TT Putin cáo buộc Ukraine là ‘địa điểm thử nghiệm’ cho ‘các thí nghiệm sinh học’
Hôm 26/10, Tổng thống (TT) Nga Vladimir Putin cáo buộc Ukraine đã trở thành một “công cụ trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ” và là một “địa điểm thử nghiệm cho các thí nghiệm sinh học quân sự”.
Ông đưa ra nhận xét trên tại một cuộc họp của các lãnh đạo an ninh từ Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS), một nhóm khu vực được thành lập vào năm 1991 sau khi Liên Xô sụp đổ.
Cùng với Nga, các thành viên CIS bao gồm Belarus, Moldova, và sáu quốc gia Trung Á.
“Tiềm năng xung đột vẫn còn rất cao, cả trên thế giới nói chung và ở cấp khu vực,” ông Putin nói với những người tham dự cuộc họp, theo bản ghi chính thức của Điện Kremlin về các nhận xét của ông.
“Thế giới đang thay đổi và trở nên đa cực trước mắt chúng ta.”
Đề cập đến Hoa Thịnh Đốn và các thủ đô phương Tây khác, ông khẳng định rằng “một số thành viên của cộng đồng quốc tế” đang làm “mọi thứ trong khả năng của mình để duy trì quyền bá chủ đang suy yếu của họ.”
Ông cáo buộc những nước này viện đến “các hành động lật đổ”, dẫn chứng các hành động phá hoại gần đây đối với đường ống Nord Stream, vốn liên kết các mỏ khí đốt của Nga với Bắc Âu qua Biển Baltic.
Cuối tháng trước, đường ống này đã bị cố tình phá hoại trong lãnh hải của Thụy Điển và Đan Mạch, khiến chính phủ Moscow và các nước phương Tây tố cáo lẫn nhau.
TT Putin cho biết việc vô hiệu hóa đường ống chiến lược này dẫn đến “sự phá hủy cơ sở hạ tầng năng lượng chung của Âu Châu”.
Trong những tháng gần đây, dòng khí đốt ngày càng giảm của Nga đã khiến giá năng lượng tăng cao, ảnh hưởng đến nhiều gia đình và doanh nghiệp trên khắp Âu Châu.
Tổng thống Nga cho biết những hành động phá hoại gần đây “đang gây thiệt hại to lớn cho nền kinh tế Âu Châu và đang làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng cuộc sống của hàng triệu người.”
“Và bên cạnh đó,” ông nói thêm, “họ đang giữ im lặng về việc ai đã làm điều này và ai sẽ đạt được lợi ích từ nó.”
Hồi giữa tháng Mười, các nhà điều tra Thụy Điển, Đan Mạch, và Đức đã kết luận rằng những vụ rò rỉ đường ống này là do các vụ nổ dưới nước. Ngay sau đó, Stockholm đột ngột tạm dừng các cuộc điều tra chung, với lý do lo ngại về “an ninh quốc gia”.
Tuy nhiên, trong tuần này, quân đội Thụy Điển đã công bố kế hoạch tiến hành một cuộc điều tra riêng biệt.
Một phát ngôn viên quân đội Thụy Điển cho biết hôm 26/10, “Tôi không thể bình luận về những gì chúng tôi đang tìm kiếm, rằng tại sao chúng tôi lại ở đó, mà chúng tôi còn phải quay lại để thực hiện một cuộc tìm kiếm bổ sung.”
Nga lặp lại tuyên bố ‘phòng thí nghiệm sinh học’
Trình bày trước các lãnh đạo an ninh ở Moscow, ông Putin cũng đề cập tới tình hình ở Ukraine, nơi mà ông nói, đã “mất chủ quyền” và đã trở thành “một công cụ trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ”.
Ông cáo buộc Ukraine đã trở thành một “địa điểm thử nghiệm cho các thí nghiệm sinh học quân sự” và đang “tràn ngập vũ khí, bao gồm cả vũ khí hạng nặng”.
Hồi tháng Ba, Moscow chính thức cáo buộc Hoa Kỳ sử dụng các phòng thí nghiệm của Ukraine để phát triển vũ khí sinh học — một tuyên bố mà các quan chức Hoa Kỳ đã lập tức bác bỏ.
“Điều đó không có nghĩa gì cả,” phát ngôn viên Ngũ Giác Đài John Kirby cho biết vào thời điểm đó. “Đó là kiểu tuyên truyền kinh điển của Nga.”
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cáo buộc Nga “bịa ra những cái cớ nhằm cố biện minh cho các hành động tàn bạo của mình ở Ukraine”.
Tuy nhiên, trong tuần này, Nga dường như thúc đẩy những tuyên bố này.
Hôm 25/10, hãng thông tấn Nga RIA Novosti đưa tin rằng Moscow đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thành lập một ủy ban để điều tra các cáo buộc vi phạm Công ước của Liên Hiệp Quốc về vũ khí sinh học của Hoa Kỳ và Ukraine.
Những diễn biến tại chiến trường
Trong khi đó, cuộc phản công đang diễn ra của Ukraine ở khu vực phía nam Kherson đang gặp phải nhiều trở ngại hơn dự kiến do địa hình gồ ghề và trời mưa, theo các quan chức quân đội Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov nói với các phóng viên hôm 26/10: “Miền nam của Ukraine là một vùng nông nghiệp, và chúng tôi có rất nhiều kênh tưới tiêu và cấp nước, và người Nga đang sử dụng hệ thống đó như những chiến hào.”
Ông cũng nói rằng điều kiện thời tiết bất lợi đang cản trở cuộc phản công của Ukraine ở Kherson.
“Đây là mùa mưa; rất khó sử dụng các phương tiện vận chuyển chiến đấu có bánh,” ông nói. “Chiến dịch phản công ở hướng Kherson khó hơn ở hướng Kharkiv.”
Tháng trước, quân đội Ukraine đã đạt được nhiều thắng lợi đáng kể ở khu vực phía đông bắc Kharkiv, đẩy lực lượng Nga khỏi một số vị trí đã chiếm được trước đó. Tuy nhiên, kể từ đó, cuộc phản công đã vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ hơn nhiều dọc theo mặt trận phía nam, bao gồm cả ở Kherson.
Cuối tháng trước, vùng Kherson — cùng với các vùng Donetsk, Luhansk, và Zaporizhzhia — đã được hợp nhất vào Liên bang Nga sau các cuộc trưng cầu dân ý ở cả bốn vùng lãnh thổ.
Hầu hết Kherson, bao gồm cả thủ phủ trong khu vực, đã bị quân đội Nga và các đồng minh địa phương của họ chiếm giữ trong những tuần đầu tiên của “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Moscow ở Ukraine, vốn bước sang tháng thứ chín trong tuần này.
Hôm 27/10, Phó thống đốc Kherson do Moscow bổ nhiệm cho biết chiến tuyến vẫn “không thay đổi” và rằng các lực lượng Ukraine đã phải chịu “tổn thất nặng nề” trong nhiều lần cố gắng chọc thủng tuyến phòng thủ của Nga.
Các cuộc giao tranh ác liệt cũng đang được ghi nhận ở các khu vực khác, bao gồm Avdiivka và Bakhmut ở vùng Donetsk cũng như Kreminna và Svatove ở Luhansk.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times