TT Biden công bố kế hoạch đầu tư cho AI, ủng hộ nghị trình về sự công bằng
Chính phủ Tổng thống (TT) Biden đã công bố một kế hoạch đầu tư liên bang vào trí tuệ nhân tạo (AI), trong đó vạch ra một số chiến lược mà chính phủ cần tập trung; một trong những mục tiêu này là thúc đẩy “sự công bằng” và chống lại “sự bất công” trong xã hội.
Theo một Tờ Thông tin Tòa Bạch Ốc hôm 23/05, Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ (OSTP) của Tòa Bạch Ốc đã công bố một Kế hoạch Chiến lược Quốc gia Nghiên cứu và Phát triển AI, trong đó phác thảo “các ưu tiên và mục tiêu chính cho các khoản đầu tư liên bang vào nghiên cứu và phát triển AI.” Kế hoạch này (pdf) đưa ra chín sáng kiến chiến lược, bao gồm các khoản đầu tư trong dài hạn vào nghiên cứu AI căn bản và “có trách nhiệm;” phát triển các phương pháp hợp tác hiệu quả giữa con người và AI; thấu hiểu và giải quyết các tác động về đạo đức, pháp lý, và xã hội của AI; đồng thời bảo đảm an toàn và bảo mật cho các hệ thống AI.
Trọng tâm cũng sẽ được đặt vào việc phát triển các bộ dữ liệu công cộng chung để phát triển AI, đánh giá các hệ thống AI thông qua các điểm chuẩn, hiểu rõ hơn các nhu cầu của lực lượng quốc gia nghiên cứu và phát triển AI, mở rộng các mối quan hệ đối tác công tư để thúc đẩy những tiến bộ về AI, và thiết lập một cách thức tiếp cận được phối hợp và có nguyên tắc đối với sự hợp tác quốc tế trong nghiên cứu AI.
Tòa Bạch Ốc cho hay: “Kế hoạch này xác định những thách thức nghiên cứu chính về AI để phối hợp và tập trung vào các khoản đầu tư nghiên cứu và phát triển của liên bang. Kế hoạch này sẽ bảo đảm Hoa Kỳ tiếp tục dẫn đầu trong việc phát triển và sử dụng các hệ thống AI đáng tin cậy, chuẩn bị lực lượng nhân công Hoa Kỳ hiện tại và về sau cho việc kết hợp với các hệ thống AI trên tất cả các lĩnh vực, và điều phối các hoạt động AI đang diễn ra tại tất cả các cơ quan liên bang.”
Một trong những mục tiêu của kế hoạch này là bảo đảm rằng các hệ thống AI phải “thúc đẩy sự công bằng.” Kế hoạch Chiến lược Quốc gia về Nghiên cứu và Phát triển AI khẳng định rằng các khả năng của AI cần phải “nâng cao sự công bằng thay vì làm trầm trọng thêm sự bất công.”
Kế hoạch này nêu rõ: “Ví dụ, nếu chỉ những bệnh viện giàu có mới có thể tận dụng các hệ thống AI, thì lợi ích của những công nghệ này sẽ không được phân bổ công bằng. Nghiên cứu để khiến các cộng đồng ít được đại diện trong lịch sử có thể tiếp cận với AI có ích sẽ giúp bảo đảm rằng những người cần những khả năng này nhất có thể sử dụng được các hệ thống AI.”
Kế hoạch của OSTP còn hình dung việc tạo ra một “lực lượng nhân công AI kỹ thuật quốc gia.” Kế hoạch này cho biết “việc làm sáng tỏ sự khác biệt và khoảng cách về nhân khẩu học” trong lực lượng nhân công AI sẽ cho phép các chuyên gia nhân sự và các nhà hoạch định chính sách giải quyết sự khác biệt được cảm nhận này và “gia tăng sự công bằng và đa dạng.”
Được bắt nguồn từ những giáo lý của chủ nghĩa Marx, công bằng khác với khái niệm về bình đẳng. Bình đẳng (equality) tức là mọi người trong một xã hội đều được đối xử dựa trên một cơ sở như nhau, và được đối xử như nhau bất kể sự khác biệt về chủng tộc, tôn giáo, và các yếu tố khác.
Ngược lại, công bằng (equity) tập trung vào việc phân phối lại các nguồn lực một cách bắt buộc. Trong một tình huống công bằng theo xã hội chủ nghĩa, các đặc quyền được phân phối dựa trên sự thiếu cân bằng được cảm nhận.
Dư luận về AI và áp dụng AI vào giáo dục
Ngoài kế hoạch AI Quốc gia, Tòa Bạch Ốc còn công bố một nỗ lực của OSTP nhằm thu thập ý kiến đóng góp của công chúng về AI cũng như một báo cáo của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ về việc áp dụng AI vào giáo dục. Cả hai đều thúc đẩy luận điệu công bằng này.
Đối với ý kiến đóng góp của công chúng, OSTP đang hỏi người dân những câu hỏi liên quan đến “việc thúc đẩy sự công bằng và tăng cường các quyền công dân.”
Một câu hỏi được đặt ra là: “Những cơ hội để AI thúc đẩy sự công bằng là gì và làm thế nào để những cơ hội này có thể được thúc đẩy?”
Một câu hỏi khác tìm kiếm ý kiến đóng góp về những cân nhắc bổ sung cần thiết “nhằm bảo đảm rằng AI giảm thiểu sự phân biệt đối xử theo thuật toán, nâng cao cơ hội bình đẳng, và thúc đẩy kết quả tích cực cho tất cả mọi người,” đặc biệt là khi được sử dụng trong các dịch vụ y tế và nhân sinh, trong các hoạt động tuyển dụng và việc làm, cũng như trong giao thông vận tải.
OSTP cũng đang lấy ý kiến công chúng về việc hợp tác với các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp để bảo đảm rằng những tác hại tiềm ẩn của AI không “tác động một cách bất cân xứng” đến các nhóm dân cư toàn cầu, những người mà “trước đây chưa được quan tâm đúng mức.”
Báo cáo của Bộ Giáo dục (pdf) khẳng định rằng các chính sách là “cần thiết một cách cấp bách” trong việc “bảo vệ và thúc đẩy sự công bằng, bao gồm cung cấp khả năng kiểm soát và cân đối về con người cũng như hạn chế bất kỳ các hệ thống và công cụ AI nào làm suy yếu sự công bằng.”
Báo cáo này nêu rõ: “Việc một mô hình AI thể hiện sự thiên vị về thuật toán hay được đánh giá là công bằng và đáng tin cậy là rất quan trọng khi các nhà lãnh đạo trường học địa phương đưa ra các quyết định thực thi việc áp dụng AI để đạt được các mục tiêu về sự công bằng của họ.”
Trong một phần có nhan đề “Các câu hỏi đáng đặt ra về AI trong giảng dạy,” báo cáo này đã hỏi: “Ở mức độ nào giáo viên có thể dùng tiếng nói và ra quyết định để cải thiện sự công bằng, giảm sự thiên vị, và tăng khả năng đáp ứng văn hóa (cultural responsiveness) trong việc sử dụng các công cụ và hệ thống AI.”
Áp dụng AI trong chính phủ
Trở lại hồi tháng Hai, TT Biden đã phê chuẩn một sắc lệnh chỉ thị các cơ quan liên bang áp dụng AI để đạt được các mục tiêu “công bằng,” một quyết định đã bị chỉ trích.
Trong một bài đăng hôm 21/02 trên Twitter, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Manhattan Christopher Rufo nói rằng sắc lệnh của ông Biden về việc tạo ra một “bộ máy quan liêu DEI” mang một “nhiệm vụ đặc biệt đối với AI của phong trào thức tỉnh.” DEI là viết tắt của sự đa dạng (diversity), công bằng (equity), và hòa nhập (inclusion).
Trong một bài đăng trên Twitter hôm 21/02, nhà sinh vật học tiến hóa Colin Wright, một biên tập viên sáng lập của ấn phẩm ủng hộ tự do ngôn luận Reality’s Last Stand, cho biết: “Ông Biden không phải là một người ôn hòa. Đây là một cuộc chạy nước rút hợp pháp để đưa tư tưởng cấp tiến vào chính phủ của chúng ta một cách rộng rãi và sâu sắc nhất có thể. Điều này không thể được cho phép. Nếu Đảng Cộng Hòa lên nắm quyền, thì họ phải xóa sổ hoàn toàn căn bệnh ung thư về ý thức hệ và xã hội này.”
Nhiều cơ quan liên bang đã áp dụng AI cho các nhiệm vụ khác nhau. Cơ quan Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP) đang sử dụng trí tuệ nhân tạo để thu thập thông tin từ hoạt động truyền thông xã hội. Công cụ AI này cho phép CBP sàng lọc khách du lịch, bao gồm cả công dân Mỹ, những người đang xin tị nạn, và người tị nạn.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times