Nợ quá hạn cao kỷ lục cho thấy người Mỹ đang ngày càng không có đủ khả năng thanh toán nợ thẻ tín dụng
Một báo cáo của Fed cảnh báo: ‘Sự suy giảm khả năng thanh toán hơn nữa có thể sắp xảy ra.’
Theo một báo cáo mới từ Hệ thống Dự trữ Liên bang, người Mỹ đang gặp khó khăn trong việc thanh toán dư nợ thẻ tín dụng của họ trong bối cảnh tình trạng nợ thẻ tín dụng quá hạn tăng cao kỷ lục.
Theo dữ liệu quý 4/2023 công bố hôm 10/04 của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Philadelphia, tỷ lệ trương mục thẻ tín dụng có các khoản thanh toán nợ quá hạn đã đạt mức cao nhất trong lịch sử đối với mọi định mức quá hạn — 30, 60, hay 90 ngày.
Căng thẳng của chủ thẻ đã càng thể hiện rõ rệt trong hành vi thanh toán, với tỷ lệ trương mục thực hiện thanh toán tối thiểu (mức trả nợ tối thiểu mà chủ thẻ phải thực hiện hàng tháng để duy trì trạng thái tín dụng tốt với công ty phát hành thẻ tín dụng) tăng 34 điểm cơ bản so với số liệu của quý trước — và cũng đạt mức cao kỷ lục.
Điều này xảy ra cùng lúc với việc số dư thẻ tín dụng danh nghĩa tăng lên mức cao nhất từng được ghi nhận trong cùng thời kỳ, cho thấy người Mỹ đang ngày càng dựa vào thẻ tín dụng để trang trải cho việc tiêu dùng của họ.
Lạm phát cao liên tục — vốn đã tăng trở lại vào tháng Ba — đã ăn mòn ngân sách gia đình, buộc người Mỹ phải chi tiêu nhiều hơn cho những nhu cầu thiết yếu căn bản như hàng bách hóa.
Theo số liệu chính thức của chính phủ Hoa Kỳ, lạm phát giá thực phẩm trong bốn năm qua đã lên tới 24.9%. Tuy nhiên, một phân tích về giỏ hàng hóa thường được mua sắm ở siêu thị của The Wall Street Journal ước tính rằng, thực tế con số này đã lên tới 36.5%.
Mặc dù tỷ lệ lạm phát chung đã giảm so với mức cao nhất gần đây, mức 9% đạt được vào tháng 06/2022, nhưng dữ liệu mới nhất cho thấy áp lực tăng giá vẫn còn cao, gợi ý một mức độ thuyên giảm rất thấp đối với các gia đình đang kiệt quệ vì lạm phát, vốn đang có nguy cơ bỏ lỡ thời hạn thực hiện thanh toán tối thiểu ngày càng tăng.
Lo ngại ngày càng tăng về tình trạng nợ nần, mất việc làm
Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York đã tiến hành một cuộc khảo sát người tiêu dùng Mỹ vào tháng Ba. Kết quả cho thấy, xác suất trung bình về việc không thể chi trả cho mức thanh toán nợ tối thiểu trong ba tháng tới đã tăng thêm 1.5% lên mức 12.9%.
Đây là mức cao nhất kể từ đại dịch COVID-19, với mức tăng lớn nhất nằm trong số những người được hỏi ở độ tuổi 40–60 và trong số những người có thu nhập dưới 50,000 USD một năm.
Đồng thời, người tiêu dùng ngày càng bi quan hơn về khả năng tiếp cận tín dụng trong tương lai, với một tỷ lệ lớn hơn những người được hỏi cho rằng các điều kiện cho vay sẽ chặt chẽ hơn trong vòng một năm tới.
Xu hướng này là phù hợp với báo cáo thẻ tín dụng của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Philadelphia, vốn lưu ý rằng điểm tín dụng hiện tại của chủ thẻ ở nhóm phần trăm thứ 10 và 25 (10th and 25th percentiles, tức các chủ thẻ có số điểm tín dụng thấp nhất chiếm 10% và 25% số chủ thẻ) đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2020, cho thấy “sự suy giảm khả năng thanh toán hơn nữa có thể sắp xảy ra.”
Người Mỹ cũng ngày càng lo sợ hơn về công việc của mình. Cuộc khảo sát của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York cho thấy xác suất mất việc trung bình của một người trong năm tới đã tăng lên 15.7%, mức cao nhất kể từ năm 2020.
Trong khi đó, xác suất tìm được việc làm nếu công việc hiện tại của một người bị mất đã giảm trong tháng thứ ba liên tiếp, xuống còn 51.2%, mức thấp nhất trong gần ba năm.
Xác suất tìm được việc làm này khớp với dữ liệu thị trường lao động gần đây. Theo báo cáo từ công ty chuyển đổi nghề nghiệp Challenger, Grey & Christmas, số lượng thông báo cắt giảm việc làm trong quý đầu tiên của năm nay đã tăng 120% so với quý cuối cùng của năm 2023.
Dữ liệu lạm phát gần đây cho thấy áp lực giá vẫn ở mức cao, lạm phát vẫn ở mức cao. Chỉ số Giá Tiêu dùng (CPI), thước đo phổ biến về lạm phát bán lẻ, đã tăng lên 3.5% trong tháng Hai, tăng từ mức 3.2% của tháng trước.
Theo báo cáo của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, có những kỳ vọng trái chiều về lạm phát trong tương lai. Kỳ vọng lạm phát trong một năm tới không thay đổi ở mức 3%, trong khi kỳ vọng lạm phát trong ba năm tới tăng từ 2.7% lên 2.9%.
‘Áp lực lạm phát dai dẳng’
Mới đây, Giám đốc điều hành JPMorgan Jamie Dimon đã cảnh báo rằng áp lực lạm phát vẫn ở mức cao và có thể sẽ kéo dài hơn so với kỳ vọng của nhiều người, gây ra những hậu quả tiêu cực cho nền kinh tế Hoa Kỳ.
Trong thư gửi cổ đông ngày 08/04, ông Dimon viết rằng các lực lượng của quá trình phi toàn cầu hóa và mức chi tiêu thâm hụt liên tục của chính phủ Tổng thống Biden là một vài trong số những yếu tố khiến ông lo ngại về tương lai.
“Chúng ta có thể đang bước vào một trong những kỷ nguyên địa chính trị nguy hiểm nhất kể từ Đệ nhị Thế chiến,” ông Dimon viết, đồng thời cảnh báo rằng tác động của các lực lượng kinh tế và địa chính trị lớn — từ các mức nợ cao và chính sách kích thích tài khóa, đến các cuộc chiến tranh ở Ukraine và Trung Đông — có thể mang tới những bất ngờ tiêu cực cho thị trường.
Ông Dimon viết: “Dường như có rất nhiều áp lực lạm phát dai dẳng, tình trạng có thể sẽ tiếp tục diễn ra.”
Ông cảnh báo rằng các doanh nghiệp nên lập kế hoạch cho một phạm vi lãi suất “rất rộng,” từ 2% đến cao tới 8% hoặc thậm chí cao hơn.
Hệ thống Dự trữ Liên bang đã tăng lãi suất lên khoảng 5.25–5.5%, và thị trường dự đoán sẽ có các đợt cắt giảm trong năm nay, thay vì tăng thêm.
Ông Dimon cảnh báo, các nhà đầu tư cũng nên dự phòng cho một kịch bản hạ cánh mềm — cũng như tình huống lạm phát vẫn ở mức cao nhưng suy thoái kinh tế xảy ra, gọi là “lạm phát đình trệ.”
Ông lưu ý: “Về mặt kinh tế, trường hợp xấu nhất sẽ là lạm phát đình trệ, không chỉ đi kèm với lãi suất cao hơn mà còn dẫn đến tổn thất tín dụng cao hơn, khối lượng kinh doanh thấp hơn, và thị trường khó khăn hơn.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times