Chuyện người trong cuộc: Khám phá cố đô Luang Prabang của Lào
“Bạn sẽ sớm yêu Luang Prabang thôi. Đó là một cuộc sống yên tĩnh và dễ dàng. Không có ai và không có gì bỗng nhiên lao vào đây cả”…
Sáng hôm đó, sau khi hạ cánh tại Luang Prabang, một thành phố huyền bí với những ngôi đền và cung điện nằm trên núi cao, tôi tìm đường đến chợ đêm. Khu chợ nổi tiếng này nằm gần khúc quanh lớn của dòng sông Mekong hùng vĩ – nó như một vòng xoáy gồm hàng trăm người bán hàng, hàng chục màu sắc và ánh sáng dưới những chiếc lều xanh đỏ. Đi ngang qua những người bán hàng, bạn có thể chọn mua mọi thứ, từ tác phẩm nghệ thuật vẽ tay đến bưu thiếp 3D và thậm chí cả đồ trang sức làm từ bom rơi xuống Lào vào những năm 1960 và 1970. Một tấm biển bên cạnh quầy hàng giải thích về lịch sử của nó, khuyến khích khách hàng tiềm năng “mua lại những trái bom”.
Đi đến cuối, tiếng ồn ào và ánh sáng của chợ đêm tắt dần sau lưng tôi, con phố nhanh chóng trở nên yên tĩnh và tối tăm. Tôi đã đấu tranh tâm lý xem có nên nhảy lên xe tuk-tuk và tìm đường đến khách sạn không, nhưng tôi quyết định đi bộ thêm vài dãy nhà về phía có tiếng cười và tiếng ly leng keng. Tôi đến một quán rượu nhỏ trang trí theo phong cách xe máy, nơi người pha chế/chủ quán giải thích rằng cô ấy đã đạp xe đi khắp Lào và Đông Nam Á, và thời gian hạnh phúc nhất của cô ấy là thong dong trên chiếc xe đạp.
“Tôi rất yêu khoảng thời gian đó. Tôi không có kế hoạch trong hầu hết chuyến đi — tôi cứ đi thôi,” cô ấy nói, trong khi pha cho tôi một ly cocktail. Cô ấy giới thiệu tôi với những khách quen còn lại trong quán bar, và khi đêm gần kết thúc, tôi cảm thấy như mình đã biết một nửa số người trong thị trấn. Chỉ một lần đến quán bar đó, toàn bộ khoảng thời gian của tôi ở cố đô này đã thay đổi.
Đôi khi, trải nghiệm về một nơi phụ thuộc vào những người bạn quen biết ở đó — hoặc những người bạn gặp trên đường. Mặc dù các chuyến đi và chuyến tham quan có hướng dẫn viên sẽ đưa bạn đến các địa điểm cố định, mang lại trải nghiệm an toàn và dễ đoán, nhưng việc đến một nơi ngẫu nhiên và thực hiện kế hoạch của riêng bạn mỗi ngày cũng đem đến nhiều giá trị. Hãy hỏi ý kiến người dân địa phương. Cứ đi đến bất cứ nơi đâu cuộc hành trình dẫn bạn đến.
Và ở Luang Prabang, một thị trấn chen chúc, chật chội được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, có ba mặt được bao quanh bởi nước, đó chính xác là cách tôi khám phá vùng đất này. Thành phố nhỏ này từng là nơi sinh sống của hoàng gia Lào và cung điện Beaux-Arts của Pháp tuyệt đẹp nằm ở trung tâm thị trấn, là nơi minh chứng cho sự giàu có và uy tín của họ nhưng giờ đây lại trở thành một viện bảo tàng.
Bạn có thể đi bộ để chiêm ngưỡng những chiếc bình sinh hoạt bằng vàng ròng, phòng ngai vàng màu đỏ và các phòng ngủ được trang trí công phu của vua và hoàng hậu. Đây cũng là một thị trấn tâm linh, nơi tập trung các nhà sư thuộc 33 ngôi chùa Phật Giáo. Họ đi qua các con phố để khất thực vào mỗi sáng sớm.
Lững thững dạo qua các di tích lịch sử chính, tôi quyết định đi sâu hơn một chút, dành phần lớn thời gian của mình để chuyển từ lời giới thiệu này sang lời giới thiệu khác, và từ phong cách này sang phong cách khác.
Đó là cách tôi đã dừng chân tại Emmanuelle, một nhà hàng nằm trong hốc tường mát mẻ do một trong những người bạn mới của tôi gợi ý tại quán bar xe máy đó. Tôi trò chuyện với người đồng sở hữu nhà hàng tên là Julie. Nhà hàng phục vụ món Lào nhưng pha một chút phong cách Pháp. Cô giải thích rằng họ tập trung vào các món đơn giản và ngon, giảm bớt một chút gia vị truyền thống và thay thế bằng hương vị Pháp. Cô ấy cũng rất yêu cuộc sống của mình ở thị trấn này.
“Anh sẽ sớm yêu Luang Prabang thôi. Đó là một cuộc sống yên tĩnh và dễ dàng. Không có ai và không có gì bỗng nhiên lao vào đây cả.”
