Vì sao nên rèn luyện tính kiên nhẫn?
Có khi nào chúng ta tự hỏi rằng tại sao khi gặp phải những rắc rối trong cuộc sống, ta thường nhận được lời khuyên hãy bình tĩnh, kiên nhẫn, thay vì lời thúc giục chúng ta tìm ra những giải pháp? Có lẽ đơn giản vì kiên nhẫn là một trong những đức tính an hòa nhất, là sức mạnh của một nội tâm bình yên, tĩnh lặng…
Trong thời hiện đại ngày này, hầu hết chúng ta đã quên đi tính kiên nhẫn và bị “kích thích” rất nhanh bởi những chuyện nhỏ nhặt xung quanh. Vì thế, có không ít người coi nhẹ đặc tính đáng quý này, trong khi lại xem các biểu hiện của sự thiếu kiên nhẫn thành việc rất… tự nhiên.
Bạn sẽ nhanh chóng nhận ra điều này, ví như khi ở nơi công cộng, những người thiếu kiên nhẫn thường “thu hút” mọi sự chú ý của người khác: tài xế bấm còi xe inh ỏi, khách hàng cằn nhằn trong khi chờ phục vụ, người mẹ trẻ cáu giận với đứa con nhỏ nghịch ngợm…
Thật ra, kiên nhẫn không phải là một biểu hiện mang tính “bề mặt”, đặc tính này không phải là một sân khấu “sống động” để mọi người có thể dễ dàng nhận biết và quan sát, mà nó dường như tiềm ẩn đằng sau một “cánh cửa đóng kín”.
Chúng ta cần biết rằng sự kiên nhẫn là điều cần thiết cho cuộc sống hàng ngày, là chìa khóa cho một đời sống hạnh phúc. Người kiên nhẫn có thể bình tĩnh khi đối mặt với sự thất vọng hoặc nghịch cảnh. Do đó, bất cứ khi nào chúng ta cảm thấy đau khổ, tuyệt vọng, hãy hiểu rằng đó là cơ hội để thực hành tính kiên nhẫn.
Đặc biệt, trong xã hội hiện đại nhiều cạnh tranh và phức tạp như ngày nay, “cơ hội” này dường như tồn tại… mọi lúc, mọi nơi: khi ở nhà với con cái, tại nơi làm việc với các đồng nghiệp, tại cửa hàng tạp hóa đông đúc, trong mối quan hệ với cha mẹ, vợ chồng… Chúng ta sẽ thấy rằng tính kiên nhẫn có thể tạo ra sự khác biệt rõ ràng giữa việc bạn sẽ phải chịu đựng sự khó chịu, lo lắng, nóng giận, hoặc giữ được thái độ yên bình, hòa nhã.
Mặc dù hiện nay các nhà nghiên cứu đang bắt đầu tìm hiểu về tính kiên nhẫn, nhiều tôn giáo và triết gia từ lâu đã ca ngợi đức tính tuyệt vời này. Các nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra một điều chắc chắn rằng những điều tốt đẹp thực sự sẽ đến với những người biết “chờ đợi”.
Người kiên nhẫn có sức khỏe tinh thần tốt hơn
Hãy hình dung lại hình ảnh “đỏ mặt tía tai” của những người thiếu kiên nhẫn, bạn sẽ thấy tuyên bố trên là hoàn toàn đúng. Theo một nghiên cứu vào năm 2007 của giáo sư Sarah A. Schnitker thuộc Chủng viện Thần học Fuller và giáo sư tâm lý học Robert Emmons thuộc Đại học California Davis, những người kiên nhẫn có xu hướng trải nghiệm mức độ trầm cảm và cảm xúc tiêu cực ít hơn rất nhiều so với những người thiếu kiên nhẫn, có lẽ vì họ có thể đối phó tốt hơn với những tình huống tiêu cực hoặc căng thẳng.
Họ cũng đánh giá bản thân là có trách nhiệm, cảm thấy biết ơn nhiều hơn, kết nối tốt hơn với con người và vũ trụ, và có một cảm giác bình yên, hài hòa hơn.
Vào năm 2012, tiến sĩ Schnitker đã đưa ra quan điểm rằng có nhiều khía cạnh khác nhau về tính kiên nhẫn. Một loại là tính kiên nhẫn giữa các cá nhân, điều này không liên quan đến việc chúng ta phải chờ đợi ai đó hay điều gì, mà đơn giản là chúng ta cần giữ được tâm trạng bình tĩnh khi đối mặt với những người khó chịu. Trong một nghiên cứu với gần 400 sinh viên đại học, Schnitker phát hiện ra rằng những người kiên nhẫn hơn đối với người khác có xu hướng hài lòng hơn với cuộc sống của họ.
Một kiểu kiên nhẫn khác liên quan đến việc để những khó khăn trong cuộc sống qua đi với sự điềm tĩnh, bình thản, thay vì chịu đựng nghịch cảnh trong lo âu, thất vọng. Hãy nghĩ đến những người thất nghiệp kiên trì điền đơn xin việc hoặc bệnh nhân ung thư đang trông chờ vào hiệu quả của việc điều trị. Không có gì ngạc nhiên, khi loại kiên nhẫn thứ hai này thể hiện sự can đảm, lạc quan và hy vọng lớn hơn của chúng ta.
