Viên minh châu đã mất: Nền văn minh Khoa học Kỹ thuật của Trung Quốc cổ đại (P.1)
Xem thêm phần 2,Phần 3,phần 4.
Trung Quốc cổ đại đã xây dựng một đế chế công nghệ đi trước xã hội hiện đại hàng nghìn năm. Tại sao người Trung Quốc cổ đại lại có thể phát triển những công nghệ vượt thời đại? Và tại sao nó lại biến mất một cách kỳ lạ như vậy?
Trung Quốc từng là đất nước có nền văn minh cổ đại với hệ thống tư tưởng văn hoá uyên bác, kĩ thuật đột phá. Một số công nghệ thậm chí có thể lật đổ hoàn toàn nhận thức của người hiện đại về xã hội xưa. Bài viết này dựa theo góc độ văn minh khoa học kỹ thuật, phá bỏ các rào cản quan niệm của xã hội hiện đại, tìm lại những sự thật lịch sử về trình độ khoa học kỹ thuật của nền văn minh 5,000 năm của Trung Hoa. Ngoài ra bài viết cũng hy vọng độc giả có nhận thức sâu hơn về lý niệm “Thiên nhân hợp nhất” của cổ nhân. Đây là phương pháp đưa khoa học kỹ thuật phát triển lên tầm cao nhưng vẫn phù hợp với nguyên lý vũ trụ.
Kỹ thuật của Trung Quốc cổ đại đi trước xã hội hiện đại hàng nghìn năm
Năm 1994, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra 19 thanh kiếm bằng đồng trong quá trình khai quật quần thể đội quân đất nung số 2 của Tần Thủy Hoàng. Những thanh kiếm bằng đồng này dài 86 cm và có 8 cạnh. Các nhà khảo cổ đã đo bằng thước cặp vernier và thấy rằng độ sai lệch của tám cạnh nhỏ hơn một sợi tóc.
Điều này đã chứng minh, quá trình rèn đúc những thanh kiếm đã đạt đến trình độ vô cùng tinh xảo và chuẩn xác. Quy trình sản xuất này có thể sánh ngang với hệ thống kiểm soát chất lượng của một nhà máy hiện đại. Điều đáng kinh ngạc là khi phát hiện những thanh kiếm bằng đồng này, lưỡi kiếm vẫn sáng bóng và sắc bén, đây là một điều không thể tin được đối với một binh khí đã bị chôn vùi hơn 2,000 năm dưới lòng đất. Để trả lời cho câu hỏi này, các nhà khảo cổ đã đưa chúng vào phòng thí nghiệm và thu được kết quả hoàn toàn bất ngờ. Họ phát hiện ra rằng bề mặt của các thanh kiếm có một lớp hợp chất muối crom dày 10μm.
Phát hiện này ngay lập tức gây chấn động giới khoa học toàn cầu, bởi phương pháp xử lý oxi hóa bằng muối crom này là một công nghệ tiên tiến “chỉ xuất hiện” ở thời hiện đại. Vào năm 1937 và năm 1950, Đức và Hoa Kỳ đã lần lượt phát minh ra công nghệ này và đã được cấp bằng sáng chế.
Chẳng lẽ người Trung Quốc đã phát hiện ra công nghệ hiện đại này từ 2,000 năm trước? Hơn nữa, kỹ thuật này không phải xuất hiện từ thời đại Tần Thuỷ Hoàng, bởi thanh kiếm Việt Vương Câu Tiễn được các nhà khoa học khai quật năm 1965 ở tỉnh Hồ Bắc, cũng đã được sử dụng kỹ thuật mạ crom này.
Khi thanh kiếm của Vua Việt Vương Câu Tiễn được rút khỏi vỏ, người ta đã vô cùng kinh ngạc khi thấy lưỡi kiếm không hề bị gỉ mà vẫn vô cùng sắc bén. Lớp hợp chất muối crom chống oxy hóa trên thanh kiếm còn tương tự như phát minh quy trình mạ crom được cấp bằng sáng chế trong thời hiện đại.
Các khoa học gia đã trải qua hết kinh ngạc này đến kinh ngạc khác. Khi các nhà khảo cổ đang dọn dẹp hố số 1 của Đội quân đất nung, phát hiện thấy một thanh kiếm bằng đồng được uốn cong bởi một bức tượng nhỏ bằng gốm nặng 150kg, và lưỡi kiếm bị cong hơn 45 độ. Khi các nhà khảo cổ dịch chuyển bức tượng, một cảnh tượng đáng kinh ngạc xuất hiện: thanh kiếm đồng mỏng và hẹp bật thẳng ngay lập tức, và phục hồi về trạng thái ban đầu.
Đây chính là loại “hợp kim nhớ hình” mà các nhà luyện kim đương thời hằng mơ ước chế tạo. Công nghệ này đã được các khoa học gia bắt đầu để mắt đến từ những năm 1950. Mãi đến những năm 1960, Hải quân Hoa Kỳ mới phát triển thành công và đưa vào thương mại hoá những hợp chất kim loại nhớ hình này. Vậy ai đã phát minh và vận dụng khéo kéo những công nghệ này cách đây 2,000 năm?
Chúng ta nên lý giải những kỳ lạ về kỹ thuật tiên tiến “vượt thời gian và không gian” của người xưa như thế nào? Theo logic cơ bản của hầu hết người hiện đại, người xưa nhìn chung là có nền văn minh lạc hậu, tri thức khoa học kỹ thuật nghèo nàn hơn xã hội hiện đại đến vài nghìn năm. Nhưng từ ví trên, chúng ta có thể thấy xã hội cổ đại đã đi trước chúng ta nhiều thiên niên kỷ.
