‘Trường Xuân’ — Phim tài liệu đạt giải nói về một nhóm chèn sóng truyền hình nhà nước Trung Quốc
Một bộ phim tài liệu được tái công chiếu ở Nam California sau một buổi chiếu mùa hè đã kể câu chuyện về một nhóm người tu luyện ôn hòa phơi bày chiến dịch lừa dối của Đảng Cộng sản Trung Quốc về môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công.
Bộ phim đạt giải thưởng “Trường Xuân” (“Eternal Spring”) sẽ được trình chiếu trong một tuần tại Rạp AMC bắt đầu từ thứ Sáu ngày 21/10 và nếu lượng khán giả vào cuối tuần đủ đông, bộ phim có thể được chiếu thêm một tuần nữa.
Phim tài liệu này kể về một nhóm người chèn sóng vào một chương trình truyền hình do nhà nước kiểm soát tại Trung Quốc để nói lên sự thật về Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, một môn tu luyện thiền định được dẫn dắt bởi các giá trị chân, thiện, và nhẫn.
Bộ phim sử dụng sự kết hợp mới mẻ giữa hoạt hình và phỏng vấn trực tiếp để tái hiện lại sự kiện lịch sử và làm câu chuyện trở nên sống động.
“Tôi nghĩ mọi người sẽ thấy đồng điệu với nó, bất kể họ có quan tâm đặc biệt đến tình hình nhân quyền tại Trung Quốc hay không,” nhà làm phim Jason Loftus nói với đài truyền hình NTD hôm 17/10.
Ông Loftus nói rằng có điều gì đó mang tính phổ quát trong các câu chuyện về những con người lựa chọn đứng lên khi đối mặt với nghịch cảnh.
Pháp Luân Công được truyền ra công chúng tại Trung Quốc vào năm 1992, và đến cuối thập niên 90 đã thu hút hơn 70 triệu người tập, theo các ước tính chính thức. Năm 1999, chính quyền cộng sản Trung Quốc bắt đầu cuộc bức hại quy mô lớn đối với pháp môn này vì sợ rằng quyền lực của Đảng sẽ bị đe dọa bởi số người tập luyện quá lớn. Kể từ đó, hàng triệu người đã bị giam giữ, thường xuyên phải đối mặt với tra tấn và cái chết.
Năm 2002, một nhóm học viên Pháp Luân Công, những người nhiều lần bị các phương tiện truyền thông Trung Quốc ma quỷ hóa, quyết định hành động. Họ leo lên một cặp cột truyền hình ở thành phố Trường Xuân trong giờ truyền hình cao điểm và giành quyền kiểm soát tín hiệu, phát đi thông điệp về chiến dịch xóa sổ của chính quyền đối với môn tu luyện tinh thần này.
Đến nay, “Trường Xuân” đã nhận được 15 giải thưởng sau khi được phát hành vào dịp kỷ niệm 20 năm sự kiện này hồi tháng Ba. Vì mức độ nổi tiếng của bộ phim, Canada đã chọn phim tài liệu này để đề cử cho giải Phim Quốc tế Hay nhất của Oscar 2023.
Ông Loftus cho biết ông và nhóm của mình cảm thấy vinh hạnh trước quyết định này của Canada.
“Đây là lần đầu tiên Canada chọn một phim hoạt hình, phim tài liệu, hoặc một bộ phim tiếng Quan Thoại cho danh mục phim quốc tế,” ông Loftus nói.
Nhà hát Trung Quốc ở Hollywood đã tổ chức buổi chiếu phim hồi tháng Sáu, và nhiều khán giả đã rơi nước mắt trong buổi trình chiếu.
Ông Loftus nói với The Epoch Times hồi tháng Sáu rằng ông biết đến câu chuyện từ người đồng nghiệp Quách Cạnh Hùng (Guo Jingxiong, nghệ danh Đại Hùng, Daxiong), một học viên Pháp Luân Công lâu năm và là họa sĩ truyện tranh nổi tiếng với các tác phẩm trong loạt phim “Justice League” và “Star Wars”.
Bộ phim kể lại câu chuyện qua góc nhìn của ông Quách, người dẫn dắt khán giả qua hành trình hồi tưởng lại những sự việc diễn ra 20 năm về trước.
Sau khi chương trình truyền hình bị gián đoạn, cảnh sát đã tiến hành các cuộc đột kích nhắm vào toàn bộ các học viên Pháp Luân Công trong vùng, bất kể họ có dính líu đến câu chuyện này hay không. Theo thông tin từ Minghui.org, một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ cung cấp thông tin về cuộc đàn áp ở Trung Quốc, ít nhất sáu người đã thiệt mạng dưới tay cảnh sát.
Chỉ có một người tham gia vào việc chèn sóng này thoát khỏi Trung Quốc — sau 10 năm bị giam giữ trong tù — trong khi một người khác được cho là sẽ được trả tự do trong năm nay sau khi bị giam giữ trong vòng 20 năm.
Bản tin có sự đóng góp của Eva Fu
Thiên Thư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times