Văn minh tiền sử đã biến mất: Bí ẩn Cự Thạch Trận (P.1)
Có rất nhiều di tích lịch sử trên thế giới được bao phủ bởi một bức màn bí ẩn, thu hút rất nhiều người đến khám phá và nghiên cứu. Hôm nay chúng tôi sẽ giới thiệu với mọi người về những “Cự Thạch Trận” trên thế giới.
“Thạch trận Göbekli” ở Thổ Nhĩ Kỳ có lịch sử hơn 12,000 năm. Cự Thạch Trận ở Anh là tảng đá lớn cao 6 mét đứng sừng sững cả ngàn năm trên một vùng đồng bằng. Ngoài ra còn có “Tượng Moai” bí ẩn trên “Đảo Phục Sinh” ngoài khơi Chile thuộc Châu Nam Mỹ. Đây đều là những nền văn minh tiền sử đã biến mất mà đến nay con người vẫn chưa thể lý giải.
Thạch trận Göbekli
Thạch trận Göbekli (Göbekli Tepe)còn được gọi là “Göbekli Hill”, bị chôn vùi trong các lớp đất cho đến khi nó được phát hiện vào năm 1994 bởi một người chăn cừu tộc Kurd khi ông đang chăn cừu. Cho đến nay, đây là một trong những phát hiện khảo cổ cận đại đáng kinh ngạc nhất, được đánh giá là công trình kiến trúc tụ hội lâu đời nhất và có quy mô to lớn nhất từng được phát hiện trên trái đất, sớm hơn Cự Thạch Trận (Stonehenge) ở Anh khoảng 6,000 năm.
Nằm cách ngoại ô thị trấn Sanliurfa thuộc miền Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 7 dặm Anh, cách cố đô Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 800 dặm, phía Nam là biên giới quốc gia giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, diện tích vùng này vào khoảng 300 mét vuông với ngọn đồi cao 15 mét.
Di chỉ Gobekli Tepe giống như một cuốn sách đang rất cần lời giải đáp, kiến trúc điêu khắc và nguồn gốc của nó là chưa từng thấy trong quá trình phát triển của nhân loại. Sau đó, qua sự giám định niên đại của thăm dò khảo cổ đã chứng minh rằng di tích này thể hiện lịch sử đời sống của nhân loại cách đây ít nhất 12,000 năm.
“Gobekli Tepe” là một quần thể đá bao gồm ít nhất 45 tảng đá nặng 50 tấn. Các tảng đá tạo thành hình tròn với khoảng cách cách nhau từ 1,5 đến 3 mét. Tuy nhiên, xung quanh là địa hình cát sỏi, vốn không thế được sử dụng để tạo nên những tảng đá này. Cho đến nay, hàng chục tảng đá hình chữ nhật hoặc hình chữ T các loại đã được khai quật. Hầu hết các phiến đá khai quật được chạm khắc hình lợn rừng, vịt, tôm càng, sư tử và các loài động vật khác.
Điều khiến các nhà khảo cổ học đau đầu hơn cả là thời điểm xây dựng các thạch trận rơi vào thời kỳ đồ đá mới, trên lý thuyết thì đó là thời điểm con người chuyển từ chăn nuôi sang phát triển nông nghiệp, điều này đã kích thích việc xây dựng các quần thể định cư, vì vậy mà hình thành văn hóa và nghệ thuật. Gobekli Tepe đã phá vỡ hoàn toàn lý thuyết này, vì khu vực gần đó vốn dĩ không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào về sự canh tác nông nghiệp.
Mà “Gobekli Tepe” lại có rất nhiều tác phẩm điêu khắc nghệ thuật, các nhà khảo cổ cho rằng đây là nơi hội họp của con người để thờ cúng các vị Thần, đồng thời cũng là quỹ đạo của quá trình phát triển lịch sử.
Rốt cuộc là nền văn minh thần bí nào đã có thể xây dựng nên một quần thể đá với quy mô to lớn như vậy vào cách đây 1 vạn năm? Và loài người đến từ đâu? E rằng điều này cũng có thể lật đổ mốc thời gian của Thuyết tiến hóa.
Rừng tượng đá Carnac ở Pháp
Một Cự Thạch Trận khác nữa là rừng tượng đá Carnac (Carnac stones) tại làng Carnac thuộc bán đảo Brittany, Tây Bắc nước Pháp. Nơi đây có hơn 3,000 tảng đá thời tiền sử được xếp theo hàng lối tựa như những binh sĩ đang đứng xếp hàng vậy.
