Hoa Kỳ: Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang dự định tăng mức lãi suất khi mối đe dọa lạm phát vẫn còn
Thông điệp rất mạnh mẽ và rõ ràng từ nhiều quan chức Cục Dự trữ Liên bang là: lãi suất sẽ duy trì ở mức cao hơn trong năm nay, lãi suất chuẩn có thể tăng và khó có khả năng về bất kỳ đợt cắt giảm lãi suất nào trong năm nay. Lạm phát là một vấn đề vẫn đang gây khó khăn cho các nhà hoạch định chính sách tiền tệ, và khôi phục sự ổn định giá cả, ngay cả nếu phải đối mặt với một cuộc suy thoái kinh tế, là ưu tiên hàng đầu của ngân hàng trung ương Hoa Kỳ.
Kể từ tháng 03/2022, lãi suất quỹ liên bang đã được tăng thêm 500 điểm cơ bản lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2007.
Lạm phát là nhiệm vụ hàng đầu
Chủ tịch Ngân hàng Fed Atlanta Raphael Bostic không trông đợi bất kỳ đợt cắt giảm lãi suất nào “cho đến tận năm 2024,” ngay cả khi nền kinh tế Hoa Kỳ bị rơi vào suy thoái.
Theo ông Bostic, việc đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2% của Fed “là nhiệm vụ số 1.”
Ông nói với CNBC hôm 15/05 trong Hội nghị Thị trường Tài chính của ngân hàng này: “Nếu phải trả cái giá nào đó cho việc này, thì chúng tôi cũng phải sẵn lòng.”
Ông Bostic nói thêm, do lạm phát cao liên tục, mức chi tiêu của người tiêu dùng ổn định, và thị trường lao động thắt chặt, nên “vẫn sẽ có áp lực tăng giá.”
“Đối với tôi, nếu có một xu hướng trong hành động, thì đó sẽ là xu hướng tăng thêm một chút thay vì cắt giảm,” ông cho biết. “Vẫn có nhiều người tin tưởng rằng các chính sách của chúng tôi sẽ có thể đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2%. Và nói một cách hoàn toàn rõ ràng, chúng tôi sẽ làm tất cả những gì cần thiết để bảo đảm điều đó xảy ra.”
Hồi tháng Tư, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hàng năm lần đầu tiên giảm xuống dưới 5% trong hai năm. Ngoài ra, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa chuộng của Fed, đã giảm xuống 4.2%, mức thấp nhất kể từ tháng 05/2021.
Theo CME FedWatch Tool, trong khi các thị trường tài chính chủ yếu mong đợi việc tạm dừng tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) vào tháng Sáu, thì ngày càng có nhiều người kỳ vọng rằng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay.
Sẽ không bị lừa lần nữa
Chủ tịch Ngân hàng Fed Minneapolis Neel Kashkari sẽ không hài lòng với một vài tháng dữ liệu tích cực.
Trình bày tại Hội nghị Giao thông vận tải Minnesota & EXPO hôm 15/05, ông Kashkari giải thích rằng ngân hàng trung ương này còn “nhiều việc phải làm hơn nữa từ phía chúng tôi” để bảo đảm tỷ lệ lạm phát quay trở lại mục tiêu 2%.
“Chúng ta cần hoàn thành nhiệm vụ,” ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng Fed cần làm việc này “một cách có trật tự” mà không dẫn đến một cuộc suy thoái nghiêm trọng.
Ông cũng đã tham gia một sự kiện của trường Đại học Bắc Michigan hôm 11/05, lưu ý cách ông tập trung vào mối liên hệ giữa lạm phát, lãi suất, và những tác động của những yếu tố này lên hệ thống ngân hàng. Đồng thời, ông Kashkari thừa nhận rằng triển vọng lạm phát thật đáng kinh ngạc.
“Chúng tôi đã rất ngạc nhiên về mức độ dai dẳng của lạm phát. Lạm phát đang đi xuống, nhưng cho đến nay tình trạng này vẫn khá dai dẳng,” người đứng đầu ngân hàng trung ương khu vực này cho biết. “Câu hỏi thực sự là khi nào lạm phát sẽ giảm xuống.”
Các báo cáo gần đây cho thấy triển vọng lạm phát của người tiêu dùng rất dai dẳng.
Kỳ vọng lạm phát trong một năm của Đại học Michigan ở mức 4.5% trong tháng Năm, giảm từ mức 4.6% trong tháng Tư. Tuy nhiên, triển vọng lạm phát trong 5 năm tới tăng lên 3.2%, 3% trong tháng trước.
Kỳ vọng lạm phát tiêu dùng trong một năm của Ngân hàng Fed New York giảm xuống 4.4% trong tháng Tư, giảm từ 4.7%, theo Khảo sát về Kỳ vọng của Người tiêu dùng (SCE). Kỳ vọng lạm phát trong ba và năm năm lần lượt tăng lên 2.9% và 2.6%.
Chưa được thuyết phục
Cho dù lạm phát đã chậm lại trong mười tháng liên tiếp, nhưng Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Richmond, Thomas Barkin, vẫn đang xác định xem liệu áp lực giá có giảm dần hay không. Do đó, ông sẵn sàng tăng lãi suất lần thứ 11 liên tiếp hoặc giữ nguyên lãi suất quỹ liên bang chuẩn ở mức 5.00% và 5.25%.
Hiện tại, các quan chức phải đánh giá dữ liệu này khi chi tiêu bằng thẻ tín dụng không thay đổi, thị trường lao động vẫn thắt chặt, ngành ngân hàng đối mặt với căng thẳng nghiêm trọng, và thị trường tài chính đang dõi theo sự bế tắc về mức trần nợ.
Theo giám đốc Ngân hàng Fed Richmond, tình hình việc làm đã “chuyển từ nóng đỏ sang nóng,” thêm vào đó là “lạm phát kéo dài.”
“Quý vị có thể tự kể cho mình một câu chuyện trong đó lạm phát giảm tương đối nhanh chóng… chỉ với một đợt suy thoái kinh tế vừa phải,” ông nói với Reuters trong một hội nghị ở Florida hôm 15/05. “Tôi vẫn chưa bị thuyết phục… Tôi tự hỏi liệu chúng ta có cần phải tác động nhiều hơn đến nhu cầu để đưa lạm phát xuống mức chúng ta thấy cần thiết.”
Ông cũng tiết lộ với Financial Times rằng nếu lạm phát vẫn tiếp tục hoặc tăng nhanh, thì “không có rào cản nào trong tâm trí tôi đối với việc tăng lãi suất hơn nữa.”
Cuối cùng, ông Barkin sẽ không đưa ra quyết định cuối cùng của mình cho đến trước cuộc họp của FOMC vào ngày 13-14/06.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times