Trung Quốc: Cả bác sĩ và bệnh nhân đều đang rất cần thuốc điều trị COVID
Kể từ tháng 12/2022, dịch COVID đã lây lan khắp Trung Quốc, các bác sĩ và bệnh nhân của nước này đang rất cần thuốc điều trị COVID, một loại thuốc đang bị thiếu hụt nguồn cung cấp.
Chính quyền cộng sản Trung Quốc đã dỡ bỏ các biện pháp chống COVID đặc trưng của mình hồi đầu tháng 12/2022. Đây là một hành động mà người dân Trung Quốc đã chờ đợi từ lâu, nhưng được thực hiện không đúng thời điểm cũng như không có sự chuẩn bị thích hợp về nguồn cung cấp y tế.
Trong một buổi đào tạo hôm 05/01, ông Trương Văn Hoành (Zhang Wenhong), một chuyên gia nổi tiếng về bệnh truyền nhiễm ở Thượng Hải, cho biết: “Nếu như các biện pháp điều trị của mọi người mà không nhắm thẳng đến virus [COVID-19] hay bệnh viêm phổi, vậy thì đều xem như là xôi hỏng bỏng không.” Ông nói thêm rằng các loại thuốc hạ sốt, thuốc kháng sinh, thuốc ho, và cả thuốc đông y đều là những loại thuốc hiện đang được các bác sĩ dùng để chữa bệnh cho bệnh nhân COVID, đó là toàn bộ những gì mà họ có.
“Bản thân tôi cũng không thể tìm thấy bất kỳ loại thuốc kháng virus nào,” ông Trương nói tại buổi đào tạo.
Các bác sĩ Trung Quốc đổ lỗi cho chính quyền vì đã kiểm soát chặt chẽ thuốc kháng virus, dẫn đến việc bệnh nhân phải mua các loại thuốc trị COVID như Paxlovid với giá tăng chóng mặt.
Thuốc trị COVID rất khan hiếm
Theo các bác sĩ trả lời phỏng vấn với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times, các loại thuốc kháng virus, đặc biệt là các loại thuốc ngoại nhập hiệu quả như Paxlovid, rất khan hiếm ở các bệnh viện Trung Quốc và chỉ được kê đơn cho một số ít bệnh nhân COVID.
Cô Tân Hàm (bí danh), một bác sĩ tại một bệnh viện ở An Sơn, tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc, nói với The Epoch Times hôm 08/01 rằng bệnh viện mà cô làm việc gần đây đã nhận được thuốc Paxlovid, nhưng loại thuốc này được dành riêng để điều trị cho các quan chức cao cấp của ĐCSTQ.
Bác sĩ Tân cho hay, “Chỉ có giám đốc bệnh viện mới có quyền chấp thuận việc sử dụng thuốc Paxlovid, còn các bác sĩ như chúng tôi thậm chí còn không được nhìn thấy thuốc đó. Bệnh viện của chúng tôi có một khoa chuyên dành cho các quan chức cao cấp, và cũng chỉ có khoa này mới được sử dụng các loại thuốc COVID nhập cảng.”
Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mới đây tại Trung Quốc, Tập đoàn Meheco Trung Quốc cho biết trong một hồ sơ gửi lên sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải rằng họ đã ký một thỏa thuận với hãng dược phẩm Pfizer hôm 14/12/2022 để nhập cảng và phân phối dòng thuốc Paxlovid của nhà sản xuất dược phẩm Hoa Kỳ này tại Trung Quốc.
Tại Bắc Kinh, thuốc Paxlovid hiện không có sẵn trong nhà thuốc cấp cứu của Bệnh viện Số 1 Đại học Bắc Kinh. Một nhân viên tại nhà thuốc này nói với The Epoch Times rằng chỉ trong trường hợp có sự chấp thuận của bác sĩ điều trị là bệnh nhân được sử dụng thuốc dạng viên này của Mỹ, thì bệnh viện mới tìm cách mua thuốc Paxlovid từ các nguồn bên ngoài.
Nhân viên này đã không cung cấp danh tính trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại hôm 08/01.
Tại tỉnh Giang Tây ở phía đông Trung Quốc, Kho thuốc tại Bệnh viện Nhân dân số 1 Thành phố Cửu Giang cũng không có sẵn thuốc Paxlovid.
Vị bác sĩ trả lời điện thoại nói với The Epoch Times hôm 08/01 rằng bệnh viện của ông không có thuốc Paxlovid hoặc Immunoglobulin tiêm tĩnh mạch (IGIV), vốn được xem là các liệu pháp hiệu quả để điều trị cho bệnh nhân COVID.
Vị bác sĩ muốn ẩn danh này không hiểu tại sao Trung Quốc lại xảy ra tình trạng thiếu hụt thuốc men như vậy.
Ông hỏi phóng viên của chúng tôi qua điện thoại rằng, “Các bệnh viện không có quyền tiếp cận các loại thuốc cần thiết để điều trị COVID. Chỗ thuốc này đã đi đâu? Ở nước ta có nhiều nhà sản xuất dược phẩm lắm, nhưng tại sao họ vẫn không sản xuất đủ thuốc?”
Các bệnh viện mà ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times đã liên lạc đều là bệnh viện cấp ba, được chính quyền Trung Quốc phân bổ nhiều nguồn lực y tế nhất. Việc họ thiếu thuốc đặc trị COVID cho thấy mức độ nghiêm trọng của việc thiếu hụt các loại thuốc thích hợp để điều trị cho những bệnh nhân COVID.
Giá các loại thuốc điều trị bệnh COVID tăng cao
Cô Từ (bí danh), một cư dân ở thành phố Tảo Trang tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc, nói rằng cô đã trả hơn 20,000 nhân dân tệ (hơn 3,000 USD) cho tám liều chích IVIG cho mẹ mình.
Khi nói chuyện với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 07/01, cô Từ nói rằng cô không thể mua được các liều thuốc này ở bệnh viện và cô đã xoay sở mua thông qua một người bạn.
“Chúng tôi được biết rằng liệu pháp này có thể giúp cải thiện hệ miễn dịch. Mẹ tôi đã được chích hai liều globulin miễn dịch khởi đầu hôm 06/01, và thêm hai liều nữa vào hôm nay, và bà đã hết sốt,” cô Từ nói, đồng thời cho biết thêm rằng những liều thuốc đó đã cứu được mạng sống của mẹ cô. Tuy nhiên, cô nói rằng bà vẫn còn rất yếu.
Ở trung tâm tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, anh Liêu (bí danh), một cư dân sống ở Tương Dương, đang tìm mua các loại thuốc COVID cho bà của mình.
“Bà tôi bị nhiễm COVID vào cuối tháng Mười Hai, và được chuyển đến ICU của Bệnh viện Trung ương Tương Dương hôm 06/01,” anh Liêu nói.
Phổi của bà anh đã chuyển sang màu trắng, và các bác sĩ điều trị cho bà bảo anh tìm mua liệu trình IVIG năm ngày cho bà vì bệnh viện này không có loại thuốc đó.
Hội chứng phổi trắng đề cập đến việc các phế nang trong phổi chứa đầy các tế bào tiết dịch hoặc bị viêm khiến cho các tia chụp CT hoặc X-quang không thể xuyên qua được, do đó trên phim chụp sẽ hiển thị dưới dạng các vùng màu trắng.
Anh Liêu cho biết giá một liều truyền tĩnh mạch này trên thị trường chợ đen là 3,000 nhân dân tệ (442 USD). Vị chi anh sẽ phải trả 30,000 nhân dân tệ (4,420 USD) cho 10 liều thuốc sẽ được chích cho bà của anh trong năm ngày. Anh Liêu cho biết anh bắt đầu tìm kiếm những liều thuốc đang rao bán trên thị trường chợ đen ở Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, vì ở chỗ anh không có loại thuốc này.
Cơn sốt mua thuốc COVID và thuốc sốt ở ngoại quốc
Hoa kiều đang đổ xô đến các hiệu thuốc nơi họ sinh sống để mua thuốc giảm đau, hạ sốt, hạ sốt và vitamin gửi về cho thân nhân của họ ở Trung Quốc.
Các hiệu thuốc ở Ma Cao, Hồng Kông, Úc, Nhật Bản, và Hoa Kỳ được cho là đang thiếu các loại thuốc này và một số nơi đã bắt đầu giới hạn việc mua hàng.
Bản tin có sự đóng góp của Triệu Phượng Hoa và Hồng Ninh
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times