Vân Nam, Trung Quốc: Người Hồi giáo đụng độ với cảnh sát về việc phá dỡ một phần nhà thờ Hồi giáo
Người Trung Quốc theo Hồi Giáo ở tỉnh Vân Nam đã đụng độ với cảnh sát vũ trang trong nỗ lực ngăn chặn việc chế độ cộng sản này cưỡng chế phá dỡ một phần một nhà thờ Hồi giáo địa phương.
Một số video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy hôm 27/05, nhiều người biểu tình đã tập trung tại lối vào Nhà thờ Hồi giáo Nạp Gia Dinh (Najiaying) ở thị trấn Ngọc Hoát (Nagu), thành phố Ngọc Khê, tỉnh Vân Nam, tây nam Trung Quốc.
Rất đông cảnh sát đặc nhiệm được trang bị dùi cui và khiên chống bạo động đã tạo thành bức tường người nhiều lớp bao quanh lối vào nhà thờ Hồi giáo để ngăn cản người dân tiến vào bên trong.
Những video đó cho thấy một số người biểu tình đã cố gắng tấn công hàng phòng tuyến của cảnh sát, và một số đã kéo đổ giàn giáo dùng để phá hủy bức tường bao bên ngoài nhà thờ Hồi giáo có từ thế kỷ thứ 13 này.
Cảnh sát đã sử dụng biện pháp bạo lực để giải tán đám đông, dẫn đến một trận xô xát ác liệt giữa hai bên. Hàng cảnh sát rút lui một lúc, một đội phá dỡ cũng tạm thời rút lui.
Việc thảo luận về vụ xô xát này trên các nền tảng truyền thông xã hội Trung Quốc đã nhanh chóng bị kiểm duyệt.
Một người dùng có tên Ma Ju đã đăng các thông tin cập nhật về vụ việc qua các video lên Twitter. Điều này đã thu hút sự chú ý và đưa tin của các hãng truyền thông lớn từ phương Tây.
Tại một trong những bài đăng đó, ông Ma cho biết chính quyền ĐCSTQ đã điều động một số lượng lớn cảnh sát để khai triển khắp thành phố này.
Ông cho biết các phương tiện che chắn tín hiệu từ các công ty viễn thông khác nhau đã được lắp đặt để ngắt các kết nối điện thoại di động và Internet trong khu vực này.
“Hôm nay, hơn 30 người đã bị bắt, và một số người đã được những người biểu tình khác giành giật lại từ phía cảnh sát,” ông Ma cho biết trong một bài đăng trên Twitter hôm 27/05. Bài đăng đó còn có hình ảnh một người đàn ông bị còng tay với vết bầm tím trên ngực đồng thời có thể nghe thấy một người phụ nữ đang phàn nàn về cách đối xử với anh ấy.
Hôm 28/05, một đoạn video cho thấy dưới sự hộ tống của nhiều cảnh sát có vũ trang, đội công binh tiếp tục tiến vào khu vực nhà thờ Nạp Gia Dinh để chuẩn bị cho việc cưỡng chế phá dỡ.
Hôm 28/05, công an Trung Quốc tại địa phương đã đưa ra một thông báo, trong đó nêu rõ một vụ việc “gây rối trật tự xã hội nghiêm trọng đã xảy ra ở thị trấn Ngọc Hoát hôm 27/05” và cho những người biểu tình thời hạn đến ngày 06/06 để tự ra đầu thú.
Ông Ma nói rằng ông đã nhận được những lời đe dọa bị sát hại vì đã đăng các cập nhật về vụ việc trên Twitter trong bài đăng của ông hôm 29/05. “Tôi phải làm điều đúng đắn. Trong vài ngày qua, tôi đã nhận được rất nhiều tin nhắn riêng trên Twitter dọa sát hại tôi.”
‘Hán hóa’ các nhà thờ Hồi giáo
Hôm 29/05, ông Yang Na (bút danh), một người Trung Quốc theo Hồi Giáo cùng với những người bạn ở Nạp Gia Dinh, nói với The Epoch Times rằng nguyên nhân đưa đến vụ việc này là do chính quyền cộng sản yêu cầu nhà thờ Hồi giáo này phải được xây dựng theo phong cách Trung Quốc, nhưng những người Hồi giáo ở đây không đồng ý.
“Họ [chính quyền Trung Quốc] muốn phá hủy một số phần của nhà thờ Hồi giáo để xây dựng lại [theo phong cách Trung Quốc]. Hai phong cách này sẽ chẳng ăn nhập gì với nhau; như thế sẽ quá xấu,” ông Yang nói.
Nhà thờ Hồi giáo Nạp Gia Dinh có một lịch sử hơn 600 năm. Tòa nhà hiện tại được hoàn thành hồi năm 2004. Nhà thờ này cao bốn tầng, có một mái vòm và bốn tháp nghi lễ, có thể chứa hơn 3,000 người. Các nhà chức trách đã dự tính dỡ bỏ mái vòm và các tháp của nhà thờ Hồi giáo này.
Trong những năm gần đây, chính phủ cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã yêu cầu “Hán hóa” tôn giáo, yêu cầu các nhà thờ Hồi giáo mới được xây dựng không được sử dụng mái vòm kiểu Hồi giáo mà phải theo kiểu cung điện Trung Hoa.
Ông Yang nói rằng có hơn 10,000 cư dân ở Nạp Gia Dinh, hầu hết là người Hồi theo đạo Hồi. Có khoảng một nghìn người Hồi giáo canh gác nhà thờ Hồi giáo này 24 giờ mỗi ngày.
Ông Yang cho biết, “Kể từ sáng ngày 27/05, cảnh sát đặc nhiệm đã phong tỏa tất cả các con đường ở thị trấn Nạp Gia Dinh; không ai có thể vào, chỉ có thể ra.”
“Vào thời điểm đó, ít nhất 1,000 cảnh sát đặc nhiệm đã tiến vào thị trấn này, mang theo súng đạn. Họ đã cố gắng mở đường để tiến vào nhà thờ Hồi giáo này, nhưng những người biểu tình địa phương không cho phép.”
“Yêu cầu của chúng tôi đơn giản là không được phá hủy gì cả. Chúng tôi đã không vi phạm pháp luật. Bây giờ chúng tôi, những người Hồi giáo, quyết tâm hy sinh vì nhà thờ này, và chúng tôi không thể làm gì khác. Nếu bắt thêm vài người nữa, thì chuyện đổ máu nhất định sẽ nổ ra. Bây giờ chuyện này đã leo thang đến mức điều động cảnh sát chống bạo động, sử dụng các phương tiện chống những kẻ bạo loạn để đối phó với chúng tôi.”
Ông Yang nói thêm rằng các nhà chức trách hiện đã chặn tin tức.
“Trong thông báo của cơ quan cảnh sát, họ không nói chuyện gì đã xảy ra mà chỉ nói rằng đó là vụ gây rối trật tự xã hội. Nếu có người đưa tin lên mạng, thì họ sẽ gọi điện đe dọa. Tôi đã nhận được một cuộc gọi của cảnh sát, đe dọa tôi không được đăng gì về vụ này.”
Theo ông Yang, hơn nữa, chính phủ đã lắp đặt nhiều camera trong các nhà thờ Hồi giáo trước khi vụ việc xảy ra và cử các mật vụ giả làm người Hồi giáo tham dự nghi lễ để thu thập thông tin.
Hôm 29/05, The Epoch Times đã gọi cho hơn mười chiếc điện thoại di động và điện thoại cố định địa phương ở Nạp Gia Dinh. Hầu hết đều cho thấy các cuộc gọi đã được nhấc máy nhưng không nghe tiếng người đối đáp. Điện thoại của chính quyền quận Thông Hải không liên lạc được.
Sự chú ý của quốc tế
Các hãng truyền thông phương Tây và Trung Đông đã đưa tin về vụ đụng độ và đăng lại những video về vụ việc này.
Hôm 30/05, ông Ma đã cập nhật trong bài đăng của mình: “Do sự chú ý của giới truyền thông toàn cầu, các tweet chia sẻ lại và lời kêu gọi của quý vị, kể từ ngày 30/05 theo giờ địa phương, mọi thứ hiện tại đều ổn,” cho thấy các vụ bắt giữ hàng loạt cũng như đổ máu vẫn chưa xảy ra.
Hôm 29/05, phát ngôn viên của của Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới, ông Dilshat Rishit, nói với The Epoch Times rằng cộng đồng quốc tế phải công nhận mục đích của ĐCSTQ là tước bỏ quyền tín ngưỡng tâm linh của người dân.
Ông Rishit nói, “ĐCSTQ đã mở rộng các chính sách cực đoan nhằm xóa bỏ niềm tin tâm linh và phá hủy các nhà thờ Hồi giáo ở Tân Cương để đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ra các vùng còn lại của Trung Quốc.”
Bản tin có sự đóng góp của Ning Haizhong and Hong Ning
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times