Những tảng đá này được cho là do người cổ đại dựng lên, có niên đại khoảng 3,300 trước Công nguyên, thậm chí một số có niên đại 4,500 trước Công nguyên. Các phiến đá của rừng tượng đá Carnac có thể được chia thành 3 nhóm, bao gồm: sắp xếp Kermario (Kermario alignment), sắp xếp Ménec (Ménec alignment) và sắp xếp Kerlescan (Kerlescan alignment).
Ba loại sắp xếp này có thể thuộc cùng một nhóm vào thời cổ đại, nhưng do một số phiến đá đã được di chuyển bởi người đời sau nên đã hình thành nên 3 nhóm.
Sắp xếp Kermario là nhóm lớn nhất trong 3 nhóm, nó bao gồm 1,029 phiến đá, tổng cộng 10 hàng và dài khoảng 1,300 mét. Sắp xếp Ménec được xếp thành bởi gồm 11 hàng đá hình chữ nhật, dài 1,165 mét và rộng 100 mét; trong khi Sắp xếp Kerlescan được tổ thành bởi 555 phiến đá, chúng được xếp thành 13 hàng và dài khoảng 800 mét.
Hàng trăm nghìn năm nay, con người luôn tranh luận về ý nghĩa của rừng tượng đá Carnac, đặc biệt là phương thức sắp xếp thành hàng của nó. Một số người cho rằng việc sắp xếp các thạch trận này có mục đích nghi lễ và tôn giáo; một số người lại tin rằng chúng có mục đích ứng dụng thực tế, chẳng hạn như dự đoán chiêm tinh, xác định thời điểm tốt nhất để canh tác, v.v …; cũng có người khác cho rằng chúng có thể được sử dụng như một sự đánh dấu lãnh thổ. Nhưng cho đến nay nó vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải đáp.
Cự thạch trận ở Anh
Nói đến “cự thạch”, không thể không nhắc đến Cự Thạch Trận (Stonehenge) của Anh, nằm cách thủ đô London 137 km về phía Tây Nam và có thể được xem là biểu tượng quốc gia của Vương quốc Anh. Nó đã đứng sừng sững ở đây từ 4,000 năm trước.
Quần thể đá chính của Stonehenge được sắp xếp theo hình móng ngựa giống như một chiếc nhẫn, và có một vòng đá tương đối nhỏ trong chiếc vòng đá này. Trong hai vòng đá này có một công trình kiến trúc thời tiền sử được gọi là “Đền Thờ Tam Thạch” (Trili-thon), tức là hai tảng đá dựng đứng cùng với một tảng đá khác (dầm đỡ) được đặt nằm ngang trên đó.
Điều khó hiểu là làm thế nào để đưa những dầm đỡ nặng cả vài tấn vượt lên trên khỏi đỉnh của tảng đá dựng đứng, và làm thế nào để dầm đỡ và tảng đá dựng đứng có thể liên kết chặt chẽ với nhau. Và phần nhô ra khỏi đỉnh của trụ đá kết hợp với rãnh lõm của dầm đỡ giống như đúc với kỹ thuật “ghép mộng gỗ” mà người thợ mộc ngày nay sử dụng. Hơn nữa làm sao con người thời đó có thể tính toán chính xác độ cong để các dầm đỡ duy trì được cân bằng và nằm vững trên trụ đá, lại còn có thể tạo thành một thạch trận lớn hình tròn như vậy?
Có người còn phát hiện ra rằng hầu hết các ngày trong năm, người ta không thể nhìn thấy mặt trời mọc nếu đứng ngay tại trung tâm của thạch trận. Nhưng vào ngày Hạ chí, mặt trời sẽ xuất hiện sau tảng đá chính, lúc này sẽ tạo ra ảo giác: mặt trời được đặt nằm ngang trên tảng đá.
Nhà thiên văn học thế kỷ 20 Gerald Hawkins cho rằng Stonehenge giống như một máy tính thiên văn nguyên thủy có thể dự đoán các hiện tượng thiên văn như nhật thực, mặt trăng và mặt trời v.v…. Trên thực tế, nhiều nền văn minh cổ đại trên thế giới cho thấy con người thời đó có sở thích nghiên cứu thiên văn một cách khác lạ, họ thường sử dụng vị trí của các chòm sao và hành tinh để tạo nên các công trình kiến trúc .
Tổ chế tác Chương trình “Truyền thuyết tiểu vũ trụ” thực hiện
Oanh Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