Việc Cục Dự trữ Liên bang cứu trợ các ngân hàng có thể bơm 2 ngàn tỷ USD vào hệ thống tài chính, gây tăng lo ngại lạm phát
Các chiến lược gia của JPMorgan Chase dự đoán chương trình cho vay khẩn cấp của Cục Dự trữ Liên bang để cứu trợ các ngân hàng gặp khó khăn có thể bơm tới 2 ngàn tỷ USD vào hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ, với một số nhà phân tích lo ngại chương trình này có thể thúc đẩy lạm phát hoặc gia tăng rủi ro đạo đức.
Sau sự sụp đổ đột ngột của Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank, Cục Dự trữ Liên bang đã thiết lập một chương trình cấp vốn khẩn cấp mang tên Chương trình Tài trợ có Kỳ hạn cho Ngân hàng, nhằm bảo đảm các ngân hàng có đủ thanh khoản để đáp ứng nhu cầu của người gửi tiền.
“Việc sử dụng Chương trình Tài trợ có Kỳ hạn cho Ngân hàng của Fed có thể sẽ rất lớn,” các chiến lược gia của JPMorgan đã viết trong một lưu ý khách hàng hôm thứ Tư (15/03).
Các chiến lược gia cho biết hạn mức sử dụng tối đa cho cơ sở cho vay khẩn cấp này là gần 2 ngàn tỷ USD. Họ nói rằng hạn mức đó sẽ có thể cung cấp cho hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ đủ tiền để giảm bớt sự khan hiếm dự trữ và đảo ngược việc thắt chặt các điều kiện tài chính gần đây của ngân hàng trung ương.
Mặc dù hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ có dự trữ khoảng 3 ngàn tỷ USD, nhưng một phần lớn trong số đó là do các ngân hàng lớn nhất nắm giữ, và chính các ngân hàng nhỏ hơn mới là các bên có nhiều khả năng khai thác chương trình cho vay của Fed.
SVB, một ngân hàng hạng trung, đã sụp đổ khi người gửi tiền rút tiền tiết kiệm hàng loạt khi có thông tin lan truyền rằng ngân hàng này đã gánh chịu khoản lỗ lớn đối với danh mục đầu tư công khố phiếu của mình, vốn đã bị xói mòn giá trị do lãi suất tăng. Chịu khoản lỗ 1.8 tỷ USD do buộc phải bán lượng công khố phiếu trị giá 21 tỷ USD, ngân hàng này sau đó thông báo rằng họ đang tìm cách có thêm 2.25 tỷ USD tiền vốn để lấp đầy khoảng trống đó. Thông báo này đã khiến những người gửi tiền hoảng sợ, và họ đã vội vã rút tiền ra.
Một chương trình giống như chương trình mà Fed đã áp dụng kể từ khi SVB sụp đổ sẽ cho phép ngân hàng vay theo mệnh giá của công khố phiếu đang nắm giữ để đáp ứng nhu cầu tài trợ của mình thay vì bán công khố phiếu nắm giữ theo lãi suất thị trường với mức lỗ sâu.
‘Hình thức nới lỏng định lượng mới’?
Chủ tịch FDIC Martin Gruenberg gần đây đã cảnh báo rằng các ngân hàng Hoa Kỳ đang chịu khoản lỗ chưa thực hiện đối với lượng công khố phiếu nắm giữ trị giá khoảng 620 tỷ USD.
“Các khoản lỗ chưa thực hiện đối với chứng khoán đã làm giảm đáng kể nguồn vốn được báo cáo của ngành ngân hàng,” ông nói, đồng thời giải thích rằng các khoản lỗ chưa thực hiện làm suy yếu khả năng đáp ứng nhu cầu thanh khoản đột xuất của các ngân hàng vì chúng tạo ra ít vốn tiền mặt hơn khi bán và vì việc bán chúng thường làm giảm lượng vốn pháp định.
Tuy nhiên, ông Gruenberg nói thêm rằng các ngân hàng trong nước “nhìn chung đang ở trong tình trạng tài chính vững mạnh và không bị buộc phải bù lỗ bằng cách bán chứng khoán đang bị suy giảm giá trị.”
Công cụ tài trợ mới của Fed cung cấp cho các ngân hàng một lớp bảo đảm bổ sung vì chương trình này cho phép họ vay từ Fed trong thời hạn một năm bằng cách sử dụng chứng khoán của họ làm tài sản thế chấp theo mệnh giá, không phải theo lãi suất thị trường.
“Về căn bản, đây là một cơ sở cung cấp thanh khoản bằng thế chấp cho các ngân hàng mà không thể có được ở nơi khác,” các nhà phân tích của ING cho biết trong một lưu ý, đồng thời cho biết thêm rằng đó là một “phương tiện cung cấp thanh khoản với điều kiện tốt, ít nhất là cho đến khi giai đoạn áp lực hệ thống tăng cao hiện nay qua đi.”
Nhưng một số chuyên gia đã cảnh báo rằng việc cung cấp vốn dự phòng khẩn cấp của Fed có thể gây ra lạm phát.
Ông Nigel Green, giám đốc điều hành của tập đoàn tư vấn quản lý tài sản DeVere Group, nói với Forbes rằng: “Gói giải cứu SVB về căn bản là một hình thức nới lỏng định lượng mới.”
Nới lỏng định lượng (QE) là thuật ngữ dành cho chương trình mua công khố phiếu của Fed được áp dụng trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008–2009 nhằm ổn định hệ thống tài chính. QE làm tăng đáng kể lượng tiền trong lưu thông, gây áp lực tăng giá.
Ông Tom Esssaye, một nhà phân tích tại Sevens Report cho biết: “Nếu cuộc khủng hoảng ngân hàng chỉ giới hạn ở một số ngân hàng, thì các hành động của Fed và Bộ Ngân khố hôm Chủ Nhật (12/03) sẽ chứng minh là gây ra lạm phát.”
Ông Joseph Wang, giám đốc đầu tư tại Monetary Macro, xem gói tài trợ của Fed là một phần của gói cứu trợ sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra rủi ro đạo đức.
“Tôi nghĩ rằng có một khía cạnh rủi ro đạo đức trong vấn đề này,” ông Wang nói với Marketplace trong một cuộc phỏng vấn.
Rủi ro đạo đức là ý tưởng cho rằng khi mọi người được bảo vệ khỏi những hậu quả tiêu cực từ những hành động mạo hiểm của họ, chẳng hạn như thông qua các gói cứu trợ hoặc các mạng lưới an toàn khác, thì họ sẽ có động lực thực hiện những hành động đó lần nữa.
“Về căn bản, đây là gói cứu trợ lớn nhất cho ngành ngân hàng” kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, ông Wang nói trong cuộc phỏng vấn.
“Trong lĩnh vực ngân hàng trung ương, một trong những nguyên tắc căn bản là quý vị cho các ngân hàng có khả năng thanh toán nợ vay với tài sản thế chấp tốt ở mức lãi suất cao hơn thị trường vì vai trò của một ngân hàng trung ương, như chúng ta hiểu, là bên cho vay cuối cùng.”
“Nhưng gói cứu trợ ngân hàng [mới] này đã phá vỡ mọi nguyên tắc đó.”
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị thám khảo bản gốc từ The Epoch Times