Cuối cùng là những người có tính kiên nhẫn đối với các rắc rối hàng ngày như bị kẹt xe, xếp hàng dài ở cửa hàng tạp hóa, một chiếc máy tính trục trặc… Những người kiên nhẫn loại này có sức khỏe tinh thần tốt, họ hài lòng hơn với cuộc sống và ít bị trầm cảm.
Các nghiên cứu trên là tin tốt cho những người đã có tính kiên nhẫn, nhưng đối với nhiều người trong chúng ta đang muốn trở nên kiên nhẫn hơn thì sao? Trong nghiên cứu năm 2012, bà Schnitker đã mời 71 sinh viên đại học tham gia hai tuần rèn luyện tính kiên nhẫn. Các tình nguyện viên được yêu cầu học cách xác định cảm xúc, kích hoạt, điều chỉnh cảm xúc, đồng cảm với người khác và thiền định.
Sau hai tuần, những người tham gia cho biết họ cảm thấy kiên nhẫn hơn đối với người khác, bớt trầm cảm và trải nghiệm những cảm xúc tích cực hơn. Nói cách khác, sự kiên nhẫn là một kỹ năng mà chúng ta có thể luyện tập và nâng cao.
Người kiên nhẫn sẽ là người bạn tốt và là người hàng xóm đáng tin cậy
Trong mối quan hệ với người khác, tính kiên nhẫn trở thành một biểu hiện của lòng tốt. Hãy nghĩ về việc người bạn thân đã an ủi bạn ngày này qua ngày khác khi bạn đang gặp chuyện đau khổ, hay việc một đứa cháu nhỏ đáng yêu vẫn luôn cố gắng mỉm cười khi nghe câu chuyện mà ông nội mình đã kể vô số lần, bạn sẽ thấy rằng sự kiên nhẫn của họ thật… tử tế, thật đáng quý, phải không?
Thật vậy, nghiên cứu cho thấy rằng những người kiên nhẫn có xu hướng hợp tác, đồng cảm, công bằng và bao dung hơn. Trong nghiên cứu vào năm 2014 của mình, hai tác giả Debra R. Comer và Leslie E. Sekerka đã viết: “Kiên nhẫn liên quan đến việc kiềm chế sự khó chịu cá nhân để làm giảm bớt nỗi đau khổ của những người xung quanh chúng ta”.
Trong nghiên cứu của Schnitker năm 2012, cả ba loại người kiên nhẫn trên đều có trí tuệ cao hơn, thể hiện qua các đặc điểm tính cách đặc trưng là sự ấm áp, tốt bụng và hợp tác.
Những người kiên nhẫn giữa các cá nhân thậm chí có xu hướng ít cô đơn hơn, có lẽ vì việc kết bạn và gìn giữ mối quan hệ bạn bè thường đòi hỏi một sự kiên nhẫn lành mạnh. Schnitker và Emmons viết trong nghiên cứu năm 2007: “Kiên nhẫn cho phép các cá nhân bao dung đối với những sai sót ở người khác, qua đó thể hiện sự hào phóng, nhân ái, khoan dung và tha thứ nhiều hơn”.
Sự kiên nhẫn có thể đã giúp tổ tiên chúng ta tồn tại, khuyến khích họ làm những việc tốt và không trông chờ được hồi đáp ngay lập tức. Điều này giúp các cá nhân hợp tác tốt hơn, thay vì trở nên mâu thuẫn và xung đột với nhau. Tóm lại, sự kiên nhẫn giúp chúng ta phát triển niềm tin và lòng bao dung đối với mọi người xung quanh, từ đó liên kết chúng ta lại với nhau.
Kiên nhẫn giúp chúng ta đạt được các mục tiêu quan trọng
Con đường đến với thành công là một chặng đường dài và những người không kiên nhẫn thường mong muốn nhìn thấy kết quả ngay lập tức, họ có thể không sẵn sàng “chờ đợi”. Hãy nghĩ về những người thuộc thế hệ 8x, 9x nóng vội trong sự nghiệp, cố gắng “nhảy” từ vị trí này sang vị trí khác thay vì tích cực tự rèn luyện và học hỏi.
Trong nghiên cứu năm 2012 của mình, tiến sĩ Schnitker cũng kiểm tra xem liệu tính kiên nhẫn có giúp ích cho sinh viên trong việc hoàn thành công việc hay không. Những người tham dự đã hoàn thành 5 cuộc khảo sát trong suốt một học kỳ, kết quả cho thấy những người kiên nhẫn ở tất cả các phương diện đã thể hiện nỗ lực nhiều hơn cho mục tiêu của họ so với những người khác.
Cụ thể, những người có tính kiên nhẫn giữa các cá nhân đã có nhiều tiến bộ và hài lòng hơn khi họ đạt được các mục tiêu (đặc biệt đối với những mục tiêu khó). Điều này giải thích tại sao những người thành đạt có đức tính kiên nhẫn lại hài lòng hơn với toàn bộ cuộc sống của họ.
Kiên nhẫn mang lại sức khỏe tốt
Mặc dù việc nghiên cứu về tính kiên nhẫn vẫn còn khá mới mẻ, một số bằng chứng cho thấy đức tính này còn có thể mang lại cho chúng ta một sức khỏe tốt. Trong nghiên cứu năm 2007, hai nhà nghiên cứu Schnitker và Emmons phát hiện ra rằng những người kiên nhẫn ít có các vấn đề sức khỏe như đau đầu, mụn trứng cá, viêm nhiễm, tiêu chảy hay viêm phổi.
Một nghiên cứu khác đã chứng minh rằng những người thiếu kiên nhẫn và cáu kỉnh có đặc điểm tính cách của người loại A, là một dạng tính cách đặc trưng thể hiện sự tham vọng, ham muốn thành công, thích cạnh tranh, có chút bốc đồng. Những người này sẵn sàng chấp nhận nhiều rủi ro và hành động mà không cần suy nghĩ. Chính vì vậy, họ có nguy cơ mắc các chứng bệnh liên quan đến tình trạng căng thẳng thần kinh và thường có giấc ngủ tồi tệ.
Do đó, nếu sự kiên nhẫn có thể làm giảm căng thẳng hàng ngày của chúng ta, thì cũng dễ đoán ra rằng tại sao nó cũng có thể bảo vệ chúng ta chống lại các vấn đề về sức khỏe.
Ba cách hay để rèn luyện đức tính kiên nhẫn
Dưới đây là ba cách hữu ích để bạn có thể trau dồi thêm tính kiên nhẫn trong cuộc sống hàng ngày của mình:
- Chuyển hướng suy nghĩ:Cảm giác thiếu kiên nhẫn không chỉ là một phản ứng cảm xúc tự động hoặc thụ động, nó có sự liên kết về mặt tinh thần với những điều liên quan đến niềm tin, sự tự chủ của chúng ta. Chẳng hạn như: nếu một đồng nghiệp đến trễ cuộc họp 15 phút, thay vì nghĩ về tính thiếu chuyên nghiệp, thiếu tôn trọng người khác của họ, chúng ta hãy đơn giản xem đây là 15 phút cơ hội để đọc xong bản thảo. Tính kiên nhẫn được liên kết với sự tự kiểm soát, nhưng chẳng phải chúng ta sẽ tự kiểm soát tốt hơn khi suy nghĩ của chúng ta đầy lạc quan và tích cực?
- Thực tập chính niệm:Trong một nghiên cứu về việc thực hiện chương trình “chính niệm” sáu tháng ở trường học, những đứa trẻ đã trở nên bớt bốc đồng và kiên nhẫn hơn. Bà Christine Carter thuộc Đại học California cũng khuyên các bậc phụ huynh nên thực hành chính niệm. Hãy hít một hơi thật sâu và nhận diện cảm giác tức giận hoặc quá sức của cơ thể (ví dụ khi các con bạn bắt đầu tranh cãi trước giờ đi ngủ), điều này có thể giúp bạn phản ứng kiên nhẫn hơn.
- Thực hành lòng biết ơn:Trong một nghiên cứu khác, những người cảm thấy biết ơn dễ đạt được sự hài lòng hơn, họ cũng trở nên kiên nhẫn hơn. Ví dụ như: khi được đưa ra lựa chọn giữa việc nhận phần thưởng 18 USD tiền mặt ngay lập tức hoặc chờ đợi một năm để có một khoản tiền lớn hơn là 30 USD, những người thực hành lòng biết ơn có thể giữ cho đến khi số tiền đạt được 30 USD, trong khi những người khác đề nghị thanh toán ngay lập tức số tiền 18 USD.
Nếu chúng ta thấy biết ơn vì những gì chúng ta có ngày hôm nay, chúng ta sẽ thấy “đủ” và sẽ không bị những ham muốn nhất thời làm cho “tuyệt vọng”.
Nhà văn Joseph Addison đã từng nói: “Các phước lành thực sự của chúng ta thường xuất hiện dưới ‘hình dạng’ của sự đau đớn, mất mát hay thất vọng, nhưng hãy kiên nhẫn, và rồi chúng ta sẽ sớm nhìn thấy ‘hình dạng’ thật sự của các phước lành”.
Chúng ta có thể cố gắng bảo vệ bản thân khỏi sự thất vọng, lo lắng, giận dữ… nhưng “nghịch cảnh” chẳng phải luôn hiện hữu trong đời sống con người? Và đôi khi càng “chống chọi”, ta lại càng “lún sâu” vào những bất hạnh tinh thần. Hãy kiên nhẫn…
Mặc dù kiên nhẫn đôi khi là một điều rất khó làm được, chúng ta cần biết rằng đức tính này không chỉ là một công cụ giúp chúng ta chinh phục các thử thách trong đời sống, đó còn là sự thể hiện của một nội tâm mạnh mẽ, kiên định, là sự lựa chọn của một tâm hồn thiện lương và chính trực.