Vợ của luật sư nhân quyền Trung Quốc mất tích khẩn nài sự trợ giúp của các nhà lập pháp Hoa Kỳ
Đã hơn năm năm trôi qua và bà Cảnh Hòa (Geng He) vẫn không biết liệu chồng của mình ở Trung Quốc có còn sống hay không.
Chồng của bà, ông Cao Trí Thịnh (Gao Zhisheng), một luật sư nhân quyền nổi tiếng, đã mất tích khỏi tư gia của mình ở tỉnh Thiểm Tây phía bắc Trung Quốc hồi tháng 08/2017. Vào thời điểm đó, ông Cao đã bị công an Trung Quốc tra tấn trong những lần mất tích trước đó.
Bà Cảnh là một trong những nhân chứng tham gia phiên điều trần do một tiểu ban của Ủy ban Ngoại vụ Hạ viện tổ chức hôm 20/04, đánh dấu sinh nhật lần thứ 59 của ông Cao. Phiên điều trần này có nhan đề “Tù nhân Chính trị Trung Quốc: Ông Cao Trí Thịnh đang ở đâu?” được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về thực tế là tung tích của ông Cao hiện vẫn còn là một bí ẩn.
“Không có bất kỳ thông tin nào về chồng tôi trong 2,067 ngày qua, tương đương với khoảng 5 năm 8 tháng,” bà Cảnh nói với NTD, hãng thông tấn cùng hệ thống với The Epoch Times, sau phiên điều trần trên. “Tôi rất buồn.”
Bà Cảnh, người đã đào thoát khỏi Trung Quốc đến Hoa Kỳ cùng hai con hồi năm 2009, cho biết chính quyền Trung Quốc đã cấm người thân của bà được phép rời khỏi nơi cư trú của họ ở Trung Quốc để tìm kiếm ông Cao.
Người được đề cử giải Nobel Hòa bình
Trong lời khai của mình, bà Cảnh nói về nguyện vọng của chồng bà là một ngày nào đó Trung Quốc sẽ trở thành một “quốc gia tự do, dân chủ, và hợp hiến” giống như Hoa Kỳ. Bà cho biết thêm, “Ước mơ này đã trở thành động lực để ông ấy cố gắng suốt 20 năm.”
Ông Cao, một luật sư tự học và là một tín đồ Cơ Đốc tận tâm, đã ba lần được đề cử giải Nobel Hòa bình. Ông bắt đầu hành nghề luật sư từ năm 1996, bào chữa cho các nạn nhân bị chính quyền thu giữ đất đai; gia đình của những người thợ mỏ đang đòi bồi thường sau khi người thân của họ thiệt mạng trong các vụ tai nạn khai thác than; cũng như các tín đồ Cơ Đốc bị bức hại và các học viên Pháp Luân Công.
Trước khi mất tích, ông Cao đã bị quản thúc tại gia, sau khi ông được tại ngoại vào tháng 08/2014. Ông thụ án tù vì tội “kích động lật đổ nhà nước” vào năm 2006. Cáo buộc lật đổ chính quyền Trung Quốc là một cáo buộc chung chung thường dùng để chống lại những người bất đồng chính kiến.
Bà Cảnh nhấn mạnh rằng ông Cao không vi phạm bất kỳ luật nào của Trung Quốc nhưng ông đang bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại.
“Tôi van nài các vị hãy giúp tôi,” bà Cảnh nói với tiểu ban trên. Bà bày tỏ mong muốn được thấy các quan chức đại sứ quán Hoa Kỳ tại Trung Quốc đến thăm ông Cao và nhờ Quốc hội Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc cho phép ông Cao được đưa ra xét xử công khai và cho phép gia đình ông Cao được thăm nom.
“Nếu những điều kể trên là bất khả thi, thì một phương án khả dĩ là để ông Cao Trí Thịnh gọi cho tôi và nói với tôi rằng ông ấy vẫn còn sống, chỉ cần biết ông ấy còn sống là đủ rồi,” bà Cảnh nói trong lời khai của mình.
Khi nói chuyện với NTD, bà Cảnh nói thêm rằng nếu các quan chức đại sứ quán Hoa Kỳ đến thăm gia đình bà ở Trung Quốc thì hành động này sẽ truyền tải một thông điệp “mạnh mẽ” cho Trung Quốc.
Tách rời khỏi Trung Quốc
Một nhân chứng khác tại phiên điều trần, bà La Thắng Xuân (Sophie Luo), đã dẫn chứng về trường hợp của ông Cao, cũng như các bản án gần đây dành cho chồng bà là ông Đinh Gia Hỷ (Ding Jiaxi) và học giả pháp lý Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong) ở Trung Quốc, nhằm làm nổi bật bản chất thực sự của chính quyền Trung Quốc.
“ĐCSTQ là một chính phủ tàn bạo không tôn trọng bất kỳ luật lệ nào,” bà La nói trong lời khai của mình.
