Video tuyên truyền cờ máu Thiên An Môn tại Galwan báo hiệu một năm khó khăn cho quan hệ Trung-Ấn
NEW DELHI, Ấn Độ – Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mở màn lời chúc mừng năm mới tới Ấn Độ bằng một video tuyên truyền cho thấy hình ảnh quân đội của họ tại thung lũng Galwan với lá cờ máu từ “Quảng trường Thiên An Môn”.
Thung lũng Galwan là một khu vực rộng lớn cao hơn 17.800 feet (hơn 5400m) so với mực nước biển ở cả hai đầu biên giới tranh chấp giữa Ấn Độ-Trung Quốc và bao gồm địa điểm xảy ra một cuộc xung đột đẫm máu giữa hai nước láng giềng này hồi tháng 06/2020.
Ông Trần Thi Vĩ (Shen Shiwei), một nhà phân tích về nguy cơ Hoa kiều hiện đang sống tại Bắc Kinh, viết rằng: “Quốc kỳ Trung Quốc tung bay trên Thung lũng Galwan vào ngày đầu tiên của năm mới – năm 2022”.
Ông Shen viết thêm rằng: “Lá quốc kỳ này rất đặc biệt vì nó từng bay trên Quảng trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh.” Các cơ quan ngôn luận khác của chính quyền Trung Quốc đã chia sẻ đoạn video tương tự.
Lá cờ đỏ biểu tượng của cộng sản tại thung lũng Galwan đã được đáp lại bằng lá cờ ba màu của Ấn Độ ở phía bên kia thung lũng thuộc Ấn Độ và sự đáp trả này đã mở màn cho một năm căng thẳng chính trị giữa hai bên, mặc dù bản chất khác nhau.
ĐCSTQ đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 20 vào mùa thu tới, nhưng trước khi điều đó xảy ra, Ấn Độ cũng sẽ chứng kiến nhiều cuộc bầu cử quan trọng vào các cơ quan cấp tiểu bang và trung ương của mình, bao gồm bầu cử tổng thống, bầu cử phụ tại Hạ viện (Lok Sabha), Thượng viện (Rajya Sabha) và bảy cuộc bầu cử tại các tiểu bang sẽ tác động đáng kể đến cuộc bầu cử cấp quốc gia vào năm 2024.
Vòng đàm phán quân sự lần thứ 14 giữa hai nước đã kết thúc mà không có kết quả tích cực nào hôm 12/01, trong khi 60,000 quân vẫn tiếp tục đóng quân ở hai đầu biên giới trong sự khắc nghiệt tột bực của mùa đông tại dãy Himalaya.
Trong khi tất cả những sự việc này đang diễn ra ở biên giới, các nguồn tin ở thủ đô New Delhi nói với The Epoch Times rằng ĐCSTQ có một chiến lược đa hướng để tạo ra tác động lớn hơn đến cục diện chính trị của Ấn Độ.
Việc Trung Cộng gây hấn ở biên giới vào năm 2022, bên cạnh những hành vi khác, là để làm mất uy tín của đảng cầm quyền Ấn Độ, Đảng Bhartiya Janta, đảng đã phản đối Trung Cộng và áp dụng các chính sách quyết đoán để chống lại các hành vi xâm lược của họ. Nhiều nỗ lực đã được thực hiện nhằm hỗ trợ và tài trợ cho các đảng phái và ứng viên ủng hộ ĐCSTQ, cũng như sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội và truyền thông Ấn Độ để tuyên truyền về Trung Cộng.
ĐCSTQ và Đảng Bharatiya Janata
Ông Chandra Mishra, một chiến lược gia chính trị tại Varanasi, người đã làm việc với tất cả các đảng phái chính trị lớn của Ấn Độ trên năm tiểu bang và với sáu Bộ trưởng của Ấn Độ, nói với The Epoch Times qua điện thoại rằng trong ba năm qua, có những bước phát triển trên chính trường Ấn Độ liên quan đến “tác động bên ngoài đối với chính trị Ấn Độ, đặc biệt là về Trung Quốc.”
Theo ông Mishra, trong chiến tranh lạnh, khi thế giới bị phân chia giữa hai siêu cường Hoa Kỳ và Liên Xô, thì Liên Xô đóng một vai trò quan trọng trong nền chính trị Ấn Độ, và bây giờ khi cục diện chiến tranh lạnh thay đổi, Trung Quốc muốn tiếp quản vai trò đó bên trong Ấn Độ.
Ông Mishra cho hay; “Trung Quốc muốn chứng tỏ họ là một siêu cường quốc,” và chỉ khi nào Trung Quốc chiếm được uy thế tối cao tại sân sau của mình, tức Đông Nam Á, thì họ không thể tiếp quản thế giới này. Sự kiểm soát đó không thể đạt được mà không gia tăng ảnh hưởng lên chính trường tại Ấn Độ.
Một nguồn tin tại New Delhi xin được ẩn danh, với hiểu biết chuyên sâu về vấn đề này, đã nói với The Epoch Times rằng ĐCSTQ đã can thiệp vào cuộc bầu cử sắp tới ở Ấn Độ.
“Đại sứ quán Trung Quốc tài trợ cho các ứng cử viên chống BJP trong các cuộc bầu cử quốc hội và họ cũng tài trợ cho một số phương tiện truyền thông để quảng bá tuyên truyền chống BJP,” nguồn tin này cho biết.
Ông Mishra nói rằng “kiểu ly gián, kiểu can thiệp mà Trung Quốc đang tạo ra xung quanh Ấn Độ, tất cả đều có chủ ý.” Trung Quốc không muốn xâm lược Ấn Độ nhưng lại âm thầm gây ảnh hưởng đến thể chế hoạch định chính sách và chính trị của nước này vì các mục tiêu dài hạn.
Ông nói: “Trung Quốc muốn làm suy giảm quyền lực của giai cấp thống trị Ấn Độ. Nhiều điều xảy ra tại biên giới, bất cứ căng thẳng nào ở biên giới, sẽ có tác động trực tiếp đến chính trị trong nước, đến các cử tri, bởi vì quan điểm của đảng cầm quyền dựa trên chủ nghĩa dân tộc.”
Đảng Bharatiya Janata (BJP) do Thủ tướng Narendra Modi lãnh đạo, đã trở thành đảng chính trị lớn nhất thế giới vào năm 2015, vượt qua ĐCSTQ về số đảng viên. Ông Mishra cho biết ban lãnh đạo của đảng này “nhận thức rất rõ về xung đột lợi ích với ĐCSTQ – một đảng đang bành trướng ngày càng mạnh mẽ để trở thành siêu cường vô đối thủ trên toàn thế giới”.
Ông mô tả sự khác biệt sâu sắc về ý thức hệ giữa hai đảng chính trị này. Ông nói rằng mục tiêu “chiếm quyền kiểm soát độc quyền đối với thị trường lớn nhất có tên là Ấn Độ” của Trung Quốc không tương hợp với BJP, vốn có cơ sở cử tri mạnh mẽ trong bộ phận tiểu thương ở Ấn Độ. Sau vụ Galwan, khi chính phủ Modi áp dụng các hạn chế thương mại đối với Trung Quốc, ông Modi đã đưa ra khẩu hiệu “Tiếng nói cho người địa phương” để xoa dịu cộng đồng này và hỗ trợ họ trong cuộc khủng hoảng kinh tế liên quan đến đại dịch.
Mong muốn kiểm soát thị trường Ấn Độ của Trung Quốc cũng đối nghịch với ảnh hưởng ngoại giao mạnh mẽ của ông Modi.
Kể từ khi BJP chiếm đa số tuyệt đối trong cuộc bầu cử gần đây nhất tại quốc hội Ấn Độ, đảng này đã giành được quyền lực tại các cuộc bầu cử để đưa ra các quyết định mạnh mẽ đi ngược lại với nghị trình của ĐCSTQ.
Ông Mishra đã xác định một xung đột lợi ích khác là “một lợi thế địa chính trị của Ấn Độ nhằm cung cấp một căn cứ tự do cho Hoa Kỳ hoặc bất kỳ cường quốc nào chống Trung Quốc trong tình huống xảy ra xung đột,” cũng như “là một hình ảnh toàn cầu và tham vọng của ông Modi.”
Năm nay là lần thứ ba liên tiếp ông Modi được bầu chọn là nhà lãnh đạo được yêu thích nhất trên thế giới với tỷ lệ tán thành 70% trong số 13 nhà lãnh đạo thế giới trong cuộc thăm dò do Cơ quan Tình báo Chính trị Morning Consult thực hiện.
Ông Mishra nói: “Những người hâm mộ ông Modi ở quê nhà nghĩ rằng ông ấy xứng đáng được nhận giải Nobel, như cựu Tổng thống Obama vậy” và nói thêm rằng chuyến thăm của ông Modi đến Hoa Kỳ “giống như một bộ phim đối với khán giả Ấn Độ, đặc biệt là khi Hoa Kỳ từng từ chối cấp visa cho ông ấy. Ông Modi là nhà lãnh đạo Ấn Độ duy nhất nhận được nhiều sự chú ý trên toàn cầu, bất chấp tư tưởng Ấn Độ giáo mạnh mẽ trong đảng của ông. Theo góc độ này, giới lãnh đạo Trung Quốc nhìn thấy một mối đe dọa ở ông Modi.”
Theo Law và Society Alliance, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại New Delhi, ngay sau cuộc xung đột ở Galwan hồi tháng 06/2020, những người ủng hộ Trung Quốc nổi tiếng trên mạng xã hội với sự giúp đỡ của một số “chính trị gia cấp thấp cũng như những con rối của Trung Quốc”, đã dẫn đầu một “chiến dịch thông tin sai lệch” trên mạng xã hội để thúc đẩy luận điệu của Trung Quốc.
Trong báo cáo của mình, có tên là “Lập bản đồ Dấu chân Trung Quốc và các Hoạt động gây Ảnh hưởng ở Ấn Độ”, viện tư vấn này cho biết; các hashtags trên Twitter như #ChinaComesModiRuns (tạm dịch: TQ đến, Modi bỏ chạy) của những người nổi tiếng ủng hộ Trung Quốc trên mạng xã hội đã trở thành một trong những hashtags thịnh hành nhất với hơn 40,000 lượt tweet vào thời điểm đó.
Liệu ông Tập có tấn công?
Các nhà phân tích cho biết còn có nhiều vấn đề khác đang xảy ra ở biên giới Ấn Độ-Trung Quốc cần sự chú ý của thế giới. Luật biên giới lãnh thổ mới của Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 01/01 nhưng từ hôm 29/12, Trung Quốc đã chuẩn hóa tên cho 15 địa điểm ở Arunachal Pradesh, một tiểu bang ở Ấn Độ mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và tình cờ nơi này lại nằm dưới sự cai trị của BJP.
Ông Frank Lehberger, một chuyên gia hán học chuyên về chính trị của ĐCSTQ và là một thành viên cao cấp của Tổ chức tư vấn Usanas ở Ấn Độ, nói với The Epoch Times rằng; quân nổi dậy ở đông bắc Ấn Độ là được Trung Quốc hậu thuẫn và bất kỳ hoạt động khủng bố nào trong khu vực đó đều dẫn đến chỉ trích và làm xói mòn sự ủng hộ của dân chúng đối với chính phủ Ấn Độ.
Tuy nhiên, ông Lehberger cho hay, bất chấp mọi cử chỉ mang biểu tượng gây hấn ở biên giới, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ không thực hiện bất kỳ cuộc xâm lược quy mô lớn nào vào Ấn Độ hoặc Đài Loan vào năm 2022 vì trong bầu không khí chính trị hiện tại của Trung Quốc, ông ấy rất dễ bị tấn công.
Ông nói: “Vào năm 2022, mối bận tâm hàng đầu của ông Tập Cận Bình là được tại vị trong Ủy ban Trung ương Đảng khóa 20 một cách êm thấm, vì vậy cho đến tháng 12/2022, ông ấy sẽ không tham gia vào các hoạt động quân sự lớn ở bất kỳ nơi nào bên ngoài Trung Quốc.”
“Tất nhiên, những ‘sự cố’ không lường trước được vẫn có thể xảy ra, nhưng mục tiêu hàng đầu của ông Tập là tổ chức thành công Đại hội Đảng và trở thành nhà lãnh đạo của ĐCSTQ suốt đời, mà điều này thì không chắc chắn”.
Ông Lehberger cũng nói rằng lá cờ Đỏ từ Quảng trường Thiên An Môn tại Thung lũng Galwan là “gần như mang tính tín ngưỡng” vì Quảng trường với Hoàng cung gần kề, nơi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được tuyên bố thành lập vào năm 1949, cũng là nơi được nhiều người Trung Quốc hiểu là tâm điểm, là chiếc ghế biểu tượng quyền lực của ĐCSTQ.
Theo hệ tư tưởng cầm quyền, bất kỳ lá cờ máu nào tung bay tại tâm điểm này đều mang đậm tư tưởng “sức mạnh truyền cảm hứng”, để khơi dậy nhiệt huyết về lòng trung thành và yêu nước.
Ông cho biết lá cờ máu tại Galwan là một cử chỉ của ĐCSTQ ám chỉ rằng giới lãnh đạo Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) tin rằng các binh sĩ của họ thiếu lòng nhiệt thành yêu nước. Sự kiện treo cờ máu này cũng là để tạo ra dư luận và nhận thức chiến tranh ở Ấn Độ.
Đề cập đến lệnh huấn luyện và động viên hàng năm được ông Tập ký vào ngày 04/01 cho toàn quân Giải phóng Nhân dân, ông Lehberger nói rằng không giống như các lệnh trước đây, mệnh lệnh năm 2022 được cá nhân hóa rất cao, với việc Tập Cận Bình đã viết rằng, “Tôi ra lệnh…”
Điều này khá bất thường vì mệnh lệnh là để khai triển các hoạt động đào tạo cho toàn bộ PLA và nhà lãnh đạo ĐCSTQ đáng lý vẫn phải mang tính tập thể.
“Vì vậy, mệnh lệnh Số 1 năm 2022 này là sự phản ánh tham vọng ngày càng độc tài của ông Tập, thậm chí còn thể hiện một số đặc điểm phi cộng sản và hoàn toàn phát xít”. Ông nói thêm rằng để BJP và Ấn Độ hiểu được hành vi của Trung Cộng, họ cần phải hiểu những gì đang xảy ra bên trong đảng này.
Cô Venus Upadhayaya đưa tin về nhiều chủ đề. Lĩnh vực chuyên môn của cô là về địa chính trị Ấn Độ và Nam Á. Cô đã đưa tin từ biên giới Ấn Độ-Pakistan đầy biến động và đã đóng góp cho các phương tiện truyền thông in ấn chính thống ở Ấn Độ trong khoảng một thập niên. Truyền thông cộng đồng, phát triển bền vững và giới lãnh đạo là những lĩnh vực cô quan tâm.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: