Trung Quốc đẩy mạnh xuất cảng khiến các nhà phân tích, nhà đầu tư ngoại quốc lo lắng
Trong khi các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cố gắng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua xuất cảng mạnh mẽ, thì các nhà phân tích và nhà đầu tư ngoại quốc lại lo ngại về hậu quả kinh tế do công suất công nghiệp dư thừa của Trung Quốc và nhu cầu nội địa suy yếu mang lại. Họ lập luận rằng các nền tảng kinh tế của Trung Quốc vẫn còn yếu, và trong khi nhiều nhà đầu tư vẫn đứng bên lề và tiếp tục đánh giá thấp Trung Quốc, thì căng thẳng địa chính trị Trung Quốc-Hoa Kỳ đang là rủi ro bên ngoài lớn nhất của Trung Quốc trong một năm bầu cử ở Hoa Kỳ, họ cho biết thêm. Và những khó khăn trên thị trường địa ốc vẫn là những rủi ro lớn trong nước.
Ông Michael Ashley Schulman, giám đốc đầu tư của Running Point Capital có trụ sở tại California, nói với The Epoch Times, “Khi Trung Quốc cố gắng xuất cảng để quay trở lại tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, thì các công ty ngoại quốc đang gặp khó khăn trong việc thu hút sự chú ý ở Trung Quốc do niềm tin của người tiêu dùng sụt giảm khi quốc gia này lao đao với nền kinh tế chậm lại, thị trường địa ốc trì trệ, và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao, tất cả các yếu tố đó đang hạn chế chi tiêu tùy nghi.”
Ông nhấn mạnh rằng suy thoái kinh tế dai dẳng, giảm phát, và nợ xấu gia tăng do tác động của cuộc khủng hoảng nhà ở kéo dài nhiều năm hiện nay đang gây căng thẳng cho các ngân hàng và hệ thống tài chính của Trung Quốc, và những thách thức này phải được giải quyết khẩn cấp.
Hôm thứ Hai (08/04), Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen đã đưa ra cảnh báo nghiêm khắc đối với Trung Quốc, nhắc lại lập trường của Hoa Thịnh Đốn trước viễn cảnh các lĩnh vực mới sụp đổ do xuất cảng của Trung Quốc. Thông điệp này đã được đưa ra khi bà kết thúc bốn ngày thảo luận nhằm khuyến khích Bắc Kinh giải quyết công suất công nghiệp dư thừa của mình.
Trong một cuộc họp báo, bà Yellen nhấn mạnh rằng Tổng thống Joe Biden cam kết tránh lặp lại “cú sốc Trung Quốc” xảy ra vào đầu những năm 2000, khiến khoảng 2 triệu việc làm trong ngành sản xuất của Hoa Kỳ biến mất do sự gia tăng trong khối lượng xuất cảng của Trung Quốc.
Trong chuyến công du tới Trung Quốc của bà, Bộ trưởng Yellen đã nói chuyện tại một sự kiện của Phòng Thương mại Hoa Kỳ và lưu ý về mối liên hệ giữa việc trợ cấp của Bắc Kinh với hoạt động sản xuất và các mục tiêu phát triển trong nước của quốc gia này.
Bà Yellen đã tận dụng chuyến thăm thứ hai tới Trung Quốc trong vòng chín tháng để gióng lên hồi chuông cảnh báo về hoạt động đầu tư quá mức của Trung Quốc, dẫn đến tình trạng dư thừa công suất công nghiệp vượt quá cả nhu cầu trong nước lẫn nhu cầu của thị trường toàn cầu. Bà khẳng định tình trạng này đang gây nguy hiểm cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ và quốc tế.
Bà nêu bật những luận điểm so sánh với những cải tổ dựa trên thị trường của Trung Quốc trong những thập niên qua, giúp thúc đẩy GDP và đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói, đồng thời nói rằng việc khôi phục những cải tổ đó có thể mang lại lợi ích lớn hơn.
Bà Yellen cũng tuyên bố rằng bà sẽ nêu lên những lo ngại của các doanh nghiệp Hoa Kỳ và quốc tế về môi trường kinh doanh ngày càng tệ hại của Trung Quốc, đặc biệt là về cách đối xử không công bằng giữa họ và các công ty đối thủ địa phương.
Theo bà Yellen, công suất sản xuất dư thừa ở Trung Quốc luôn là một vấn đề, nhưng gần đây vấn đề này đã trở nên nghiêm trọng hơn do rủi ro ngày càng tăng trong các ngành công nghiệp mới như xe điện (EV), pin, và các mặt hàng quang năng, việc cắt giảm chi phí để cạnh tranh giữa các nhân viên và doanh nghiệp ở Hoa Kỳ, Mexico, và Ấn Độ.
Hành động mang tính chiến thuật
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã không ngừng nỗ lực khơi dậy động lực tăng trưởng kinh tế kể từ khi nước này mở cửa trở lại vào tháng 11/2022. Từ tháng 07/2023 trở đi, họ đã tăng cường hành động bằng cách thực hiện các biện pháp quan trọng trải khắp chính sách tài khóa và tiền tệ, các thị trường tài sản và vốn, cũng như các chính sách công nghiệp.
Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực này, năng lực sản xuất chưa được tận dụng hết công suất rất lớn của quốc gia này vẫn chưa tìm được đủ nhu cầu trong nước để đáp ứng. Do đó, các nhà hoạch định chính sách đã chuyển trọng tâm sang thúc đẩy xuất cảng như một động lực tăng trưởng kinh tế. Dữ liệu gần đây cho thấy sự gia tăng đáng chú ý trong khối lượng xuất cảng của Trung Quốc, với lượng xuất cảng ra ngoại quốc tăng 7.1% trong giai đoạn từ tháng Một đến tháng Hai so với năm trước, vượt qua dự báo của các nhà kinh tế và cho thấy sự cải thiện đáng kể so với kết quả hoạt động của tháng trước.
Sự gia tăng đột biến này đã dẫn đến thặng dư thương mại kỷ lục 125 tỷ USD, trong khi nhập cảng có tốc độ tăng trưởng 3.5%.
Các nhà hoạch định chính sách hy vọng rằng việc đẩy mạnh bán sản phẩm ra ngoại quốc sẽ dễ dàng giúp họ đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% vào năm 2024.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng việc Trung Quốc dựa vào xuất cảng để tăng trưởng kinh tế có thể sẽ không mang lại sự trợ giúp đáng tin cậy cho tăng trưởng vì hành động này khiến rủi ro địa chính trị tăng cao.
Tuần trước (01-07/04), HSBC Global Research viết trong một báo cáo gửi khách hàng mà The Epoch Times xem được: “Hầu hết các nhà đầu tư toàn cầu vẫn xem căng thẳng địa chính trị Trung Quốc-Hoa Kỳ là yếu tố rủi ro bên ngoài lớn nhất đối với Trung Quốc, đặc biệt là các mức thuế quan thương mại cũng như các hạn chế xuất cảng đối với AI, vi mạch bán dẫn, và công nghệ sinh học.”
Các nhà đầu tư ngoại quốc đặc biệt lo ngại về những tác động tiêu cực tiềm ẩn của cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ đối với thị trường Trung Quốc. Họ cũng lo ngại về cách chính quyền Trung Quốc có thể sẽ trả đũa nếu Hoa Kỳ thực hiện lệnh cấm hoặc bắt buộc bán TikTok cho các nhóm lợi ích của Hoa Kỳ. Ghi chú cho biết thêm, những lo ngại này cũng mở rộng sang nhiều tình huống tiềm năng khác.
Vẫn cần chờ xem
Do đó, “quan điểm hoài nghi” vẫn tồn tại trong các nhà đầu tư toàn cầu, đặc biệt là trong các quỹ đầu tư toàn cầu và quốc tế có trụ sở tại Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, mà phần lớn trong số đó là “đang đứng bên lề và tiếp tục đánh giá thấp về Trung Quốc, chờ đợi thêm bằng chứng rằng các yếu tố căn bản của Trung Quốc đang được cải thiện trong những tháng tới,” ghi chú cho biết.
HSBC cho biết thêm, “Sự yếu kém về địa ốc tiếp tục là tâm điểm thảo luận và là yếu tố gây rủi ro hàng đầu ở trong nước. Hầu hết các nhà đầu tư toàn cầu đều xem kịch bản lĩnh vực địa ốc của Trung Quốc còn khó khăn trong một đến hai năm tới là kịch bản tốt nhất.”
Bất chấp một loạt biện pháp của chính phủ nhằm khôi phục lĩnh vực địa ốc, thị trường địa ốc then chốt của Trung Quốc chỉ đạt được cải thiện hạn chế, ngay cả khi một số lĩnh vực khác của nền kinh tế này dường như đang ổn định lại.
Dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia công bố vào giữa tháng Ba cho thấy doanh số bán địa ốc mới đạt tổng cộng 1.18 ngàn tỷ nhân dân tệ (167 tỷ USD) trong hai tháng đầu năm nay. Con số này thể hiện mức giảm đáng kể 29% so với cùng thời kỳ năm 2023.
Hơn nữa, mức giảm này thể hiện một tốc độ giảm nhanh hơn nhiều so với năm trước, khi doanh số bán địa ốc mới chỉ giảm nhẹ 0.1%.
Theo một ghi chú được công bố tuần trước của ngân hàng đầu tư toàn cầu JPMorgan, những mối lo ngại chính khác của các nhà đầu tư ngoại quốc gồm các vấn đề như sự thiếu minh bạch trong quy định, việc giảm tốc mang tính cấu trúc, chiến lược giải quyết các thách thức dư thừa công suất của Trung Quốc, và nỗ lực khôi phục niềm tin giữa các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước.
Tuy nhiên, ngay cả khi hôm thứ Hai bà Yellen đã cảnh báo rằng Hoa Thịnh Đốn sẽ không chấp nhận tình trạng hàng sản xuất dư thừa của Trung Quốc — trong các ngành công nghiệp mới như xe điện, pin quang năng, và vi mạch bán dẫn — tràn vào thị trường toàn cầu khi nhu cầu sụt giảm ở thị trường nội địa Trung Quốc, thì theo ông Schulman, “Vẫn còn nhiều cơ hội để Trung Quốc và chính phủ Tổng thống Biden tìm được điểm mà hai bên có thể thương lượng.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times