Ông Hứa và ông Đinh, đều là các luật sư nhân quyền và nhân vật nổi bật trong Phong trào Công dân Mới, đã bị kết án lần lượt là 14 và 12 năm tại một tòa án Trung Quốc hôm 10/04, sau khi bị kết tội lật đổ chính quyền.
Các chiến dịch của Phong trào Công dân Mới đòi hỏi tính minh bạch cao liên quan đến sự giàu có của các quan chức ĐCSTQ; phong trào này được dành riêng cho việc thúc đẩy các quyền công dân và tìm kiếm sự chuyển đổi hòa bình của Trung Quốc sang chủ nghĩa hợp hiến.
Ông Hứa và ông Đinh đã bị giam giữ sau khi họ tổ chức và tham dự một cuộc họp kín để thảo luận về các thay đổi chính trị và xã hội dân sự với những bằng hữu cùng chí hướng khác ở Hạ Môn, một thành phố ở tỉnh Phúc Kiến, miền nam Trung Quốc, hồi tháng 12/2019. Khoảng nửa năm sau, họ bị đưa vào các phiên tòa xét xử kín.
Trong những tháng bị giam giữ, bà La nói với tiểu ban rằng cả hai người họ đã bị tra tấn và ngược đãi, bao gồm cấm ngủ kéo dài, bị thẩm vấn trong khi bị buộc ngồi trên một dụng cụ giam cầm gọi là “ghế cọp,” hạn chế thức ăn và nước uống, và không được phép sử dụng nhà tắm.
“Các nhà chức trách đã giải quyết hai trường hợp này hoàn toàn trái với Hiến Pháp Trung Quốc và luật hình sự từ đầu đến cuối,” bà La nói trong lời khai của mình.
Cả chính phủ Hoa Kỳ và Canada đã đưa ra các tuyên bố kêu gọi trả tự do vô điều kiện cho ông Hứa và ông Đinh.
Bà kêu gọi các thành viên Quốc hội, chính phủ Tổng thống Biden, các công ty Mỹ, và các tổ chức xã hội dân sự không hợp tác với Bắc Kinh, đồng thời cho biết rằng làm như vậy “là cách duy nhất để ngăn chặn thêm bất kỳ hành vi vi phạm nhân quyền nào ở Trung Quốc.”
Trong một cuộc phỏng vấn với NTD sau phiên điều trần, bà La đã nói tường tận về khuyến nghị của mình, đồng thời tuyên bố rằng Hoa Kỳ nên độc lập với Trung Quốc về kinh tế để ngăn chính quyền Trung Quốc vi phạm nhân quyền thêm nữa.
“Tôi sẽ cố gắng trình bày ý tưởng [tách rời khỏi Trung Quốc] này tại các tổ chức khác nhau,” bà La nói, đồng thời nhấn mạnh rằng bà muốn thuyết phục các nhà lãnh đạo doanh nghiệp rằng “các vấn đề nhân quyền phải được đặt lên hàng đầu khi thực hiện bất kỳ hoạt động kinh doanh nào ở Trung Quốc.”
‘Sự chú ý mới’
Trong một cuộc phỏng vấn với NTD sau phiên điều trần, Dân biểu Chris Smith (Cộng Hòa-New Jersey), chủ tịch tiểu ban Hạ viện, cho biết điều quan trọng là phải thu hút “sự chú ý mới” đến những gì đang xảy ra ở Trung Quốc.
Ông Smith cho biết: “Tất cả chúng ta cần nhận thức rõ hơn về sự tàn bạo này, rằng hàng ngày những người Trung Quốc tuyệt vời, bất luận là già trẻ hay trai gái đều đang bị áp bức, vì đức tin của họ hoặc vì quan điểm chính trị, hoặc vì sắc tộc của họ.”
Ông chỉ đích danh người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, học viên Pháp Luân Công, và tín đồ Cơ Đốc là những nạn nhân trong cuộc đàn áp của Trung Quốc.
“Và vì vậy phiên điều trần này nhằm thu hút sự chú ý mới đến hai tù nhân chính trị tuyệt vời, những người chỉ là đang đứng lên để bảo vệ quyền của những người khác, và giờ đây, quyền của họ lại bị Đảng Cộng sản Trung Quốc tước bỏ hoàn toàn, và để thúc đẩy việc trả tự do cho họ,” ông Smith cho biết thêm.
Ông Phó Hy Thu (Bob Fu), chủ tịch Hiệp hội Viện trợ Trung Quốc có trụ sở tại Texas và một nhân chứng khác tại phiên điều trần, cho biết Tổng thống, Phó Tổng thống, và Ngoại trưởng Hoa Kỳ “nên gặp gỡ công khai các tù nhân lương tâm,” bắt đầu với bà Cảnh và bà La.
