Trung Quốc thiết lập cơ chế giám sát các gián điệp giữa tình trạng bất ổn ở cả trong và ngoài nước
Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc, bộ máy tình báo của chế độ này, hiện đang chịu sự giám sát chặt chẽ hơn, trong bối cảnh nhà cầm quyền cộng sản lo sợ rằng họ sẽ để tuột mất quyền kiểm soát đối với những đặc vụ ngầm luôn hiện diện khắp mọi nơi của mình.
Giám đốc cơ quan gián điệp của chế độ này đã phát hành một bài bình luận hồi đầu tháng Sáu, yêu cầu lòng trung thành đối với ĐCSTQ và ưu tiên giám sát những người làm gián điệp cho Trung Quốc bằng cách thành lập một đội giám sát mới trong hệ thống an ninh nhà nước.
Ông Trần Nhất Tân (Chen Yixin), người quyền lực nhất trong lĩnh vực an ninh quốc gia hiện tại, được bổ nhiệm làm bộ trưởng an ninh quốc gia vào tháng Mười năm ngoái (2022). Ông Trần được xem là thân tín của nhà lãnh đạo hàng đầu của chế độ, Chủ tịch Tập Cận Bình.
Trong một bài báo phát hành hôm 05/06, ông Trần nhấn mạnh cần phải “đặt trọng tâm vào việc khắc phục những khó khăn đặc biệt trong việc tăng cường giám sát ở mặt trận ngầm” đồng thời thành lập các tổ thanh tra và giám sát để “thanh tra và giám sát thường xuyên” đối với các quan chức lãnh đạo trong hệ thống an ninh nhà nước. “Bất trung” là vấn đề được ưu tiên hàng đầu trong số năm vấn đề mà ông Trần muốn “khắc phục”, như những gì ông đã tiết lộ trong bài viết của mình.
Các chuyên gia Trung Quốc xem đây là dấu hiệu của một chiến dịch thanh trừng mới của ĐCSTQ.
Ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), phó giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Sydney, cho biết: “Thanh trừng [chính trị] là một quy tắc tiêu chuẩn của các chế độ độc tài.” Ông nói thêm rằng lãnh đạo hàng đầu của ĐCSTQ Tập Cận Bình đang không ngừng đàn áp những người có khả năng là đối thủ chính trị của ông ta từ bên trong nội bộ đảng.
Lực lượng công an, an ninh quốc gia, hệ thống pháp luật và tư pháp hiện đang nằm dưới quyền kiểm soát của phe Giang Trạch Dân — phe đối thủ chính của ông Tập Cận Bình và cũng là mục tiêu chính trong cuộc thanh trừng của ông Tập.
Hồi tháng Mười Một năm ngoái, Intelligence Online, một ấn phẩm tình báo có trụ sở tại Pháp, đã viết rằng ông Tập kỳ vọng ông Trần sẽ “xóa sạch tham nhũng — và bất kỳ dấu hiệu chống đối nào — trong các cơ quan công an, quân đội, và tình báo.”
Bộ An ninh Quốc gia được thành lập vào năm 1983, không phải để làm nhiệm vụ gián điệp trong nước vào thời điểm đó, mà nhằm mục đích thu thập thông tin tình báo, phản gián, và an ninh chính trị ở ngoại quốc. Vì lo sợ mất quyền kiểm soát trong nước, nên ông Tập đã bổ nhiệm một người thân tín để kiểm soát hệ thống đó cho mình và đã phát triển cơ chế này trong hầu hết mọi lĩnh vực của xã hội Trung Quốc.
Các chuyên gia Trung Quốc: Ông Tập đối mặt với khủng hoảng lớn từ bên trong và bên ngoài
Giáo sư Phùng cho hay, ông Tập biết được rằng ĐCSTQ không có quyền lực hợp pháp, và cuộc tranh đấu phe phái khốc liệt trong nội bộ đảng đã chi phối nền kinh tế nghèo nàn của Trung Quốc. Theo ông Phùng, các hãng truyền thông Trung Quốc đã cảnh báo về “những người hai mặt” không trung thành với ĐCSTQ và lãnh đạo tối cao của đảng này, còn ông Tập thì luôn đề phòng trước bất kỳ nỗ lực nào có thể nhằm lật đổ ông hoặc ĐCSTQ.
“Ông Tập muốn củng cố quyền lực của mình. Sau khi tiêu diệt các đối thủ của mình ở ngoại vi, thì giờ đây ông ta đang thanh lý những kẻ thù ở bên cạnh mình,” ông Phùng cho biết trong một cuộc phỏng vấn với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 06/06.
“[Lịch sử của] chính quyền cộng sản chính là [một quá trình] không ngừng thanh trừng, và mỗi từng thời từng khắc đều là một cuộc tranh đấu sinh tử.”
Ông Tập đã cảnh giác trước bất kỳ mối đe dọa tiềm tàng nào trong nội bộ ĐCSTQ. Tháng 11/2013, ông đã thành lập Ủy ban An ninh Quốc gia của ĐCSTQ và đích thân chủ trì ủy ban này. Một năm sau đó, ông đưa ra khái niệm “an ninh quốc gia toàn diện,” trong đó an ninh thâm nhập vào hầu hết mọi lĩnh vực ở Trung Quốc. Trong nhiệm kỳ của ông Tập, an ninh hiện bao gồm an ninh chính trị, an ninh lãnh thổ, an ninh quân sự, an ninh kinh tế, an ninh xã hội, và an ninh mạng, cùng nhiều loại hình an ninh khác. Ông Tập đã biến an ninh quốc gia thành một công cụ để kiểm soát mọi khía cạnh quản trị của Trung Quốc.
Đồng thời, ông Tập đã loại bỏ các địch thủ chính trị lớn của mình, bao gồm cả những người trong hệ thống an ninh và cảnh sát nhà nước, chẳng hạn như ông Mã Kiến (Ma Jian), ông Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang), ông Tôn Lập Quân (Sun Lijun) và ông Phó Chính Hoa (Fu Zhenghua).
Từ năm 2012 đến năm 2022, ông Tập đã sử dụng cơ quan giám sát kỷ luật của ĐCSTQ để loại bỏ gần năm triệu quan chức đảng dưới danh nghĩa chống tham nhũng.
Cuộc tranh đấu nội bộ cố hữu không phải là mối quan tâm duy nhất của ông Tập Cận Bình.
Ông Vương Hữu Quần (Wang Youqun), cựu trợ lý kiêm người viết diễn văn cho ông Úy Kiện Hành (Wei Jianxing), từng là tiếng nói quyền lực nhất về chống tham nhũng của ĐCSTQ, cho biết các hiểm họa ở trong và ngoài nước mà ông Tập đang phải đối mặt đang ngày càng tồi tệ hơn.
Trong ba năm dịch bệnh phong tỏa nghiêm ngặt, các cuộc biểu tình đã nổ ra trên khắp đất nước, kéo theo Phong trào Giấy Trắng bắt đầu hồi tháng 11/2022, trong đó những người trẻ tuổi yêu cầu ông Tập và ĐCSTQ hạ đài. Đây là lần đầu tiên trong nhiều thập niên cai trị của ĐCSTQ, người dân Trung Quốc đưa ra một yêu cầu như vậy trên mảnh đất Trung Hoa. Kể từ đó, câu nói “ĐCSTQ, Hãy hạ đài!” có thể được nghe thấy trên khắp Trung Quốc.
Ông Vương cũng cho biết nền kinh tế Trung Quốc đã suy giảm kể từ khi đại dịch bùng phát, với tỷ lệ thất nghiệp cao, dân số già, và tỷ lệ sinh thấp. Xã hội Trung Quốc đang trong tình trạng bất ổn.
Ông Vương nói thêm, trên bình diện quốc tế, khinh khí cầu do thám và các đồn công an ở hải ngoại của ĐCSTQ đã làm đảo lộn mối bang giao của ĐCSTQ với các nền dân chủ lớn trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ, và các quốc gia thành viên Liên minh Âu Châu. Hành động cưỡng bách quân sự ngày càng gia tăng của ĐCSTQ ở Eo biển Đài Loan và Biển Đông đã buộc các quốc gia Á Châu phải sát cánh cùng Hoa Kỳ để chống lại sự can thiệp của ĐCSTQ vào các khu vực xung quanh.
Hôm 30/05, tại một cuộc họp của Ủy ban An ninh Quốc gia của ĐCSTQ, ông Tập nói rằng an ninh quốc gia đang đối mặt với một “tình huống phức tạp và nguy cấp.” Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải “tuân thủ suy nghĩ ở điểm mấu chốt và suy nghĩ về tình huống xấu nhất” đồng thời “sẵn sàng đương đầu với các khảo nghiệm cường đại của những cơn phong ba bão táp, và thậm chí là những trận bão biển cuồng phong.”
“Sau Đại hội Toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, mặc dù ‘Tập Quân Gia [những người trung thành với ông Tập]’ đã có đầy đủ quyền lực, nhưng tình hình an ninh mà ông Tập phải đối mặt đang ngày càng xấu đi thay vì được cải thiện,” ông Vương viết trong một bài bình luận cho ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 06/06.
Ông Tập và nhóm thân tín hiện bao gồm bảy thành viên của Bộ Chính trị ĐCSTQ, cơ quan ra quyết sách hàng đầu ở Trung Quốc.
Bản tin có sự đóng góp của Ninh Hải Chung và Lạc Á
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times