Tỷ lệ nắm giữ nợ chính phủ Hoa Kỳ ở ngoại quốc giảm khi Trung Quốc tiếp tục bán phá giá công khố phiếu Hoa Kỳ
Nhiều trung tâm tài chính hơn đang theo chân Bắc Kinh, chẳng hạn như Thụy Sĩ và Luxembourg.
Dữ liệu mới cho thấy lượng nắm giữ công khố phiếu Hoa Kỳ của ngoại quốc tiếp tục giảm khi Trung Quốc và một số quốc gia khác giảm mức độ đầu tư vào nợ chính phủ Hoa Kỳ.
Theo Bộ Ngân khố Hoa Kỳ, lượng nắm giữ công khố phiếu Hoa Kỳ trên toàn cầu đã giảm 0.5%, xuống còn 7.565 ngàn tỷ USD trong tháng Mười, giảm từ mức 7.604 ngàn tỷ USD trong tháng Chín. Đây là tháng thứ hai liên tiếp các nhà đầu tư ngoại quốc bán tháo công khố phiếu. Tuy nhiên, so với cùng thời điểm một năm trước, lượng nắm giữ của ngoại quốc đã tăng khoảng 6%.
Trung Quốc tiếp tục cắt giảm tài sản ở Hoa Kỳ trong tháng thứ Tám liên tiếp, với tổng trị giá bán đi là 769.6 tỷ USD. Con số này đã giảm khoảng 1% so với tháng trước và giảm hơn 12% so với năm trước.
Nhật Bản, chủ nợ lớn nhất thế giới của chính phủ Hoa Kỳ, đã mua được gần 12 tỷ USD trái phiếu trong tháng Mười. Tổng cộng, các nhà đầu tư Nhật Bản sở hữu gần 1.1 ngàn tỷ USD công khố phiếu. Bất chấp sự gia tăng này, lượng nắm giữ của Tokyo vẫn giảm so với mức cao nhất mọi thời đại khoảng 1.3 ngàn tỷ USD vào năm 2021.
Các quốc gia khác đã bổ sung công khố phiếu vào danh mục đầu tư của họ gồm có Vương quốc Anh (4.1 tỷ USD), Ireland (4.4 tỷ USD), Pháp (4.9 tỷ USD), và Canada (1 tỷ USD). Mặt khác, các quốc gia đã giảm bớt khả năng phải đối mặt với khoản nợ quốc gia ngày càng tăng của Hoa Kỳ gồm Luxembourg (28.2 tỷ USD), Bỉ (32 tỷ USD), Thụy Sĩ (4.6 tỷ USD), Ấn Độ (7.1 tỷ USD), và Brazil (3.6 tỷ USD).
Nhà kinh tế học Wolf Richter cho biết, nhìn chung, các nhà đầu tư ngoại quốc đã không đầu tư theo kịp với tốc độ tăng nợ quốc gia nhanh chóng của Hoa Kỳ.
“Các chủ sở hữu ngoại quốc đã không tiếp tục mua khoản nợ chính phủ Hoa Kỳ đang ngày càng phình to, và kết quả là tỷ lệ nắm giữ của họ đã giảm xuống mức 22.4%, từ mức khoảng 33% vào năm 2015,” ông Wolf viết. “Nói cách khác, việc tài trợ nợ của Hoa Kỳ đã trở nên ít phụ thuộc hơn vào các chủ sở hữu ngoại quốc.”
Trung Quốc thúc đẩy việc bán phá giá USD
Dữ liệu mới nhất được công bố sau khi một cựu quan chức của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc khuyến khích Bắc Kinh tiếp tục cắt giảm công khố phiếu Hoa Kỳ khi Hoa Thịnh Đốn sử dụng đồng bạc xanh trong thương mại quốc tế.
Tại Diễn đàn Tam Á của Tạp chí Tài Kinh (Caijing Magazine) hồi đầu tháng này, nhà kinh tế Dư Vĩnh Định (Yu Yongding) đã kêu gọi chính quyền Trung Quốc điều chỉnh danh mục tài sản và nợ của ngoại quốc.
“Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc nên giảm tỷ lệ tài sản của ngoại quốc trong dự trữ ngoại hối của mình,” ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng “việc này cần phải được thực hiện một cách có trật tự.”
Ông Dư lưu ý rằng việc Hoa Kỳ hai lần bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm nợ trong năm nay nhấn mạnh tình trạng xấu đi của các vấn đề nợ khá lớn của Hoa Thịnh Đốn. Đồng thời, các quan chức Trung Quốc phải kiềm chế tham gia vào các đợt bán nợ chính phủ Hoa Kỳ trên diện rộng hơn do những tác động về địa chính trị.
Ông Brad Setser, cựu quan chức Bộ Ngân khố và thành viên cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), ước tính rằng khoảng một nửa dự trữ của Trung Quốc là trái phiếu bằng USD.
Ông Setser đã viết trong một bài đăng trên blog vào mùa thu vừa qua: “Phần lớn nỗ lực của Trung Quốc sau năm 2012 nhằm đa dạng hóa dự trữ của mình không đến từ việc chuyển dự trữ ra khỏi đồng USD mà bằng cách sử dụng những gì có thể là dự trữ để trợ giúp cho [Sáng kiến] Vành đai và Con đường và sự mở rộng ra bên ngoài của các công ty Trung Quốc.”
Các nhà kinh tế đã thừa nhận rằng Bắc Kinh có thể đang bán công khố phiếu Hoa Kỳ để trợ giúp cho đồng nhân dân tệ của Trung Quốc thông qua việc sử dụng dollar để mua lại đồng tiền của mình trên thị trường tài chính toàn cầu, nâng cao giá trị của nhân dân tệ một cách giả tạo.
Trên thị trường quốc tế, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã giảm 3.2% so với đồng USD kể từ đầu năm cho đến nay. Đồng nhân dân tệ đại lục cũng đã giảm khoảng 3.6% so với đồng bạc xanh trong năm nay.
Sự quan tâm trong nước đối với nợ chính phủ
Bộ Ngân khố có kế hoạch vay 1.6 ngàn tỷ USD cho đến tháng 03/2024. Bộ cũng vay 1.01 ngàn tỷ USD trong quý từ tháng Bảy đến tháng Chín.
Trong những tháng gần đây, ngày càng có nhiều lo ngại về việc suy giảm sự quan tâm trong và ngoài nước đối với công khố phiếu Hoa Kỳ vì có nhiều trái phiếu đang được phát hành trên thị trường tài chính. Các cuộc đấu giá gần đây cho thấy tình hình đã có đôi chút cải thiện.
Trong đợt bán trái phiếu kỳ hạn 20 năm trị giá 13 tỷ USD hôm 20/12, các đại lý sơ cấp — các tổ chức tài chính mua công khố phiếu khi các nhà đầu tư trực tiếp và gián tiếp không mua loại tài sản này — đã mua tới 13% nguồn cung.
Tại cuộc đấu giá trái phiếu kỳ hạn 10 năm trị giá 37 tỷ USD hôm 11/12, các nhà kinh doanh sơ cấp đã mua 17% nguồn cung công khố phiếu.
Trong năm 2023, các đại lý sơ cấp đã mua công khố phiếu Hoa Kỳ với tỷ lệ trung bình 12%.
Một nhóm chuyên gia cảnh báo rằng các nhà giao dịch cũng trở nên e ngại về việc chấp nhận quá nhiều rủi ro, đặc biệt là khi tương lai tài khóa dài hạn của chính phủ liên bang bị đặt trong vòng nghi vấn. Các nhà nghiên cứu tại Fitch Ratings và Moody’s Investor Service đã cảnh báo rằng quỹ đạo hiện tại của nền tài chính Hoa Kỳ là không bền vững, lý giải cho việc hạ bậc xếp hạng tín nhiệm nợ của hai hãng đối với Hoa Kỳ trong năm nay.
“Trong bối cảnh lãi suất cao hơn, không có biện pháp chính sách tài khóa hiệu quả nào để giảm chi tiêu của chính phủ hoặc tăng doanh thu,” Moody’s cho biết trong báo cáo tháng Mười Một. “Moody’s cho rằng thâm hụt tài khóa của Hoa Kỳ sẽ vẫn rất lớn, làm suy yếu đáng kể khả năng chi trả nợ.”
Trong năm tài khóa 2023, chính phủ Hoa Kỳ đã thâm hụt ngân sách 2.02 ngàn tỷ USD, tăng so với ước tính trước đó là 1.7 ngàn tỷ USD. Trong hai tháng đầu năm tài khóa hiện tại, mức thâm hụt của Hoa Thịnh Đốn là khoảng 381 tỷ USD, tương đương với khoảng 6 tỷ USD mỗi ngày.
“Khi nói đến việc lập ngân sách, năm 2023 đã cho chúng ta thấy cả mặt tốt lẫn mặt xấu. Chúng ta đã chứng kiến khoảnh khắc thành công hiếm hoi khi lưỡng đảng cùng nhau ban hành biện pháp giảm thâm hụt 1.5 ngàn tỷ USD thông qua Đạo luật Trách nhiệm Tài khóa — nhưng chúng ta cũng thấy hậu quả của việc trì hoãn giải quyết vấn đề, với nhiều thời hạn tài trợ và các quyết định ngân sách cần được đưa ra kịp thời trong năm mới,” bà Maya MacGuineas, chủ tịch Ủy ban Ngân sách Liên bang Có trách nhiệm, cho biết trong một tuyên bố. “Và chúng ta càng để cho khoản nợ của mình trở nên tệ hơn trong thời gian lâu bao nhiêu, thì cuối cùng chúng ta càng có ít năng lực ứng phó với các loại tình huống khẩn cấp toàn cầu mà chúng ta đang chứng kiến trên thế giới ngày nay bấy nhiêu.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times