Ngũ Giác Đài: Hoa Kỳ hủy bỏ chương trình hỏa tiễn mang vũ khí hạt nhân phóng từ biển
Theo các tài liệu mới được Bộ Quốc phòng công bố, Hoa Kỳ sẽ ngừng phát triển hỏa tiễn hành trình mang vũ khí hạt nhân phóng từ biển.
Những tài liệu này (pdf), được công bố hôm thứ Năm (27/10), tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ “ngừng hoạt động bom trọng lực B83-1” và sẽ “hủy bỏ chương trình Hỏa tiễn Hành trình mang Vũ khí Hạt nhân Phóng từ Biển (SLCM-N).”
Trong một cuộc họp báo, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã phải đối mặt với các câu hỏi về việc hủy bỏ hai chương trình này, lập luận rằng “kho vũ khí hạt nhân của chúng ta là rất lớn.”
“Tôi không nghĩ rằng điều này sẽ gửi một thông điệp đến ông Putin,” ông Austin nói với một phóng viên. “Ông ấy hiểu rõ tiềm năng của chúng ta là gì.”
Chính phủ Tổng thống Biden đã công bố ba tài liệu hôm 27/10: Chiến lược Phòng thủ Quốc gia, Đánh giá Vị thế Hạt nhân và Đánh giá Phòng thủ Hỏa tiễn. Cùng nhau, những tài liệu này đặt ra các ưu tiên của quân đội trong những năm tới và nhấn mạnh rằng Hoa Thịnh Đốn có kế hoạch duy trì “một giới hạn rất cao đối với việc sử dụng hạt nhân.”
Dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Trump, Ngũ Giác Đài đã đưa ra một quyết định vào năm 2018 để phát triển một loại hỏa tiễn hành trình mới có mang vũ khí hạt nhân được phóng từ biển, với trọng tâm là mối đe dọa từ Nga.
Tuy nhiên, khi xem xét lại, chính phủ Tổng thống Biden cho biết chương trình hỏa tiễn hành trình phóng từ biển này là không cần thiết và sẽ bị hủy bỏ vì Hoa Kỳ thực sự đã có “phương tiện để ngăn chặn việc sử dụng hạt nhân hạn chế.”
Một chương trình từ thời cựu Tổng thống Trump mà Tổng thống Biden vẫn đang giữ là hỏa tiễn đạn đạo phóng từ tàu ngầm năng suất thấp W76-2, được Ngũ Giác Đài khai triển vào năm 2020 để ứng phó với việc Nga có khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở quy mô tương tự, loại mà Moscow từng đe dọa sử dụng ở Ukraine để cứu vãn cuộc chiến ở đó.
‘Mức giới hạn rất cao’
Tài liệu này cũng cho biết chính sách hạt nhân của Hoa Kỳ sẽ duy trì “một mức giới hạn rất cao đối với việc sử dụng hạt nhân”, nhưng chính sách này sẽ “chỉ xem xét việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong những trường hợp nghiêm trọng để bảo vệ lợi ích quan trọng của Hoa Kỳ hoặc các Đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ.”
“Trước những năm 2030, Hoa Kỳ, lần đầu tiên trong lịch sử, sẽ phải đối mặt với hai cường quốc hạt nhân lớn với tư cách là đối thủ cạnh tranh chiến lược và đối thủ tiềm năng. Điều này sẽ tạo ra những căng thẳng mới về sự ổn định và những thách thức mới đối với khả năng răn đe, bảo đảm, kiểm soát vũ khí, và giảm thiểu rủi ro,” tài liệu cho biết.
Khi đề cập đến chiến lược của quân đội Hoa Kỳ, ông Austin nói với các phóng viên rằng Nga, không giống như Trung Quốc, “không thể thách thức Hoa Kỳ một cách có hệ thống trong dài hạn”, nhưng ông nói rằng hành vi gây hấn của Nga hiện đang đặt ra “một mối đe dọa tức thời và mạnh mẽ đối với lợi ích cũng như giá trị của chúng ta.”
Trong khi đó, chính quyền Trung Quốc mong muốn sử dụng 1,000 đầu đạn có thể chuyển giao vào cuối những năm 2020, theo tài liệu của Ngũ Giác Đài. Tài liệu cũng cho biết thêm rằng, Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể sử dụng những vũ khí đó cho các hành động khiêu khích quân sự nhằm vào các đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times