Tại sao nợ công của Hoa Kỳ không bền vững và đang phá hủy giai tầng trung lưu
Trong một bài đăng gần đây trên mạng xã hội, một chuyên gia phân tích tài chính và nhà đầu tư tài năng cho biết: “Câu chuyện ‘nợ không bền vững’ đã tồn tại hơn 40 năm rồi. Điều khiến tôi ngạc nhiên là làm thế nào những người quảng bá câu chuyện này không bao giờ tự hỏi: ‘Tại sao nợ vẫn bền vững lâu đến vậy?’”
Có một ý kiến phổ biến cho rằng tình trạng mất cân bằng tài khóa của một tổ chức phát hành đồng tiền dự trữ của thế giới sẽ dẫn đến một vụ phá sản kiểu Argentina. Tuy nhiên, biểu hiện của sự không bền vững thậm chí còn không gay gắt đến vậy ở chính Argentina. Này, Argentina vẫn tiếp tục tồn tại phải không?
Nợ công quá mức sẽ trở nên không bền vững khi khoản nợ trở thành gánh nặng cho tăng trưởng sản xuất và buộc nền kinh tế phải liên tục tăng thuế, khiến cho tăng trưởng năng suất yếu đi, và tăng trưởng tiền lương thực tế yếu đi. Tuy nhiên, mức độ tích lũy nợ không bền vững có thể sẽ tiếp tục gia tăng do tự bản thân nhà nước áp đặt nợ công lên bảng cân đối kế toán của các ngân hàng và buộc lĩnh vực tài chính phải chấp nhận toàn bộ nợ của nhà nước như là “tài sản có rủi ro thấp nhất.” Tuy nhiên, tất cả những hành động này chỉ đơn giản là một cấu trúc do luật pháp và quy định ép buộc dựng lên. Nợ công tăng làm tăng quy mô của chính phủ trong nền kinh tế và làm xói mòn tiềm năng tăng trưởng và năng suất.
Nhiều người mắc bệnh tiểu đường và béo phì vẫn tiếp tục ăn quá nhiều thực phẩm không tốt cho sức khỏe trong khi nghĩ rằng cho đến nay vẫn chưa có chuyện gì xảy ra. Điều đó không có nghĩa là thói quen ăn uống của họ là bền vững.
Những người bỏ ngoài tai cảnh báo về việc nợ công tích lũy có xu hướng làm như vậy với ý tưởng rằng vẫn chưa có chuyện gì xảy ra. Đây là một cách nhìn liều lĩnh về nền kinh tế, một kiểu tâm lý “chúng ta vẫn chưa giết chết chính mình — hãy để mọi người tăng tốc thêm nữa.”
Khu vực tư nhân ngày càng yếu, tiền lương thực tế yếu, tăng trưởng năng suất giảm, và sức mua của đồng tiền thu hẹp dần, tất cả đều cho thấy mức nợ đang không bền vững. Các gia đình và doanh nghiệp nhỏ ngày càng gặp khó khăn trong việc kiếm sống và chi trả cho hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, trong khi những người vốn dĩ đã có khả năng tiếp cận với tín dụng từ trước và khu vực công thì lại mỉm cười hài lòng. Tại sao? Bởi vì việc tích lũy nợ công tương đương với tăng cung tiền một cách giả tạo.
Khi tiền được tạo ra trong khu vực tư nhân thông qua hệ thống tài chính, thì sẽ có một quá trình tạo ra của cải và tạo ra tiền mang tính hiệu quả diễn ra. Hệ thống tài chính tạo ra tiền cho các dự án mang lại lợi nhuận kinh tế thực sự. Một số dự án thất bại, số khác thì khởi sắc. Đó là quá trình tăng trưởng và tiến bộ có hiệu quả của nền kinh tế. Chỉ khi ngân hàng trung ương thao túng lãi suất, che giấu chi phí rủi ro, và tăng cung tiền để tiền tệ hóa khoản chi tiêu thâm hụt không hiệu quả của chính phủ thì họ mới có thể bóp méo quá trình này.
Trong nền kinh tế mở, các ngân hàng tư nhân tạo ra tiền để đẩy nhanh tiến độ phát triển, và các mức lãi suất thả nổi tự do hạn chế sự tích tụ rủi ro một cách nguy hiểm và không hiệu quả. Khi ngân hàng trung ương muốn che giấu khả năng thanh toán ngày càng kém của các chính phủ thiếu thận trọng về mặt tài khóa, thì họ làm như vậy bằng cách can thiệp vào lãi suất — làm cho việc vay mượn trở nên rẻ hơn đối với các chính phủ vô trách nhiệm về mặt tài khóa — và làm tăng lượng tiền tệ lưu hành trong hệ thống một cách giả tạo, tiền tệ hóa nợ công — một quá trình tạo ra tiền mang tính hủy diệt, khởi tác dụng trái ngược với chức năng tiết kiệm-đầu tư của ngân hàng.
Khi tình hình tài khóa trở nên không bền vững, cách duy nhất để nhà nước ép buộc người dân chấp nhận khoản nợ của mình — những đồng tiền mới được tạo ra — là thông qua cưỡng chế và đàn áp.
Một khoản nợ của nhà nước chỉ là tài sản khi khu vực tư nhân xem trọng khả năng thanh toán khoản nợ đó và sử dụng nó như một tài sản dự trữ. Khi nhà nước áp đặt tình trạng mất khả năng thanh toán của nhà nước lên nền kinh tế, thì sự phá sản của nhà nước sẽ biểu hiện trong mức độ phá hủy sức mua của đồng tiền thông qua lạm phát và sự suy yếu sức mua của tiền lương thực tế.
Về căn bản, nhà nước tiến hành một quá trình vỡ nợ chậm đối với nền kinh tế thông qua tăng thuế và làm suy yếu sức mua của đồng tiền, dẫn đến tăng trưởng yếu hơn và làm xói mòn giai tầng trung lưu, những con tin bị giam cầm của tổ chức phát hành tiền tệ.
Tất nhiên, với tư cách là tổ chức phát hành tiền tệ, nhà nước không bao giờ thừa nhận tình trạng mất cân đối của họ và luôn đổ lỗi lạm phát và tăng trưởng yếu cho khu vực tư nhân, các nhà xuất cảng, các quốc gia khác, và thị trường. Các tổ chức độc lập buộc phải áp đặt sự thận trọng về tài khóa — (hay nói cách khác, thắt lưng buộc bụng) — để ngăn chặn nhà nước phá hủy nền kinh tế thực. Nhà nước, thông qua việc độc quyền phát hành tiền tệ và áp đặt luật pháp, quy định, sẽ luôn chuyển sự mất cân đối của họ sang cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, cho rằng đó là vì lợi ích của chính những đối tượng này.
Sự thâm hụt chính phủ không phải là một khoản tiết kiệm cho nền kinh tế tư nhân. Những người tiết kiệm trong nền kinh tế thực chấp nhận nợ công như một tài sản khi họ nhận thấy khả năng thanh toán của tổ chức phát hành tiền tệ là đáng tin cậy. Khi chính phủ áp đặt nợ công và xem thường cách thức hoạt động của nền kinh tế sản xuất, tự coi mình là nguồn lực cho sự thịnh vượng, thì chính phủ sẽ làm suy yếu chính nền tảng mà họ lẽ ra phải bảo vệ: mức sống của những người dân bình thường.
Chính phủ không tạo ra dự trữ; khoản nợ của họ chỉ trở thành dự trữ khi trong phạm vi ranh giới chính trị của họ, nền kinh tế hiệu quả của khu vực tư nhân phát triển mạnh mẽ và tài chính công vẫn trong tầm kiểm soát. Giống như bất kỳ tổ chức phát hành nào, nhà nước thể hiện tình trạng mất khả năng thanh toán của họ thông qua mức giá của những tấm giấy nhận nợ (IOU) mà họ phân phối, tức là ở sức mua của đồng tiền. Nợ công đồng nghĩa với việc tăng cung tiền lên một cách giả tạo vì nhà nước không tạo ra bất cứ thứ gì; họ chỉ quản lý số tiền thu được từ cùng một khu vực tư nhân hiệu quả mà họ đang bóp nghẹt thông qua thuế và lạm phát.
Khoản nợ của Hoa Kỳ đã bắt đầu trở nên không bền vững khi Hệ thống Dự trữ Liên bang ngừng bảo vệ đồng tiền cũng như ngừng chú ý đến tổng lượng tiền tệ để thực hiện các chính sách được thiết kế nhằm che giấu chi phí nợ gia tăng do chi tiêu thâm hụt không kiểm soát.
Việc tạo ra tiền nhân tạo chưa bao giờ là trung lập. Tạo tiền nhân tạo mang lại lợi ích không tương xứng cho đích đến đầu tiên của những đồng tiền mới, chính phủ, và gây tổn hại lớn đến đích đến cuối cùng, tiền lương thực tế và tiền gửi tiết kiệm. Đó là một cuộc chuyển giao của cải to lớn từ nền kinh tế sản xuất và người tiết kiệm sang cho nền hành chính quan liêu.
Nhiều nợ công hơn có nghĩa là tăng trưởng sản xuất yếu hơn, thuế cao hơn, và lạm phát cao hơn trong tương lai. Cả ba điều trên đều là biểu hiện của tình trạng vỡ nợ chậm.
Vì vậy, nếu nhà nước có thể áp đặt sự mất cân đối tài khóa lên chúng ta, thì làm thế nào để chúng ta biết liệu khoản nợ mà nhà nước phát hành có bền vững hay không? Thứ nhất, vì có những đơn vị GDP được tạo ra, nên việc bổ sung thêm các đơn vị nợ công mới sẽ nhanh chóng chẳng bõ bèn gì, nghĩa là tác dụng của nợ sẽ giảm sút. Thứ hai, sự xói mòn sức mua của đồng tiền vẫn tiếp diễn và ngày càng gia tăng. Thứ ba, do đầu tư sản xuất và chi tiêu vốn giảm, nên có thể theo dữ liệu chung thì tình hình việc làm vẫn có thể chấp nhận được, nhưng tiền lương thực tế, năng suất, và khả năng kiếm sống của người lao động suy giảm nhanh chóng.
Lối tường thuật ngày nay đang cố gắng nói với chúng ta rằng chưa có gì xảy ra trong khi đã có rất nhiều chuyện xảy ra. Một nền hành chính quan liêu đang gia tăng, hủy diệt giai tầng trung lưu và làm suy thoái các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nền hành chính này sẽ đánh thuế cao hơn, nhưng vẫn tạo ra nhiều nợ và thâm hụt hơn. Câu chuyện này rồi sẽ có kết cục tồi tệ. Và tất cả các đế chế đều kết thúc theo cách giống nhau, trong sự giả định rằng sẽ không có chuyện gì xảy ra. Sự đón nhận đối với đồng tiền như một phương tiện dự trữ đi đến kết thúc. Sự xói mòn dai dẳng của sức mua và sự suy giảm niềm tin vào “tài sản có rủi ro thấp nhất” theo áp đặt của pháp luật là một vài dấu hiệu cảnh báo mà một số người sẵn sàng bỏ qua, có thể vì họ sống nhờ vào tiền thuế của người khác hoặc vì họ được hưởng lợi từ việc phá hủy tiền tệ thông qua lạm phát tài sản. Dù thế nào đi nữa, sự xói mòn sức mua có tính chất phản xã hội và phá hoại sâu sắc, ngay cả khi đó là một vụ nổ chậm.
Thực tế rằng có những nhà đầu tư thông minh và hiểu biết nhưng vẫn sẵn lòng phớt lờ những dấu hiệu nguy hiểm về sự suy yếu của giai tầng trung lưu, về sự sụt giảm sức mua của đồng tiền, và sự xói mòn trong khả năng thanh toán và năng suất cho thấy tại sao việc cho phép các chính phủ duy trì sự thiếu thận trọng về tài khóa lại nguy hiểm đến vậy. Lý do tại sao việc chính phủ tạo ra tiền lại nguy hiểm đến vậy là vì chính phủ luôn rất sẵn lòng tăng cường quyền lực của họ đối với người dân và đổ lỗi cho người dân về những vấn đề mà chính sách của họ tạo ra, trong khi tự huyễn hoặc rằng bản thân chính là giải pháp.
Nợ có thể tiếp tục tăng? Tất nhiên rồi. Quá trình bần cùng hóa và nô lệ hóa sẽ diễn ra dần dần một cách tương đối thoải mái với việc nhà nước có năng lực áp đặt việc sử dụng tiền tệ và buộc khoản nợ của nhà nước vào lương hưu của quý vị bằng luật pháp và quy định. Suy nghĩ rằng nợ sẽ tồn tại mãi mãi mà không có chuyện gì xảy ra không chỉ là một tâm lý liều lĩnh kiểu “hãy tiếp tục đi nhanh hơn, chúng ta vẫn chưa gặp nạn đâu.” Đó là bỏ qua thực tế của tiền tệ. Chúng ta cần phải có tiền tệ độc lập, vàng, và các giải pháp tương tự.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times