Chúng ta đều biết, cuộc cách mạng Công nghiệp đã đánh dấu sự bắt đầu của nền văn minh vật chất hiện đại. Đến nay chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ hoá cao. Còn Trung Quốc cổ đại lại được biết đến là phát triển nền văn minh nông nghiệp. Trong chặng đường phát triển từ nền văn minh nông nghiệp tiến đến nền văn minh công nghiệp đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử. Nếu so sánh với tốc độ phát triển của công nghệ hiện đại, đây có vẻ là bước tiến khá chậm của khoa học kỹ thuật, thậm chí đại đa số mọi người có quan niệm rằng, mãi đến thời cách mạng công nghiệp thì não người mới được “khai sáng”. Phát minh động cơ hơi nước đã mở đầu cho nền công nghiệp thay thế sức người và động vật bằng máy móc. Tuy nhiên, quan niệm hiện đại này có vẻ đang đi lệch hướng. Khi nói đến công nghiệp máy móc, trước khi mở màn cuộc Cách mạng công nghiệp Âu Châu hàng nghìn năm trước, người Trung Quốc cổ đại đã rất thành công trong lĩnh vực máy móc này.
Trong cuốn “Mặc Tử – Lỗ Văn” viết rằng: “Công Thâu Tử (Lỗ Ban) làm con chim gỗ, bay lên cao suốt ba ngày không xuống.” Kỹ thuật cao minh này có lẽ đến phi cơ hiện đại cũng chưa đạt được. Cụ thể là, so với chiếc phi cơ không người lái Global Hawk tiên tiến nhất của quân đội Hoa Kỳ chỉ có thể bay liên tục 42 giờ trên bầu trời, vậy “máy không người lái” do Lỗ Ban chế tạo 2,000 năm trước đã được trang bị động cơ nào? Những điều này hoàn toàn là một bí ẩn đối với người hiện đại chúng ta.
Ngoài ra, trong cuốn “Hồng Thư” thời nhà Minh ghi lại: “Công Thâu Tử tạo diều gỗ để đi do thám thành trì nước Tống.” Nói cách khác, Lỗ Ban đã từng tạo một “trinh sát cơ” phục vụ cho chiến tranh. Ngoài ra, ông còn chế tạo cả phi cơ chở khách. Theo “Tây Dương Tạp Trở” ghi chép, Lỗ Ban đi làm ăn xa, vì thương nhớ vợ nên đã làm một con diều gỗ, chỉ cần ngồi lên rồi gõ vài tiếng là con diều sẽ bay lên. Thế là ông cưỡi diều bay về nhà gặp nương tử, hôm sau lại tiếp tục lên đường hành hương.
Trâu gỗ, ngựa máy của Gia Cát Lượng thời Tam Quốc còn vang danh nhiều thời đại. Theo “Tam Quốc Chí – Gia Cát Lượng truyện” ghi lại: “Lượng tài trí thiên bẩm, chế nỏ Liên Châu, trâu gỗ ngựa máy, quả là kỳ tài thiên hạ.” Sau đó, “Năm Kiến Hưng thứ 9, Lượng lại ra núi Kỳ Sơn, dùng trâu gỗ để vận chuyển, khi hết lương thực thì lui quân…. Mùa xuân năm Kiến Hưng thứ 12, Lượng dẫn đại quân đi đường Tà Cốc, dùng ngựa máy để chuyên chở.”
Theo sử sách ghi lại, năm Kiến Hưng thứ 9-12 (tức năm 231 – 234), Gia Cát Lượng đã sử dụng các máy móc tự động như trâu gỗ và ngựa máy để vận chuyển lương thảo trong nhiều cuộc nam chinh bắc chiến. Nhưng đáng tiếc là, những kỹ thuật chế tạo trâu gỗ, ngựa máy này cũng giống như “phi cơ không người lái” của Lỗ Ban, đều không được lưu truyền lại cho người đời sau.
Một ví dụ khác, vào năm 1972, các nhà khảo cổ khi khai quật lăng mộ cổ Mã Vương Đôi ở thành phố Trường Xa, tỉnh Hồ Nam đã phát hiện hai bộ thiền y thiết kế tinh xảo, may bằng lụa mỏng như cánh ve sầu. Hai chiếc áo dài 128cm, tay áo dài 190cm, đều có trọng lượng nhẹ bất ngờ, một chiếc nặng 48g, chiếc còn lại nặng 49g. Hai chiếc áo mỏng đến mức, nếu gấp chúng lại có thể để vừa trong một bao diêm.
Đây là sản vật tiêu biểu cho công nghệ dệt thời Tây Hán, tuy nhiên kỹ thuật này cũng đã bị thất truyền. Được biết, bảo tàng tỉnh Hồ Nam từng uỷ thác một viện nghiên cứu phục chế bộ thiền y trên. Họ phải mất đến 13 năm mới có thể hoàn thành, nhưng trọng lượng tối đa là 49.5g. Vậy nếu dùng trình độ dệt may của người hiện đại, liệu có bao nhiêu người phụ nữ đương thời có thể mặc loại thiền y mỏng như cánh ve sầu này? Thế mà công nghệ ấy đã từng thực sự tồn tại trong thời cổ đại. Trung Quốc cổ đại nổi danh là đất nước “y quan thượng quốc”, do đó về phương diện trang phục, bất kể là từ thiết kế hay kỹ thuật dệt may đều thuần thục và tinh tế khiến người hiện đại phải kinh ngạc.
(Còn tiếp)