Trung Quốc ra mắt ‘kế hoạch hòa bình’ cho Ukraine — phương Tây hoài nghi và thất vọng
Giới lãnh đạo Đảng Cộng sản ở Trung Quốc (ĐCSTQ) vừa đề ra một bản thảo liệt kê 12 điểm cho một lệnh ngừng bắn ở Ukraine. Bản thảo này xoay quanh những lời kêu gọi hơn là đưa ra các giải pháp.
Tròn một năm sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, giới lãnh đạo ĐCSTQ đã trình bày một tài liệu gồm 12 điểm mà trong đó, chính quyền này kêu gọi sớm nối lại các cuộc đàm phán giữa các bên xung đột. Tài liệu này cũng đề cập tới tất cả các quốc gia khác trên trường quốc tế.
Tất cả các bên nên “ủng hộ Nga và Ukraine hành động theo cùng một hướng,” bản thảo cho biết. Bằng cách này, hai nước có thể “cuối cùng đạt được một lệnh ngừng bắn toàn diện.”
Ukraine đã bác bỏ tài liệu này. Các nhà ngoại giao và chuyên gia đã phản ứng cùng với sự hoài nghi và thất vọng, vì tài liệu 12 điểm này không đưa ra bất kỳ quan điểm mới nào. Họ cũng tuyên bố rằng Trung Quốc không trung lập và cho tới hiện tại chưa từng lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Nga. Đức phàn nàn rằng báo cáo của Bắc Kinh thiếu “các yếu tố quan trọng”, chẳng hạn như việc rút quân của Nga.
Cố vấn Tổng thống Ukraine Mykhailo Podoliak viết trên Twitter: “Bất kỳ ‘kế hoạch hòa bình’ nào mà chỉ dự tính một ‘lệnh ngừng bắn’ với kết quả sau đó là một đường phân chia mới cho phép Nga tiếp tục chiếm đóng các vùng lãnh thổ của Ukraine, thì đều không phải là về hòa bình, mà là về việc khiến cho chiến tranh đóng băng, Ukraine bại trận, và giai đoạn tiếp theo là một cuộc diệt chủng của Nga” — và do đó nó là một thất bại. Ukraine tiếp tục kiên quyết yêu cầu quân đội Nga rút khỏi biên giới được quốc tế công nhận kể từ năm 1991.
Ngoại trưởng Đức: ‘Con đường dẫn đến trật tự thế giới khác’
Là một trong những người chỉ trích, Ngoại trưởng Đức, bà Annalena Baerbock nói: “Bất cứ ai nói về hòa bình, thì đều không được có ý khuất phục. Bất cứ ai đánh đồng kẻ xâm lược và nạn nhân đều không tạo ra hòa bình, mà còn tưởng thưởng cho bạo lực,” vị chính trị gia Đảng Xanh này đã nói như vậy bên lề phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. “Đó sẽ là con đường dẫn đến một trật tự thế giới khác, nơi lý lẽ thuộc về kẻ mạnh.” Đức sẽ làm mọi cách để giữ gìn trật tự hòa bình theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc, “nếu không thì không một quốc gia nhỏ nào sẽ có thể sống trong hòa bình trong tương lai,” ngoại trưởng Đức nói.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen và Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đồng phản ứng một cách thận trọng. Từ thủ đô Tallinn của Estonia, bà von der Leyen cho biết, cần phải nhìn nhận 12 điểm trong bối cảnh Trung Quốc lâu nay đứng về bên nào. Ngay từ trước khi cuộc chiến tranh này bắt đầu, Trung Quốc và Nga đã khẳng định về mối quan hệ đối tác “không giới hạn” của họ.
Ông Stoltenberg cũng chỉ ra điều này trong cuộc họp báo với bà von der Leyen và Thủ tướng Estonia Kaja Kallas. Ông nói, Trung Quốc không có nhiều uy tín bởi vì họ cho đến nay vẫn không thể lên án cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Ông Stoltenberg nhấn mạnh rằng ông Putin hiện đang không chuẩn bị cho hòa bình, mà đang chuẩn bị nhiều hơn cho việc tiếp tục chiến tranh và tiến hành các cuộc tấn công tiếp theo. Đến một lúc nào đó, thì cuộc chiến có thể sẽ kết thúc trên bàn đàm phán. Tuy nhiên, nếu muốn một giải pháp đàm phán để giữ cho Ukraine là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, thì phải cung cấp cho nước này viện trợ quân sự. Đây là cách duy nhất để tạo tiền đề cho Tổng thống Putin nhận ra rằng ông sẽ không thắng được trên chiến trường.
Đại diện của Nga nói gì
Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao của Duma Quốc gia Nga Leonid Slutsky đã mô tả kế hoạch 12 điểm của Trung Quốc cho cuộc chiến ở Ukraine là “cân bằng.” Từ mọi phương diện, kế hoạch này cân bằng hơn so với nghị quyết mới của Liên Hiệp Quốc, vốn thực sự kêu gọi Nga đầu hàng, ông viết trên Telegram Blog hôm thứ Sáu (24/02).
“Các đề xướng từ Bắc Kinh vẫn cần phải được thảo luận riêng lẻ. Nhưng chủ yếu đây là một kế hoạch nhằm chấm dứt sự bá chủ của phương Tây nói chung.”
Trung Quốc phản đối ‘cấu trúc an ninh gây thiệt hại cho các quốc gia khác’
Điểm đầu tiên của kế hoạch này là tôn trọng chủ quyền của tất cả các quốc gia. Chủ quyền, độc lập, và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia phải được “bảo vệ một cách hiệu quả” và phải tránh tiêu chuẩn kép trong luật pháp quốc tế.
Trong khi không còn nghi ngờ gì rằng tài liệu tham khảo này nhắm vào các niềm tin pháp lý tùy thời dao động thuận theo tình hình của phương Tây, thì niềm tin về sự toàn vẹn lãnh thổ vẫn để ngỏ những câu hỏi chưa có lời giải. Liên bang Nga vẫn xem bán đảo Crimea là một phần lãnh thổ của mình kể từ năm 2014 — đồng thời trong quá trình diễn ra cuộc chiến, nước này cũng đã tuyên bố sáp nhập các vùng thuộc Donbas. Mà Ukraine thì không chỉ muốn giành lại quyền kiểm soát Donbas, mà còn muốn giành lại cả Crimea.
Điểm thứ hai, “từ bỏ tâm lý Chiến Tranh Lạnh”, nhắm rất rõ ràng tới việc phản đối sự mở rộng của NATO. Thay vì tâm lý đó, điểm thứ hai bàn về việc tạo ra một “cấu trúc an ninh Châu Âu cân bằng, hiệu quả, và bền vững.” An ninh của một quốc gia “không nên gây thiệt hại cho lợi ích của các quốc gia khác.”
Bắc Kinh muốn ‘đóng vai trò xây dựng’
Các điểm thứ ba và thứ tư liên quan đến việc chấm dứt chiến sự, từng bước xuống thang, và ngừng bắn toàn diện. Do đó, các cuộc đàm phán hòa bình nên được nối lại. Chính quyền Trung Quốc muốn “tiếp tục đóng vai trò xây dựng” trong vấn đề này.
Các điểm thứ năm và thứ sáu liên quan đến việc giải quyết khủng hoảng nhân đạo, bảo vệ thường dân, di tản họ khỏi vùng chiến sự, và cách đối xử với tù nhân chiến tranh.
Kế tiếp, điểm thứ bảy và thứ tám nói về an toàn nhà máy điện hạt nhân và giảm thiểu rủi ro chiến lược liên quan đến vũ khí hạt nhân. Điểm thứ tám đề cập:
“Không được sử dụng vũ khí hạt nhân và không được tiến hành chiến tranh hạt nhân. Nên phản đối việc đe dọa sẽ sử dụng hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân.”
Yêu cầu ‘chấm dứt các biện pháp trừng phạt đơn phương’
Bốn điểm cuối cùng nói về các vấn đề kinh tế. Giới lãnh đạo ở Bắc Kinh đang kêu gọi ủng hộ Sáng kiến Ngũ cốc Hắc Hải và bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.
Yêu cầu “chấm dứt các biện pháp trừng phạt đơn phương” chủ yếu nhắm vào phương Tây. Trung Quốc bác bỏ “các biện pháp trừng phạt đơn phương không được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua” đồng thời bác bỏ sử dụng “quyền tài phán mở rộng” như một công cụ chống lại các quốc gia khác.
Hai điểm cuối cùng liên quan đến việc duy trì chuỗi cung ứng và công nghiệp cũng như thúc đẩy tái thiết sau xung đột. Tại đây cũng vậy, Bắc Kinh muốn thể hiện vai trò của mình như một chính quyền được cho là ủng hộ thương mại toàn cầu và một nhà hòa giải mang tính xây dựng.
Các lệnh trừng phạt mới của Hoa Kỳ gián tiếp ảnh hưởng đến Trung Quốc
Trong khi đó, các công ty Trung Quốc có thể trở thành mục tiêu trừng phạt của Mỹ. Điều này đã được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn tuyên bố.
Đánh dấu ngày bắt đầu chiến dịch quân sự của Nga, Hoa Kỳ đã công bố các biện pháp trừng phạt bổ sung hôm thứ Sáu (24/02). Các biện pháp này nhắm vào các công ty Nga trong lĩnh vực tài chính, công nghệ, và quân sự.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Victoria Nuland tuyên bố gói trừng phạt mới cũng sẽ tác động gián tiếp đến Trung Quốc. Các lệnh trừng phạt sẽ ảnh hưởng chủ yếu đến những doanh nghiệp Trung Quốc nào đang cố gắng né tránh các lệnh cấm xuất cảng hiện hành. Bà nói với tờ Washington Post:
“Chúng tôi cũng sẽ đặt ra các hạn chế khác đối với các tổ chức và công ty có trụ sở tại Trung Quốc hoặc các công ty con của Trung Quốc ở Châu Âu.”
Trên hết, Hoa Kỳ phản đối việc cung cấp các linh kiện có thể sử dụng cho mục đích quân sự, chẳng hạn như vi mạch bán dẫn hoặc dữ liệu định vị địa lý.
Lo ngại Trung Quốc cung cấp vũ khí sát thương cho Nga
Tuy nhiên, ở Hoa Thịnh Đốn, dường như cũng có lo ngại rằng bản thân Bắc Kinh có thể cung cấp vũ khí sát thương cho Nga. Thông báo về chuyến thăm Tổng thống Putin của lãnh đạo Tập Cận Bình càng làm tăng thêm những lo ngại này.
Chính phủ Hoa Kỳ gần đây đã đưa ra nhiều cảnh báo rằng Bắc Kinh không được chuyển giao vũ khí cho Nga. Mặc dù phương Tây ‘nổi giận’ trước việc Bắc Kinh không lên án chiến dịch quân sự này là “cuộc chiến tranh xâm lược của Nga,” nhưng Trung Quốc vẫn được xem là trung lập trên phạm vi toàn cầu.
Theo bà Nuland, vị thế này hiện đang bị đe dọa. Khi đề cập đến chính quyền cộng sản ở Bắc Kinh, bà nói: