Trung Quốc trừng phạt 7 quan chức Đài Loan vì ủng hộ độc lập
Chính quyền Trung Quốc đang áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với bảy chính trị gia cao cấp của Đài Loan vì ủng hộ nền độc lập của hòn đảo tự trị, một hành động mà một số quan chức bị nhắm mục tiêu coi là huy hiệu danh dự cho một thành viên của thế giới tự do.
Hôm 15/08, Văn phòng Sự vụ Đài Loan, cơ quan hành chính cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) giám sát các vấn đề liên quan đến Đài Loan, đã nêu đích danh bảy quan chức, bao gồm cả đại sứ trên thực tế của Đài Loan tại Hoa Kỳ, bà Tiêu Mỹ Cầm (Bi-khim Hsiao).
Một phát ngôn viên của văn phòng này đã gọi những biện pháp trừng phạt nói trên là dành cho “những kẻ ngoan cố ủng hộ Đài Loan độc lập đến cùng,” theo Tân Hoa Xã.
Chính quyền Trung Quốc tuyên bố hòn đảo dân chủ này là lãnh thổ của riêng mình và sẽ bị chiếm đóng thông qua vũ lực nếu cần thiết.
“Các hoạt động của họ càng trở nên tồi tệ hơn trong chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi tới khu vực Đài Loan của Trung Quốc, càng bộc lộ bản chất ngoan cố của họ trong việc tìm kiếm độc lập cho Đài Loan,” hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã dẫn lời phát ngôn viên này.
Bà Pelosi đến Đài Loan hôm 02/08. Quãng thời gian dừng chân ngắn ngủi của bà trên hòn đảo này — khoảng 19 giờ — đã thu hút phản ứng mạnh mẽ từ ĐCSTQ, vốn phản đối bất kỳ trao đổi chính thức nào giữa Đài Bắc và các quan chức của chính phủ khác có thể gợi ý rằng hòn đảo này trên thực tế là một quốc gia. Sau khi bà Pelosi đến, Bắc Kinh đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự bắn đạn thật và sau đó là tập trận phóng một số hỏa tiễn đạn đạo — một hành động bị cộng đồng quốc tế lên án rộng rãi.
Những người bị áp đặt các biện pháp trừng phạt này sẽ không thể đến thăm Trung Quốc, Hồng Kông, và Ma Cao, đồng thời các công ty và nhà đầu tư liên quan đến họ cũng sẽ không được phép thu lợi nhuận ở Trung Quốc, Tân Hoa Xã dẫn lời phát ngôn viên Văn phòng Sự vụ Đài Loan cho hay.
‘Huy hiệu danh dự’
Một số chính trị gia Đài Loan nằm trong danh sách trừng phạt mới nhất của Bắc Kinh cho biết họ tự hào là một mục tiêu của chế độ cộng sản.
Ông Lâm Phi Phàm (Lin Fei-fan), Phó Tổng thư ký Đảng Dân Chủ Tiến Bộ cầm quyền của Đài Loan, cho biết ông rất vinh dự khi được thêm vào danh sách trừng phạt của chính quyền Trung Quốc, đồng thời cho biết thêm rằng ông đã nhận được lời chúc mừng từ các bằng hữu của mình.
“Tôi nghĩ rằng trong thời đại này, việc bị trừng phạt bởi một chế độ độc tài nên là một huân chương cho các thành viên của thế giới tự do, và điều đó rất vẻ vang,” ông viết trên trang Facebook của mình.
Ông Thái Kỳ Xương, phó chủ tịch cơ quan lập pháp của Đài Loan, cho biết ông sẽ không thỏa hiệp dưới “sự đe dọa” của chính quyền Trung Quốc.
“Tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc và sẽ tự hào về điều đó nếu tôi bị trừng phạt vì đã gặp Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi thay mặt cho cơ quan lập pháp của Trung Hoa Dân Quốc,” ông Thái nói trên Facebook, đề cập đến tên chính thức của hòn đảo này.
Ông Vương Định Vũ (Wang Ting-yu), một nhà lập pháp trong Ủy ban Ngoại giao và Quốc phòng của Đài Loan, cũng mô tả đây là một “huy hiệu danh dự”, nói thêm rằng Bắc Kinh đã cấm ông đến thăm Trung Quốc, bao gồm cả Hồng Kông, trong nhiều năm.
Các nhà lập pháp Đài Loan khác là mục tiêu bao gồm ông Kha Kiến Minh (Ker Chien-ming), ông Cố Lập Hùng (Koo Li-hsiung) và bà Trần Tiêu Hoa (Chen Jiau-hua).
Bảy người nói trên được thêm vào những người trước đó đã có tên danh sách gồm có Thủ tướng Đài Loan Tô Trinh Xương (Su Tseng-chang), Bộ trưởng Ngoại giao Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu), và Chủ tịch Nghị viện Du Tích Khôn (You Si-kun) đã bị Bắc Kinh trừng phạt hồi tháng 11 năm ngoái (2021).
Nhưng những biện pháp trừng phạt này nếu có tác động thì dự kiến cũng sẽ không đáng kể vì các quan chức cao cấp của Đài Loan không thăm Trung Quốc.
Phản ứng trước lệnh trừng phạt của ĐCSTQ, Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết hòn đảo này là một nền dân chủ “không thể bị Trung Quốc can thiệp.”
Phát ngôn viên Âu Giang An (Joanne Ou) của bộ này nói với các phóng viên ở Đài Bắc: “Không đời nào chúng tôi chấp nhận các mối đe dọa và sự uy hiếp từ các hệ thống độc tài và toàn trị.”
“Trung Quốc đang tìm cách tạo ra hiệu ứng sợ hãi” đối với các chính trị gia và các nhà lãnh đạo dư luận Đài Loan bằng cách tận dụng các biện pháp trừng phạt, nhưng “kết quả đi ngược lại với mong muốn của họ và chỉ có thể gây ra sự phẫn nộ cho người dân Đài Loan,” bà nói thêm.
Cô Dorothy Li là một phóng viên của The Epoch Times tại Âu Châu.