Tưởng nhớ một hành động dũng cảm ‘mang tính biểu tượng’ ở Bắc Kinh 24 năm về trước
Hơn hai thập niên trước, vào tối ngày 24/04/1999, ông Thiệu Trường Dũng (Shao Changyong), một học viên Pháp Luân Công, đã đến buổi gặp mặt thường nhật của mình với các học viên đồng môn như thường lệ.
Nhóm của ông có khoảng 10 thành viên, và một phụ nữ đã đề nghị sử dụng nhà của cô ấy ở Bắc Kinh làm địa điểm gặp mặt. Họ thường đọc các cuốn sách của Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần gồm các bài tập có động tác chậm rãi khoan thai, và các bài giảng đạo đức dựa trên các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Pháp môn này đã trở nên phổ biến với khoảng 100 triệu học viên ở Trung Quốc vào thời điểm đó.
Ông Thiệu vẫn nhớ buổi tối hôm đó.
Ông nhớ rằng cô chủ nhà đã nói, “Tối nay chúng ta đừng đọc sách nữa. Tôi có một số tin tức.”
Cô đã thông báo cho cả nhóm về ý tưởng đến Trung Nam Hải, trụ sở chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở trung tâm thủ đô Bắc Kinh, để yêu cầu trả tự do cho hàng chục học viên Pháp Luân Công đang bị giam giữ ở đại đô thị Thiên Tân vào thời điểm đó.
Trong những tháng năm trước ngày 24/04/1999, các học viên Pháp Luân Công cảm thấy ngày càng có nhiều hạn chế đối với các quyền tự do của họ. Trong vòng khoảng một tuần, các học viên đã phản đối một cách ôn hòa một bài báo vu khống do Học viện Giáo dục Thiên Tân phát hành. Nhưng đáp lại, vào ngày 24/04, thành phố đã cử các lực lượng chống bạo động đến bắt giữ hơn 40 học viên. Trước khi xảy ra sự kiện Thiên Tân, đài truyền hình và báo chí nhà nước cũng đã đăng những nội dung phỉ báng đức tin này.
Thiên Tân cách Bắc Kinh khoảng 85 dặm (khoảng 137 km) và là một thành phố khác trực thuộc quản lý của chính quyền trung ương. Bởi vậy, bước tiếp theo tự nhiên là đưa vấn đề này lên các cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở thủ đô Bắc Kinh.
Ông Thiệu cho biết phản ứng đầu tiên của ông là nói chuyện với ủy ban trung ương ĐCSTQ để kêu gọi trả tự do cho các học viên ở Thiên Tân.
Nhưng sau khi ông trở về nhà và bắt đầu chuẩn bị cho buổi thỉnh nguyện vào ngày hôm sau, thì áp lực bắt đầu gia tăng.
Ông Thiệu, lúc đó 28 tuổi, là một giáo viên dạy toán tại Học viện Chỉ huy Cảnh sát Vũ trang Nhân dân Bắc Kinh, nhánh bán quân sự của ĐCSTQ. Ông biết rằng lực lượng cảnh sát vũ trang phải trung thành với Đảng. Đến Trung Nam Hải với tư cách là một người thỉnh nguyện có thể đồng nghĩa với việc mất việc làm. Là một quân nhân chuyên nghiệp tốt nghiệp Đại học Công binh Cảnh sát Vũ trang Nhân dân, thì mất việc đồng nghĩa với việc ông mất đi sự nghiệp và kế sinh nhai cho gia đình.
Ông Thiệu có một ý nghĩ mơ hồ trong đầu rằng ngày hôm sau sẽ là một bước ngoặt trong cuộc đời mình. Ông đã nghĩ rằng hậu quả của việc ông thỉnh nguyện có thể xảy ra sớm nhất vào ngày 26/04/1999: ông có thể bị đè xuống sàn ngay khi bước chân vào học viện.
Bất chấp nỗi sợ đó, ông bắt taxi đến Trung Nam Hải và tới gần nơi đó vào khoảng 5 giờ sáng ngày 25/04.
Khi ông băng qua đường để đến nơi cần đến, một viên công an đã chờ sẵn để thuyết phục các học viên Pháp Luân Công không đi tiếp. Ông Thiệu cho biết công an biết chuyện gì đang xảy ra, vì một số học viên đã có mặt ở bên ngoài Trung Nam Hải. Viên công an này nói với mọi người rằng họ đang “phạm một sai lầm nghiêm trọng.” Một số người đã bị chế giễu khi họ trả lời rằng hiến pháp Trung Quốc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng.
Ông Thiệu nhớ lại rằng viên công an đó đã nói, “Luật pháp là gì chứ?”. “Tôi chính là luật pháp.”
Ông biết viên công an đó đang nói thật. Từ kiến thức chuyên môn của mình, ông có thể nhận ra các sĩ quan công an mặc thường phục trong đám đông. Thậm chí một số vị trông khá quen với ông.
Khoảng 7 giờ sáng, ông bước vào một con hẻm gần đó để ăn sáng. Vừa ăn xong, ông đã nghe thấy tiếng ồn bên trong đám đông. Phản ứng đầu tiên của ông là: “Chẳng lẽ đây là sự kiện tái diễn của vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989?” Suy cho cùng, Quảng trường Thiên An Môn, nơi những sinh viên đại học yêu cầu nhiều quyền tự do hơn đã bị quân đội của ĐCSTQ sát hại một thập niên trước đó, chỉ cách Trung Nam Hải khoảng 10 phút lái xe.
Thay vì thế, ông thấy Thủ tướng đương thời Chu Dung Cơ (Zhu Rongji) chào các học viên Pháp Luân Công.
Ông Thiệu kể lại rằng một học viên đứng cạnh ông là người đến từ vùng đông bắc Trung Quốc. Người đàn ông đó nói mong mỏi duy nhất của anh là có thể tự do thực hành đức tin của mình; anh không ngại phải sống một cuộc sống đạm bạc.
Được đứng trong các học viên làm ông Thiệu bình tĩnh trở lại. Ngày hôm đó có hơn 10,000 người xếp hàng bên ngoài khu phức hợp Trung Nam Hải. Ông hồi tưởng lại bầu không khí yên tĩnh đến lạ lùng đó. Tâm trí ông trở nên thanh tỉnh khi nỗi sợ hãi tan biến.
Cuối ngày hôm đó, Thủ tướng Chu Dung Cơ đã gặp một nhóm đại diện của các học viên Pháp Luân Công và cam đoan rằng ông sẽ ủng hộ họ. Sau đó, đám đông các học viên Pháp Luân Công đã rời đi. Ông Thiệu về nhà vào khoảng 8 giờ tối. Ông phải đi làm vào ngày hôm sau.
Không giống như những gì ông Thiệu đã hình dung, ông không bị đè xuống sàn khi đi làm vào ngày thứ Hai. Thay vào đó, học viện đã thu thập tên của các sĩ quan tu luyện Pháp Luân Công và những người tham gia cuộc thỉnh nguyện vào ngày 25/04. Tiếp đến, vài ngày sau, học viện này đã tổ chức một cuộc họp với sự tham gia của tất cả mọi người để nghe một bài giảng từ một vị giáo sư triết học. Vị giáo sư này nói với họ rằng ủy ban trung ương ĐCSTQ đã quyết định xem Pháp Luân Công là một tổ chức tà giáo.
Trong vòng ba tháng sau, vào ngày 20/07/1999, ĐCSTQ đã bắt đầu cuộc đàn áp trên toàn quốc chỉ sau một đêm.
Kể từ đó, hàng triệu học viên Pháp Luân Công đã bị giam giữ trong các trại lao động, bệnh viện tâm thần, trung tâm cai nghiện ma túy, nhà tù bí mật không chính thức, hoặc các cơ sở tạm giam khác. Sự phỉ báng, tra tấn, và sát nhân có tổ chức thông qua hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức phát sinh từ cuộc đàn áp này đã dẫn đến vô số trường hợp thiệt mạng. Những người sống sót phải chịu đựng những chấn thương và tổn hại về mặt tài chính và tâm lý do các vụ lạm dụng tiếp diễn.
Cuộc đàn áp này vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.
Một góc nhìn từ Mỹ quốc
Khi cuộc thỉnh nguyện ngày 25/04 diễn ra, ông Hạ Tân (He Bin), một kỹ sư nhu liệu và là một học viên Pháp Luân Công, còn đang là một nghiên cứu sinh viễn thông 31 tuổi tại Đại học Maryland, College Park, Hoa Kỳ.
Ông nhớ lại rằng khi đó không có danh sách thư điện tử, cũng không có trang web chính thức nào để tìm hiểu tin tức liên quan đến Pháp Luân Công. Vì vậy, ông đã biết về cuộc thỉnh nguyện này trong một buổi gặp mặt hàng tuần với các học viên, dịp mà họ thường tề tựu cùng nhau để đọc quyển sách chính của pháp môn này, cuốn “Chuyển Pháp Luân.”
Ông nhớ rằng tất cả mọi người đều cảm thấy nhẹ nhõm vì cuộc thỉnh nguyện đã được giải quyết một cách ôn hòa.
Khi ĐCSTQ bắt đầu cuộc đàn áp vào ba tháng sau đó, ông đã rất ngạc nhiên. Giống như các học viên khác, ông đã bắt đầu hành trình “giảng rõ chân tướng” — một thuật ngữ mà các học viên Pháp Luân Công dùng để nói về việc làm rõ sự thật cho công chúng nhằm xua tan những lời vu khống mà bộ máy tuyên truyền của ĐCSTQ đã gieo rắc về môn tu luyện này.
Tuy vậy, ông cho biết việc giảng chân tướng cho người dân Trung Quốc không hề dễ dàng trong suốt những năm qua, bởi vì trong xã hội Trung Quốc hiện đại, đồng tiền được xem trọng hơn nhiều so với sự tự do.
Nhưng sau khi đại dịch COVID xảy đến, đặc biệt là trong năm nay, ông nhận ra rằng những nỗ lực của mình trở nên thông thuận hơn. Một làn sóng tỉnh ngộ đã xảy ra ở Trung Quốc do các sự kiện gần đây.
Hôm Chủ Nhật (23/04), ông đã chia sẻ cảm nghĩ của mình tại một cuộc tập hợp bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc ở Hoa Thịnh Đốn. Ông nói rằng, ngược trở về năm 1999, những người khiếu kiện thường đến Bắc Kinh để khiếu nại về các vấn đề tài chính như mất phúc lợi hưu trí, tranh chấp đất đai, hoặc bị buộc phải rời khỏi nhà của họ.
“Tuy nhiên, sự thỉnh nguyện của các học viên Pháp Luân Công là về quyền tự do tín ngưỡng. Đó là về nhu cầu tâm linh của người dân — một điều cấm kỵ trong xã hội Trung Quốc.”
“Để bước ra thỉnh nguyện thì cần nhiều dũng khí hơn thế,” ông nói tại cuộc tập hợp này.
Trong một xã hội do ĐCSTQ kiểm soát, bất kỳ khiếu nại nào cũng thường mang lại hậu quả cho người khiếu kiện. Vì biết được những hậu quả nghiêm trọng đó, nên người dân sẽ chỉ viện đến việc kiến nghị lên ĐCSTQ khi họ đã rơi vào đường cùng và chẳng còn gì để mất. Và trong một xã hội nơi các thế hệ được nuôi dạy trong nền giáo dục cộng sản, thì những người mạo hiểm cuộc sống yên ổn của mình để tìm kiếm tự do có thể dễ dàng bị xem như những kẻ mất trí.
Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi cùng với trận đại dịch vừa qua, và với các chính sách phong tỏa hà khắc của ĐCSTQ. Những chính sách chống dịch của đảng này đã khiến hàng trăm triệu công dân bị phong tỏa trong nhà của họ hết lần này đến lần khác trong gần hai năm.
Hậu quả của việc này là một thảm họa nhân đạo. Các cư dân chật vật để có được thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu căn bản, bất ổn với gánh nặng tâm lý của việc bị nhốt trong nhà trong thời gian dài, và bị tước quyền tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc y tế.
Sau đó, vào tháng 11/2022, một vụ hỏa hoạn tang thương tước đi sinh mạng của hàng chục cư dân tại một tòa cao ốc ở thủ phủ Ô Lỗ Mộc Tề của tỉnh Tân Cương thuộc phía tây Trung Quốc — nơi một số cư dân đã phải sống trong lệnh phong tỏa hơn 100 ngày — đã trở thành tia lửa bùng cháy dẫn đến các cuộc biểu tình trên toàn quốc.
Những người biểu tình trẻ tuổi trên khắp đất nước giơ cao những tờ giấy trắng và hô vang những khẩu hiệu như “Chấm dứt zero COVID,” “Chúng tôi muốn nhân quyền,” và “Đả đảo Đảng Cộng sản!”
Đó là một hành động táo bạo chưa từng thấy của người dân để thể hiện sự bất tuân kể từ khi diễn ra các cuộc biểu tình ở Thiên An Môn ba thập niên về trước.
Thông qua các bằng hữu và người thân trong gia đình mình ở Trung Quốc, ông Hạ được biết về những tác hại tàn phá của các lệnh phong tỏa hà khắc của ĐCSTQ. Trung Quốc đã thực sự trở thành một xã hội không có tự do: ngoài việc không có tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng, vốn là chuyện thường ngày ở Trung Quốc cộng sản, thì giờ đây người dân còn không thể được sống một cuộc sống bình thường cũng như không thể tự do đi lại.
Đối với ông Hạ, việc ĐCSTQ tăng cường đàn áp toàn bộ dân chúng trong thời kỳ đại dịch đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc thỉnh nguyện năm 1999.
Ông Hạ tin rằng 10,000 học viên đến Trung Nam Hải là những người tiên phong đã đứng lên bảo vệ những gì mà họ tin tưởng.
“Không nhiều người có thể thực hiện bước đó để đi đến việc thỉnh nguyện ở cấp quốc gia cho quyền tự do tín ngưỡng,” ông nói với The Epoch Times, đồng thời cho biết thêm rằng nhiều học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc mà ông biết đã quyết định không tham gia.
“Đó là một điều ‘không cần phải suy nghĩ’ đối với những người đã đến đó, nhưng lại không đơn giản như vậy đối với nhiều người khác. Bởi vì làm điều đó ở Trung Quốc đòi hỏi dũng khí và đức tin to lớn.”
Ông nói thêm rằng, “Cuộc thỉnh nguyện này dường như đã thất bại vì cuộc đàn áp trên toàn quốc đã được khởi xướng nhiều tháng sau đó, nhưng dù sao thì chúng tôi cũng đã cố gắng.”
“Các học viên Pháp Luân Công đã thực hiện được bước này khi có một cơ hội để thay đổi phương hướng căn bản cho xã hội Trung Quốc.”
Thật không may, ĐCSTQ đã chọn sự đàn áp.
Sự kiện ‘mang tính biểu tượng’ đánh dấu sự suy tàn của ĐCSTQ
Ông Thiệu đã tìm cách đào thoát khỏi Trung Quốc và đến Hoa Kỳ vào năm 2015. Từ năm 1999 đến 2015, ông bị mất việc làm, chịu cảnh hôn nhân tan vỡ, đồng thời phải trải qua hai năm trong một trại lao động do hậu quả của cuộc đàn áp.
Tuy nhiên, ông không hối hận khi tham gia cuộc thỉnh nguyện vào ngày 25/04 hôm đó.
“Đó là một điểm nhấn trong cuộc đời tôi,” ông Thiệu nói với The Epoch Times. “Tôi cảm thấy rất vinh dự vì đã tham gia sự kiện này. Ngày 25/04/1999 là ngày mà tôi tự hào nhất về bản thân mình.”
Ông Trương Nhi Bình (Zhang Erping), một phát ngôn viên của Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, đã gọi cuộc thỉnh nguyện ngày 25/04 là “chưa từng có” vì “đây là hành động ôn hòa đầu tiên mà người dân Trung Quốc thuộc mọi giai tầng xã hội thực hiện để tìm kiếm quyền tự do biểu đạt, quyền tự do lập hội, và quyền tự do lương tâm — đây là những quyền được quy định trong hiến pháp Trung Quốc.”
Ông nói thêm: “Nhiều thập niên sau, trước cuộc đàn áp tàn bạo của ĐCSTQ, các học viên Pháp Luân Đại Pháp vẫn đang thỉnh nguyện một cách ôn hòa cho các quyền này.”
“Hành động dũng cảm này hiện đã được nhiều người dân Trung Quốc ủng hộ và tán dương rộng rãi bởi vì giờ đây họ đang nhận ra rằng cuộc thỉnh nguyện ngày 25/04 thực sự bảo vệ nhân quyền căn bản của mọi công dân Trung Quốc và, trên hết là, bảo vệ các nguyên lý Chân, Thiện, và Nhẫn — các giá trị căn bản của nhân loại.”
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với NTD, hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times, ông Greg Copley, chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (ISSA), đã nói về tầm quan trọng của cuộc thỉnh nguyện ngày 25/04.
“Tôi nghĩ đó là điều mà những người dõi theo Trung Quốc và bản thân cộng đồng Pháp Luân Công cần ghi nhớ và tôn vinh … để đưa thông điệp của cuộc thỉnh nguyện này thành một điều gì đó mang tính biểu tượng, nếu quý vị muốn.”
Ông nói thêm rằng, “Mọi xã hội thành công đều có một câu chuyện về xã hội đó, một câu chuyện về chủ nghĩa anh hùng, sự kháng cự, và tinh thần cao thượng. Và điển phạm này phải là một trong những biểu tượng tuyệt vời lan tỏa trong người dân Trung Quốc cả ở trong lẫn ngoài nước và cũng sẽ truyền cảm hứng cho những người ủng hộ người dân Trung Quốc trong cuộc kháng nghị của họ.”