TT Biden và các nhà lãnh đạo Ba Lan sẽ thảo luận về khả năng Ukraine gia nhập NATO
Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan nói: “Sự hiện diện của lực lượng NATO ở Ukraine không phải là điều không thể nghĩ tới.”
Tổng thống Joe Biden sẽ đón tiếp Tổng thống Andrzej Duda và Thủ tướng Donald Tusk của Ba Lan tại Tòa Bạch Ốc vào ngày 12/03 để phối hợp trước Hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới và thảo luận về việc kết nạp các quốc gia khác, bao gồm cả Ukraine, vào Liên minh này trong tương lai.
Trong một tuyên bố, Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre cho biết các nhà lãnh đạo “sẽ tái khẳng định sự ủng hộ không lay chuyển của họ” đối với việc bảo vệ Ukraine trước cuộc xâm lược của Nga và phối hợp trước Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Hoa Thịnh Đốn vào tháng Bảy.
Hôm 05/03 trong chuyến thăm địa điểm dự kiến tổ chức cuộc tập trận Steadfast Defender 2024 của NATO ở miền bắc Ba Lan, ông Duda cho biết trong số các chủ đề mà ông dự định thảo luận với Tổng thống Biden sẽ bao gồm kế hoạch mở rộng liên minh này trong tương lai, bao gồm cả khả năng gia nhập của Ukraine và các thương vụ mua vũ khí Hoa Kỳ của Ba Lan, theo một tuyên bố.
Tuy nhiên, điều kiện để được gia nhập NATO là một quốc gia có nguyện vọng gia nhập phải giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và quốc tế của mình, nhưng mà Ukraine vẫn đang chiến đấu chống lại cuộc xâm lược vừa mới bước sang năm thứ ba của Nga.
Cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Ba Lan với tổng thống Hoa Kỳ cũng trùng với dịp kỷ niệm 25 năm Ba Lan gia nhập NATO. Sau chuyến thăm, ông Duda sẽ tới Bỉ, nơi ông sẽ gặp ông Stoltenberg, theo một tuyên bố của văn phòng tổng thống Ba Lan.
Con đường gia nhập NATO của Ukraine
Để đáp lại nguyện vọng trở thành thành viên NATO của Ukraine, tại hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2008 ở Bucharest, Romania, các đồng minh đã đồng ý rằng Ukraine sẽ trở thành thành viên của liên minh này.
Tuy nhiên, năm 2010, nước này theo đuổi chính sách phi liên kết, chính sách này đã chấm dứt sau khi Nga sáp nhập Crimea và việc phe ly khai được Nga hậu thuẫn tiếp quản khu vực Donbas vào năm 2014.
Năm 2017, nghị viện Ukraine đã thông qua luật pháp biến việc gia nhập NATO của nước này thành mục tiêu chiến lược, hai năm sau họ đã thêm mục tiêu này vào Hiến Pháp của Ukraine.
Sau Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2023, Ukraine đã được miễn khỏi Kế hoạch Hành động Tư cách Thành viên (MAP), vốn là một bước bắt buộc trong quá trình gia nhập thành viên mới. MAP được đưa ra với mục đích tối ưu hóa thủ tục gia nhập khối sau khi lứa nước cộng sản cũ ở Đông Âu gia nhập NATO.
Tại một cuộc họp báo hôm 13/02, Đại diện Thường trực của Hoa Kỳ tại NATO Julianne Smith cho biết liên minh này đã làm việc với Ukraine kể từ hội nghị thượng đỉnh trước đó để giúp nước này thực hiện những cuộc cải tổ cần thiết “để tiến gần hơn đến sự hội nhập giữ Châu Âu và Đại Tây Dương, cả sự hội nhập của họ với Liên minh Âu Châu và với NATO.”
Bà Smith nói: “Đối với hội nghị thượng đỉnh vào mùa hè này, tôi không nghĩ rằng Liên minh sẽ đưa ra lời mời [đến Ukraine] trong tình hình này.”
Liệu NATO có điều quân tới Ukraine không?
Tại sự kiện kỷ niệm, ông Sikorski cũng cho biết “sự hiện diện của các lực lượng NATO ở Ukraine không phải là điều không thể nghĩ tới.
“Tôi đánh giá cao sáng kiến của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vì đó là về việc ông Putin sợ, chứ không phải chúng ta sợ ông Putin,” ông nói theo một bài đăng trên X.
Ông Macron đã đưa ra khả năng các nước EU sẽ điều động quân đội tới Ukraine để chống lại sự xâm lược của Nga.
Điện Kremlin cảnh báo rằng nếu NATO gửi quân tham chiến, thì cuộc xung đột trực tiếp giữa liên minh này và Nga sẽ là điều không thể tránh khỏi. Ông Putin cho rằng hành động như vậy sẽ có nguy cơ gây ra xung đột hạt nhân toàn cầu.
Bản tin có sự đóng góp của Adam Morrow và The Associated Press
Cẩm An lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times