Vẫn chưa có hồi đáp cho câu hỏi: Ai trả tiền cho việc xóa nợ cho sinh viên?
Đã hơn một tuần trôi qua và vẫn chưa có câu trả lời thống nhất từ chính phủ Tổng thống Biden cho câu hỏi ai sẽ trả tiền cho việc xóa nợ cho sinh viên, vốn là việc có thể khiến người Mỹ tốn khoảng 300–500 tỷ USD khi tất cả kế hoạch này được hoàn tất.
Về căn bản, Tòa Bạch Ốc đã thông báo, hôm 24/08/2022, những người đi vay cá nhân kiếm được dưới 125,000 USD (250,000 USD cho các cặp vợ chồng đã kết hôn) sẽ đủ điều kiện để được xóa nợ lên đến 20,000 USD cho những người nhận tài trợ Pell Grant… và lên đến 10,000 USD nợ được xóa đối với những người không nhận Pell Grant.” Nhiều tiếng nói ở cả hai phía đảng phái chính trị đã chất vấn sự sáng suốt của chương trình này, và đặt ra câu hỏi rất có lý là làm thế nào để trả tiền cho việc này.
Tuy nhiên, vẫn chưa có phản hồi rõ ràng từ chính phủ Hoa Kỳ. Điều mà chính phủ ông Biden đã nói là chương trình xóa nợ này sẽ được thanh toán đầy đủ bằng cách giảm thâm hụt. Đây là một câu trả lời vô lý. Câu nói này đánh đồng một khoản mục thu nhập (giảm chi tiêu chính phủ, theo định nghĩa là chi tiêu tiền mà chính phủ không có) với một khoản mục trong bảng cân đối kế toán (tăng nợ quốc gia).
Tổng thu thuế liên bang của Hoa Kỳ là khoảng 4 ngàn tỷ USD. Tuy nhiên, trong năm tài chính 2021, chính phủ liên bang Hoa Kỳ đã chi 6.8 ngàn tỷ USD. Vì vậy, trong một năm, thâm hụt đã tăng khoảng 2.8 ngàn tỷ USD. Trong năm tài chính 2020, thâm hụt là hơn 3 ngàn tỷ USD. Cả hai năm đều là bất thường do chi tiêu cứu trợ đại dịch. Tuy nhiên, lần cuối cùng chính phủ liên bang thu về nhiều tiền hơn số tiền chi tiêu là năm tài chính 2001. Hãy ngẫm về điều đó. Mặc dù thâm hụt đã giảm từ những mức quá mức này xuống mức lỗ dự kiến 1.0 ngàn tỷ USD trong năm tài chính 2022, thì mức lỗ này vẫn đang tăng thêm tích lũy thâm hụt. Đây không phải là “các khoản tiết kiệm” có thể được sử dụng ở nơi nào khác; nó chỉ đơn giản là làm chậm tốc độ mà chính phủ của chúng ta đang đào một cái hố tài khóa sâu hơn cho tất cả chúng ta.
Kết quả của việc chi tiêu mất kiểm soát này là nợ quốc gia đã tăng vọt. Vào đầu năm 2007 — tức là trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu — tổng số nợ của Hoa Kỳ là 8.5 ngàn tỷ USD, được coi là một con số khổng lồ vào thời điểm đó. Đến năm 2015, số nợ này đã tăng hơn gấp đôi, lên 19.5 ngàn tỷ USD, phần lớn là do nới lỏng định lượng và chi tiêu để cứu trợ các ngân hàng và cố gắng đưa nền kinh tế vận động trở lại.
Từ đó nợ của Hoa Kỳ chỉ trở nên tồi tệ hơn. Theo kết quả của hoạt động cứu trợ đại dịch, trong đó có các khoản tài trợ của chính phủ và các chương trình lãng phí dưới thời chính phủ ông Biden, đến tháng 08/2022, tổng nợ của Hoa Kỳ đã lên tới hơn 30 ngàn tỷ USD, một con số chiếm hơn 125% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hoa Kỳ. Nghĩa là, mỗi người ở Mỹ nợ hơn 92,000 USD.
Đề phòng thuế gián thu
Chương trình xóa nợ cho sinh viên được đề nghị đơn giản là sẽ thêm 300–500 tỷ USD nữa vào tổng số nợ của chính phủ Hoa Kỳ. Nhưng điều đó không đơn giản như vậy, bởi vì tăng nợ quốc gia là một loại thuế ẩn (thuế gián thu) đối với tất cả người Mỹ.
Khi các nhà đầu tư tài chính như quỹ hưu trí và các quốc gia ngoại quốc sẵn sàng mua nợ của Hoa Kỳ với lãi suất gần bằng 0, vốn là điều đã xảy ra trong hai thập niên qua, thì loại thuế này phần lớn vẫn bị che giấu đối với người Mỹ và cuộc chơi vẫn tiếp tục. Nhưng khi chi tiêu của chính phủ tăng cao, và các nhà đầu tư bắt đầu chùn bước, thì rắc rối sẽ xuất hiện. Các chính phủ từ chối ngừng chi tiêu, giống như một kẻ nghiện ngập không thể ngừng sử dụng [chất gây nghiện], mặc dù kẻ ấy biết rằng cuối cùng nghiện ngập sẽ sát hại bản thân.
Khi thị trường tư nhân trở nên lo ngại về tất cả những vấn đề này và ngừng mua, như đã xảy ra trong hai năm qua, thì Cục Dự trữ Liên bang buộc phải mua nợ của chính phủ để chính phủ có thể tiếp tục chi tiêu. Đây được gọi là “tiền tệ hóa các khoản nợ”. Trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007–09, bảng cân đối kế toán của Fed có tổng giá trị chưa đến 900 tỷ USD. Cần gần 100 năm kể từ khi thành lập FED vào năm 1913 để đạt đến mức đó. Nhưng chỉ trong 15 năm, tính đến tháng 08/2022, bảng cân đối kế toán của Fed đã tăng lên gần 9000 tỷ USD, tăng gấp 10 lần. Khoản 8 ngàn tỷ USD tăng thêm này đã chẳng làm gì ngoài việc tạo ra bong bóng tài sản và lạm phát giá cả mà nước Mỹ đang trải qua.
Những chính phủ mắc nợ quá nhiều, thường là con nợ lớn nhất trong nền kinh tế, thì chỉ có ba lựa chọn vào thời điểm này: thoái thác (tức là không trả nợ), tăng thuế đối với các tập đoàn và cá nhân, hoặc phổ cập hóa việc đánh thuế thông qua lạm phát giá cả hệ thống.
Trong khi một số quốc gia nghèo và đang phát triển đã chọn không trả nợ, thì lựa chọn này không hiệu quả đối với một nền kinh tế lớn, tiên tiến, và đặc biệt là quốc gia phát hành đồng tiền dự trữ toàn cầu, đó là USD, được sử dụng trong khoảng 70% của tất cả các giao dịch tài chính trên toàn cầu.
Thuế cũng không thực sự hiệu quả, nhưng điều đó không ngăn cản các chính phủ thử biện pháp này. Áp đặt thuế quá nặng cuối cùng gây phản tác dụng. Mọi người ngừng trả tiền hoặc hoạt động lách luật, thất nghiệp gia tăng, các doanh nghiệp đóng cửa hoặc chuyển ra ngoại quốc, và hoạt động kinh tế đi vào bế tắc. Các chính phủ đánh thuế cao cuối cùng đã bị lật đổ.
Sự lựa chọn còn lại duy nhất của chính phủ Hoa Kỳ là cho phép lạm phát gia tăng và do đó áp loại thuế gián thu đối với người Mỹ. Mặc dù có bằng chứng về việc tăng trưởng lạm phát giá chậm lại trong hai tháng qua, chúng ta có thể dự đoán xu hướng lạm phát sẽ tiếp tục trong dài hạn. Việc hủy nợ của sinh viên sẽ chỉ làm cho lạm phát tồi tệ hơn.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times