Câu chuyện ‘Sự chăm sóc yêu thương’: Chúng ta có đủ kiên nhẫn với người thân đến cuối đời?
Trở thành trụ cột chăm sóc cho những người thân trong gia đình là một nhiệm vụ không dành cho những kẻ yếu tim.
Mới đây tôi có một cuộc điện đàm với một phụ nữ – tôi gọi bà ấy là Jane vì bà muốn giấu danh tính. Bà ấy đã dành 18 tháng qua để chăm sóc người chồng bất hạnh trong căn hộ của mình. Sự hy sinh và những thử thách mà bà ấy trải qua suốt quãng thời gian này, đặc biệt là trong đại dịch, sẽ truyền cảm hứng cho chúng ta và thậm chí là đưa ra vài lời cảnh báo về những gì chúng ta kỳ vọng khi phải chăm sóc cho ai đó tại nhà.
Jane đã 77 tuổi rồi và chồng bà đã 91 tuổi. Năm nay, họ kỷ niệm 27 năm ngày cưới. Chồng của bà Jane – chúng ta gọi ông ấy là Sam – đã dành cả đời làm việc trong đài phát thanh, đầu tiên là nói phía sau chiếc micro, và sau đó lên làm quản lý; bà Jane thì làm trong giới doanh nghiệp.
Năm 2019, ông Sam mắc phải một căn bệnh khiến ông bị liệt tạm thời. Sau đó, ông được chẩn đoán là bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Sau gần một tuần trong bệnh viện và 3 tuần trong trung tâm phục hồi, ông trở về nhà với một cơ thể tàn phế.
Bà Jane phải đối mặt với một tương lai bất định.
Bà từ chối đưa ông Sam vào trại dưỡng lão, nhưng bà cũng chưa thể quen với việc chăm sóc ai đó tại nhà, nhất là khi ông sẽ sớm mất đi ký ức, cần sự giúp đỡ 24/24 từ việc tắm rửa cho đến việc ăn uống, và cuối cùng ông sẽ không cảm thấy thèm ăn trừ một số món ít ỏi.
Đây là câu chuyện của bà ấy, và tôi nghĩ nó cũng là tình cảnh của rất nhiều độc giả.
Bị giam hãm trong căn nhà của mình
Dưới đây là một phần email bà Jane đã gửi cho tôi trước khi chúng tôi trò chuyện qua điện thoại:
“Những suy nghĩ này của tôi không phải theo một trình tự thời gian nào cả… tôi chỉ viết ra khi nó xuất hiện trong đầu mình.”
“Khi người mà bạn yêu thương bỗng nhiên phải nhập viện, cuộc sống trước đây của bạn như dừng lại! Không còn những ‘lịch trình sinh hoạt bình thường’. Không còn những điều ‘như thường lệ’ nữa. Những mối quan tâm của bạn thu hẹp lại. Và, nếu người thân của bạn có thể trở về nhà từ bệnh viện, bạn sẽ trở thành một người chăm sóc. Bạn sẽ chẳng thể nhận ra mình còn có cái danh hiệu đó. Tôi không chuẩn bị sẵn sàng cho danh xưng đó. Và điều khiến tôi tiếp tục là tình yêu dành cho chồng mình, là sự thuỷ chung và khướu hài hước.”
“Ông ấy đã trải qua một tuần trong bệnh viện… và sau đó là 21 ngày trong trại phục hồi. Từ thời điểm đó, tôi phải hoàn toàn chịu trách nhiệm chăm sóc ông ấy. Trong những tuần và tháng sau này, ông ấy trở nên yếu ớt và suy nhược hơn. Mỗi tháng, ông ấy lại bị mất một khả năng nào đó. Ông ấy mong chờ nhận được thư, nhưng quãng đường từ cửa nhà tới hòm thư trở nên quá xa để ông có thể bước đi (khoảng 30 feet), và nguy cơ ông ấy ngã là rất lớn. Khi ông ấy ngã, tôi không thể đỡ ông ấy dậy… vì vậy EMS (dịch vụ chuyển phát nhanh) sẽ đến và đưa ông ấy nằm trên giường hoặc trên một chiếc ghế.”
“Thời gian trôi qua, ông ấy đã bắt đầu quên tất cả những thói quen vệ sinh cá nhân. Ông ấy không thể chọn quần áo để mặc. Ông ấy cũng không thể trả lời điện thoại bên cạnh chiếc ghế của mình trước khi máy trả lời tự động bật lên. Ông ấy không thể đứng trong bồn để tắm. Ông ấy quên cả cách bật chiếc bàn chải đánh răng điện tử. Ông ấy trở nên mất kiểm soát.”
Bởi vì ông Sam ngày càng mất khả năng đi lại và nói chuyện, và bởi vì bà Jane lo sợ rằng ông Sam sẽ bị nhiễm virus, nên họ đã từ bỏ việc ăn ở nhà hàng, rồi sau đó là đi nhà thờ và cả việc thăm gia đình. Trong vài tháng đại dịch diễn ra, bà Jane không muốn ai đến thăm mình, kể cả gia đình lẫn bạn bè. Bà sợ rằng bà và ông Sam sẽ nhiễm bệnh.
“Khi ông ấy bị giam hãm trong căn nhà của mình, thì tôi cũng vậy,” bà nói.
Những thú vui tan biến
Hai thú vui trong cuộc đời của ông Sam là thưởng thức đồ ăn và xem thể thao trên các kênh truyền hình, đặc biệt là bóng rổ và bóng đá do đội “Wolfpack” của trường đại học North Carolina State University chơi.
Mặc dù ông vẫn có thể xem những trận đấu, bà Jane sẽ ghi âm lại nếu ông buồn ngủ, nhưng ông Sam cũng không thể hiểu được các đội đang chơi cái gì. Ông xem Fox News trong trạng thái “lẫn” như vậy, không thể theo dõi được bất cứ bộ phim hay môn thể thao nào.
Trong những ngày này, ông Sam cũng không hứng thú với đồ ăn nữa. Bà Jane viết cho tôi: “Ông ấy từng là người rất yêu thích đồ ăn và luôn tận hưởng những bữa ăn ngon… và sau đó khẩu vị của ông bắt đầu thay đổi. Đây là quãng thời gian vô cùng chán nản đối với tôi vì tôi không thể tìm thấy thứ gì mà ông ấy muốn ăn, chỉ trừ những con tôm đông lạnh. Không có thứ gì ông ấy cảm thấy ngon miệng: không phải rau, xúc xích, kem hay sữa lắc. Tuy nhiên, ông ấy không bao giờ phàn nàn.”
Chặng đường gian khổ nhất
Sự chăm sóc kiểu này cũng rất khổ sở, và bà Jane cũng thừa nhận điều đó.
Lần đầu tiên bà chăm sóc cho ông Sam, bà cảm thấy mình không đủ khả năng. Mỗi ngày đòi hỏi những yêu cầu và nhiệm vụ mới, và bà ấy học trong khi làm, xin lời khuyên từ người khác và tìm kiếm tư liệu và mẹo trên mạng, và thậm chí nghĩ ra cách của riêng bà để chăm sóc ông. Bà chia sẻ với tôi rằng mẹ của bà cũng không có nhiều hiểu biết hơn về việc chăm sóc người khác.
“Mẹ ở đâu khi tôi cần đến bà?” bà ấy hỏi tôi với một nụ cười nhẹ.
Trong khoảng thời gian cách ly này, vì sức khoẻ ông Sam giảm sút và vì COVID-19, bà Jane nói: “Điều tôi nhớ nhất là những cuộc trò chuyện, những cái ôm, những biểu cảm trên khuôn mặt, chúng biến mất vì chiếc khẩu trang. Bạn bè gọi cho Sam trong vài tháng nhưng rồi họ nhanh chóng nhận ra rằng ông ấy chỉ có thể nghe mà không thể trả lời. Vì vậy các cuộc gọi cứ ít dần và trở nên thưa thớt.”
Với sự giúp đỡ của cô con dâu sống cách đó vài dặm và cô con gái sống cách đó 2 giờ lái xe, bà Jane có thể để chúng chăm sóc ông và tranh thủ làm những việc vặt khác.
“Ông ấy đều nhớ nhung tôi mỗi khi tôi ra khỏi nhà, và sẽ không bao giờ đi ngủ cho đến khi tôi về,” bà chia sẻ.
Một bức tranh lớn hơn
Nhiều người Hoa Kỳ sẽ chăm sóc thành viên trong gia đình, bạn bè và hàng xóm của họ theo nhiều cách khác nhau.
Một bài báo trực tuyến có tiêu đề “Thống kê về những người chăm sóc: Nhân khẩu học” (Caregiver Statistics: Demographics) xác định những người này vào nhóm “những người chăm sóc nghiệp dư”, trái với những nhân viên được trả tiền để theo dõi sức khoẻ của người già, những người bị bệnh hoặc những người khuyết tật. Mỗi năm, hàng chục triệu người chăm sóc nghiệp dư như thế này phải thực hiện công việc của họ, từ vài giờ mỗi tuần dành để làm việc vặt hay giúp người khác mặc quần áo đến chăm sóc mọi thứ cho người thân của mình như bà Jane.
Và bản báo cáo đưa ra những con số thú vị. Những người chăm sóc càng nhiều tuổi, thì thời gian họ dành cho công việc đó càng nhiều. Những người đã khoảng 70 tuổi như bà Jane dành 34.5 giờ mỗi tuần để chăm sóc người thân. Chúng ta cũng biết được rằng “trung bình, một người chăm sóc dành khoảng 13 ngày mỗi tháng để đi chợ, chuẩn bị đồ ăn, trông coi nhà cửa, giặt giũ, đi lại và cho họ uống thuốc”.
Làm thế nào để giúp đỡ họ
Nếu chúng ta biết ai đó trong tình cảnh này, một trong những cách tốt nhất để động viên tinh thần người chăm sóc là gọi cho họ. Jane tâm sự rằng chịu đựng sự cách ly và cô đơn quả thật rất khó khăn với bà. Ông Sam ngủ 18 tiếng mỗi ngày và không đủ khả năng nhận thức để trò chuyện. Vì vậy, những người lâm vào tình huống như bà Jane thường thấy rất tuyệt vọng trước sự giao tiếp. Và bà nói: “Khi gia đình và bạn bè gọi cho tôi, nó giống như một điểm sáng trong ngày dành cho tôi vậy.”
Chúng ta có thể chạm vào tâm hồn họ và thắp sáng cuộc sống của họ bằng những cách như: tặng họ một bữa ăn, gửi cho họ một bức thư, mua cho họ vài món quà nhỏ như hoa hay bánh nướng. Nếu họ là hàng xóm của ta, thì chúng ta có thể ngồi trông người thân của họ để họ có thời gian tản bộ hay mua nhu yếu phẩm. Những hành động này có thể là nhỏ bé với chúng ta, nhưng sẽ là cả thế giới với những người như Jane.
Động cơ phía sau
Chẳng còn nghi ngờ gì nữa, những người chăm sóc làm điều này vì rất nhiều động cơ khác nhau. Cô con gái có mối quan hệ không mấy mặn mà với người mẹ già của mình sẽ chăm sóc bà như một bổn phận làm tròn chữ hiếu. Người con rể thỉnh thoảng cãi cọ với bố vợ vẫn cho ông ở cùng vì tình yêu anh dành cho vợ mình. Chấp nhận sự bất tiện khi di chuyển và dành ít thời gian hơn cho cháu của mình, một người anh và người chị tôi biết đã nghỉ hưu vẫn lần lượt chăm sóc người mẹ 100 tuổi tuần này qua tuần khác vì họ không muốn bà sống trong trại dưỡng lão.
Vậy thì vì sao bà Jane chấp nhận chịu đựng những đau khổ ấy?
Chỉ có một từ thôi, đó là tình yêu.
Bà nói với tôi rằng ông Sam đã yêu bà nhiều thế nào trong suốt cuộc hôn nhân của họ; ông chẳng bao giờ nghi ngờ bà khi bà ở lại làm việc muộn; ông bày tỏ lòng biết ơn với bà ngay cả khi ông bị bệnh, cảm ơn bà vì sự tốt bụng của bà. Ông đã dành cả quãng đời mình để “sống tích cực và yêu thương” bà cùng những người khác.
“Ngay cả bây giờ, ông ấy cũng chẳng có ngày nào tồi tệ,” bà nói.
“Ông ấy là mối quan tâm của tôi. Hiện tại, ông ấy là mục đích sống của tôi. Và tình yêu ông ấy dành cho tôi không bao giờ phai nhạt. Ông ấy không phải tuýp người hung hăng, ông chẳng bao giờ giận giữ và cũng không bao giờ đánh mất vẻ ngoài ‘tích cực’ của mình. Tôi thật sự rất may mắn!” bà đã viết cho tôi như vậy.
Bà Jane còn nói: “Tôi cầu nguyện mỗi buổi sáng khi trở dậy từ giường rằng tôi có thể khiến hôm nay là một ngày tốt lành cho Sam.” Một lúc sau trong cuộc hội thoại của chúng tôi, bà nói thêm: “Từ khi chúng tôi gặp nhau, Sam đối xử với tôi như một nữ hoàng. Vậy thì làm sao tôi không chăm sóc cho ông ấy được chứ?”
Lòng cảm kích
Một vài câu chuyện tôi viết có sức ảnh hưởng đến tôi nhiều hơn những câu chuyện khác và đây là một trong số đó. Tôi hy vọng mình sẽ có đủ can đảm và tình yêu để chăm sóc người thân của mình theo cách này.
Dành tặng bà Jane và tất cả những người đang tận tụy chăm sóc cho người khác, hãy để tôi kết thúc bài viết này với một vài dòng riêng tư: Sự dịu dàng và tấm lòng lương thiện trong trái tim bạn đã truyền cảm hứng cho chúng tôi, những người thấu hiểu đức hy sinh và nỗi khó nhọc mà bạn đã trải qua. Bằng những hành động tốt lành, bạn khiến những từ ngữ vốn xưa cũ như: tình yêu, trách nhiệm, sự cảm thông, trở nên đẹp đẽ hơn và khiến chúng tỏa sáng rực rỡ.
Cảm ơn vì đã trở thành ngọn hải đăng của ánh sáng và vẻ đẹp trên thế giới.
Jeff Minick có bốn người con và một trung đội cháu chắt ở tuổi đang lớn. Ông dạy lịch sử, văn học và tiếng Latin tại Asheville, N.C. trong 20 năm. Hiện nay, ông sống và viết cho Front Royal, Va. Hãy truy cập JeffMinick.com để theo dõi blog của ông.
Jeff Minick
Thiên An biên dịch
Xem thêm: