Tuyên bố chính trị mới của Liên Hiệp Quốc về đại dịch
Hôm 20/09, các đại biểu của chúng ta nhóm họp tại Liên Hiệp Quốc (UN) đã ký một “Bản Tuyên bố” (pdf) có nhan đề: “Tuyên bố Chính trị của Cuộc họp Cấp cao của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về Phòng chống, Chuẩn bị và Ứng phó với Đại dịch.”
Bản tuyên bố này được công bố theo một “quy trình thầm lặng”, có nghĩa là các quốc gia không đưa ra câu trả lời sẽ được coi là ủng hộ cho văn bản này. Tài liệu thể hiện một lộ trình chính sách mới để quản lý dân số khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cơ quan y tế của UN, tuyên bố rằng một biến thể virus trong tương lai sẽ là “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đáng lo ngại ở cấp quốc tế.”
Hồi năm 2019, WHO đã lưu ý rằng các đại dịch rất hiếm hoi, và không đáng kể khi so với tổng số tử vong trong thế kỷ qua. Kể từ đó, tổ chức này quyết định rằng dân số bình thường của năm 2019 chỉ hoàn toàn không hay biết về sự diệt vong sắp xảy ra. Hiện WHO và toàn bộ hệ thống UN lại coi đại dịch là mối đe dọa hiện hữu và cận kề. Điều này quan trọng, bởi vì:
- Họ đang đòi hỏi số tiền nhiều hơn số tiền chi cho bất kỳ chương trình sức khỏe quốc tế nào khác (tiền của quý vị);
- Điều này sẽ mang lại sự giàu có đáng kể cho một số người hiện đang làm việc thân cận với WHO và UN;
- Chính phủ của quý vị sẽ được trao quyền tái áp dụng chính những biện pháp vừa gây ra sự gia tăng nghèo đói và bệnh tật lớn nhất trong cuộc đời chúng ta; và
- Một cách hợp lý, đại dịch sẽ chỉ trở nên thường xuyên hơn nếu ai đó có ý định làm cho chúng trở nên như vậy (vì vậy chúng ta nên tự hỏi chuyện gì đang xảy ra).
Những nhân viên soạn thảo Bản Tuyên bố này đã làm như vậy vì đó là công việc của họ. Họ được trả tiền để viết một văn bản mà rõ ràng là mâu thuẫn, đôi khi sai lầm, và thường khá vô nghĩa. Họ là một phần của một ngành công nghiệp đang phát triển nhanh chóng, và Bản Tuyên bố này nhằm mục đích biện minh cho sự tăng trưởng này cũng như sự tập trung quyền lực đi kèm với điều đó. Tài liệu trên gần như chắc chắn sẽ được chính phủ của quý vị tán thành bởi vì, thành thật mà nói, có động lực và tiền bạc liên quan đến việc này.
Mặc dù 13 trang của Bản Tuyên bố này hoàn toàn sai lệch về mặt thực tế và là trò hề, nhưng trong những sản phẩm gần đây của UN thì chúng không phải là không điển hình. Mọi người được dạy cách sử dụng các từ ngữ, các khẩu hiệu, và chủ đề tuyên truyền kích động (ví dụ: “công bằng”, “trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái”, “tiếp cận giáo dục”, “trung tâm chuyển giao công nghệ”), trong đó không ai có thể phản đối mà không phải đối mặt với nguy cơ bị gắn mác là một kẻ phủ nhận, cánh hữu cực đoan, hoặc thực dân.
Bản Tuyên bố này nên được đọc trong bối cảnh của những gì các tổ chức này, và nhân viên của họ, vừa mới thực hiện. Thật khó để tóm tắt một bản tập hợp các “ngôn từ đúng đắn” nhằm mục đích che đậy hiện thực như vậy, nhưng hy vọng bản tóm tắt ngắn gọn này sẽ gợi lên một số suy nghĩ [cho người đọc]. Sự xấu xa không phải là một sai lầm mà là sự lừa dối có chủ ý, nên chúng ta cần phân biệt rõ ràng những điều này.
Thực hiện điều đen tối đằng sau bức màn ánh sáng
Tổng hợp lại, hai đoạn trích sau đây tóm tắt sự mâu thuẫn nội tại trong nghị trình của Bản Tuyên bố cũng như sự vô liêm sỉ và thiếu đồng cảm đáng kinh ngạc của nó:
“Về vấn đề này, chúng tôi:…
“PP3: Nhận thấy sự cần thiết phải giải quyết sự bất bình đẳng về y tế cũng như thiếu công bằng, trong và giữa các quốc gia,…”
“PP5: “Nhận thấy rằng bệnh tật, tử vong, sự gián đoạn kinh tế xã hội và tàn phá do đại dịch COVID-19 gây ra,…”
“Nhận thức” về sự tàn phá là quan trọng. SARS-COV-2 có liên quan đến tỷ lệ tử vong chủ yếu ở các quốc gia giàu có, nơi độ tuổi tử vong trung bình liên quan đến COVID dao động từ 75 đến 85 tuổi. Gần như tất cả những người này đều mắc các bệnh liên quan nghiêm trọng như béo phì và tiểu đường, nghĩa là tuổi thọ của họ đã bị hạn chế từ trước đó. Theo một nghiên cứu được biết đến vào đầu năm 2020, những người đóng góp đáng kể cho nền kinh tế lại có nguy cơ tử vong rất thấp.
Do đó, sự ứng phó [với đại dịch] chắc chắn là nguyên nhân chính dẫn đến ba năm tàn phá kinh tế xã hội này. Virus không làm cho con người đói kém, như những người viết Bản Tuyên bố muốn chúng ta tin là như vậy. WHO và các tổ chức khác dự đoán tình trạng kiểm soát dịch bệnh ngày càng xấu đi vào đầu năm 2020, làm tăng số ca bệnh sốt rét, bệnh lao, HIV/AIDS và suy dinh dưỡng. Sự gián đoạn kinh tế ở các nước thu nhập thấp đặc biệt dẫn đến tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ em nhiều hơn.
Ở các nước phương Tây, tỷ lệ tử vong ở người trưởng thành đã tăng lên đúng như dự đoán khi việc sàng lọc ung thư và bệnh tim giảm đi, còn nghèo đói và căng thẳng gia tăng. Biết được điều này, vào cuối năm 2019, WHO đã đưa ra lời khuyên rằng “không” nên áp dụng biện pháp giống như phong tỏa đối với đại dịch cúm “trong bất kỳ trường hợp nào”. Đến đầu năm 2020, dưới sự tác động của các nhà tài trợ, họ đã vận động ủng hộ các biện pháp phong tỏa cho dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, Bản Tuyên bố không có dòng nào nói về sự hối lỗi hay ăn năn.
Bất chấp sự phi lý, Bản Tuyên bố tiếp tục mô tả Covid-19 là “một trong những thách thức toàn cầu lớn nhất” trong lịch sử UN (PP6), lưu ý rằng bằng cách nào đó đợt bùng phát này đã dẫn đến “sự gia tăng tình trạng nghèo đói ở mọi hình thức và khía cạnh, bao gồm cả nghèo đói cùng cực…”
Trên thực tế, Bản Tuyên bố thừa nhận rằng điều này đã gây ra “tác động tiêu cực đến sự công bằng, phát triển con người và kinh tế trên tất cả các lĩnh vực của xã hội, cũng như đến các nhu cầu nhân đạo toàn cầu, bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái, việc hưởng nhân quyền, sinh kế, an ninh lương thực và dinh dưỡng, giáo dục, sự gián đoạn do đại dịch gây ra đối với nền kinh tế, chuỗi cung ứng, thương mại, xã hội và môi trường, trong và giữa các quốc gia, đang đảo ngược những thành quả phát triển phải khó khăn mới đạt được và cản trở sự tiến bộ…” (PP6)
Xin nói lại một điều hiển nhiên, điều này không xảy ra do một loại virus nhắm vào người cao niên ốm bệnh mà là khi trẻ em và những người trưởng thành có năng suất lao động bị cấm đi học, đi làm, không được chăm sóc sức khỏe, và không được tham gia vào thị trường hàng hóa và dịch vụ. Thảm họa kinh tế, xã hội và sức khỏe chắc chắn sẽ xảy ra, gây tổn hại nghiêm trọng cho những người nghèo và các quốc gia có thu nhập thấp, thực sự khác xa so với Geneva và New York.
Không, không phải tất cả chúng ta cùng ở trong hoàn cảnh này.
Không phải tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng tiêu cực bởi thảm họa này. Những người và tập đoàn tài trợ cho phần lớn công việc khẩn cấp về sức khỏe của WHO, và của các tổ chức liên kết như CEPI, Gavi và Unitaid, đã thu lợi rất lớn từ các chính sách mà họ hết sức ủng hộ. Các công ty phần mềm và dược phẩm đã thu được lợi nhuận cao chưa từng thấy, trong khi tình trạng cạn kiệt hóa hàng loạt này vẫn diễn ra. Các cơ quan quốc tế cũng đã hưởng lợi; công việc xây dựng và tuyển dụng nhân lực vẫn rất mạnh mẽ ở Geneva. Chủ nghĩa tư bản phúc thiện có lợi cho một số người.
Mục đích chính của Bản Tuyên bố là ủng hộ các sửa đổi và hiệp ước về điều lệ y tế quốc tế (IHR) của WHO (PP26), có vai trò quan trọng để bảo đảm rằng các đợt bùng phát virus có tác động nhỏ như vậy vẫn có thể mang lại lợi nhuận cao. Nguồn tài chính bổ sung trị giá 10 tỷ USD mỗi năm đã được đề xướng để trợ giúp cho việc này (PP29). Tại sao hầu hết các quốc gia đều có luật chống lừa đảo là có lý do. UN và các cơ quan của tổ chức này, may mắn thay cho các nhân viên của UN, nằm ngoài phạm vi quyền tài phán của bất kỳ quốc gia nào.
Dựa trên đánh giá của các nhà tài trợ, nhân viên của các cơ quan này đang làm tốt công việc của mình. Đối với phần còn lại của nhân loại, công việc của họ là một đại thảm họa. Vào năm 2019, họ nói rằng sẽ không phong tỏa, sau đó họ dành cả năm 2020 chỉ để bảo vệ các lệnh phong tỏa và các lệnh bắt buộc khác ở mọi cấp độ xã hội. Trong ba năm, họ giả vờ rằng kiến thức hàng thập niên về khả năng miễn dịch, gánh nặng bệnh tật, và mối liên hệ giữa nghèo đói và tỷ lệ tử vong là không tồn tại.
Bây giờ họ lại viết Bản Tuyên bố của UN này để tiếp tục tài trợ cho ngành công nghiệp của họ thông qua những người đóng thuế mà gần đây đang bị họ đẩy vào cảnh bần cùng. Từng được giao nhiệm vụ phục vụ dân số rộng lớn toàn cầu, đặc biệt là người nghèo và dễ bị tổn thương, tầm nhìn của UN đã bị các mối quan hệ đối tác công–tư, sức hấp dẫn của Davos, và sức mê hoặc của các cá nhân giàu có làm lu mờ.
Khi từ ngữ được dùng để che giấu hành động
Mặc dù Bản Tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục trẻ em trong thời kỳ đại dịch (PP23), nhưng chính các tổ chức này lại ủng hộ việc đóng cửa trường học đối với hàng trăm triệu trẻ em ít gặp nguy hiểm nhất từ COVID-19. Trong số đó, hàng triệu bé gái hiện đang bị cưỡng hiếp hàng đêm khi trở thành những cô dâu trẻ em, một số khác trở thành lao động trẻ em. Phụ nữ và trẻ em gái bị loại khỏi hệ thống giáo dục và thị trường lao động một cách bất công. Họ đã không được hỏi liệu họ có ủng hộ những chính sách này không!
Các bé gái bị cưỡng hiếp vì những người được trả lương để thực hiện những chính sách này đã làm công việc của họ. Họ biết sự mâu thuẫn, và tác hại. Nhưng đây chỉ là một công việc giống như nhiều công việc khác. Khía cạnh bất thường duy nhất, từ quan điểm kinh doanh, là họ mang theo sự vô đạo đức hoàn toàn và thiếu đồng cảm này để tiếp tục công việc đó.
Để biện minh cho việc hủy hoại cuộc sống của trẻ em châu Phi, UN tuyên bố rằng lục địa này có “hơn 100 tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng hàng năm” (OP4). Châu Phi có gánh nặng ngày càng tăng về các bệnh dịch địa phương vốn có tỷ lệ tử vong vượt xa so với những đợt bùng phát (các tình trạng sức khỏe khẩn cấp) như vậy — hơn nửa triệu trẻ em thiệt mạng vì bệnh sốt rét mỗi năm (tăng lên do bị ảnh hưởng từ lệnh phong tỏa COVID-19) và các gánh nặng tương tự từ bệnh lao và HIV. Ngược lại, tổng số ca tử vong do COVID-19 được ghi nhận ở Châu Phi trong ba năm qua chỉ là 256,000. Đợt bùng phát dịch Ebola ở Tây Phi năm 2015, tình trạng khẩn cấp lớn nhất gần đây trước đại dịch COVID, đã cướp đi sinh mạng của 11,300 người. Dịch MERS và SARS-1 mỗi loại đã khiến hơn 1,000 người trên toàn cầu thiệt mạng. Tuy nhiên, tình trạng đói nghèo do các lệnh phong tỏa thực sự gây ra nạn đói, làm tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ em, và phá hủy hệ thống y tế — liệu đây có phải là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe mà UN đang đề cập đến không? Hay họ chỉ đơn giản là bịa ra mọi chuyện?
Thông qua các sửa đổi điều lệ y tế quốc tế (IHR), các cơ quan này sẽ điều phối việc phong tỏa, đóng cửa biên giới, xét nghiệm y tế bắt buộc, và chích ngừa cho quý vị và gia đình của quý vị. Các công ty dược phẩm tài trợ của họ có mong đợi khá hợp lý rằng họ sẽ kiếm thêm hàng trăm tỷ dollar nữa từ những hành động này, vì vậy chúng ta có thể tự tin rằng các tình trạng khẩn cấp sẽ được ban bố. Bằng cách tuyên bố rằng có 100 sự kiện như vậy hàng năm chỉ riêng ở châu Phi, họ đang cho thấy cách sử dụng những quyền hạn mới này. Chúng ta phải tin rằng thế giới là như vậy, mà chỉ có từ bỏ các quyền và chủ quyền của mình, để làm giàu cho kẻ khác, mới có thể cứu được chúng ta.
UN và WHO thừa nhận rằng một số người sẽ đặt nghi vấn về điều phi lý này. Trong PP35, họ mô tả sự nghi ngờ đó là “thông tin giả, thông tin sai lệch, phát ngôn thù hận và kỳ thị liên quan đến sức khỏe”.
Gần đây, WHO đã công khai mô tả những người nào dám thảo luận về tác dụng phụ của vaccine COVID-19 và nghi vấn về các chính sách của WHO là “thiên hữu”, “những kẻ phản khoa học”, và “một thế lực sát nhân”. Điều này thật điên rồ. Đó là lời phỉ báng và phát ngôn thù hận mà chế độ phát xít sử dụng. Độc giả phải quyết định liệu một tổ chức như vậy có nên kiểm soát sự tự do biểu đạt của họ hay không và quyết định điều gì là sự thật.
Không có lợi ích gì ở đây khi trình bày chi tiết về toàn bộ 13 trang gồm những “ngôn từ đúng đắn”, đầy mâu thuẫn, và ngụy biện này. Quý vị sẽ tìm thấy những lời lẽ tương tự trong các tài liệu khác của UN và WHO, đặc biệt là trong việc chuẩn bị ứng phó với đại dịch. Lời lẽ thẳng thắn không phù hợp với các yêu cầu về thông số kỹ thuật của các bên liên quan (business requirement). Tuy nhiên, đoạn đầu tiên trong “Lời kêu gọi hành động” của Bản Tuyên bố mang giọng điệu này:
“Do đó, chúng tôi cam kết nâng cao nỗ lực nhằm tăng cường phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch, đồng thời thực hiện nhiều hơn nữa các biện pháp hành động sau đây cũng như bày tỏ quyết tâm mạnh mẽ của chúng tôi đối với:
“OP1. Tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế, chủ nghĩa đa phương, gắn kết toàn cầu, điều phối và quản trị ở cấp chính trị cao nhất và trên tất cả các lĩnh vực liên quan, với quyết tâm khắc phục tình trạng bất bình đẳng và bảo đảm khả năng tiếp cận y tế bền vững, giá cả hợp lý, công bằng, bình đẳng, hiệu quả, có ích, và kịp thời đối với vaccine, chẩn đoán, trị liệu và các sản phẩm y tế khác để đạt được sự chú ý ở mức độ cao thông qua cách tiếp cận đa ngành nhằm ngăn ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch cũng như các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe khác, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.”
Còn 48 điều như vậy nữa. Quý vị đã đóng thuế để ai đó có thể viết những điều đó!
Hàng triệu cô gái đang chịu đau khổ mỗi đêm, hàng trăm triệu trẻ em bị cướp đi tương lai, những bà mẹ của những đứa trẻ thiệt mạng do sốt rét, và tất cả những người phải chịu đựng gánh nặng của sự nghèo đói và bất bình đẳng ngày càng tăng do trò hề này gây ra đều đang theo dõi việc họ làm. Bản Tuyên bố, giống như điều lệ y tế quốc tế (IHR) của WHO và hiệp ước mà tổ chức ủng hộ, đang chờ chữ ký của các chính phủ tự xem mình là đại diện cho chúng ta.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times