Viện nghiên cứu thuộc sở hữu nhà nước: Xuất cảng của Trung Quốc sẽ tăng trưởng âm trong năm nay
Chuyên gia phân tích: Xuất cảng sụt giảm có tác động lớn đến nền kinh tế Trung Quốc
Tăng trưởng xuất cảng của Trung Quốc dự kiến sẽ chuyển sang âm vào năm 2023, một viện nghiên cứu nổi tiếng của Trung Quốc cho biết trong một báo cáo gần đây. Trong khi đó, Bắc Kinh thừa nhận thương mại xuất cảng có “ý nghĩa chiến lược không thể thay thế” đối với sự ổn định kinh tế và tỷ lệ việc làm của đất nước.
Trong hai năm qua, tổng kim ngạch xuất nhập cảng của Trung Quốc chiếm hơn 20 đến 30% GDP nước này. Các nhà phân tích tin rằng tỷ lệ này càng lớn thì tác động đối với nền kinh tế và việc làm của Trung Quốc trong bối cảnh suy thoái càng lớn.
Viện Kinh tế tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) cho biết trong một báo cáo hôm 04/02 rằng tốc độ tăng trưởng xuất cảng của Trung Quốc sẽ chuyển sang mức âm do nhu cầu quốc tế giảm. Và việc xuất cảng ròng âm đó có thể kéo lùi tăng trưởng kinh tế đất nước.
Báo cáo cho rằng xuất cảng ngoại thương của Trung Quốc đã đạt mức tăng trưởng tốt hơn mong đợi trong hai năm đầu tiên của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, các yếu tố như chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt ở một số nền kinh tế sẽ làm chậm đáng kể tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023.
Họ nói thêm rằng khi lạm phát gia tăng nhanh chóng ở một số quốc gia, tốc độ tăng trưởng xuất cảng của Trung Quốc cũng sẽ giảm, thừa nhận rằng xuất cảng ròng, vốn là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của đất nước, có thể chuyển sang mức âm trong năm nay.
Xuất khẩu ‘giảm’
Ông Lục Thiên Minh (Lu Tianming), một nhà bình luận kinh tế và chính trị tại Hoa Kỳ, tin rằng mức tăng trưởng âm của xuất cảng mà Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc tuyên bố thực chất là một “sự sụt giảm.”
Ông nói với The Epoch Times hôm 05/02 rằng xuất cảng của Trung Quốc đã tăng đáng kể trong hai năm đầu tiên xảy ra đại dịch COVID-19 nhưng hiện đang phải đối mặt với sự sụt giảm.
Ông Lục nói, “[Tăng trưởng xuất cảng của Trung Quốc trong hai năm đầu tiên của đại dịch toàn cầu này] là do các nước khác đã đóng cửa nền kinh tế của họ vào giai đoạn đầu của đại dịch, và các chính phủ đã phân phát tiền miễn phí, rồi người dân có tiền để chi tiêu mà không cần đi làm, nên lượng tiêu thụ tăng vọt. Kết quả là, xuất cảng của Trung Quốc tăng lên [trong thời kỳ đó].”
“Sau đó, lạm phát toàn cầu trở nên mạnh hơn và giá cả hàng hóa tăng vọt. Điều này cũng có lợi cho Trung Quốc khi giá các sản phẩm xuất cảng tăng vọt.”
Ông Lục cho biết, tuy nhiên, do lạm phát cao, các quốc gia khác đã bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ bằng cách tăng lãi suất từ năm ngoái, ảnh hưởng tiêu cực đến xuất cảng của Trung Quốc.
Ông cho biết lý do lớn hơn là các công ty ngoại quốc đã bắt đầu chuyển chuỗi cung ứng công nghiệp của họ ra khỏi Trung Quốc.
Ông Lục nói, “Trong hai năm qua, việc kiểm soát đại dịch hà khắc của chính phủ Trung Quốc đã dẫn đến những gián đoạn lớn trong chuỗi cung ứng. Đặc biệt, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng đã sử dụng các chuỗi cung ứng đã được thiết lập của mình như một quân bài thương lượng chính trị để đe dọa an ninh của các quốc gia phương Tây. Những yếu tố này đã dẫn đến việc chuyển chuỗi cung ứng ra bên ngoài trong giai đoạn sau của đại dịch.”
“Mọi người không còn dựa vào Trung Quốc để sản xuất một số mặt hàng này nữa, và nhiều người đã chuyển hoạt động sản xuất của họ sang các quốc gia ở Đông Nam Á.”
Ông Lục nói thêm rằng tình trạng thiếu hụt lao động do dân số Trung Quốc giảm cũng là một yếu tố quan trọng.
Ông Lục cho biết thêm, “Lợi tức về mặt nhân khẩu học của Trung Quốc đã biến mất, và giá lao động đã tăng lên trong những năm gần đây. Do đó, đây cũng là một trong những yếu tố chính góp phần khiến dòng vốn ngoại rút khỏi Trung Quốc và các doanh nghiệp ngoại quốc quyết tâm dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc. Sự sụt giảm trong xuất cảng của Trung Quốc không chỉ là kết quả của việc thắt chặt chính sách tiền tệ ở các nước khác.”
Doanh nghiệp tư nhân và việc làm gặp rủi ro
Tờ báo thuộc sở hữu nhà nước Economic Daily (Nhật báo Kinh tế) đưa tin hồi tháng 10/2022 rằng, dữ liệu từ Cục Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường Trung Quốc (SAMR) cho thấy số lượng doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc đã tăng gấp bốn lần trong 10 năm kể từ cuối năm 2012.
Đồng thời, bài báo của tờ này cho biết tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân trong nước đã tăng từ 79.4% lên 93.3%.
Bài báo nói rằng các doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc đã đóng một vai trò quan trọng trong việc “ổn định tăng trưởng, thúc đẩy đổi mới, tăng việc làm, và cải thiện sinh kế của người dân, đồng thời trở thành một lực lượng thiết yếu trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội.”
Bàn về chủ đề này, ông Lục cho biết có một tỷ lệ lớn các doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc dựa vào các đơn đặt hàng ngoại thương để tồn tại, đặc biệt là các doanh nghiệp ở tỉnh Giang Tô, tỉnh Chiết Giang, và các vùng ven biển ở phía đông nam Trung Quốc Và các doanh nghiệp đó đã hình thành một chuỗi cung ứng công nghiệp toàn diện, nơi hoạt động của họ ảnh hưởng chặt chẽ lẫn nhau.
Ông Lục cho biết nếu xuất cảng của Trung Quốc giảm, các doanh nghiệp sẽ bắt đầu đóng cửa, ảnh hưởng đáng kể đến toàn bộ ngành.
Ông Lục nói, “Các doanh nghiệp tư nhân này tạo ra số lượng việc làm lớn nhất cả nước ở Trung Quốc, lớn hơn nhiều so với các doanh nghiệp nhà nước.”
“Khi các công ty nước ngoài chuyển chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc, các doanh nghiệp Trung Quốc này sẽ không còn nhận được đơn đặt hàng và do đó sẽ đứng trước bờ vực phá sản. Trong khi đó, nhiều người lao động sẽ mất việc làm, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp toàn xã hội tăng cao, càng ảnh hưởng đến ổn định xã hội.”
Phần lớn GDP của Trung Quốc do xuất nhập cảng thúc đẩy
ĐCSTQ dựa vào tiêu dùng, đầu tư, và xuất cảng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước, điều mà họ gọi là “cỗ xe tam mã” (“Troika”).
Hãng thông tấn Tân Hoa Xã của nhà nước Trung Quốc cho biết hồi tháng 05/2021 rằng cỗ xe tam mã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thương mại xuất cảng có “ý nghĩa chiến lược không thể thay thế” đối với sự ổn định kinh tế, tăng trưởng việc làm, và cải thiện khả năng cạnh tranh quốc tế của đất nước.
Trong hai năm qua, tổng kim ngạch xuất nhập cảng của Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao trong GDP.
Viện Nghiên cứu Ngân hàng Trung Quốc cho biết hồi tháng Hai năm ngoái rằng tốc độ tăng trưởng xuất cảng liên tục của nước này trong năm 2021 đã vượt quá mong đợi và đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của nước này. Tỷ lệ đóng góp của xuất cảng ròng hàng hóa và dịch vụ vào GDP đạt 20.9%, thúc đẩy tăng trưởng GDP thêm 1.7%.
Hồi tháng Một năm 2021, ông Ninh Cát Triết (Ning Jizhe), khi ấy là Cục trưởng Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, cho biết tổng khối lượng xuất nhập cảng của Trung Quốc tương đương hơn 30% GDP của nước này vào năm 2020. Và tỷ trọng của tổng khối lượng xuất nhập cảng so với GDP là tương đối cao trong số các cường quốc kinh tế lớn.
Ông Ninh nói rằng “các nước lớn thường tập trung vào nhu cầu trong nước và thực hiện các chu kỳ kinh tế trong điều kiện mở. Tỷ trọng [xuất nhập cảng của Trung Quốc] cao hơn so với Hoa Kỳ và Nhật Bản, những cường quốc kinh tế lớn.”
Tác động đối với nền kinh tế Trung Quốc
Về phương diện này, ông Lục cho biết xuất cảng chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế Trung Quốc và “tỷ trọng càng lớn thì tác động của cuộc suy thoái hiện tại đối với nền kinh tế Trung Quốc càng lớn.”
“Nhu cầu nội địa của Trung Quốc từ lâu đã chậm lại. Tức là người dân bình thường không có tiền, nhất là trong hai năm đại dịch. Thương mại xuất nhập cảng [của nước này] chiếm tỷ trọng GDP rất cao, trong khi tỷ trọng của các nước ở Châu Âu và Châu Mỹ tương đối nhỏ hơn nhiều.”
“Tại sao những con số này lại nhỏ hơn nhiều như vậy? Các nước đó đều là những nền kinh tế lành mạnh được chi phối bởi tiêu dùng trong nước. Tổng tiền lương của họ chiếm tỷ lệ GDP cao hơn nhiều so với Trung Quốc, vì vậy người dân của họ có đủ tiền và mức tiêu dùng sinh hoạt bình thường của họ có thể duy trì hoạt động kinh tế của đất nước. Nhưng ở Trung Quốc, điều này là phi thực tế. Đó không phải là một cấu trúc kinh tế lành mạnh và khả năng chi tiêu của người dân thấp hơn nhiều.”
Ông Lục cho biết, ví dụ, Trung Quốc thường trả đũa Đài Loan về kinh tế bằng cách áp đặt lệnh cấm nhập cảng đối với một số mặt hàng của Đài Loan. Tuy nhiên, cuối cùng, người ta nhận ra rằng nhập cảng từ Đài Loan của Trung Quốc chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong GDP của hòn đảo. Ngay cả khi Trung Quốc không nhập cảng bất cứ thứ gì từ Đài Loan, thì tác động kinh tế đối với hòn đảo này sẽ hạn chế.
Ông Lục nói, “Tuy nhiên, xuất cảng chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế Trung Quốc.”
“Về mặt lý thuyết, nếu ĐCSTQ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP là 5%, thì cỗ xe tam mã cũng sẽ tăng hàng năm. Mỗi thành phần cần tăng trưởng khoảng 5% để có thể đạt mức tăng trưởng GDP bình quân 5%.”
“Tuy nhiên, nếu 5% xuất cảng không còn, hoặc không tăng, thậm chí giảm 5%, thì hai thành phần còn lại có thể phải tăng lên 10% để đưa tăng trưởng GDP chung lên 5%, điều này vô cùng khó khăn.”
Ông nói thêm rằng không chỉ xuất cảng của Trung Quốc giảm mà cả nhập cảng cũng vậy.
Ông Lục nói thêm, “Trung Quốc nhập cảng một số nguyên liệu thô, chế biến rồi xuất cảng để kiếm phí gia công tại quê nhà. Giờ đây, khi nhiều chuỗi cung ứng công nghiệp đang chuyển khỏi nước này, thì loại hình nhập cảng này cũng sẽ giảm. Phần khác là khi nền kinh tế tổng thể đi xuống và nhu cầu trong nước chậm lại, nhập cảng các sản phẩm tiêu dùng cũng sẽ giảm. Người bình thường không có tiền, cuộc sống ngày càng khó khăn hơn, và mức tiêu thụ các sản phẩm ngoại giá cao cũng sẽ giảm.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times