông Abe “đã nâng mối bang giao giữa các quốc gia chúng ta — Hoa Kỳ và Nhật Bản — lên một tầm cao mới.”
Các nhà lãnh đạo từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Singapore đã lên án vụ tấn công này, và Thủ tướng Anh Boris Johnson gọi vụ xả súng là “hèn hạ.”
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã viết trên Twitter, thể hiện “lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình ông và người dân Nhật Bản vào thời điểm khó khăn này.”
“Hành động bạo lực tàn ác này không thể bao biện được,” ông nói thêm.
Văn phòng Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol trích dẫn lời vị tổng thống này nói rằng vụ xả súng khiến ông Abe thiệt mạng là “một hành động tội phạm không thể dung thứ.”
Iran lên án vụ xả súng là “một hành động khủng bố.”
Người dân ở Nhật Bản có thể được nhìn thấy khi đang đọc các ấn bản bổ sung hôm thứ Sáu của các tờ báo với hình ảnh của ông Abe được phóng to trên trang nhất, hoặc dừng lại để xem tin tức trên TV.
Đài truyền hình công cộng NHK đã phát sóng đoạn phim thương tâm ghi lại cảnh ông Abe đang trình bày một bài diễn văn bên ngoài một nhà ga xe lửa ở phía tây thành phố Nara. Ông đang đứng trong bộ đồ màu xanh tím than, giơ nắm tay lên thì hai tiếng súng vang lên. Đoạn phim sau đó cho thấy ông Abe gục ngã trên đường.
“Chúng tôi rất bàng hoàng và đau buồn khi biết tin về vụ tấn công bạo lực nhằm vào cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe,” Tòa Bạch Ốc bày tỏ tiếc thương trong một tuyên bố không lâu sau đó.
Trước đó, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cũng đã bày tỏ sự bàng hoàng về vụ xả súng. Bà cho biết ông Abe là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên mà bà diện kiến sau khi nhậm chức và mô tả ông là người rất tận tâm với vai trò của mình, hào phóng, và tốt bụng.
“Khi tôi gặp ông ấy lần đầu tiên, tôi nhớ ông ấy đã hỏi thăm về con thú cưng bị lạc mất mới đây của chúng tôi, một cử chỉ nhỏ nhưng nói lên con người của ông ấy,” bà Ardern chia sẻ. “Những sự kiện như thế này khiến tất cả chúng ta không khỏi bàng hoàng từ tận đáy lòng.”
Trong video của đài NHK, các nhân viên an ninh được nhìn thấy đang nhào lên người một người đàn ông mặc áo phông xám đang nằm cúi mặt xuống vỉa hè. Một thiết bị hai nòng dường như là một khẩu súng tự chế được nhìn thấy trên mặt đất.
Cảnh sát đã bắt giữ một người bị tình nghi là tay súng tại hiện trường. Theo luật pháp Nhật Bản, việc sở hữu súng, cũng như một số loại dao và vũ khí khác, như súng cung (bowgun), là bất hợp pháp nếu không có giấy phép đặc biệt. Nhập cảng vũ khí cũng là bất hợp pháp.
Các nhà lãnh đạo từ Đức, Pakistan, Thụy Điển, và Philippines đã gửi lời chia buồn và nhiều quốc gia bao gồm Tây Ban Nha và Pháp đã bày tỏ tình đoàn kết với Nhật Bản. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tuyên bố hôm thứ Bảy là một ngày quốc tang để bày tỏ lòng kính trọng sâu sắc nhất đối với Thủ tướng Abe.
“Ông Abe đã có đóng góp to lớn trong việc nâng mối bang giao Ấn Độ-Nhật Bản lên tầm quan hệ đối tác chiến lược và toàn cầu đặc biệt. Hôm nay, toàn Ấn Độ bày tỏ lòng tiếc thương cùng Nhật Bản và chúng tôi đoàn kết với những người anh em Nhật Bản trong thời khắc khó khăn này,” ông Modi bày tỏ.
Thủ tướng Úc Anthony Albanese chia sẻ, ông Abe là một trong những người bạn thân nhất của nước Úc và là một “người khổng lồ trên trường thế giới.” Ông cũng nói thêm rằng “di sản của ông ấy là một di sản có tác động toàn cầu và là một di sản sâu sắc và tích cực cho nước Úc. Ông ấy sẽ mãi được ghi nhớ.”
Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel, người có thời gian tại vị từ năm 2005–2021 đa phần trùng với thời gian tại vị của cựu Thủ tướng Shinzo Abe, cho biết bà “vô cùng bàng hoàng và đau buồn” trước tin ông qua đời vì vết thương “gây ra trong một vụ ám sát đớn hèn và xấu xa trước đó vài giờ.”
“Người đầu tiên tôi nghĩ đến là vợ và gia đình của ông ấy,” bà nói trong một tuyên bố. “Tôi thương tiếc cùng họ. Cầu mong cho họ được an ủi và khuây khỏa.”
Chính phủ Đài Loan bày tỏ, “Ông Abe đã không tiếc công thúc đẩy sự tiến triển của mối bang giao Đài Loan-Nhật Bản trong nhiều năm,” đồng thời gợi nhớ về nỗ lực của ông Abe trong việc thúc đẩy chính phủ Nhật Bản viện trợ vaccine cho Đài Loan trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Thủ tướng Ý Mario Draghi gửi lời chia buồn sâu sắc và cho biết Ý rất yêu quý gia đình ông Abe, chính phủ, và người dân Nhật Bản.
“Ý rất đau buồn trước cuộc tấn công khủng khiếp nhằm vào Nhật Bản và cuộc tranh luận tự do, dân chủ của nước này. Ông Abe là một nhân vật có ảnh hưởng chính diện tuyệt vời trong đời sống chính trị của Nhật Bản và quốc tế trong những thập niên gần đây, nhờ vào tinh thần đổi mới và tầm nhìn cải tổ của ông ấy,” ông Draghi chia sẻ trong một tuyên bố.
Ngoại trưởng Na Uy Anniken Huitfeldt lưu ý rằng ông Abe đã bị sát hại “trong khi vận động cho các thành viên cùng đảng của ông. Tất cả các chính trị gia nên được an toàn trong khi thực hiện công việc của họ vì nền dân chủ.”
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi, chủ tịch nhóm các bộ trưởng ngoại giao G20 đang nhóm họp tại Bali, Indonesia, đã bày tỏ tiếc thương cho “sự ra đi quá sớm” của ông Abe và nói rằng ông “sẽ luôn được ghi nhớ như một hình mẫu điển hình cho tất cả mọi người.”
“Tất cả chúng tôi với tư cách là những người tham gia đều vô cùng buồn thương khi hay tin cựu Thủ tướng Nhật Bản đã từ trần sau vụ ám sát,” Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết sau hội nghị thượng đỉnh. “Tâm trí của tôi, tâm trí của chúng tôi ở đây tại cuộc họp G-20 là dành cho gia đình của ông ấy, cho bạn bè của ông ấy, và với nỗi buồn lớn lao, chúng tôi cũng gửi lời chào đến tất cả công dân Nhật Bản.”
Tuy nhiên, ở Trung Quốc, vụ ám sát ông Abe đã gây ra những bình luận thiếu thiện cảm từ hàng chục ngàn công dân trên mạng xã hội.
Một số người thì châm biếm, “Hy vọng ông ta không ổn,” trong khi hàng chục người nửa đùa nửa thật gọi kẻ nổ súng là “một anh hùng” hoặc “anh hùng chống Nhật.” Những người khác thì cho rằng những vết thương của ông Abe là niềm an ủi cho linh hồn của những người đã thiệt mạng trong cuộc xâm lược của Nhật Bản vào Trung Quốc trong Đệ nhị Thế chiến.
Mặc dù không nhất thiết phải là quan điểm của hầu hết người dân Trung Quốc, nhưng các bài đăng phản ánh tình cảm mạnh mẽ của công chúng — được khuyến khích bởi tuyên truyền của chính quyền cộng sản Trung Quốc — chống lại các chính trị gia cánh hữu Nhật Bản, những người nghi ngờ hoặc phủ nhận rằng quân đội đã thực hiện các hành động tàn bạo ở Trung Quốc.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệp Lập Kiên đã từ chối bình luận. Ông nói rằng Trung Quốc bày tỏ sự đồng cảm với gia đình ông Abe và vụ nổ súng không liên quan đến mối bang giao song phương.