Trung Quốc tìm cách thúc đẩy lĩnh vực công nghệ để bù đắp cho tăng trưởng kinh tế
Các trường hợp tử vong và nhiễm COVID là trở ngại lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc
Bắc Kinh đang tìm cách khôi phục lại tăng trưởng lĩnh vực công nghệ để cứu vãn nền kinh tế đang suy thoái của Trung Quốc.
Cuối cùng thì cuộc đàn áp kéo dài hơn hai năm của Trung Quốc đối với lĩnh vực công nghệ đang phát triển của họ cũng có thể kết thúc. Và các nhà đầu tư toàn cầu đã chạy đua để mua các cổ phiếu trong năm nay.
Ông Quách Thụ Thanh (Guo Shuqing), người đứng đầu Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBC) của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), tuyên bố hồi cuối tháng Một rằng chiến dịch kéo dài nhiều năm nhằm kiềm chế các công ty nền tảng internet của Trung Quốc phần lớn đã hoàn tất.
Ông Quách tuyên bố thêm rằng việc giám sát liên tục sẽ được “bình thường hóa,” và Bắc Kinh sẽ trợ giúp các công ty nền tảng internet để “đóng một vai trò lớn hơn trong việc tạo công ăn việc làm và cạnh tranh toàn cầu.” Ngoài vai trò tại PBC, ông Quách còn là chủ tịch Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC).
Những tuyên bố này cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang thay đổi cách tiếp cận của họ trong việc quản lý các công ty công nghệ lớn như Alibaba Group và Tencent Holdings.
Ban đầu, Bắc Kinh nhắm vào các đại công ty công nghệ này — vốn là một vài trong số những công ty có giá trị nhất có trụ sở tại Trung Quốc — bắt đầu từ cuối năm 2020, cảnh báo rằng những công ty này đã nắm giữ quá nhiều quyền lực và đã kiểm soát quá nhiều thông tin. Cuộc đàn áp đã xảy ra sau đó với các công ty bị vướng vào như Alibaba, Ant Group, cũng như các nhà điều hành thương mại điện tử, dịch vụ gọi xe, và các công ty giao thức ăn. Cuộc IPO của Ant Group đã bị tạm dừng, và cổ phiếu giao dịch tại Hoa Kỳ của Didi Global đã bị hủy niêm yết.
Lập trường cứng rắn của các nhà hoạch định chính sách đối với ngành này đã gây ra những làn sóng bán tháo cổ phiếu công nghệ Trung Quốc trên thị trường chứng khoán ở Hoa Kỳ, Hồng Kông, và Trung Quốc, với việc nhiều công ty chứng kiến hơn 50% giá trị của họ bị mất trắng trong suốt hai năm đàn áp.
Nhưng đã có một sự đảo chiều gần đây. Và không giống như những thay đổi chính sách trước đây của Bắc Kinh, được thực hiện một cách thầm lặng và tinh vi, quá trình chuyển đổi này đã được thông báo rộng rãi.
Didi, công ty dịch vụ gọi xe, gần đây đã nhận được sự chấp thuận để tiếp tục bổ sung người dùng mới sau một cuộc điều tra bảo mật kéo dài 18 tháng. Trong lúc Didi bị cấm thêm người dùng mới, thì các đối thủ cạnh tranh đã tràn vào, với việc công ty giao thức ăn Meituan và tập đoàn công nghệ Tencent đều ra mắt các ứng dụng gọi xe riêng của họ.
Ngoài ra, một công ty đầu tư thuộc sở hữu của chính phủ có liên kết với cơ quan quản lý internet của Bắc Kinh đã nắm giữ số cổ phần sở hữu nhỏ được gọi là “cổ phiếu vàng” trong các công ty con của Alibaba và Tencent. Tờ Financial Times cho rằng những cổ phần này sẽ củng cố thêm sự kiểm soát của Bắc Kinh đối với các công ty internet này. Không phải là ĐCSTQ cần cổ phần tài chính để hợp pháp hóa sự thống trị của đảng này đối với tất cả các công ty Trung Quốc; trên thực tế thì đảng này đã thực hiện quyền kiểm soát đối với tất cả các công ty, tổ chức, và người dân ở Trung Quốc rồi.
Những gì hành động này cho thấy là các lợi ích của ĐCSTQ và các công ty này giờ đây hẳn là đã liên kết hoàn toàn với nhau. Các công ty sẽ không vi phạm các quy định của ĐCSTQ, và ĐCSTQ (có lẽ) sẽ trợ giúp sự phát triển và tồn tại của những ngành này.
Nhưng tại sao lại là vào lúc này?
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chững lại. Và quốc gia này một lần nữa là tâm điểm của thế giới về các ca nhiễm COVID. Bất chấp dữ liệu về số ca nhiễm và tử vong đáng ngờ, rõ ràng là Trung Quốc đang phải oằn mình trước sự lây lan bùng nổ của loại virus này sau khi từ bỏ chính sách zero COVID hồi đầu năm.
Sự chuyển hướng đột ngột của ĐCSTQ đã khiến Trung Quốc rơi vào một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng lớn, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên Đán hồi cuối tháng Một, khi các chuyến đi nghỉ lễ tăng gần 75% so với năm ngoái. Theo một nghiên cứu của Đại học Bắc Kinh, tính đến đầu năm nay, 64% dân số Trung Quốc, tương đương với khoảng 900 triệu người, đã bị nhiễm COVID-19. Một số chuyên gia ước tính rằng số người tử vong có thể nằm trong khoảng 200-400 triệu. Dù thế nào đi chăng nữa, thì số người tử vong thực sự là cao hơn nhiều so với các báo cáo chính thức.
Những ca nhiễm bệnh và tử vong này đồng nghĩa với tình trạng kinh tế khó khăn hơn. Như vậy có nghĩa là ít người tiêu dùng hơn. Ít người tiêu dùng hơn có nghĩa là GDP và tăng trưởng kinh tế thấp hơn. Sự suy giảm tăng trưởng ấy phải được bù đắp ở đâu đó.
Vì vậy, Bắc Kinh đang hy vọng khơi lại sự tăng trưởng trong lĩnh vực công nghệ của mình để giúp bù đắp cho sự thiếu hụt tăng trưởng đó. Năm nay, chứng khoán Trung Quốc tăng chủ yếu là nhờ các nhà đầu tư ngoại quốc mua vào vì câu chuyện mở cửa trở lại. Ví dụ, iShares MSCI China ETF đã tăng gần 15% từ đầu năm đến nay. Cổ phiếu Alibaba được giao dịch trên NYSE đã tăng gần 30% từ đầu năm đến nay. Và cổ phiếu được giao dịch tại Hồng Kông của Tencent đã tăng hơn 25% trong cùng thời kỳ.
Tuy nhiên, cho đến nay, các nhà đầu tư ngoại quốc dường như đang phớt lờ hoặc không hiểu rõ về các ca tử vong và nhiễm COVID cũng như tác động tiềm ẩn của thực trạng này đối với tăng trưởng trong tương lai. Do đó, các mô hình dự báo đầu tư liên quan đến người dùng và hoạt động của người dùng của các công ty Trung Quốc nhiều khả năng là thổi phồng. Ngay cả khi mở cửa trở lại, thì nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ không nên còn được tính toán theo dựa trên con số 1.4 tỷ người — kết quả thống kê dân số trước năm 2020.
Và thậm chí viễn cảnh đó còn chưa tính đến những thách thức về mặt cấu trúc không phải do COVID gây ra trong nền kinh tế Trung Quốc. Nợ chính phủ ở tất cả các cấp đã tăng vọt. Lĩnh vực địa ốc vẫn trên bờ vực sụp đổ. Triển vọng của cả hai lĩnh vực này thậm chí còn bấp bênh hơn nếu dân số giảm đáng kể.
Đó là một điểm mù mà các nhà đầu tư không thể bỏ qua.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times