Trung Quốc nới lỏng các hạn chế COVID-19 ở một số thành phố sau các cuộc biểu tình
Một số thành phố của Trung Quốc đã thông báo nới lỏng các hạn chế COVID-19 sau các cuộc biểu tình lan rộng ở quốc gia này. Tuy nhiên, các quan chức Trung Quốc cho biết họ sẽ kiên trì với chính sách zero-COVID năng động của mình và không đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào về thời điểm kết thúc chính sách này.
Tại Quảng Châu, một trung tâm sản xuất nằm gần Hồng Kông, các quan chức y tế địa phương đã thông báo dỡ bỏ lệnh phong tỏa ở một số khu vực của thành phố hôm 30/11 nhưng cho biết các khu vực được coi là “có nguy cơ cao” sẽ vẫn bị phong tỏa. Thành phố này cũng thông báo ngừng yêu cầu xét nghiệm COVID-19 hàng loạt trên khắp các quận.
Trong khi một số người dân địa phương ở Quảng Châu sẽ thấy cuộc sống của mình trở lại trạng thái bình thường một chút, thì những người khác sẽ nhanh chóng nhận ra họ đang phải chịu những hạn chế mới. Chẳng hạn, hôm 30/11, những người dân ở một số khu vực của quận Bạch Vân, Quảng Châu, được thông báo rằng họ không thể rời khỏi nhà, sau khi khu vực này được chỉ định là “rủi ro cao.”
Nhiều người dân địa phương đã bị ngăn không cho rời khỏi nhà của mình kể từ hôm 01/12, sau khi các quan chức y tế ở quận Lệ Loan, thành phố Quảng Châu chỉ định một số khu vực mới trong quận là “nguy cơ cao.”
Ở những nơi khác tại Trịnh Châu — một thành phố có một nhà máy lắp ráp lớn chuyên sản xuất iPhone — các doanh nghiệp bao gồm siêu thị, thư viện, phòng tập thể dục, và nhà hàng được phép hoạt động trở lại bắt đầu từ hôm 30/11, sau khi các quan chức địa phương cho biết các biện pháp chống COVID thông thường vẫn sẽ được áp dụng.
Tại Thượng Hải, hôm 30/11 các quan chức y tế đã thông báo sẽ dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát tại 24 khu vực “có nguy cơ cao” bắt đầu từ ngày 01/12.
Trùng Khánh, một thành phố lớn ở tây nam Trung Quốc và Bắc Kinh cũng đã nới lỏng các hạn chế của họ.
Các cuộc biểu tình
Các cuộc biểu tình đã nổ ra trên khắp Trung Quốc vào cuối tuần từ hôm 26/11 đến 27/11, một phần do sự phẫn nộ trước vụ hỏa hoạn gây tử thương ở khu vực Tân Cương xa xôi ở phía tây của Trung Quốc khiến 10 người thiệt mạng như đã được báo cáo chính thức. Các hạn chế về COVID-19 tại địa phương dường như đã ngăn cản cư dân thoát khỏi đám cháy và làm trì hoãn những người ứng phó đầu tiên tiếp cận hiện trường.
Các cuộc biểu tình nổ ra còn do sự bất mãn của công chúng đối với chính sách zero COVID hà khắc của Trung Quốc, khiến người dân phải xét nghiệm nhiều lần và cách ly tại nhà, cũng như hoạt động kinh doanh ngưng trệ.
Những người biểu tình đã sử dụng các cuộc tập hợp để yêu cầu nhiều hơn là chỉ chấm dứt các lệnh phong tỏa; một số yêu cầu cải tổ chính trị, trong đó kêu gọi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình từ chức và Đảng Cộng sản Trung Quốc giải tán.
Theo thống kê mới đây nhất của ông Nathan Ruser, một nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách Chiến lược Úc, kể từ sau vụ hỏa hoạn gây thương vong, 51 cuộc biểu tình công khai đã nổ ra trên khắp 24 thành phố ở Trung Quốc. Trong số đó, 7 cuộc biểu tình diễn ra vào hôm 29/11.
Vẫn còn phải xem liệu những người biểu tình ở Trung Quốc sẽ chấp nhận quyết định của chính quyền cộng sản này nhằm giảm bớt các hạn chế COVID-19 hay là sẽ tiếp tục xuống đường đưa ra các yêu cầu chính trị.
Nhiều người biểu tình đã bị chính quyền Trung Quốc bắt hoặc giam giữ. Trong một cuộc phỏng vấn với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 30/11, một phụ nữ chứng kiến một cuộc biểu tình ở quận Hải Châu, thành phố Quảng Châu một ngày trước đó cho biết cảnh sát địa phương đã bắt giữ hơn 10 người biểu tình.
Tại cuộc biểu tình ở Hải Châu, chính quyền Trung Quốc đã khai triển cảnh sát chống bạo động mặc đồ bảo hộ trắng để giải tán người biểu tình.
“Lời kêu gọi của họ là chấm dứt tình trạng phong tỏa,” cô ấy cho biết. “Họ không muốn bị nhốt. Họ hô vang các khẩu hiệu kêu gọi chấm dứt phong tỏa.”
Một người đàn ông cố gắng chụp ảnh cuộc biểu tình ở Thượng Hải vào hôm 27/11 nói với The Telegraph rằng cảnh sát đã trói cổ tay và mắt cá chân của ông vào ghế sau khi bị giam giữ.
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times