Mức thâm hụt ngân sách của chính phủ Hoa Kỳ trong quý đầu tiên là 510 tỷ USD
Các khoản thanh toán lãi suất là một trong những khoản chi ngân sách lớn nhất của chính phủ liên bang.
Theo dữ liệu mới từ Bộ Ngân khố, chính phủ Hoa Kỳ ghi nhận thâm hụt ngân sách trong tháng 12/2023 là 129 tỷ USD, tăng 52% so với cùng thời kỳ năm trước.
Trong ba tháng đầu trong năm tài khóa hiện tại, thâm hụt ngân sách của Hoa Thịnh Đốn đã tăng vọt lên 510 tỷ USD, tăng 21% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Doanh thu từ thuế giảm gần 6% so với cùng thời kỳ trong tháng Mười Hai, trong khi chi tiêu tăng khoảng 4%.
Tháng trước, các hạng mục ngân sách lớn nhất là An sinh xã hội (117 tỷ USD), quốc phòng (81 tỷ USD), y tế (78 tỷ USD), và Bảo hiểm Y tế (65 tỷ USD).
Các khoản thanh toán lãi suất ròng là khoản chi lớn thứ tư của chính phủ liên bang, lên đến 68 tỷ USD. Trong quý đầu tiên của năm tài khóa 2024, tổng số tiền lãi suất ròng phải trả là 216 tỷ USD.
Lãi suất gộp đối với nợ công khố phiếu — khoản thanh toán lãi nửa năm cho các quỹ ủy thác đầu tư vào công khố phiếu có mệnh giá phát hành đặc biệt — đã tăng 119 tỷ USD trong tháng Mười Hai. Tính từ đầu năm đến nay, tổng lãi suất đã tăng hơn 288 tỷ USD.
Kết quả là chính phủ Hoa Kỳ đã chi 504 tỷ USD để trả lãi suất trong quý đầu tiên của năm tài khóa.
Với tốc độ này, chính phủ liên bang đang trên đà công bố mức thâm hụt ngân sách hàng năm khoảng 2 ngàn tỷ USD.
Theo số liệu thống kê về Debt to the Penny (tổng nợ của chính phủ Hoa Kỳ được báo cáo hằng ngày) của Bộ Ngân khố, nợ quốc gia đã tăng vọt khoảng 9% so với cùng thời kỳ năm trước lên 34 ngàn tỷ USD.
Ước tính của CBO
Trước khi Bộ Ngân khố công bố chính thức, Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) dự báo trong Đánh giá Ngân sách Hàng tháng rằng chính phủ Hoa Kỳ đã ghi nhận mức thâm hụt 128 tỷ USD trong tháng Mười Hai, tăng 56% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
CBO cho biết trong báo cáo rằng: “Nếu không có sự thay đổi về thời gian của một số khoản thanh toán, thì mức tăng chi tiêu sẽ ít hơn một chút.”
Trong quý đầu tiên của năm tài khóa 2024, cơ quan giám sát phi đảng phái này ước tính thâm hụt liên bang là 509 tỷ USD. So với cùng thời kỳ của năm tài khóa vừa qua, thâm hụt hàng quý tăng 17%.
Trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12/2023, doanh thu liên bang đã tăng 8% lên 1.1 ngàn tỷ USD, do thuế thu nhập doanh nghiệp tăng 42% và thuế thu nhập cá nhân và thuế quỹ lương tăng 5%.
Chi tiêu đã tăng 12% lên 1.6 ngàn tỷ USD trong ba tháng đầu năm tài khóa 2024. Điều này được thúc đẩy bởi mức chi tiêu ròng tăng 49% so với cùng kỳ năm trước để trả lãi suất nợ quốc gia và “tạo thuận tiện cho việc giải quyết các vụ phá sản của các ngân hàng” của Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) xảy ra hồi năm ngoái. Ngoài ra, chính phủ đã chi tiêu nhiều hơn cho Bộ Quốc phòng (11%), Bộ Cựu chiến binh (16%), và Bộ Năng lượng.
