Viện Tài chính Quốc tế: Nợ toàn cầu trong quý đầu tiên đã tăng vọt lên 305 ngàn tỷ USD, đạt gần mức kỷ lục
Theo dữ liệu mới của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), mức nợ toàn cầu đã tăng 8.3 ngàn tỷ USD trong quý đầu tiên lên 305 ngàn tỷ USD, gần mức cao kỷ lục.
Mức kỷ lục 306.5 ngàn tỷ USD đã được thiết lập vào quý đầu tiên của năm 2022.
Hiệp hội ngành tài chính toàn cầu có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn đã báo cáo trong báo cáo Giám sát Nợ Toàn cầu mới nhất của mình rằng cả thế giới, từ các gia đình cho đến các chính phủ, tiếp tục gánh thêm nhiều khoản nợ.
Số liệu của IIF cho thấy nợ chính phủ trên toàn thế giới tăng 2.2 ngàn tỷ USD, nợ gia đình tăng 1.1 ngàn tỷ USD, nợ doanh nghiệp tài chính tăng 2.1 ngàn tỷ USD, và nợ doanh nghiệp phi tài chính tăng 3.1 ngàn tỷ USD. Những con số này đã tăng lên đáng kể, hơn 17%, so với trước đại dịch COVID-19, khi mà tổng nợ toàn cầu là 260.3 ngàn tỷ USD trong quý bốn của năm 2019.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng tổng số nợ sẽ tiếp tục tăng lên và điều này sẽ có “những tác động đáng kể lên các thị trường nợ quốc tế, đặc biệt nếu lãi suất vẫn cao hơn trong thời gian dài hơn.”
IIF cho biết, “Ở mức gần 305 ngàn tỷ USD, nợ toàn cầu hiện cao hơn 45 ngàn tỷ USD so với mức trước đại dịch và dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhanh: Bất chấp những lo ngại về khả năng khủng hoảng tín dụng sau những bất ổn gần đây trong lĩnh vực ngân hàng của Hoa Kỳ và Thụy Sĩ, nhu cầu vay của chính phủ vẫn tăng cao.”
Nhưng IIF lưu ý rằng một vấn đề sống còn khác là chi phí trả nợ tăng mạnh.
Báo cáo viết: “Sự kết hợp giữa mức nợ cao và lãi suất tăng đã đẩy chi phí trả nợ lên cao, gây lo ngại về việc sử dụng đòn bẩy trong hệ thống tài chính.”
Kể từ đầu năm ngoái (2022), Cục Dự trữ Liên bang và các ngân hàng trung ương khác đã bắt đầu một chu kỳ thắt chặt định lượng, kết hợp giữa tăng lãi suất và cắt giảm bảng cân đối kế toán. Kết quả là, Fed đã tăng lãi suất quỹ liên bang chuẩn thêm 500 điểm cơ bản lên khoảng 5–5.25%, mức cao nhất trong khoảng 16 năm.
Tình cảnh lãi suất gia tăng đã trở thành vấn đề nan giải đối với cả chính phủ Hoa Kỳ và người tiêu dùng.
Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội, các khoản thanh toán lãi liên bang dự kiến sẽ lên tới tổng cộng 663 tỷ USD trong năm tài khóa 2023 và sau đó sẽ tăng lên 745 tỷ USD vào năm 2024.
Người tiêu dùng có nợ thẻ tín dụng cũng đang phải đối mặt với các khoản thanh toán dịch vụ cao hơn, và Ngân hàng Fed New York đã báo cáo rằng nợ thẻ tín dụng đã tăng lên 986 tỷ USD trong quý đầu tiên. Cuộc khảo sát về tăng lãi suất của Fed của WalletHub đã ước tính rằng các đợt tăng lãi suất của tổ chức này trong năm qua khiến những người đang mắc nợ thẻ tín dụng phải trả hơn 33 tỷ USD trong 12 tháng tới.
Sự phát triển của các công ty zombie?
Ngoài việc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất, tình trạng hỗn loạn ngân hàng ở Mỹ và trong lĩnh vực tài chính Âu Châu đã ảnh hưởng đến các điều kiện tín dụng. Nhiều báo cáo của Hoa Kỳ cho rằng nền kinh tế đang phải đối mặt với khủng hoảng tín dụng, với việc các tổ chức tài chính thắt chặt các tiêu chuẩn và nhu cầu vay tiêu dùng và kinh doanh sụt giảm.
Theo IIF, sự kết hợp giữa lãi suất cao hơn và điều kiện tín dụng bị thu hẹp “sẽ thúc đẩy tỷ lệ vỡ nợ cao hơn và dẫn đến nhiều ‘công ty zombie’ hơn”.
Các công ty zombie nói chung là các doanh nghiệp duy trì hoạt động và thực hiện các nghĩa vụ của mình nhưng không thể trả hết các khoản nợ. Thuật ngữ này bắt nguồn từ Nhật Bản vào những năm 1990 – được gọi là Thập niên mất mát – khi các ngân hàng duy trì sự hỗ trợ của họ đối với các công ty đang lụn bại thay vì cho phép họ phá sản.
IIF ước tính rằng 14% các công ty niêm yết tại Hoa Kỳ rơi vào danh mục zombie.
Báo cáo viết: “Với vai trò trung tâm của các ngân hàng khu vực trong việc làm trung gian tín dụng ở Hoa Kỳ, những lo ngại về trạng thái thanh khoản của họ có thể dẫn đến sự sụt giảm mạnh trong hoạt động cho vay đối với một số phân khúc, bao gồm cả các gia đình và doanh nghiệp có tài khoản ngân hàng nhưng chưa được tiếp cận với các dịch vụ tài chính đa dạng.”
“Chúng tôi ước tính rằng khoảng 14% công ty Mỹ có thể bị coi là zombie, với một phần đáng kể trong số này hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và công nghệ thông tin.”
Vào năm 2021, Fed đã công bố một nghiên cứu có nhan đề “Các công ty zombie của Hoa Kỳ: Có bao nhiêu và hậu quả như thế nào?” Các nhà kinh tế cảnh báo rằng đại dịch COVID-19 là một chấn động kinh tế “có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho một số lĩnh vực của nền kinh tế, biến nhiều công ty thành zombie.”
Nhưng Goldman Sachs đã bác bỏ những lo ngại về ngày tận thế zombie trong nền kinh tế quốc gia, lưu ý rằng số lượng doanh nghiệp zombie đã thấp hơn so với sự lo sợ của nhiều người.
“Hầu như không có nhiều công ty zombie như một số dữ liệu trong các bản tin có thể đã chỉ ra,” Nhà phân tích nghiên cứu Michael Puempel của Goldman Sachs viết trong một báo cáo tháng 09/2022. “Tỷ lệ phần trăm của những công ty zombie thực sự thấp hơn nhiều so với các bản tin đã chỉ ra.”
Các nhà nghiên cứu của ngân hàng này giải thích rằng, hệ thống tài chính chắc chắn sẽ loại bỏ các tổ chức này khỏi nền kinh tế, cho dù do tăng trưởng kinh tế giảm tốc hay những vụ chấn động tiêu cực.
Theo các chiến lược gia của ING Bank, các thị trường tín dụng đang phải đối mặt với áp lực trên nhiều mặt và lĩnh vực tín dụng dự kiến “sẽ càng hỗn loạn và suy yếu hơn trong những tuần tới đây.”
“Nói chung, chúng tôi vẫn đang trong quá trình xây dựng đối với thị trường tín dụng trong dài hạn, nhưng chúng tôi cảm thấy việc định giá lại trong ngắn hạn là cần thiết khi động lực của thị trường thay đổi. Chúng tôi dự đoán lĩnh vực tín dụng sẽ gặp nhiều sóng gió và suy yếu hơn trong những tuần tới,” các chiến lược gia Timothy Rahill và Jeroen van den Broek của ING đã viết trong một báo cáo nghiên cứu. “Hơn nữa, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến những ngày thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng. Tín dụng vẫn là một trò chơi ở những giai đoạn ban đầu, với việc lựa chọn lĩnh vực và tên là vô cùng quan trọng.”
‘Khủng hoảng thích ứng’
IIF lưu ý rằng việc tăng tốc thắt chặt chính sách tiền tệ đã cho thấy tình trạng thiếu khả năng thanh khoản nghiêm trọng tại nhiều ngân hàng vừa và nhỏ ở Hoa Kỳ. Sự kiện này đã lan rộng ra nước ngoài và gây ra việc bán khẩn cấp Credit Suisse.
Một “cơ chế tiền tệ mới” cũng đã gây ra một “cuộc khủng hoảng thích ứng” đối với các công ty và người tiêu dùng, mà các tác giả của báo cáo trên cho rằng có thể được xem xét trong dòng tiền gửi chảy ra ở các ngân hàng khu vực.
Theo dữ liệu H.8 của Fed, kể từ sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank và Signature Bank hồi đầu tháng Ba, tiền gửi tại các ngân hàng thương mại nhỏ trong nước đã giảm gần 5% xuống còn 5.235 ngàn tỷ USD.
Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy dòng tiền gửi có thể đang chảy vào hệ thống ngân hàng khi một số ngân hàng trong khu vực bắt đầu báo cáo tăng trưởng tiền gửi.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times