“Họ đang ở Hoa Kỳ. Tòa Bạch Ốc không gặp bất kỳ rào cản pháp lý hay bất kỳ rào cản nào khác trong việc sắp xếp một cuộc gặp với [bà Cảnh và bà La],” ông Phó cho biết thêm. “Hành động của các nhà lãnh đạo là rất quan trọng. ĐCSTQ đang theo dõi [nguyên văn]. Bản thân [lãnh đạo Trung Quốc] Tập Cận Bình đang theo dõi xem liệu nhân quyền và tù nhân lương tâm có quan trọng đối với chính sách ngoại giao của chúng ta hay không.”
Đáp lại lời đề nghị của ông Phó, ông Smith nói, “Chúng tôi sẽ theo dõi điều đó và đưa ra yêu cầu chính thức với Tòa Bạch Ốc để gặp họ, và có thể là một vài người khác.”
Dân biểu Rich McCormick (Cộng Hòa-Georgia), một thành viên của tiểu ban, nói với NTD sau phiên điều trần rằng người Mỹ nên biết về hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc.
“Chúng ta không hề hay biết về những gì đang xảy ra ở phần còn lại của thế giới, vì vậy việc thảo luận về những điều nghiêm trọng này xảy ra ở Mỹ quốc là một việc đáng quan tâm,” ông McCormick cho hay. “Những điều này là về sinh tử thực sự, họ không biết thân nhân của họ còn sống hay đã tử vong, họ không thể liên lạc với người thân của mình, những người này có thể bị sát hại, họ có thể bị bỏ đói đến tử vong.”
Thu hoạch nội tạng cưỡng bức
Thông lệ thu hoạch nội tạng cưỡng bức do nhà nước hậu thuẫn của Trung Quốc cũng được đưa ra trong phiên điều trần này.
Ông Andrew Bremberg, chủ tịch Quỹ Tưởng niệm Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản, cho biết trong phiên điều trần: “Thông lệ thu hoạch nội tạng cưỡng bức trường kỳ của ĐCSTQ vốn thường nhắm vào các tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm vẫn tiếp diễn mà không hề bị lên án.”
Ông Bremberg hoan nghênh việc Hạ viện thông qua Đạo luật Ngăn chặn Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức năm 2023 và kêu gọi Thượng viện “nhanh chóng tiếp nhận, thông qua dự luật này, và gửi dự luật đó cho ngài Tổng thống.”
Dự luật này của Hạ viện, vốn được thông qua với tỷ lệ là 413 phiếu thuận và 2 phiếu chống hôm 27/03, sẽ trừng phạt bất kỳ ai liên quan đến hành vi này và yêu cầu chính phủ thực hiện báo cáo thường niên về hoạt động bất hợp pháp này ở các quốc gia ngoại bang.
Ông Bremberg đã trích dẫn những phát hiện của Tòa án Luận tội Trung Quốc, một tòa án nhân dân độc lập do ông Geoffrey Nice QC làm chủ tịch, trong lời khai bằng văn bản của ông (pdf).
Tòa án này đã kết luận “một cách đồng thuận, và chắc chắn là không còn nghi ngờ gì nữa — rằng ở Trung Quốc, nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ các tù nhân lương tâm đã được thực hiện trong một thời gian dài liên quan đến một số lượng rất lớn nạn nhân,” ông viết, trích dẫn phán quyết tạm thời năm 2018 của tòa án này (pdf).
Tòa án này cũng kết luận rằng chính quyền Trung Quốc đã thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm trong nhiều năm “trên một quy mô đáng kể,” trong đó các học viên Pháp Luân Công là nguồn cung cấp nội tạng chính.
Pháp Luân Công, hay Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần kết hợp các bài tập thiền định và các bài giảng đạo đức. Theo ước tính vào năm 1999, môn tập này đã thu hút được khoảng 70 triệu đến 100 triệu người theo học ở Trung Quốc sau bảy năm truyền ra công chúng.
Cho rằng sự phổ biến của môn tu luyện này là một mối đe dọa đối với quyền cai trị của mình, tháng 07/1999, chính quyền Trung Quốc đã phát động một chiến dịch tàn bạo nhằm ‘xóa sổ’ pháp môn này, nhắm vào những người vô tội trong một cuộc đàn áp bạo lực và chí tử mà các chuyên gia đã mô tả là một cuộc diệt chủng.
Nhiều luật sư nhân quyền, trong đó có ông Cao, đã bào chữa cho các học viên Pháp Luân Công tại các tòa án ở Trung Quốc. Tuy nhiên, ít nhất 633 học viên Pháp Luân Công đã bị kết án vì đức tin của họ hồi năm 2022, theo Minghui.org, một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên theo dõi cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
Ông Smith bày tỏ sự tin tưởng rằng Thượng viện sẽ thông qua phiên bản đồng hành của dự luật này.
“Tôi tin rằng dự luật đó sẽ được Thượng viện thông qua và chúng tôi sẽ đến Tòa Bạch Ốc,” ông Smith nói tại phiên điều trần. “Chúng tôi đã làm việc với Bộ Ngoại giao. Đó là một dự luật mang tính hợp tác, và là một dự luật hoàn toàn mang tính lưỡng đảng.”
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times