Ủy ban Hạ viện về Trung Quốc kêu gọi Hoa Kỳ đẩy nhanh việc gửi hỏa tiễn, quân đội tới Đài Loan
HOA THỊNH ĐỐN — Một ủy ban Quốc hội được giao nhiệm vụ giám sát sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang khuyến nghị Hoa Kỳ đẩy nhanh việc cung cấp các loại vũ khí cho Đài Loan và cung cấp cho hòn đảo này hoạt động huấn luyện giữa quân đội hai nước để giúp ngăn chặn một cuộc xâm lược của nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc.
Hôm 24/05, Ủy ban Đặc biệt đặc trách các vấn đề về Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thông qua một phúc trình bao gồm một loạt 10 khuyến nghị chính sách mà họ cho rằng sẽ giúp ngăn chặn ĐCSTQ xâm lược Đài Loan, nếu được Quốc hội thông qua.
Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin) cho biết kết quả của mô phỏng chiến tranh mà ủy ban này thực hiện hồi tháng Tư cho thấy việc củng cố hơn nữa cho Đài Loan trước kẻ thù xâm lược cộng sản Trung Quốc là một nhu cầu cấp thiết.
Ông Gallagher nói trong một tuyên bố ngay sau cuộc biểu quyết, “Thử tưởng tượng cảnh 80,000 binh sĩ [Trung Quốc] hiện diện ở Đài Loan. Chiến đấu cơ của Hoa Kỳ thì biến mất. Thương mại toàn cầu bị đình trệ. Tại bàn cờ mô phỏng chiến tranh của Ủy ban Đặc biệt, các dân biểu đã chứng kiến kết quả đáng sợ của những gì sẽ xảy ra nếu biện pháp răn đe thất bại.”
“Để bảo đảm kịch bản [chiến tranh] này chỉ có trong viễn tưởng, ngày hôm nay, các dân biểu của Ủy ban Đặc biệt đã bỏ phiếu thông qua một cách áp đảo 10 khuyến nghị chính sách có thể được thông qua tại Quốc hội này, vốn sẽ làm gia tăng sức mạnh cứng trên đường đổi ngày quốc tế và tăng cường khả năng răn đe ở Eo biển Đài Loan.”
Hoa Kỳ phải cung cấp hỏa tiễn, binh lính cho Đài Loan
Bản phúc trình của Ủy ban Đặc biệt này, với nhan đề “Mười điều cho Đài Loan”, nêu ra 10 khuyến nghị chính sách nhằm tăng cường nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc ngăn chặn cuộc xâm lược Đài Loan của ĐCSTQ.
ĐCSTQ tuyên bố rằng Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ, mặc dù chế độ này chưa bao giờ thực sự kiểm soát hòn đảo này. Tương tự như vậy, giới lãnh đạo ĐCSTQ đã cam kết sẽ hợp nhất Đài Loan với đại lục, bằng vũ lực nếu cần thiết, và các hành động đe dọa quân sự thường xuyên của họ đối với hòn đảo dân chủ này đã vấp phải sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế.
Điểm đáng chú ý nhất trong bản phúc trình này là các khuyến nghị về việc gửi quân đội Hoa Kỳ đến Đài Loan để huấn luyện cho các lực lượng địa phương cũng như thực hiện các cơ chế phối hợp và hợp tác quốc phòng trên phạm vi rộng giữa hai cường quốc.
Trong lịch sử, Hoa Kỳ đã kiềm chế việc gửi quân đến Đài Loan như một phần trong thỏa thuận Trung-Mỹ để tránh đơn phương tìm cách thúc đẩy hoặc chấm dứt sự độc lập của Đài Loan khỏi Trung Quốc.
Tuy nhiên, hồi năm 2021, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn thừa nhận rằng có một số lượng hữu hạn binh lính Hoa Kỳ trên đảo để huấn luyện cho phía quân đội Đài Loan.
Tương tự như vậy, Đạo luật Ủy quyền Quốc Phòng năm 2023 (NDAA) đã kêu gọi Bộ Ngoại giao kiến lập hoặc phát triển các chương trình huấn luyện cho lực lượng quốc phòng của Đài Loan.
Bản phúc trình của Ủy ban Đặc biệt lưu ý rằng việc huấn luyện quân đội Ukraine của Hoa Kỳ kể từ năm 2014 đã giúp chuẩn bị cho quốc gia Đông Âu này trong việc phòng thủ liên tục chống lại nỗ lực thâu đoạt của Nga. Báo cáo này cho biết việc thiếu các thỏa thuận tương tự cho Đài Loan “hạn chế nghiêm trọng” hiệu quả chiến đấu của Hoa Kỳ và Đài Loan trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Do đó, Ủy ban Đặc biệt khuyến nghị rằng Quốc hội nên mở rộng nhiều hơn nữa các quy định trong Đạo luật NDAA để xây dựng các chương trình huấn luyện cho quân đội Đài Loan, cũng như để hợp nhất kế hoạch quân sự giữa các lực lượng của cả hai quốc gia.
Tài liệu này cho biết: “Việc đào tạo mở rộng này sẽ hướng tới việc chia sẻ các chiến thuật, kỹ thuật, và quy trình, cũng như cải thiện việc trao đổi thông tin và chia sẻ dữ liệu.”
“Một nhóm quy hoạch phối hợp sẽ cải thiện khả năng của Hoa Kỳ trong việc hiểu nhu cầu quốc phòng của Đài Loan và xây dựng sự hiểu biết giữa quân đội hai nước. Việc thành lập loại nhóm liên lạc này trước bất kỳ cuộc khủng hoảng nào sẽ cho phép các nhà hoạch định Hoa Kỳ và Đài Loan xây dựng lòng tin và phát triển các quy trình để làm việc cùng nhau.”
Bản phúc trình này cũng khuyến nghị Quốc hội nên tiến hành sắp xếp để hợp lý quy trình phê chuẩn và chuyển giao các hệ thống vũ khí hiện có cho Đài Loan, căn cứ vào thực tế là hỏa tiễn và các loại vũ khí khác mà Đài Loan mua với giá trị đâu đó khoảng 14-19 tỷ USD hồi năm 2019 vẫn chưa được chuyển giao.
Ông Gallagher đã mô tả đơn hàng chưa được chuyển giao này là một ‘nỗi xấu hổ’ và nói rằng giao dịch này cần phải được giải quyết càng nhanh càng tốt để ngăn chặn một cuộc xung đột toàn cầu.
Ông Gallagher nói: “Nếu chúng ta vẫn ôm giữ hy vọng ngăn chặn Đệ tam Thế chiến, thì chúng ta cần phải trang bị đầy đủ vũ khí cho Đài Loan ngay bây giờ.”
Các đề xướng bị chỉ trích vì nhấn mạnh quá mức vào các vấn đề quân sự
Dân biểu Andy Kim (Dân Chủ-New Jersey) là dân biểu duy nhất của Ủy ban Đặc biệt lưỡng đảng này đã bỏ phiếu phản đối việc thông qua 10 khuyến nghị chính sách nói trên.
Ông Kim cho biết bản phúc trình này có cơ sở trong việc đưa ra các khuyến nghị nhưng không suy xét đến đầy đủ nhiệm vụ trên phạm vi rộng của ủy ban là xem xét toàn bộ khía cạnh của cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc và sự cạnh tranh đó ảnh hưởng đến Đài Loan như thế nào.
Ông Kim nói: “Tôi ủng hộ một số vấn đề và khuyến nghị trong bản phúc trình này nhưng tôi không cho rằng đề xướng đó có xét đến cách tiếp cận toàn diện mà chúng ta có thể thực hiện trên mặt trận này.”
“Còn rất nhiều vấn đề cần phải tháo gỡ, và việc trình bày nội dung nào đó có chín trong số mười đề xướng tập trung vào an ninh nhưng không đi sâu hơn … tạo ấn tượng rằng đây là những đề xướng hàng đầu và chưa đi đủ sâu vào những gì chúng ta có thể thực hiện về mặt răn đe kinh tế, răn đe ngoại giao, và các năng lực khác mà chúng ta biết là rất quan trọng trong việc xây dựng liên minh toàn cầu [để bảo vệ Đài Loan].”
Vậy thì, cả ông Kim và ông Gallagher đều nói rằng họ muốn có những cuộc thảo luận có ý nghĩa hơn với Bộ Ngoại giao về cách tận dụng tốt nhất sức mạnh ngoại giao và kinh tế để bảo vệ Đài Loan.
Tuy nhiên, ông Gallagher cho biết Bộ Ngoại giao đã từ chối những lời mời của của Ủy ban Đặc biệt về việc đóng góp chuyên môn cho các đề nghị chính sách nói trên.
Tuy nhiên, ông Kim vẫn bày tỏ sự lạc quan đối với Ủy ban Đặc biệt này, và cho biết ông hy vọng nhóm lưỡng đảng này sẽ tiếp tục “kết hợp một cách tiếp cận chiến lược” đối với thách thức từ Trung Quốc, và xem xét toàn diện hơn chứ không dừng lại ở các khuyến nghị chính sách tập trung một cách cứng nhắc vào an ninh.
Theo cách đó, những nhận định của ông Kim đã lặp lại quan điểm tương tự được cựu Bộ trưởng Quốc phòng Lâm thời Christopher Miller đưa ra hồi đầu năm nay. Ông Miller nói rằng Hoa Kỳ cần phải làm nhiều hơn nữa để có thể tận dụng các yếu tố phi quân sự trong sức mạnh quốc gia nhằm ngăn chặn một cuộc xung đột với Trung Quốc.
“Tôi tin rằng với mối đe dọa từ Trung Quốc, thì cách tiếp cận đó là cách tiếp cận rất tinh tế và gián tiếp… cuộc chiến không chính quy,” ông Miller nói trong một cuộc nói chuyện hôm 04/04 với Viện Cato, một tổ chức tư vấn theo khuynh hướng tự do.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times