Bật lửa thời cổ đại – Gương lấy lửa từ mặt trời
Nếu như không có lửa, nhân loại sẽ phát sinh những vấn đề gì? Nhỏ thì không cách nào làm chín thực phẩm sống, lớn thì không luyện được kim loại, chế tạo vũ khí. Không có nguồn lửa, rất nhiều ngành công nghiệp sẽ rơi vào tê liệt. Ngược về lịch sử để tìm hiểu nguồn gốc và cách sử dụng lửa, còn có một câu chuyện rất ly kỳ!
Thánh giả thần du Toại Minh Quốc, phát minh dụng cụ đánh lửa
Trong truyền thuyết thần thoại thời thượng cổ, có một quốc gia của Thần linh có tên gọi là “Toại Minh Quốc”. Đất nước này không có Xuân-Hạ-Thu-Đông, không có mặt trời, mặt trăng, cũng không có phân chia ngày đêm. Nhưng ở nơi đây vẫn luôn tràn ngập ánh sáng.
Người dân sống ở Toại Minh Quốc đều có thuật trường sinh bất tử, có thể sống mãi mãi. Có những người sống qua năm tháng rất dài lâu, nhưng bởi vì thực tế sống được quá lâu cho nên cũng sinh ra chán nản, lúc đó sẽ thăng thiên mà đi.
Toại Minh Quốc còn có một cây lửa thần kỳ, tên gọi là “Toại Mộc”. Cây này chiếm đất đến hơn một vạn khoảnh*, cành lá vô cùng sum suê, và có những đám mây mù lượn lờ xuất hiện từ trong cây. Chỉ cần bẻ xuống một đoạn cành cây, khoan vào khúc cây thì sẽ lấy được lửa.
Sau đó, có một vị thánh nhân thần du thiên quốc, ngẫu nhiên tiến nhập vào Toại Minh Quốc. Ông trông thấy Toại Mộc, nhìn thấy trên cây có một con cú, khi nó dùng mỏ mổ cây thì sẽ tóe ra những tia lửa sáng lóe. Thánh nhân đắc được khải thị, ông trên thì quan sát thiên tượng, dưới quan sát thấy Hỏa đức là một trong Ngũ hành, liền phát minh ra dụng cụ lấy lửa. và đem cách dùng lửa truyền cho nhân loại. Vị Thánh nhân này chính là Toại Nhân Thị.
Ba ngàn năm trước đã biết sử dụng nguyên lý tụ ánh sáng
Vào triều Chu hơn ba ngàn năm trước, đã có thuyết pháp “Tả bội kim toại”, “Hữu bội mộc toại”, ý là khi trời nắng dùng kim toại lấy lửa, khi trời đầy mây dùng mộc toại lấy lửa. Kim toại còn được gọi là dương toại, được đúc bằng đồng; mộc toại, là dụng cụ đánh lửa dùng mộc chế thành.
Dương toại có thể phân thành hai loại. Một cách là dùng kim loại chế thành cái ly có đáy nhọn, đem nó đặt dưới ánh mặt trời để cho tia nắng tụ tại chỗ nhọn ở đáy ly, điểm sáng tập trung có thể dẫn đốt vật mồi dễ cháy ở dưới đáy ly (ví như như sợi ngải cứu). Một cách khác, là dùng đồng đúc thành chiếc gương đồng có chỗ lõm, đem gương đồng hướng vào mặt trời lấy lửa. Ánh sáng chiếu vào mặt lõm của dương toại, tập trung đến một tiêu điểm ở mặt lõm của dương toại, nhiệt độ điểm sáng nhanh chóng lên cao, cũng có thể tạo thành lửa đốt sợi ngải cứu.
Ba ngàn năm trước, người dân triều đại nhà Chu đã biết cách sử dụng nguyên lý tụ ánh sáng. Đến thời hiện đại ngày nay, nguyên lý tụ ánh sáng cũng được khoa học hiện đại sử dụng rộng khắp. Cho dù là kỹ thuật hàng không vũ trụ, hay là sử dụng năng lượng mặt trời, đều có thể thấy sự vận dụng nguyên lý tụ ánh sáng. Bởi vậy có người cho rằng, nguyên lý tụ ánh sáng nên được liệt vào phát minh lớn thứ 5 kế tiếp sau tứ đại phát minh của Trung Quốc!
Thuỷ tổ của diêm, phát minh ra nến
Thời cổ chế tạo dương toại, thường chọn buổi trưa ngày Bính Ngọ của tháng 5, trong khoảng từ 11 đến 1 giờ, bởi vì thời gian này hỏa khí vượng nhất. Dùng đá ngũ sắc đã được luyện kỹ tiến hành rèn đúc. Sau khi dương toại chế thành, hình dạng rất giống một tấm gương tròn, ở giữa có chỗ lõm. Đem nó đặt đối diện với mặt trời để tập trung ánh nắng, liền có thể dễ dàng lấy lửa.
Ngoài việc dùng dương toại lấy lửa, còn có các phương pháp lấy lửa khác. Thời Ngụy Tấn áp dụng cách đánh đá lấy lửa, dùng miếng sắt đập vào tảng đá làm phát ra những đốm lửa, làm cháy ngòi lấy lửa. Chất liệu ngòi lấy lửa phần lớn là sợi ngải cứu hoặc giấy, bởi vì cho thêm nước đá tiêu, khi chạm lửa sẽ cháy ngay.
Về sau xuất hiện phát minh ra nến, cũng gọi là thối, đèn, chính là đem gỗ thông, gỗ sam chẻ thành phiến mỏng, trên đầu mảnh gỗ thoa chút lưu huỳnh. Đến đời Thanh, thì dùng vỏ cây vừng làm thành cành thật nhỏ, trên đầu thoa lưu huỳnh, gặp lửa rất dễ cháy. Nó gần giống với diêm ngày nay, cũng có thể coi là thuỷ tổ của diêm vậy!
Tư liệu tham khảo: