Tỷ phú địa ốc Trung Quốc bị cáo buộc hối lộ quan chức Hoa Kỳ để có giấy phép xây dựng
Một tỷ phú địa ốc Trung Quốc đang phải đối mặt với việc bị dẫn độ từ London sang Mỹ vì bị cáo buộc hối lộ để có được giấy phép cho một dự án xây dựng ở San Francisco.
Ông Trương Lực (Zhang Li), 69 tuổi, cựu quan chức của chính quyền thành phố Quảng Châu, là người đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của R&F Properties ở Quảng Châu, công ty từng được xếp hạng là một trong 10 nhà phát triển địa ốc hàng đầu tại Trung Quốc. Doanh thu bán hàng của công ty năm 2020 vượt quá 130 tỷ nhân dân tệ (khoảng 17.98 tỷ USD).
Hôm 12/12, R&F Properties tuyên bố rằng ông Trương phải đối mặt với cáo buộc hối lộ vì đã tiếp đón cựu giám đốc Sở Tiện ích Công cộng của San Francisco, và ông Trương đang có “hành động pháp lý” chống lại “cáo buộc sai sự thật này.”
Vụ án tham nhũng của ông Mohammed Nuru
Theo kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc China Business Network, ông Trương đã bị bắt vì dính líu đến một vụ án tham nhũng liên quan đến ông Mohammed Nuru, cựu giám đốc Sở Tiện ích Công cộng San Francisco, năm 2020.
Một bản cáo trạng được công bố trên trang web của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ vào ngày 17/12/2021, tiết lộ rằng ông Nuru phụ trách các hợp đồng công, giấy phép, và dự án xây dựng ở San Francisco, đồng thời đã nhiều lần nhận hối lộ từ các nhà thầu và nhà phát triển.
Ông Nuru thừa nhận đã nhận các chuyến du lịch miễn phí, quà tặng và lợi ích từ R&F Properties. Đổi lại, ông Nuru đã giúp nhà phát triển này có được những giấy tờ chấp thuận cần thiết cho dự án đa năng lớn, trị giá hàng triệu dollar của công ty này ở San Francisco.
Bản cáo trạng cũng cho thấy, năm 2018, ông Nuru đến Trung Quốc và ở tại các khách sạn 5 sao trong suốt chuyến đi, mọi chi phí do R&F Properties chi trả. Ông cũng được mời đến thăm tư gia của những người sáng lập R&F và nhận rượu vang trị giá 2,070 USD cùng một số viên đá, được cho là kim cương thô chưa cắt, nhưng ông Nuru đã không báo cáo về những vật phẩm này theo như yêu cầu của pháp luật.
Ông Trương bác bỏ mọi cáo buộc, đồng thời nói rằng việc mời một đối tác kinh doanh đến Trung Quốc đi công tác chỉ là lòng hiếu khách của người Trung Quốc, và không liên quan đến hối lộ.
Tuy nhiên, ông Ông Quan Tinh (Weng Guanxing), Giám đốc Công ty Luật Doanh Thái Thượng Hải (Shanghai Yingtai Law Firm), nói với truyền thông Trung Quốc rằng ở California, một khoản hối lộ trị giá hơn 250 USD sẽ cấu thành hối lộ thương mại, hối lộ lên tới 1,000 USD có thể bị phạt tù tới một năm, và hối lộ hơn 1,000 USD có thể dẫn đến tối đa ba năm tù.
Hối lộ và tham nhũng ở hải ngoại
Các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc có lịch sử lâu dài về hối lộ người ngoại quốc. Hồi tháng 05/2015, Wang Zhiluo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bộ Thương mại Trung Quốc, thừa nhận tại một hội thảo rằng 12 doanh nghiệp nhà nước nằm trong danh sách đen tham nhũng của Ngân hàng Thế giới.
Các doanh nghiệp này bị cấm thực hiện các dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ trong một thời gian nhất định do nghi ngờ gian lận và hối lộ. Những công ty này bao gồm Công ty Kỹ thuật Cầu đường mỏ Đại Khánh (Daqing), Công ty TNHH Xây dựng Truyền thông Trung Quốc, Tập đoàn Kỹ thuật Địa chất Trung Quốc, và Công ty TNHH Xây dựng Trung Quốc.
Ông Trần Kiến Cương (Chen Jiangang), một luật sư nhân quyền người Trung Quốc hiện là học giả thỉnh giảng tại Khoa Luật Washington thuộc Đại học Michigan, đã đăng trên blog của mình các vụ hối lộ mà ông đã đích thân giải quyết trong sự nghiệp của mình. Thông tin này cho thấy các công ty do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiểm soát đã tham gia hối lộ và tham nhũng ở nhiều quốc gia ở Đông Nam Á và Phi Châu. Ông Trần lưu ý rằng các vụ tham nhũng liên quan đến Trung Quốc đặc biệt nghiêm trọng ở Phi Châu.
Các vụ án cụ thể mà ông Trần đã giải quyết có liên quan đến những tên tuổi lớn như Đường sắt Trung Quốc (China Railway), Thủy điện Trung Quốc (China Hydropower), Xây dựng Luyện kim Trung Quốc (China Metallurgical Construction), và những đại công ty công nghiệp thuộc sở hữu nhà nước khác. Ở một số quốc gia, các khoản hối lộ thậm chí còn được trả cho các chính trị gia quyền lực như tổng thống, phó tổng thống, và các đặc vụ của tổng thống. “Đó là một bí mật mà ai cũng biết trong những ngành công nghiệp này của Trung Quốc,” ông Trần cho hay.
Truyền thông nhà nước đe dọa giới nhà giàu Trung Quốc
Theo công ty tư vấn nhập cư “Henley & Partners”, khoảng 10,000 gia đình Trung Quốc giàu có đã dự trù di cư sang các nước khác trong năm nay, mang theo tổng số tiền ước tính khoảng 48 tỷ USD.
Hôm 13/12, cổng thông tin Trung Quốc Sina đã đưa tin về vụ án pháp lý của ông Trương, cảnh báo rằng trải nghiệm của ông Trương “nhắc nhở những người Trung Quốc giàu có rằng hải ngoại không an toàn.”
“Ở Trung Quốc, mời ai đó đi ăn và tặng ai đó một chai rượu trị giá 2,000 USD chắc chắn sẽ không dẫn đến việc chủ sở hữu công ty bị bắt giữ, nhưng những điều như vậy có thể xảy ra ở ngoại quốc,” bản tin trên cho biết. “Việc đến Vương quốc Anh để sinh sống là không an toàn chút nào cho những người giàu Trung Quốc, như trường hợp của ông Trương đã cho thấy.”
Ông Bàng Cửu Lâm (Pang Jiulin), Giám đốc Công ty Luật Xuân Lâm Bắc Kinh (Beijing Chunlin Law Firm), đã đăng một bài viết trên blog cho biết rằng việc sử dụng lề lối của Trung Quốc để đánh giá luật pháp Hoa Kỳ rõ ràng là sự thiếu hiểu biết về Đạo luật Chống Tham nhũng ở Hải ngoại (FCPA) của Hoa Kỳ.
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times