Tuyên truyền của Trung Cộng trong và ngoài nước: Sự thông đồng của các tác nhân Hoa Kỳ
Phần 2: Chiến dịch tuyên truyền quốc tế của Bắc Kinh được các công dân và công ty Hoa Kỳ hậu thuẫn, tùy thuộc vào nguồn tiền của Trung Quốc.
Theo Viện Hoover, Bắc Kinh đã đang tiến hành một chiến dịch tuyên truyền liên tục ở Hoa Kỳ trong một thời gian. Chiến dịch này đã nhắm mục tiêu vào việc làm xói mòn lòng tin và các chính sách của Hoa Kỳ, đồng thời khai thác quyền tự do ngôn luận và làn sóng tự phê phán hiện nay của người Mỹ. Các công cụ chính của ĐCSTQ là các phương tiện truyền thông xã hội, các lớp học và các kênh truyền thông thiên tả của Hoa Kỳ.
Hơn 200,000 tài khoản Twitter đã bị phát hiện đang làm việc trực tiếp cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), khai thác trường hợp tử vong của George Floyd hoặc những tuyên bố của Hoa Kỳ về phân biệt chủng tộc có hệ thống. Trong khi đó, ở Trung Quốc, người dân tộc Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, và người Mông Cổ đã trở thành nạn nhân của mọi phương thức đàn áp và ngược đãi, bao gồm cả diệt chủng văn hóa, tra tấn, giam cầm, và những tội ác chống lại nhân loại.
Các lớp học ở Hoa Kỳ là một mặt trận khác mà ĐCSTQ tiến hành cuộc chiến tuyên truyền của mình. Các Viện Khổng Tử (CI) do Trung Quốc tài trợ, nằm trong khuôn viên các trường đại học Hoa Kỳ, lại luôn đưa ra quy định rằng sinh viên không được thảo luận về các chủ đề nhạy cảm như nhân quyền, Tây Tạng, vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn, hay Đài Loan. Các Viện Khổng Tử này cũng bị cáo buộc là làm gián điệp và theo dõi sát sao các hoạt động của sinh viên Trung Quốc và Đài Loan tại các trường đại học Hoa Kỳ.
Một trong những cơ quan ngôn luận lớn nhất của ĐCSTQ, Tân Hoa Xã, đã được phép thuê một biển quảng cáo rất lớn ở Quảng trường Thời đại của New York, vào năm 2011. Bảng hiệu quảng cáo ở Quảng trường Thời đại vô cùng đắt đỏ, và những người chủ cho thuê đã vui vẻ nhận tiền thanh toán, ngay cả khi đó là [tiền] từ ĐCSTQ.
Tương tự, trong khoảng thời gian chỉ vài tháng, China Daily đã chi trả hàng triệu dollar cho các tờ báo, tạp chí, và các phương tiện truyền thông khác của Hoa Kỳ để đăng các phụ trương tuyên truyền, ấn phẩm, và quảng cáo. Trong khoảng thời gian bốn năm, ước tính tổng các khoản thanh toán này là 19 triệu USD, trong đó The Wall Street Journal nhận được 6 triệu USD, trong khi tờ Washington Post nhận được 4.6 triệu USD. Điều này đã nêu bật thực tế là chiến dịch tuyên truyền quốc tế của ĐCSTQ được trợ giúp bởi các công ty và công dân Hoa Kỳ, tùy thuộc vào tiền của ĐCSTQ.
Nhiều khoản thanh toán của ĐCSTQ cho các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ là [để đăng] các phụ trương có vẻ như là những câu chuyện thời sự, nhưng thực chất là đang quảng bá cho câu chuyện của Bắc Kinh về các sự kiện thế giới. Một trong những phụ trương này có nhanh đề “Vành đai và Con đường phù hợp với các quốc gia Phi Châu,” đã tán dương những lợi ích của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) ở Phi Châu và rằng người dân Phi Châu đã hoan nghênh tình hữu nghị và viện trợ của Trung Quốc ra sao. Bài báo này không hề đề cập đến các khía cạnh tiêu cực của BRI, chẳng hạn như bẫy nợ, tham nhũng, đánh mất chủ quyền, và các doanh nghiệp Trung Quốc đang đẩy người dân địa phương ra khỏi một số lĩnh vực nhất định. Một câu chuyện khác nói lên rằng biểu thuế quan Hoa Kỳ-Trung Quốc đã tác động tiêu cực như thế nào đến những người mua nhà ở Mỹ, do giá gỗ xẻ bị tăng lên. Câu chuyện này nhằm làm mất uy tín của Tổng thống Donald Trump đương thời vì đã ban hành biểu thuế quan đó và khiến các cử tri phản đối ông. Tuy nhiên, bài báo này đã không đề cập đến việc các mức thuế đó được đưa ra để cứu công ăn việc làm trong ngành gỗ xẻ của Hoa Kỳ hay là để đáp trả việc hàng thập kỷ Trung Quốc đã áp mức thuế cao hơn đối với các sản phẩm của Hoa Kỳ.
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) báo cáo rằng China Daily đã chi 50,000 USD cho tiền quảng cáo trên tờ The New York Times, trong khi họ trả 240,000 USD cho Foreign Policy, 34,600 USD cho The Des Moines Register và 76,000 USD cho CQ-Roll Call. Tổng số tiền China Daily đã chi cho các tờ báo để quảng cáo là 11,002,628 USD, cộng với số tiền 265,822 USD trả cho Twitter. Những tờ báo khác đã nhận tổng cộng số tiền 657,523 USD từ ĐCSTQ bao gồm The Los Angeles Times, The Seattle Times, The Atlanta Journal-Constitution, The Chicago Tribune, The Houston Chronicle, và The Boston Globe. Do đó, DOJ đã yêu cầu China Daily phải tiết lộ các hoạt động của mình theo Đạo luật Ghi danh Đại diện Ngoại quốc (Foreign Agents Registration Act, FARA).
Chiến dịch tuyên truyền trên phương tiện truyền thông của Trung Quốc là do các kênh truyền thông thiên tả của Hoa Kỳ thực hiện. Các hãng thông tấn thiên tả của Hoa Kỳ đôi khi đã quảng bá những lập trường của Bắc Kinh đồng thời làm mất uy tín của các hãng thông tấn theo phái bảo tồn truyền thống, chỉ đơn giản là vì đã công bố một quan điểm đối lập. Một ví dụ là các kênh truyền thông thiên tả ủng hộ các tuyên bố của Trung Quốc rằng nguồn gốc của COVID-19 không phải là xuất phát từ Viện Virus học Vũ Hán, đã đồng thời chỉ trích các hãng thông tấn theo phái bảo tồn truyền thống vì đã công bố bằng chứng trái ngược. Đồng thời, các kênh truyền thông của ĐCSTQ ở Mỹ đã cố gắng đổ vấy trách nhiệm về nguồn gốc của COVID-19 cho các quốc gia khác, trong đó có cả Hoa Kỳ.
Một ví dụ tinh vi về sự thông đồng của các kênh truyền thông Hoa Kỳ trong [công cuộc] tuyên truyền của ĐCSTQ là họ thường coi ông Tập Cận Bình là “chủ tịch” của Trung Quốc, thay vì là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc. Theo định nghĩa, chủ tịch là được bầu lên. Nhưng ông Tập chẳng những không được bầu lên, mà hiến pháp của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa còn bị thay đổi, cho phép ông ta nắm quyền suốt đời.
Sự tự kiểm duyệt của Hoa Kỳ là một công cụ khác trong bộ công cụ của ĐCSTQ. Nỗi sợ mất quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc khiến nhiều công ty tư nhân Hoa Kỳ tránh né làm bất cứ điều gì có thể khiến Bắc Kinh phật ý. Các nhà làm phim Hoa Kỳ là một trong những tội đồ lớn nhất. Một số hãng thông tấn lớn nhất của Hoa Kỳ, kể cả NBC News, CNBC và MSNBC đều thuộc sở hữu của Comcast, công ty sở hữu hãng Universal. Trung Quốc hiện là thị trường xuất cảng phim quan trọng nhất và do đó Universal đã biên tập một số phim của mình để phù hợp với ĐCSTQ.
Bộ phim “Top Gun” đã gỡ cờ Đài Loan ra khỏi áo khoác của nhân vật chính. Bản làm lại của “Red Dawn” đã thay đổi kịch bản, trong đó Hoa Kỳ bị Bắc Hàn, chứ không phải là Trung Quốc cộng sản, xâm lược một cách phi lý. Youtube được biết là đã xóa hoặc cắt nguồn thu nhập của các video chỉ trích ĐCSTQ. Tổng giám đốc của Houston Rockets đã xin lỗi Bắc Kinh, sau khi đăng tweet ủng hộ những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông. Một trong những ví dụ kỳ lạ hơn về việc tự kiểm duyệt là khi Liên minh Âu Châu loại bỏ những ngôn từ đổ lỗi cho Trung Quốc trong một báo cáo về thông tin sai lệch.
Thông qua các nỗ lực tuyên truyền của mình, sự tự mãn của truyền thông Hoa Kỳ và sự tự kiểm duyệt của Hoa Kỳ, Bắc Kinh có thể mô tả Trung Quốc là một quốc gia có kiểu chính quyền “khác biệt” nhưng bình đẳng, nơi người dân được hưởng mức sống cao, vô cùng nhiều tự do, và ủng hộ ĐCSTQ một cách rộng rãi. Tất nhiên, nếu điều này là đúng, thì nhà cầm quyền này hẳn sẽ tổ chức các cuộc tổng tuyển cử và sẽ không cần phải kiểm duyệt các phương tiện truyền thông và mạng xã hội ở trong và ngoài nước.
Ghi chú của biên tập viên: Phần 1 nói về cách ĐCSTQ sử dụng phương tiện truyền thông chính thống của Mỹ để tiến hành cuộc chiến tuyên truyền ở ngoại quốc. Phần 3 đi sâu vào cách bộ máy tuyên truyền trong nước của Trung Quốc ca ngợi ĐCSTQ, kiểm soát người dân, và chế nhạo Mỹ quốc.
Views expressed in this article are the opinions of the author and do not necessarily reflect the views of The Epoch Times.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải của Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, người đã viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc” và “Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc.”
Huệ Giao biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: