Trung Quốc cắt đứt liên lạc quân sự và các liên kết về khí hậu với Hoa Kỳ
Hôm thứ Sáu (05/08), chế độ cộng sản cầm quyền của Trung Quốc đã thông báo rằng họ sẽ hủy bỏ hoặc đình chỉ đối thoại về một số vấn đề với Hoa Kỳ, từ liên lạc quân sự đến các sáng kiến về biến đổi khí hậu.
Một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nói rằng chế độ này sẽ hủy bỏ mọi liên lạc trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo mặt trận quân đội, các phiên họp làm việc giữa các bộ quốc phòng, và đối thoại an ninh hàng hải với Hoa Kỳ.
Ngoài ra, ĐCSTQ sẽ đình chỉ mọi hợp tác với Hoa Kỳ liên quan đến việc cho người nhập cư bất hợp pháp hồi hương, hỗ trợ tư pháp hình sự, các cuộc đàm phán về khí hậu, tội phạm xuyên quốc gia, và các chương trình chống ma túy.
Thông báo này nằm trong một loạt các biện pháp trả đũa của Trung Quốc với Hoa Kỳ và các đối tác của nước này sau khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan hồi đầu tuần này.
Hơn nữa, việc hủy bỏ liên lạc giữa các chỉ huy quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có thể được cộng đồng quốc tế xem là một bước leo thang lớn, vì liên lạc như vậy thường là một công cụ quan trọng giúp các quân đội tránh việc thông tin sai hoặc các rủi ro có hại.
Tuyên bố của ĐCSTQ theo sau một loạt các luận điệu kích động và các hành động thù địch của Bắc Kinh trong tuần này.
Hôm thứ Năm (04/08), ĐCSTQ đã phóng 11 hỏa tiễn đạn đạo vào vùng biển xung quanh Đài Loan. Một số hỏa tiễn đã bay ngang qua hòn đảo này và đáp xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Có vẻ như nhà cầm quyền này cũng đã phát động một loạt các cuộc tấn công mạng liên tục vào cơ sở hạ tầng của Đài Loan, đồng thời thi hành lệnh cấm nhập cảng đối với hơn 2,000 mặt hàng của hòn đảo này. Việc quân đội Trung Quốc bao vây Đài Loan cũng đã tạo thành một kiểu phong tỏa, buộc giao thông đường biển và hàng không quốc tế phải lùi lại khi nước này cố bao quanh những khu vực nguy hiểm nhất.
Các diễn đàn quốc tế, trong đó có G7 và ASEAN, đã kêu gọi ĐCSTQ chấm dứt các hành động khiêu khích để tìm kiếm giải pháp hòa bình cho những căng thẳng đang diễn ra.
Trong khi đó, Tòa Bạch Ốc đã triệu tập đại sứ Trung Quốc để khiển trách về những leo thang chưa từng có này.
Lãnh đạo Hoa Kỳ nói rằng họ sẽ không nhượng bộ trước hành vi thất thường và nguy hiểm của Trung Quốc, và bất chấp ĐCSTQ đe dọa sự ổn định của khu vực, họ sẽ thi hành đến cùng các biện pháp giảm leo thang bao gồm hoãn một trong các vụ thử hỏa tiễn của chính họ.
Điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby cho biết trong một cuộc họp báo hôm 04/08: “Khi Trung Quốc tham gia vào các cuộc tập trận gây bất ổn xung quanh Đài Loan, Hoa Kỳ đang thể hiện hành vi của một cường quốc hạt nhân có trách nhiệm bằng cách giảm thiểu rủi ro tính toán sai lầm và ngộ nhận.”
“Đây là cách chúng tôi sẽ bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của Hoa Kỳ và các giá trị của chúng tôi.”
ĐCSTQ duy trì cái gọi là nguyên tắc Một Trung Quốc, tuyên bố rằng Đài Loan là một tỉnh ly khai cần phải thống nhất với đại lục. Chính quyền này không loại trừ việc sử dụng vũ lực để đạt được mục tiêu này. Tuy nhiên, Đài Loan đã tự quản từ năm 1949 và chưa bao giờ bị ĐCSTQ kiểm soát. Thêm vào đó, Đài Loan giữ vững một chính phủ dân chủ và nền kinh tế thị trường thịnh vượng.
Các mối quan hệ của Hoa Kỳ với Đài Loan và Trung Quốc được kiểm soát bởi một loạt các hiệp ước và điện tín ngoại giao kéo dài từ những năm 1970. Đáng chú ý, Hoa Kỳ tôn trọng chính sách Một Trung Quốc, đưa ra sự công nhận nhưng không tán thành nguyên tắc Một Trung Quốc của ĐCSTQ. Chính sách này cũng quy định các liên kết không chính thức trên nhiều lĩnh vực với Đài Loan. Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979 quy định thêm rằng Hoa Kỳ sẽ cung cấp vũ khí cần thiết cho Đài Loan để tự vệ.
Tâm điểm của những căng thẳng đang diễn ra giữa ĐCSTQ và Hoa Kỳ là thỏa thuận lâu đời của hai nước rằng không bên nào dùng vũ lực hoặc cưỡng bức để cố gắng đơn phương thay đổi hiện trạng này.
Nhà cầm quyền ĐCSTQ khẳng định rằng chuyến thăm của bà Pelosi là nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng đó. Các quan chức Hoa Kỳ cũng nói rằng ĐCSTQ đơn phương thay đổi hiện trạng khi gia tăng gây hấn về quân sự và kinh tế trong khu vực, đồng thời cáo buộc ĐCSTQ đang tạo ra một cuộc khủng hoảng để biện minh cho việc khai triển quân sự xung quanh Đài Loan.
Ông Kirby nói: “Các hành động khiêu khích của Bắc Kinh là một bước leo thang đáng kể trong nỗ lực lâu dài của họ nhằm thay đổi hiện trạng.”
“Chúng tôi sẽ không chấp nhận một hiện trạng mới. Và không chỉ Hoa Kỳ, mà cả thế giới cũng vậy.”
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.