Trung Quốc tiếp tục bán nợ của Hoa Kỳ trong bối cảnh các quốc gia khác tăng lượng nắm giữ lên cao kỷ lục
Nhật Bản vẫn là nước nắm giữ lớn nhất, trong khi Bỉ là nước mua nhiều nhất trong tháng Hai.
Số liệu mới tiết lộ hôm 17/04 của Bộ Ngân khố cho thấy lượng nợ của Hoa Kỳ mà ngoại quốc nắm giữ đã tăng lên mức cao nhất trong lịch sử vào tháng Hai, đánh dấu mức tăng hàng tháng thứ năm liên tiếp. Tuy nhiên, trong lúc các nhà đầu tư toàn cầu tích trữ công khố phiếu Hoa Kỳ, thì Trung Quốc lại cắt giảm lượng nắm giữ tài sản bằng đồng USD.
Tổng cộng, lượng nắm giữ của ngoại quốc là 7.965 ngàn tỷ USD, tăng từ mức 7.945 ngàn tỷ USD trong tháng Một. Nợ của Hoa Kỳ thuộc sở hữu của ngoại quốc cũng đã tăng gần 9% so với cùng thời kỳ năm trước.
Bỉ là thị trường hàng đầu mở rộng nắm giữ công khố phiếu khi mua khoảng 27 tỷ USD và nâng tổng số nắm giữ lên 320 tỷ USD.
Nhật Bản tiếp tục là quốc gia nắm giữ công khố phiếu lớn nhất ngoài Hoa Kỳ, bổ sung thêm 16 tỷ USD lên mức 1.168 ngàn tỷ USD, đạt tổng giá trị cao nhất kể từ tháng 08/2022.
Pháp mua 16 tỷ USD, Canada mua 14 tỷ USD, và Vương quốc Anh đã mua hơn 9 tỷ USD.
Trung Quốc đã bán khoảng 23 tỷ USD, giảm lượng nắm giữ xuống mức thấp nhất trong 14 năm là 775 tỷ USD. Con số này cũng giảm gần 9% so với năm trước. Trong vài năm qua, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã giảm dần mức độ nắm giữ công khố phiếu của Hoa Kỳ như một phần trong nỗ lực đa dạng hóa và chống đỡ cho đồng nhân dân tệ đang gặp khó khăn.
Các thị trường ngoại quốc khác giảm tỷ lệ nắm giữ là Thụy Sĩ (27 tỷ USD), Hồng Kông (13 tỷ USD), và Na Uy (6 tỷ USD).
Các nhà đầu tư ngoại quốc, chủ yếu là các chính phủ và ngân hàng trung ương, đang nắm giữ khoảng ⅓ số nợ của Hoa Kỳ.
Phát hành thêm nợ
Chính phủ liên bang đã phát hành số lượng lớn tín phiếu và kỳ phiếu Ngân khố để giúp quản lý thâm hụt ngân sách ngày càng tăng và theo kịp các khoản thanh toán lãi ngày càng tăng. Từ tháng Một đến tháng Sáu, Bộ Ngân khố dự kiến sẽ bán đấu giá khoản nợ khoảng 1 ngàn tỷ USD.
Nhu cầu đầu tư trong và ngoài nước đối với công khố phiếu Hoa Kỳ đã có những tín hiệu trái chiều trong tháng này.
Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đã phát hành 13 tỷ USD công khố phiếu kỳ hạn 20 năm, và đã nhận được sự quan tâm vững chắc từ các nhà đầu tư, những người đã mua phần lớn nguồn cung lần này. Phiên đấu giá ngày 17/04 cũng tạo ra lợi suất 4.82%, thấp hơn khoảng 2 điểm cơ bản so với giao dịch trước phiên đấu giá.
Kể từ năm 2022, chính phủ liên bang đã giảm quy mô đấu giá công khố phiếu kỳ hạn 20 năm trong bối cảnh nhu cầu về công cụ này mờ nhạt.
Tình huống này xảy ra một tuần sau cuộc đấu giá khốc liệt phát hành 39 tỷ USD trái phiếu kỳ hạn 10 năm. Các đại lý sơ cấp — hầu hết là các ngân hàng Hoa Kỳ thu gom nguồn cung còn lại — đã mua khoảng ¼ số nợ và ghi nhận lợi suất cao hơn dự kiến là 4.56%. Các nhà quan sát thị trường nói rằng đây là một trong những màn trình diễn tệ nhất của loại công khố phiếu được lấy làm chuẩn này trong thời gian gần đây.
Các chuyên gia cho rằng thị trường tài chính đang phát đi tín hiệu lo ngại về quỹ đạo tài khóa của Hoa Kỳ khi nợ quốc gia lên tới 34.6 ngàn tỷ USD và thâm hụt ngân sách đã vượt quá 1 ngàn tỷ USD trong nửa đầu năm tài khóa 2024. Các ước tính dài hạn cho thấy tình trạng nợ và thâm hụt của Hoa Kỳ thậm chí sẽ còn xấu đi hơn nữa khi chi phí lãi vay trở nên cao hơn và chi tiêu vượt xa doanh thu đè nặng lên chính phủ Hoa Kỳ.
Rất nhiều chuyên gia, từ các nhà kinh tế, lãnh đạo doanh nghiệp đến các nhà hoạch định chính sách công, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về con đường tài khóa không bền vững của Hoa Kỳ.
Những người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng đã cân nhắc về vấn đề này, cảnh báo rằng “tình hình này sẽ không thể duy trì lâu dài” vì hiện trạng của Hoa Kỳ “không phù hợp với sự bền vững tài khóa dài hạn.”
Tổ chức có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn này đã lưu ý trong báo cáo Giám sát Tài khóa và Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất của mình rằng “điều này làm tăng rủi ro ngắn hạn đối với quá trình giảm lạm phát, cũng như rủi ro về ổn định tài khóa và tài chính dài hạn cho nền kinh tế toàn cầu vì mức nợ này có nguy cơ làm tăng chi phí tài trợ toàn cầu.”
Trong khi nợ và thâm hụt đang thu hút mọi sự chú ý ở Hoa Thịnh Đốn, thì các khoản thanh toán lãi vay đang tăng với tốc độ đặc biệt, vượt quá 1 ngàn tỷ USD mỗi năm và trở thành một trong những hạng mục tiêu tốn ngân sách hàng đầu. Các khoản thanh toán lãi nợ đã tăng nhanh đến mức gần một nửa số tiền thuế thu thập được của Hoa Kỳ được phân bổ cho chi phí lãi vay.
Dự đoán
Tuy nhiên, nhu cầu trong nước và quốc tế đối với đồng bạc xanh đã cho phép Hoa Kỳ tài trợ cho khoản nợ của mình. Trong nhiều thập niên, các nhà đầu tư trên toàn thế giới đã nắm giữ các tài sản bằng đồng USD, chẳng hạn như công khố phiếu, vì quy mô, sự an toàn, an ninh, và tính thanh khoản lớn trong hàng thập niên qua của thị trường nợ Hoa Kỳ.
Các nhà đầu tư toàn cầu cũng xem Hoa Kỳ là một lựa chọn ưu việt để gửi tiền tiết kiệm của họ. Bất chấp những điều chỉnh gần đây về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhật Bản vẫn giữ lãi suất ở mức thấp. Ngân hàng Trung ương Âu châu được cho là sẽ sớm cắt giảm lãi suất. Những yếu tố này có thể thúc đẩy nhu cầu đối với công khố phiếu Hoa Kỳ vốn đang có những mức lợi suất hấp dẫn.
Quả thực, trong những tháng gần đây, lợi suất cao hơn đã thu hút các nhà đầu tư khao khát lợi tức.
Lợi suất hai năm gần đây đã vượt mốc 5% lần đầu tiên kể từ tháng 11/2023. Công khố phiếu kỳ hạn 10 năm đang giao dịch ở mức khoảng 4.6%, trong khi công khố phiếu kỳ hạn 30 năm ở mức khoảng 4.7%. Sự thúc đẩy đi lên này đã phần lớn phản ánh những thay đổi trong kỳ vọng chính sách của Hệ thống Dự trữ Liên bang.
Sau bốn báo cáo chỉ số giá tiêu dùng liên tiếp nóng hơn dự kiến, thị trường tương lai đã hạ dự báo về đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên. Theo CME FedWatch Tool, nhiều nhà đầu tư đang định giá theo kịch bản có một đợt cắt giảm lãi suất vào tháng Chín.
Chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận hôm 16/04 rằng ngân hàng trung ương có thể phải giữ lãi suất chính sách cao hơn trong thời gian dài hơn trong bối cảnh áp lực lạm phát tái diễn.
Ông Powell nói tại một diễn đàn chính sách của ngân hàng trung ương, “Dữ liệu gần đây rõ ràng không mang lại cho chúng tôi sự tự tin cao hơn mà thay vào đó cho thấy rằng có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến để đạt được sự tự tin đó. Như vậy có nghĩa là, chúng tôi nghĩ rằng chính sách đã được định vị tốt để ứng phó với những rủi ro mà chúng tôi gặp phải.”
“Chúng tôi có thể duy trì mức thắt chặt tiền tệ hiện tại trong thời gian cần thiết.”
Trong khi Fed vẫn đang tiến hành một chiến dịch giảm quy mô bảng cân đối kế toán, biên bản cuộc họp gần đây của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang tiết lộ rằng các quan chức đang xem xét giảm tốc độ từ 60 tỷ USD xuống 30 tỷ USD mỗi tháng. Nếu các cơ quan tiền tệ thực hiện theo những kỳ vọng này, thì hành động của họ có thể làm giảm bớt một số chuyển động tăng lên của lợi suất công khố phiếu.
Cuối cùng, đợt phát hành với khối lượng kỷ lục lần này của chính phủ liên bang đã làm dấy lên mối lo ngại rộng rãi rằng việc bán nợ yếu kém sẽ tàn phá thị trường tài chính và khơi dậy sự biến động tương tự như những gì đã xảy ra vào mùa thu vừa qua.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times