‘Từ giàu sang xuống nghèo khó’
Ủy ban Ngân sách Liên bang có Trách nhiệm (CRFB) đã công bố một báo cáo toàn diện hôm 10/01 xem xét các yếu tố góp phần vào “sự suy thoái tài khóa kể từ năm 2001.”
Khi nợ quốc gia tiếp tục tăng, các nhà quan sát đã cảnh báo rằng việc cắt giảm thuế hoặc tăng chi tiêu là nguyên nhân gây ra tình trạng hỗn loạn tài khóa.
Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre gần đây đã nói với các phóng viên rằng việc cắt giảm thuế của Đảng Cộng Hòa đã góp phần làm tăng 90% nợ quốc gia trong 20 năm qua.
“Nếu quý vị nhìn vào dữ liệu đó, có thể thấy một khoản nợ đang tích lũy. Nếu quý vị nghĩ về điều đó, việc cắt giảm thuế của Đảng Cộng Hòa là nguyên nhân gây ra khoảng 90% mức tăng nợ trong nền kinh tế trong hai thập niên qua, không bao gồm việc chi tiêu khẩn cấp,” bà Jean-Pierre tuyên bố trong cuộc họp báo hôm 03/01.
Tuy nhiên, CRFB lưu ý rằng “cả việc tăng chi tiêu và giảm doanh thu đều có thể giải thích sự gia tăng thâm hụt và nợ” trong hai thập niên vừa qua.
“Sự gia tăng thâm hụt và nợ có thể được giải thích bằng sự tăng tự động trong chi tiêu bắt buộc cũng như việc ban hành cắt giảm thuế và tăng chi tiêu,” CRFB viết. “Nếu không có bất kỳ hiện tượng nào trong số này, nợ sẽ đi theo con đường bền vững hơn nhiều.”
Bằng cách đánh giá những nỗ lực về chính sách quốc gia trong 20 năm qua, tỷ lệ nợ trên GDP cao hơn 37% do cắt giảm thuế. Đồng thời, con số này tăng thêm 33% do chi tiêu tăng đáng kể và tăng thêm 28% do “phản ứng với suy thoái kinh tế.”
“Hầu hết các khoản nợ — 77% GDP — có thể là do việc lập pháp ở lưỡng đảng,” báo cáo lưu ý. “Nếu không có những khoản cắt giảm thuế và tăng chi tiêu này, thì nợ nần có thể đã được thanh toán hoàn toàn rồi.”
Cơn sốt đi vay
Các quan chức Bộ Ngân khố đã dự tính vay thêm khoảng 816 tỷ USD để bù đắp cho thâm hụt ngày càng tăng và trả chi phí lãi suất vay ngày càng tăng.
Trong những tháng gần đây, thách thức đối với chính phủ Hoa Kỳ là tìm đủ người mua để mua hết lượng công khố phiếu phát hành tràn lan này.
Các cuộc đấu giá công khố phiếu đã trở thành sự kiện rất được mong đợi đối với Wall Street vì kết quả của các cuộc đấu giá này có thể báo hiệu mối lo ngại của thị trường đối với tình hình tài khóa của chính phủ Hoa Kỳ.
Trong phiên đấu giá Công khố phiếu kỳ hạn 30 năm trị giá 21 tỷ USD hôm 11/01, các nhà giao dịch cấp 1 — các tổ chức tài chính mua chứng khoán mà các nhà đầu tư trong nước và ngoại quốc không mua — đã mua được gần 15% nguồn cung ứng.
Tỷ lệ trung bình trong năm qua là 12%.
Các nhà phân tích thị trường cho biết sự kiện này có nhiều ý kiến trái chiều, trong đó ông Rick Santelli của CNBC đưa ra xếp hạng C+ cho cuộc đấu giá kỳ hạn 30 năm nói trên.
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times