Cô ấy hướng dẫn tôi đến một số điểm du lịch ít người hơn, bao gồm một tiệm bánh Pháp tuyệt vời, và rải rác những ngôi đền nhỏ phía sau. “Và đừng bỏ lỡ Garavek, những người kể chuyện thật tuyệt vời,” cô ấy nói thêm và dẫn tôi đến một rạp hát nhỏ chỉ cách sông vài bước chân. Đến phiên đêm, nơi nhỏ xíu này đã chật cứng người cả ba dãy ghế. Những chiếc ghế thẳng lưng đầy những thính giả háo hức, chăm chú lắng nghe từng lời nói của hai người đàn ông Lào trên sân khấu.
Một người trẻ và một người già, họ kể một câu chuyện dài và quanh co với vẻ thích thú. Họ nghiêng người về phía trước để nhấn mạnh những phần quan trọng, cất tiếng hát và thỉnh thoảng chọn một nhạc cụ để gảy hoặc đánh trống. Tôi nhanh chóng không theo kịp câu chuyện, nhưng sau đó cũng bắt kịp và họ nói với tôi rằng tất cả người dân Lào đều biết những câu chuyện này — chúng là một phần thiết yếu của quá trình giáo dục nơi đây và ngay cả những đứa trẻ nhỏ cũng ghi nhớ chúng.
Một người giải thích: “Những câu chuyện từ thành phố này, chúng kể về nguồn gốc của những con sông, những tảng đá và những ngọn núi, và vương quốc.” Khi tôi đề cập đến sự theo dõi nồng nhiệt của khán giả vào đêm hôm đó, người kia nói: “Ồ vâng, mọi người muốn học hỏi. Họ không muốn chỉ đi và xem mọi thứ. Họ muốn biết lịch sử đằng sau mảnh đất này. Họ muốn nắm chắc nó.”
Tôi đã kín lịch trình những ngày sau đó, tôi cùng mấy người bạn quán rượu đi câu cá trên sông, chỉ bắt được chút ít cá nhưng tôi được dịp tắm nắng. Một buổi chiều khác là dành để thưởng thức các món ăn đường phố, từ xúc xích heo với xôi, đến trứng chiên với nước mắm và hành lá. Tôi băng qua dòng sông trên một cây cầu, nhìn xuống dòng chảy tối sầm dưới chân mình, cảm thán trước độ dài 3000 dặm của nó. Và tôi đã dành nhiều thời gian nán lại với một ly bia địa phương trên các sân hiên khắp thị trấn, trò chuyện với bất kỳ ai tình cờ gần đó.
Rồi tôi bắt xe tuk-tuk miễn phí đến Ock Pock Tock. Sau khi ghé thăm cửa hàng nhỏ trong thị trấn đầy ắp những chiếc áo pashmina đẹp mắt, áo sơ mi, áo choàng và cà vạt, một nhân viên bán hàng thân thiện đề nghị tôi đến thăm làng thủ công chính. Nhảy lên chiếc xe tuk-tuk của họ, tôi đến và đi xuống một con đường nhỏ, ngắm nhìn một lô các tòa nhà bằng gỗ, nằm giữa khu rừng tươi tốt, trên một ngọn đồi thoai thoải. Chúng trải dài đến tận sông Mekong – nơi những chiếc thuyền gỗ nhỏ ồn ào tấp nập qua lại. Một hướng dẫn viên tên là Somneuk có mặt và dẫn tôi đi, anh ta nhấn mạnh rằng 60% hàng dệt của họ có nguồn gốc từ hơn 400 thợ dệt trên khắp cả nước, và số còn lại được làm tại chỗ.
Chúng tôi đã tham quan đầy đủ quy trình, từ việc tằm tạo ra nguyên liệu cơ bản, đun sôi và lên men đến khâu tạo ra thuốc nhuộm, tự dệt vải – một kỹ năng ngày càng hiếm có và đòi hỏi sự chăm chỉ.
Cô ấy nói với tôi: “Những đứa trẻ học hỏi từ mẹ chúng, đó là cách chúng tôi truyền thụ tri thức. Mất hai tuần làm cả ngày để tạo ra hai mét vải.”
Cô ấy nói thêm rằng nơi này không chỉ để trưng bày các sản phẩm, mà còn cung cấp các tour du lịch miễn phí, cộng với các lớp học chuyên sâu cho bất kỳ ai muốn tìm hiểu.
“Ý tưởng là gắn kết mọi người lại với nhau thông qua hàng dệt may,” cô nói.
Kết thúc chuyến tham quan tại một chiếc bàn nhìn ra dòng sông, tôi nhấp một tách trà. Khi ánh sáng của ngày bắt đầu tắt dần, cái mát mẻ của buổi tối len lỏi khắp các ngõ ngách, cho đến khi chỉ còn lại một chiếc thuyền nhỏ ngoài kia, giữa sông Mekong rộng lớn.
Nhà văn Tim Johnson sống ở Toronto luôn đi du lịch để tìm kiếm những câu chuyện tuyệt vời. Ông đã đi qua 140 quốc gia trên khắp bảy lục địa, ông đã theo dõi những con sư tử bằng cách đi bộ ở Botswana, đào xương khủng long ở Mông Cổ và đi dạo giữa nửa triệu con chim cánh cụt trên Đảo Nam Georgia. Ông viết cho một số nhà xuất bản lớn nhất của Bắc Mỹ, bao gồm CNN Travel, Bloomberg, và The Globe and Mail.
Do Tim Johnson thực hiện
Thiên An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: