Bà Pelosi: Mỹ ‘sẽ không cho phép Trung Quốc cô lập Đài Loan’, nhưng chuyến đi không phải ‘để thay đổi hiện trạng’
Hôm thứ Sáu (05/08), trong chuyến công du Á Châu khiến cho Trung Quốc thịnh nộ, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) nói rằng Mỹ sẽ “không cho phép” Trung Quốc cô lập Đài Loan.
Bà Pelosi đã đưa ra bình luận này khi đang ở Tokyo, Nhật Bản, trong chặng cuối của chuyến công du Á Châu kể trên sau khi thành viên Đảng Dân Chủ này cùng năm thành viên khác của Quốc hội đến thủ đô của Nhật Bản vào cuối hôm thứ Năm (04/08). Trước đó, phái đoàn đã đến thăm Singapore, Malaysia, Đài Loan, và Nam Hàn.
AFP dẫn lời bà Pelosi cho biết: “Họ có thể sẽ cố gắng ngăn cản Đài Loan đến thăm hoặc tham gia vào những nơi khác, nhưng họ sẽ không cô lập được Đài Loan bằng cách ngăn cản chúng tôi đến đó… Chúng tôi sẽ không cho phép họ cô lập Đài Loan.”
Bà Pelosi nhấn mạnh rằng chuyến thăm Á Châu “không phải là để thay đổi hiện trạng” trong khu vực.
“Chuyến đi này là về Đạo luật Quan hệ Đài Loan, chính sách Mỹ-Trung, tất cả các luật lệ và thỏa thuận đã thiết lập mối bang giao của chúng ta — để giữ hòa bình ở Eo biển Đài Loan và ưu tiên hiện trạng,” bà nói. “Đây không phải là về tôi, mà là về họ.”
Bà Pelosi còn gọi hòn đảo tự trị này là “một trong những quốc gia tự do nhất trên thế giới” và “một nền dân chủ tuyệt vời với một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ.”
Khi được hỏi bà cảm thấy chuyến đi của mình tới Á Châu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mối bang giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, bà Pelosi nói rằng mặc dù việc duy trì trao đổi giữa hai quốc gia là rất quan trọng, nhưng “nếu chúng ta không lên tiếng bảo vệ nhân quyền ở Trung Quốc chỉ vì lợi ích thương mại, thì chúng ta mất đi tất cả uy tín về mặt đạo đức để lên tiếng về nhân quyền ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.”
Các vấn đề về nhân quyền
Nhà lập pháp này lưu ý rằng mặc dù Trung Quốc đã đạt được tiến bộ trong một số lĩnh vực, nhưng quốc gia này vẫn là một quốc gia của “những mâu thuẫn”. Bà còn chỉ ra các vấn đề về nhân quyền, chẳng hạn như những báo cáo về các vụ diệt chủng hàng loạt.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bị cáo buộc phạm tội diệt chủng và tội ác phản nhân loại, nổi trội là đối với người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi và đối với các nhóm thiểu số khác như các học viên của Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp.
“Một lần nữa, đây không phải là về việc chuyến thăm của chúng tôi quyết định mối bang giao Mỹ-Trung như thế nào. Đây là một thách thức lớn hơn và lâu dài hơn nhiều, và là một thách thức mà chúng ta phải nhận ra rằng chúng ta phải làm việc cùng nhau trong một số lĩnh vực nhất định,” bà Pelosi nói.
Chính quyền Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ và phản đối mạnh mẽ chuyến thăm của bà Pelosi cũng như việc các chính phủ hoặc tổ chức quốc tế khác thiết lập quan hệ với các quan chức Đài Loan.
Bình luận của bà Pelosi được đưa ra chỉ một ngày sau khi Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự gần Đài Loan; bắn một loạt hỏa tiễn đạn đạo Đông Phong vào vùng biển gần Đài Loan hôm thứ Năm (04/08), với năm hỏa tiễn được cho là đã rơi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản.
Các vụ phóng hỏa tiễn, được cho là để trả đũa chuyến thăm của bà Pelosi tới hòn đảo tự trị này, đã được Bộ Quốc phòng Đài Loan ghi nhận và khiến cơ quan này phải kích hoạt hệ thống phòng thủ và tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Hôm thứ Sáu (05/08), Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida gọi các vụ phóng hỏa tiễn của Trung Quốc là một “vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của chúng tôi và sự an toàn của công dân của chúng tôi.” Ông còn nói với các phóng viên rằng các hành động gần đây của Bắc Kinh cũng “có tác động nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định của khu vực chúng tôi và cộng đồng quốc tế.”
Trong khi đó, cộng đồng quốc tế đã lên án hành vi khiêu khích của quân đội Trung Quốc trong khu vực sau chuyến thăm của bà Pelosi.
Cô Katabella Roberts là một phóng viên hiện đang sống và làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cô đưa tin tức nói chung và tin kinh doanh cho The Epoch Times, tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ.