Hơn bao giờ hết, Fed đang khiến mọi thứ trở nên ngày càng tệ hại
Ông Jerome Powell lên nắm quyền tại Fed với quyết tâm đảo ngược những sai lầm đáng kinh ngạc của những người tiền nhiệm, đặc biệt là ông Ben Bernanke, người đã nhận giải thưởng Nobel cho các chính sách ngân hàng trung ương ngu ngốc nhất kể từ thời Cộng hòa Weimar. Trở lại năm 2008, ông Bernanke đã đẩy chi phí đi vay của các ngân hàng về 0 và giữ chi phí ở mức đó trong nhiều năm liên tục.
Chính sách đó đã luôn là vô lý. Tại sao lãi suất không thể bằng không? Bởi vì có một thứ gọi là thời gian trôi qua. Tiêu thụ trong hiện tại với các nguồn lực do những người khác lưu trữ luôn có được là nhờ vào chịu đựng chi phí nào đó. Điều này là thực cho dù tiền có tồn tại hay không.
Một ví dụ vô cùng đơn giản: Giả sử hôm nay một thùng việt quất của quý vị có giá bằng một quả trứng nhưng đến tuần sau tôi mới có một quả trứng. Thùng việt quất ấy sẽ có giá bằng hai quả trứng vào tuần tới. Tại sao? Bởi vì việc tiêu dùng bây giờ và trả tiền trong tương lai luôn khiến người đi vay phải trả giá và có lợi cho người cho vay. Người cho vay có thể làm từ thiện cho tôi nhưng việc làm từ thiện đó không xóa được cái giá của thời gian.
Toàn bộ đường cong lợi suất mà chúng ta biết ngày nay không là gì khác ngoài sự phát triển từ ví dụ đơn giản đó. Trong thời kỳ bình thường và dưới các giả định thông thường, thời gian đáo hạn càng dài thì lãi suất càng cao. Nhưng ngay cả với thời gian đáo hạn ngắn nhất, thì lãi suất trong một thị trường hoạt động bình thường luôn là dương.
Vì vậy, việc ông Bernanke tạo ra một tình huống mà thời gian trôi qua không tốn kém gì và thậm chí còn âm chẳng khác gì tạo ra thiên đường trên trái đất. Đó là một ảo ảnh không thể kéo dài. Ảo ảnh này cũng đưa những biến dạng khủng khiếp vào cấu trúc sản xuất. Trong quá trình tìm kiếm lợi nhuận, tiền và vốn rời bỏ hiện tại và theo đuổi tương lai, đó là lý do tại sao Big Tech và Big Media vượt khỏi tầm kiểm soát, rút đi những nguồn lực to lớn từ tiền tiết kiệm đơn thuần, doanh nghiệp nhỏ, bán lẻ, và những thứ bình thường khác.
Ông Powell luôn biết rằng chính sách này rất nguy hiểm, vì vậy ông ấy đã lên kế hoạch đảo ngược chính sách này vào năm 2019. Ông đã đang đạt được một chút tiến bộ, hy vọng sẽ bình thường hóa các tín hiệu thị trường và đưa cấu trúc sản xuất trở lại một quỹ đạo hợp lý. Nhưng rồi đại dịch ập đến, và Quốc hội trở nên điên cuồng với việc chi tiêu. Ông Powell đã đứng ra chịu trách nhiệm và cung cấp lượng thanh khoản xấp xỉ 6.2 ngàn tỷ USD bằng tiền mới in.
Nhận ra sai lầm và cố gắng vật lộn với lạm phát giá cả không thể tránh khỏi, ông Powell đã đảo ngược hướng đi. Lựa chọn duy nhất của ông là tỏ ra hung dữ với lạm phát. Ông bắt tay vào việc tăng lãi suất lên cao nhất và nhanh nhất trong lịch sử. Những mức lãi suất đó rất nhanh đã phản ánh qua đường cong lợi suất và tất cả các công khố phiếu của Hoa Kỳ đều đã được định giá lại.
Một hành động như vậy luôn gây ra một vấn đề cho những người nắm giữ trái phiếu cũ vốn có lãi suất cố định. Họ nhất thiết phải bán với mức giá giảm. Bất kỳ ai nắm giữ những trái phiếu như vậy chắc chắn sẽ gặp một vấn đề là giá trị của danh mục đầu tư trái phiếu sẽ bị giảm.
Và ai đã giữ những trái phiếu này? Nhiều ngân hàng lớn. Và tại sao? Có hai lý do. Đầu tiên, cơn sóng thần tiền vốn đã ngập tràn thế giới từ năm 2020 đến năm 2021 cuối cùng cũng đổ bộ vào các ngân hàng. Thông thường, các ngân hàng sẽ chuyển số tiền vốn này thành các khoản cho vay nhưng điều đó không khả thi ở quy mô này. Thứ hai, các quy định của chính phủ sau năm 2008 đã yêu cầu các ngân hàng trữ tiền mặt dự phòng không phải dưới dạng chứng khoán hoặc các công cụ rủi ro khác mà là dưới dạng các loại trái phiếu chính phủ “an toàn.”
Các ngân hàng đã tuân thủ. Trong sáu tháng qua, với các chính sách mới của Fed, các nhà quản lý rủi ro thông minh đã bắt đầu bán giảm giá các trái phiếu bị mất giá. Nhưng không phải tất cả các ngân hàng đều làm như vậy. Silicon Valley Bank rõ ràng đã bị mắc kẹt vào những thứ như ESG, DEI, và LGBTQ nhiều đến mức họ hoàn toàn bỏ qua các kiến thức căn bản về điều hành ngân hàng nếu họ từng biết chút nào về những điều đó. Xét cho cùng, nắm giữ trái phiếu mất giá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các vụ sụp đổ ngân hàng.
Chính sách đúng đắn, câu trả lời rõ ràng, cũng như lộ trình mà bất kỳ ngân hàng trung ương hợp lý nào cũng nên chọn vào thời điểm này là: hãy để sự sụp đổ xảy ra. Việc thanh lý lẽ ra đã phải xảy ra, tài sản lẽ ra phải được bán, người gửi tiền lẽ ra sẽ nhận lại được một khoản thanh toán từ 50 đến 70 xu trên mỗi USD thuộc tất cả các khoản tiền gửi không được bảo hiểm. Hoàn toàn không có lý do gì trên thế giới tại sao điều đó không nên xảy ra. Tinh đến hôm 12/03 (trước khi chính phủ can thiệp), đó là điều mà mọi người đã tin rằng sẽ xảy ra.
Nhưng ở đây, chính phủ ông Biden đã can thiệp theo những cách có thể khiến ông Jerome Powell không hài lòng. Bộ Ngân khố, một cách hoàn toàn không có lý do chính đáng, đã hứa hẹn một thiên đường khác trên trái đất. Họ cứu trợ hoàn toàn cho mọi người gửi tiền cuối cùng. Chỉ với một hành động đó, giờ đây Hoa Kỳ đã dấn thân vào một con đường thậm chí còn nguy hiểm hơn. Họ đã tài trợ toàn bộ kho dự trữ cho mọi khoản tiền gửi ngân hàng bất kể điều gì xảy ra.
Sự sụp đổ của ngân hàng thường là có ảnh hưởng giảm phát. Nhưng với các gói cứu trợ ngân hàng trên thực tế lớn không thể tưởng tượng được này, thì ở đây chúng ta có một đơn thuốc cho điều ngược lại. Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen nói rằng người nộp thuế không phải chịu tổn thất nhưng có nhiều cách khác để nộp thuế, ngoài thông qua doanh thu của chính phủ. Quý vị cũng có thể nộp thuế thông qua việc tiền tệ mất giá nhiều hơn.
Nếu Hoa Kỳ cứ tiếp tục chính sách này, thì chúng ta sẽ có thứ tồi tệ nhất của cả hai thế giới. Lãi suất sẽ tiếp tục tăng trong khi ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục rót tiền vào hệ thống để giúp hệ thống hoạt động với nhiều nới lỏng định lượng hơn bao giờ hết. Tác dụng của hành động này này triệt tiêu tác dụng của hành động kia trong chuỗi thảm họa liên tiếp cho đến khi chúng ta đi đến hồi kết cuối cùng của sự bùng nổ phá sản do siêu lạm phát.
Như ông Craig Pirrong đã chỉ ra, chúng ta sẽ không thấy bất cứ điều gì giống như phong trào Chiếm Thung lũng Silicon như chúng ta nên thấy. Đó là bởi vì ngân hàng đang được cứu là nhà cho vay chính đối với đám đông Thức Tỉnh vốn hoàn toàn đứng sau Đảng Dân Chủ. Họ đang nắm quyền và hoàn toàn sẵn sàng cướp bóc toàn bộ tổng sản phẩm quốc gia để bảo trợ cho ý thức hệ của họ và bạn hữu của họ.
Hành động nhỏ xấu xí này có thể giúp cho chính phủ ông Biden có thêm thời gian và hạn chế khả năng lây lan vào lúc này. Nhưng về lâu về dài, chính sách này có nguy cơ gây ra nhiều thiệt hại hơn cả chính sách lãi suất bằng 0 của năm 2008 và chính sách kích thích tiền tệ của năm 2020–2021. Đó là một phương thức cung cấp phúc lợi vĩnh cửu bằng tiền tươi cho toàn bộ giai tầng thức tỉnh thống trị. Và ở đây chúng ta động chạm đến vấn đề cốt lõi của bản thân Cục Dự trữ Liên bang. Rốt cuộc thì, công việc chính của Cục Dự trữ Liên bang là khắc phục các sự cố mà tổ chức này gây ra để cứu hệ thống ngân hàng. Cục Dự trữ Liên bang sẽ luôn bị buộc phải làm điều đó để bảo toàn được tính lành mạnh căn bản của tiền tệ.
Thảm kịch ở đây có gốc rễ sâu rộng. Các nhóm quyền lực đã mắc phải quá nhiều sai sót đến mức không thể sửa chữa được. Kể cả tổng thống giỏi nhất trong một nhiệm kỳ bốn năm hoàn hảo cũng sẽ không trong vị thế để đảo ngược toàn bộ đống đổ nát này. Việc phong tỏa năm 2020 chắc chắn là bước ngoặt nhưng kể cả ngay sau lúc đó, thì việc cho phép hệ thống tài chính tự thanh lý mà không cần can thiệp cứu trợ có thể đã kịp thời điều chỉnh được con tàu. Nhưng trên lộ trình hiện tại này, sẽ chẳng có gì khác ngoài đống đổ nát phía trước.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times