Trung Quốc: Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương vắng bóng lâu ngày làm dấy lên nhiều đồn đoán
Đã hơn ba tuần nay công chúng không thấy Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương xuất hiện. Sự việc này đã thu hút sự chú ý của truyền thông và làm dấy lên nhiều đồn đoán.
Lần xuất hiện trước công chúng gần đây nhất của ông Tần là vào ngày 25/06 tại Bắc Kinh, khi ông gặp gỡ các bộ trưởng ngoại giao đến từ Sri Lanka, Việt Nam, và Nga.
Kể từ đó, ông Tần, 57 tuổi, đã vắng mặt trong hàng loạt hoạt động ngoại giao quan trọng.
Buổi tiệc trưa họp bàn công việc của ông với đại sứ đến từ các quốc gia EU tại Trung Quốc hồi cuối tháng Sáu tạm thời bị hủy bỏ; sau đó, chuyến thăm Trung Quốc được ấn định từ ngày 07 đến ngày 10/07 của ông Josep Borrell, Đại diện Cao cấp của EU về Chính sách An ninh và Ngoại giao, đã đột ngột bị hoãn lại không lâu trước khi chính trị gia Tây Ban Nha này khởi hành.
Ông Tần cũng vắng mặt trong hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và cuộc gặp giữa Thủ tướng Lý Cường và Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Yellen.
Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và Diễn đàn Khu vực ASEAN được tổ chức hôm 14/07, cũng như hội nghị các bộ trưởng ngoại giao ASEAN và Trung Quốc được ấn định sẽ nhóm họp vào ngày 13/07. Hôm 11/07, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo rằng ông Tần không thể tham dự cuộc họp của các Ngoại trưởng ASEAN vì các lý do sức khỏe, và ông Vương Nghị, Giám đốc Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại giao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cầm quyền, đã đến dự thay.
Không có bất kỳ thông tin nào mới về sự vắng mặt bất thường trong nhiều ngày của ông Tần, điều này đã làm dấy lên những đồn đoán sôi nổi ở Trung Quốc và thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế.
‘Nhiễm COVID-19’
Hôm 10/07, Tinh Đảo Nhật Báo (Sing Tao Daily), một tờ báo thân Trung Quốc có trụ sở tại Hồng Kông, đưa tin rằng việc ông Tần không xuất hiện trước công chúng là do ông bị nhiễm COVID-19 và đang nghỉ nửa tháng để an dưỡng, và người ta tin rằng ông sẽ sớm xuất hiện trở lại trước công chúng.
Các trường hợp nhiễm COVID-19 ở Hoa lục đang có xu hướng tăng vọt trở lại trong nhiều tháng nay. Rất khó có được dữ liệu thực tế về các ca nhiễm bệnh, vì ĐCSTQ vẫn đang che giấu quy mô thực sự của đợt bùng phát COVID-19 ở nước này kể từ năm 2020.
Tin đồn ngoại tình
Mạng xã hội Trung Quốc và hải ngoại tràn ngập các bài đăng với lời đồn cho rằng nguyên nhân ông Tần không xuất hiện là do vụ ngoại tình của ông với bà với bà Phó Hiểu Điền (Fu Xiaotian) đã bị phanh phui. Bà Phó từng là người dẫn chương trình truyền hình của Phoenix TV, một cơ quan truyền thông của ĐCSTQ ghi danh tại Hồng Kông.
Nhiều bài đăng cho rằng bà Phó bị tình nghi là gián điệp hai mang, có liên hệ mật thiết với một số quan chức cao cấp của ĐCSTQ và gần đây đã sinh con ngoài giá thú.
Những bài đăng trên mạng xã hội của bà Phó về em bé mới chào đời của bà, mang họ Tần, và dinh thự sang trọng của bà ở Los Angeles đã được nhiều cư dân mạng chia sẻ lại.
Tại một cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 17/07, một phóng viên ngoại quốc đã hỏi về thông tin rằng ông Tần đã biến mất và tin đồn rằng ông đang bị điều tra vì có quan hệ ngoài hôn nhân với bà Phó.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mao Ninh trả lời: “Tôi không biết về tình huống mà anh đề cập.”
Khi một phóng viên khác hỏi khi nào ông Tần sẽ trở lại làm việc, bà Mao nói rằng bà không có thông tin gì để cung cấp.
Tranh đấu chính trị
Hôm 17/07, ông Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing), một học giả ngành luật tại Úc, nói với The Epoch Times rằng việc ông Tần ngoại tình với bà Phó có thể là sự thật, nhưng đây không phải là vấn đề chính khiến ông ấy mất tích.
“Nếu ông Tần Cương không vướng phải bê bối chính trị, thì [vụ ngoại tình đó] sẽ không phải là vấn đề nghiêm trọng vì nhiều quan chức cao cấp của ĐCSTQ cũng có những bê bối đó.”
“Nhưng nếu ông Tần Cương gặp rắc rối chính trị, tức là nếu ông có liên hệ với các quan chức quân đội cao cấp vừa bị cách chức, thì ông Tập Cận Bình sẽ không dung thứ. Thế thì vụ ngoại tình đó sẽ được sử dụng như một trong những bằng chứng chống lại ông ta.”
Nhiều bài đăng trên mạng xã hội cũng cho rằng sự vắng mặt của ông Tần có liên quan đến việc các quan chức cao cấp của Lực lượng Hỏa tiễn PLA bị hạ bệ. Người ta nói rằng hồi đó khi ông Tần giữ chức đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, ông đã không ngăn được người con trai đang du học Hoa Kỳ của chỉ huy Lực lượng Hỏa tiễn Lý Ngọc Siêu (Li Yuchao) tiết lộ các bí mật nhà nước. Hai cha con ông Lý bị tình nghi bán thông tin tình báo quân đội của ĐCSTQ.
Ông Diêu Thành (Yao Cheng), cựu trung tá của Bộ Tư lệnh Hải quân PLA, cho biết trong một bài đăng trên Twitter hôm 28/06 rằng vào ngày 26/06, ngày mà ông Tần biến mất, cũng là ngày lực lượng an ninh quốc gia đến văn phòng trụ sở của Lực lượng Hỏa tiễn để bắt chỉ huy Lý Ngọc Siêu đi điều tra.
Trong khi đó, ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times đưa tin rằng một số quan chức cao cấp khác của Lực lượng Hỏa tiễn PLA cũng bị bắt vào ngày hôm đó.
Ông Viên cho biết, ông đã hay tin về sự biến mất của ông Tần qua những người mà ông quen biết.
Ông nói: “Chủ yếu là do ông Tần Cương và ông Vương Nghị không hòa hợp, đối chọi lẫn nhau, và tranh giành quyền lực.”
Hồi cuối tháng 12/2022, ông Tần, từng là đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, được thăng chức bộ trưởng ngoại giao để thay thế ông Vương. Hôm 12/03, ông Tần được bổ nhiệm làm Ủy viên Quốc Vụ viện. Ở tuổi 57, ông trở thành “phó lãnh đạo nhà nước” trẻ tuổi nhất của ĐCSTQ.
Ông Viên cho biết ông Vương là người rất độc đoán còn ông Tần thì rất hiếu thắng nên cả hai không thể nào hòa hợp.
“Lần này nếu ông Tần gặp chuyện,” ông Viên nói, “thì đồng nghĩa là có rắc rối lớn trong hoạt động của toàn bộ hệ thống ngoại giao của ĐCSTQ.”
“Tuy nhiên, các nguyên tắc và phong cách ngoại giao chiến lang của ĐCSTQ là do ông Tập Cận Bình đề ra, vì vậy cuộc tranh quyền giữa ông Tần Cương và ông Vương Nghị sẽ không kéo theo sự thay đổi cục diện trong chính sách ngoại giao của ĐCSTQ.
Bản tin có sự đóng góp của Phương Hiểu và Lạc Á
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times