Ảnh hưởng của ĐCSTQ đối với thành phố New York thể hiện qua Đêm Giao Thừa năm 2023
Sự xuất hiện của một quan chức chính quyền Trung Quốc tại một sự kiện Đêm Giao Thừa ở Quảng trường Thời đại đã làm dấy lên những nghi vấn về mối liên hệ của chính quyền thành phố này với các đặc vụ của chính quyền cộng sản Trung Quốc.
Sự kiện “Hong Kong Rocks!”, do Liên minh Quảng trường Thời đại (Times Square Alliance) tổ chức, diễn ra tại Quảng trường Thời đại vào Đêm Giao Thừa vừa qua, đã đặt vị trí nổi bật cho ông Hoàng Bình (Huang Ping), tổng lãnh sự đương nhiệm của Đại sứ quán Trung Quốc ở New York.
Trong những năm qua, ông Hoàng đã nổi danh là một người bảo vệ mạnh mẽ cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và là một người phủ nhận các hành vi vi phạm nhân quyền của chính quyền vốn cai trị Trung Quốc như một nhà nước độc đảng này.
Dường như một vài tổ chức có liên hệ với cả ĐCSTQ và chính quyền địa phương ở New York đã sắp đặt sự hiện diện của ông tại sự kiện này, nơi ông đã chúc mừng những người tham gia một năm mới hạnh phúc và khuyến khích họ đến thăm Trung Quốc
Chủ nghĩa xã hội mang những đặc sắc New York
Theo một tuyên bố được đưa ra ngay sau nửa đêm của Văn phòng Kinh tế và Thương mại Hồng Kông ở New York, sự kiện này có sự tham gia của “hơn 100 khách mời và chức sắc từ chính quyền [thành phố này], giới ngoại giao, doanh nghiệp, và học giả, cũng như cộng đồng du lịch của New York.”
Tuyên bố nói trên liệt kê Tập đoàn Quốc tế Cimagine (CIMG) là một đơn vị liên hệ báo chí cho sự kiện này.
Trang web của CIMG nêu rõ rằng công ty này đã tổ chức lễ khai mạc Đêm Giao Thừa theo văn hóa Trung Quốc từ năm 2011, nhưng công ty này đã được sáp nhập hồi tháng 03/2022, có trụ sở chính tại Manhattan, và duy trì những mối liên kết với các thành phần nổi bật trong mạng lưới tuyên truyền rộng lớn của ĐCSTQ.
CIMG ghi tên các cơ quan tuyên truyền thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc gồm China Daily, CCTV, và Tân Hoa Xã, cũng như các hãng thông tấn của Mỹ gồm ABC, CNN, và NBC, trong số “các đối tác truyền thông” của mình.
Công ty này còn liệt kê Hiệp hội Hữu nghị Trung-Mỹ (SAFA), Quỹ Văn hóa và Nghệ thuật Trung-Mỹ (SACAF), và Trung tâm Phát triển Doanh nghiệp người Mỹ gốc Hoa (CABDC) là “các đối tác chiến lược.”
Đáng chú ý, phó tổng biên tập chuyên mục bình luận của The Washington Post từng mô tả SAFA là một phần quan trọng trong công tác Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ — chiến lược chính trị của chính quyền đã tận dụng mạng lưới các nhóm và các cá nhân để thúc đẩy lợi ích của đảng thông qua tuyên truyền và các hoạt động gây ảnh hưởng khác.
Các tổ chức Mặt trận Thống nhất thường do các đặc vụ của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của chế độ này quản lý, nhưng cũng có thể tách biệt với chính quyền bởi nhiều tầng lớp của các tổ chức mặt trận được thiết lập để che đậy ảnh hưởng của ĐCSTQ.
Tuy nhiên, “các đối tác chiến lược” có thể là một cách gọi sai bởi vì nhiều tổ chức trong số các tổ chức này được ghi như vậy trên các trang web của CIMG và SAFA dường như được điều hành bởi cùng một người.
Ông Peter Zhang, vốn được ghi trên các tài liệu của thành phố New York là CEO của CIMG, cũng lại là chủ tịch của SAFA kiêm chủ tịch của CABDC.
Tương tự như vậy, bà Li Li được ghi danh khác nhau trên mạng vừa là chủ tịch của CIMG, vừa là chủ tịch của SACAF, phó chủ tịch điều hành kiêm tổng thư ký của SAFA.
Hơn nữa, tiểu sử trên SAFA của bà Li nói rằng bà “đã dành bốn năm làm việc cho Thành phố New York, Văn phòng Thị trưởng, và Văn phòng Quản lý và Ngân sách.”
Như ban đầu Fox News đã đưa tin, ban cố vấn của SAFA cũng gồm có một cựu giám đốc của Tân Văn Xã Trung Quốc (China News Service) và một thành viên của Ủy ban Thường vụ lần thứ 11 của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, một tổ chức Mặt trận Thống nhất chuyên trách vận động hành lang các chính phủ thực hiện các chính sách thân Trung Quốc dưới sự giám sát của ĐCSTQ.
Bênh vực cho Chủ nghĩa cộng sản
Mặc dù nhiều mối liên hệ kết nối các tổ chức này làm dấy lên nghi vấn về các yếu tố của bộ máy ảnh hưởng của ĐCSTQ đã nhúng sâu vào bối cảnh chính trị của New York như thế nào, nhưng lịch sử bình luận chính trị lâu đời của chính ông Hoàng giúp làm rõ mục đích của họ.
Ông Hoàng đã nhiều lần ca ngợi ĐCSTQ và chủ nghĩa cộng sản một cách đại thể hơn, thậm chí còn mô tả “hành trình xây dựng một quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại vĩ đại” của ĐCSTQ bằng những ngôn từ khoa trương tại Diễn đàn Trung Quốc của Đại học Harvard hồi tháng 04/2022.
Cũng trong bài diễn văn đó, ông Hoàng nói rằng “hầu như tất cả người dân Trung Quốc đều yêu chuộng con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc này” và Trung Quốc sẽ “kiên định đi theo con đường này.”
Tương tự như vậy, trong một cuộc phỏng vấn với podcast Sinica hồi năm 2021, ông Hoàng nói rằng ĐCSTQ là “một Đảng vĩ đại” vốn được “dựa trên các học thuyết cơ sở hoặc nền tảng của chủ nghĩa Marx.”
Cũng trong cuộc phỏng vấn đó, ông Hoàng phủ nhận sự tồn tại của các hành vi vi phạm nhân quyền ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc, gọi các báo cáo về nạn diệt chủng là “những lời dối trá” và mô tả các trại tập trung, mà ĐCSTQ gọi là trung tâm cải tạo, là “một khuôn viên, chứ không phải là những trại [tập trung].”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times