Trung Quốc: 9 quyết sách sai lầm của ông Tập Cận Bình trong 11 năm cầm quyền
Hiện tại, điều mà ông Tập Cận Bình lo lắng nhất là gì? Đó chính là an ninh chính trị. Cụ thể hơn, đó là an toàn cho cuộc sống của gia đình ông.
Vì lý do này, nên dù là đi thị sát trong nước hay công du ngoại quốc, ông Tập luôn cảm thấy như đang đối mặt với nguy hiểm. Đặc biệt là năm 2023, mối lo ngại về an ninh của ông Tập Cận Bình đã lên đến mức chưa từng có, dường như khắp nơi đều có sát thủ, không nơi nào là an toàn.
Tại sao lại như vậy?
Trong 11 năm kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, đặc biệt là kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai, ông Tập đã mắc ít nhất 9 sai lầm lớn trong quyết sách đối nội và đối ngoại. Những sai lầm này liên tục tích lũy, khiến ngày nay ông Tập cảm thấy vô cùng bất an.
Thứ nhất, chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” là “cầm tặc bất cầm vương” (dẹp giặc nhưng không bắt chúa giặc)
Sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, ông đã nhanh chóng đưa ra quyết sách chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi.”
Bắt đầu từ Phiên họp toàn thể lần thứ 2 của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương lần thứ 18 hồi tháng 01/2013, với sự ủng hộ hoàn toàn của ông Vương Kỳ Sơn, lúc đó là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, ông Tập Cận Bình đã bắt giữ một nhóm quan chức cao cấp của ĐCSTQ do ông Giang Trạch Dân và ông Tăng Khánh Hồng đề bạt và trọng dụng.
Trong số đó có ông Chu Vĩnh Khang, nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ, Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương; ông Từ Tài Hậu, ông Quách Bá Hùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương; ông Bạc Hy Lai, ông Tôn Chính Tài, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh; ông Lệnh Kế Hoa, Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương ĐCSTQ, v.v.
Ngoài ra còn có một số Bộ trưởng, Thứ trưởng các cơ quan trung ương, Phó Chủ tịch Tòa án tối cao, Bí thư, Phó bí thư tỉnh ủy, Tỉnh trưởng, Phó tỉnh trưởng, Giám đốc, Chủ tịch Hội nghị hiệp thương chính trị tỉnh, Phó Chủ tịch, Bí thư, Phó Bí thư Ủy ban Chính trị – Pháp luật tỉnh, Giám đốc, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch các doanh nghiệp nhà nước… Họ đều là những nhân vật từng được ông Giang Trạch Dân và ông Tăng Khánh Hồng đề bạt và trọng dụng.
Bảng thành tích nỗ lực chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình đã chứng minh đầy đủ rằng: ông Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ, và ông Tăng Khánh Hồng, cựu ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ và phó chủ tịch nước, đứng đằng sau những nhân vật tham nhũng nghiêm trọng nhất ở cấp cao nhất trong đảng.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên nhậm chức, ông Tập Cận Bình có nhiều lời lẽ gay gắt về chiến dịch chống tham nhũng như “Không có mức trần,” “Không ai có thể may mắn và mong đợi những ân huệ ngoài vòng pháp luật,” …
Tuy nhiên, chiến dịch ”đả hổ diệt ruồi” của ông Tập Cận Bình đã đạt đến đỉnh điểm khi chạm đến ông Chu Vĩnh Khang. Ông Tập vẫn chỉ mới “cầm tặc bất cầm vương” (dẹp giặc nhưng không bắt chúa giặc) vì chưa bắt được ông Giang Trạch Dân và ông Tăng Khánh Hồng.
“Dẹp giặc nhưng không bắt chúa giặc” nhất định sẽ dẫn đến tai họa. Nhiều rắc rối lớn trong nhiệm kỳ thứ hai và thứ ba của ông Tập đều bắt nguồn từ điều này.
Thứ hai, nhận thức “không thể để mất một tấc lãnh thổ mà tổ tiên để lại,” nhưng không nghiêm trị quân bán nước
Ngày 27/06/2018, khi ông Tập Cận Bình diện kiến Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mattis tại Bắc Kinh, ông Tập nói: “Lãnh thổ mà tổ tiên chúng ta để lại, một tấc cũng không thể mất.”
Ngày 09/12/1999, ông Giang Trạch Dân và Tổng thống Nga Yeltsin ký “Nghị định thư về tường thuật các phần phía Đông và phía Tây của Đường biên giới Trung-Nga.” Theo nghị định thư này, Trung Quốc trao cho Nga hơn một triệu km² lãnh thổ ở phía đông bắc Trung Quốc do Sa hoàng chiếm đóng. Ngoài ra, khu vực Tannu Uriankhai vốn bị Sa hoàng và sau này là Liên Xô chiếm đóng cũng được trao cho Nga.
Năm 2002, ông Giang Trạch Dân quyết định “chia đại khái” đảo Heixiazi (Hắc Tử Hạt) của Trung Quốc cho Nga. Kết quả là gần một nửa (164km²) của 335 km² diện tích đảo Heixiazi đã được ông Giang trao cho Nga.
Đây là một trong các sự kiện cho thấy ông Giang Trạch Dân là quân bán nước lớn nhất thời Trung Quốc đương đại.
Ông Tập tuyên bố “lãnh thổ mà tổ tiên chúng ta để lại, một tấc cũng không thể mất,”
nhưng ông không nghiêm trị Giang Trạch Dân, người đã để mất lãnh thổ Trung Quốc.
Thứ ba, nhận thức “có hàng ngàn lý do để cải thiện bang giao Trung Quốc-Hoa Kỳ,” nhưng sau đó lại xem Hoa Kỳ là “kẻ thù số một”
Ngày 07/04/2017, ông Tập Cận Bình nói với Tổng thống Hoa Kỳ đương thời Donald Trump rằng, “Chúng ta có hàng ngàn lý do để cải thiện mối bang giao Trung Quốc-Hoa Kỳ, không có một lý do nào để hủy hoại mối bang giao này.”
Quan điểm của ông Tập là đúng đắn. Bởi vì: Hoa Kỳ là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới; thị trường, vốn, công nghệ, nhân tài, dịch vụ, v.v. của Hoa Kỳ đều là những nhu cầu cấp thiết của Trung Quốc; trong lịch sử, Hoa Kỳ là quốc gia đã giúp đỡ Trung Quốc nhiều nhất; từ góc độ thực tế, ngay cả khi bang giao giữa hai nước xấu đi nghiêm trọng vào năm 2022, thì theo thống kê của hải quan Trung Quốc, kim ngạch thương mại Trung Quốc-Hoa Kỳ đạt 759.4 tỷ USD, và Hoa Kỳ vẫn là khách hàng lớn nhất của nền kinh tế Trung Quốc.
Trong trường hợp bình thường, nếu quý vị là chủ doanh nghiệp, quý vị sẽ đối đãi với khách hàng lớn nhất của mình như thế nào? Đương nhiên, chúng ta sẽ hợp tác hết lòng, tuyệt đối không thể xem khách hàng lớn nhất là “kẻ thù số một” của chúng ta.
Tuy nhiên, vào ngày 25/02/2021, ông Hà Bân (He Bin), Bí thư Huyện ủy Kỳ Liên, tỉnh Thanh Hải, tiết lộ ông Tập nói trong một cuộc họp nội bộ rằng “nguồn gây hỗn loạn lớn nhất trên thế giới hiện nay là Hoa Kỳ” và “Hoa Kỳ là mối đe dọa lớn nhất đối với sự phát triển và an ninh của đất nước chúng ta.”
Quan điểm của ông Tập cho rằng Hoa Kỳ là “kẻ thù số một” đã lan rộng khắp thế giới. Tương ứng, kể từ nhiệm kỳ thứ hai của ông Tập, mối bang giao Trung Quốc-Hoa Kỳ xấu đi nhanh chóng, và hiện đã xuống đến mức thấp nhất trong hơn 40 năm kể từ khi thiết lập mối bang giao giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Thứ tư, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình, nhưng không lên án việc Nga xâm lược Ukraine hoặc chiếm đóng lãnh thổ Ukraine
Khi nói về lịch sử hiện đại của Trung Quốc, các vấn đề như tranh chấp quần đảo Điếu Ngư (Senkaku) giữa Trung Quốc và Nhật Bản, sáp nhập Đài Loan, …, ông Tập thường nói rằng chúng ta phải kiên quyết phản đối chiến tranh xâm lược, phải bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia.
Ngày 24/02/2022, Tổng thống Nga Putin phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine.
Ngày 30/09/2022, Nga sáp nhập 4 khu vực ở miền đông Ukraine: Luhansk, Donetsk, Zaporozhye và Kherson.
Cho đến nay, ông Tập chưa bao giờ lên án hành động gây hấn của Nga ở Ukraine hay việc nước này sáp nhập 4 khu vực miền Đông Ukraine.
Không những vậy, ông Tập còn tiếp tục trợ giúp Nga về mặt kinh tế trong cuộc chiến tranh Nga-Ukraine.
Trong cuộc chiến Nga-Ukraine, ông Tập thực sự đã áp dụng cách tiếp cận thiên vị đối với Nga.
Trước thái độ hung hăng của Nga cũng như việc Nga gây nguy hiểm cho chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của Ukraine, ông Tập đã đi ngược lại quan điểm của hơn 100 quốc gia tại Liên Hiệp Quốc.
Kết quả là, ông “đắc tội” với nhiều quốc gia cũng như với những người phản đối việc Nga xâm lược Ukraine và sáp nhập lãnh thổ Ukraine.
Thứ năm, quay lại ủng hộ ông Kim Jong-un, sau 5 năm đối xử lạnh lùng
Trong 5 năm của nhiệm kỳ đầu tiên, ông Tập chưa một lần đến thăm Bắc Hàn, và cũng không mời nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un tới thăm Trung Quốc. Ngược lại, vào ngày 03/07/2013, ông Tập đã đến thăm Nam Hàn. Vào thời điểm đó, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nam Hàn; Nam Hàn là đối tác thương mại lớn thứ ba và là nguồn đầu tư ngoại quốc lớn thứ năm của Trung Quốc. Đây là chuyến thăm riêng đầu tiên của ông Tập tới một quốc gia sau khi nhậm chức Chủ tịch nước.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Tập, ông đã mời tổng thống Nam Hàn tới thăm Trung Quốc ba lần.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Tập, về vấn đề Bắc Hàn, ông ủng hộ Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump áp đặt các biện pháp trừng phạt Bắc Hàn tại Liên Hiệp Quốc, khiến mối bang giao Trung Quốc-Bắc Hàn xuống đến mức thấp nhất kể từ ngày 01/10/1949.
Cách tiếp cận của ông Tập với Bắc Hàn trong nhiệm kỳ đầu tiên là đúng đắn. Bởi vì kể từ khi Chiến tranh Bắc Hàn nổ ra vào những năm 1950, Bắc Hàn đã trở thành “sói mắt trắng” mà ĐCSTQ không bao giờ có thể nuôi dưỡng được.
Trong hơn 60 năm, ĐCSTQ đã không ngừng công sức của người dân Trung Quốc để “tiếp tế” cho triều đại nhà Kim của Bắc Hàn. Tuy nhiên, triều đại nhà Kim của Bắc Hàn lại không hề biết ơn ĐCSTQ, mà ngược lại còn xem đó là điều hiển nhiên. Điều này không có lợi người dân Trung Quốc và đất nước Trung Quốc.
Tháng 02/2018, ông Kim Jong-un xem việc tham gia Thế vận hội Mùa đông ở Nam Hàn như một cơ hội để thắt chặt mối bang giao với Nam Hàn, đồng thời đề nghị tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Sau đó, ông Kim yêu cầu phía Nam Hàn gửi lời nhắn tới ông Trump đề nghị tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên.
Trước tình thế này, ông Tập Cận Bình vội vàng mời ông Kim Jong-un tới thăm Trung Quốc ba lần từ tháng Ba đến tháng Sáu năm 2018 trước Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên. Quan hệ Trung Quốc–Bắc Hàn chuyển từ lạnh sang nóng.
Sau đó, về vấn đề Bắc Hàn, ông Tập quay lại con đường cũ là tiếp tục dùng đồng tiền mà người dân Trung Quốc khó nhọc kiếm được để “tiếp tế” cho triều đại nhà Kim.
Thứ sáu, kiên quyết thực hiện chính sách cực đoan “zero COVID”, trái với khoa học và lẽ thường
Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020, bắt đầu từ thời điểm Vũ Hán bị phong tỏa cho đến tháng 12/2022, ông Tập Cận Bình đã thực hiện chính sách “zero COVID” trong suốt ba năm ở Trung Quốc.
Để đạt được mục tiêu này, trong ba năm đó, người dân Trung Quốc phải thực hiện xét nghiệm acid nucleic nhiều lần hơn so với người dân của tất cả các quốc gia và khu vực trên thế giới.
Vì lý do này mà từ Vũ Hán đến cả nước Trung Quốc, các làng mạc, thị trấn, tòa nhà, cộng đồng, đường phố, và thành phố đều bị đóng cửa. Nếu một người có kết quả xét nghiệm dương tính thì vô số người khác sẽ bị phong tỏa.
Để đạt được mục đích này, chăm sóc y tế, sinh kế của người dân, kinh tế, nhân quyền, văn hóa và giáo dục, doanh nghiệp tư nhân, ăn uống, công nghiệp dịch vụ, cải cách, mở cửa, v.v., đều phải nhường chỗ cho “zero COVID.”
Vì lý do này, từ Vũ Hán, đến Tây An, Thượng Hải, Ô Lỗ Mộc Tề (Urumqi), những thảm kịch đau lòng tái diễn lặp đi lặp lại.
Ý tưởng đưa virus về 0 là phản khoa học và đi ngược lại lẽ thường. Tuy nhiên, ông Tập đã kiên quyết thực hiện ba năm “zero COVID” ở Trung Quốc.
Kết quả là vào tháng 12/2022, ông Tập bất ngờ thay đổi, dỡ bỏ hoàn toàn chính sách “zero COVID.” Sau đó, chỉ trong thời gian rất ngắn, hàng trăm triệu người dân Trung Quốc bị nhiễm dịch.
Cuối năm 2022, có người đã tóm lược về chính sách cực đoan “zero COVID” này rằng, “Phía trên chỉ thị mù quáng, phía dưới thực hiện hỗn loạn; về cơ bản là các chuyên gia lừa gạt quần chúng, tin tức đều là dối trá. Người dân chỉ biết đứng nhìn.”
Tình hình sau khi “Về 0 cực đoan” chuyển sang “Nới lỏng cực đoan” là: “Đô thành vắng xe cộ, đường sá không bóng người; người trẻ đi bệnh viện, người già vào nhà tang lễ, hơn nữa còn phải xếp hàng chờ đợi. Điều này đã đủ vô lý rồi, nhưng hãy nhìn xem: truyền thông nhà nước vẫn ngày ngày nói dối, Bộ Ngoại giao vẫn nói nhảm, các chuyên gia vẫn nói hươu nói vượn, còn quan chức thì không thấy bóng dáng. Chỉ có dân thường phải liên tục chịu đựng!”
Thứ bảy, chủ trương “truyền thông đảng mang tên đảng,” những người có quan điểm khác không được bảo vệ
Ngày 19/02/2016, tại “Hội nghị chuyên đề về công tác truyền thông và dư luận của Đảng,” ông Tập nói: “Các hãng thông tấn do đảng và chính phủ bảo trợ là mặt trận tuyên truyền của đảng và chính phủ, nhất định phải mang danh của đảng.” Kể từ đó, “Truyền thông Đảng mang tên Đảng” đã trở thành kim chỉ nam cho công tác truyền thông và dư luận của ĐCSTQ.
Cốt lõi của “truyền thông Đảng mang tên Đảng” là tất cả hãng thông tấn của đảng phải duy trì sự nhất quán cao độ với Trung ương Đảng về chính trị, tư tưởng, và hành động.
Vì vậy, tất cả các công cụ tuyên truyền của ĐCSTQ đã trở thành cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, gây khó khăn cho việc người dân bày tỏ những quan điểm hoặc chính kiến bất đồng đối với ĐCSTQ. Bất kỳ ai có quan điểm khác hoặc phản đối các hoạt động của ĐCSTQ đều có thể phải chịu “những cuộc đấu tranh tàn khốc và những cuộc tấn công tàn nhẫn.”
Thứ tám, một lần nữa phát động làn sóng bài Nhật với lý do Nhật Bản xả nước thải hạt nhân ra biển
Ngày 24/08, nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi của Nhật Bản bắt đầu xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý ra biển.
Đây là hành động đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và tỉ mỉ từ trước, có sự chuẩn bị đầy đủ, công khai, trung thực, minh bạch về thông tin đối ngoại, và đã được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế ghi nhận.
Hôm 04/07, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế đã công bố “báo cáo đánh giá,” xác định kế hoạch xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý của Fukushima tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn quốc tế và có tác động không đáng kể đến con người và môi trường.
ĐCSTQ cũng là thành viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, đại diện của ĐCSTQ cũng đã ký và phê chuẩn các văn bản liên quan. Vì vậy, hành động này của Nhật Bản vốn đã được ĐCSTQ chấp thuận từ trước.
Theo thí nghiệm mô phỏng do các nhà nghiên cứu tại Đại học Thanh Hoa thực hiện, do ảnh hưởng của dòng hải lưu, quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi việc xả nước thải hạt nhân là Nhật Bản, tiếp theo là Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Úc, New Zealand và các quốc gia khác, tiếp theo là Trung Quốc, Nam Hàn và các quốc gia châu Á khác.
Thống kê của Hiệp hội Công nghiệp Năng lượng Hạt nhân Trung Quốc cho thấy hàm lượng tritium trong nước thải của 13 nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc thải ra biển vào năm 2021 đã vượt quá mức phát thải theo kế hoạch của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi trong một năm.
Trong số đó, lượng phát thải tritium từ nhà máy điện hạt nhân Tần Sơn Chiết Giang vào năm 2021 đạt 218 ngàn tỷ becquerel, gấp khoảng 10 lần lượng phát thải tritium tối đa từ Fukushima trong một năm.
Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình đã lợi dụng sự kiện “Nhật Bản xả nước thải hạt nhân ra biển,” một lần nữa gây ra làn sóng chống Nhật tại Trung Quốc.
Bộ Thương mại, Bộ Ngoại giao, Bộ Sinh thái và Môi trường của ĐCSTQ bày tỏ sự phản đối kiên quyết và lên án mạnh mẽ đối với Nhật Bản. Hải quan Trung Quốc tuyên bố đình chỉ hoàn toàn việc nhập cảng thủy sản có nguồn gốc từ Nhật Bản. Ông Tôn Vệ Đông (Sun Weidong), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao ĐCSTQ, đã triệu tập Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc và đưa ra “những phản ánh nghiêm khắc.”
Các hãng thông tấn và mạng xã hội của ĐCSTQ “đồng lòng” lên án Nhật Bản. Các hành động chống Nhật diễn ra ở nhiều nơi, những cuộc điện thoại quấy rối từ “Tiểu phấn hồng” của ĐCSTQ khiến nhiều cá nhân và tổ chức ở Nhật Bản lo lắng.
Có thể thấy rằng, sau khi Nhật Bản xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý ra biển, không có chính phủ nào trên thế giới, ngoại trừ ĐCSTQ, phản đối Nhật Bản vì lý do này.
Làn sóng chống Nhật này được thực hiện bất chấp lẽ thường, dữ liệu khoa học, mối bang giao Trung-Nhật cũng như mối bang giao giữa ĐCSTQ và các quốc gia khác. Nó được thực hiện bất chấp hàng loạt tổn hại nghiêm trọng mà bản thân Trung Quốc có thể phải gánh chịu, và sẽ chỉ gây hại cho Trung Quốc mà không mang lại lợi ích gì.
Thứ chín, gây “áp lực tối đa” lên Đài Loan, thay vì thu phục cảm tình của người dân Đài Loan
Cốt lõi của vấn đề Đài Loan không phải là vấn đề thống nhất và độc lập, mà là sự ủng hộ của 23 triệu người dân Đài Loan.
Ai thu phục cảm tình của người dân Đài Loan thì sẽ giành được Đài Loan; ai đánh mất cảm tình của người dân Đài Loan thì sẽ mất Đài Loan.
Đối với ông Tập, làm thế nào để thu phục được cảm tình của 23 triệu người dân Đài Loan nên là ưu tiên hàng đầu của ông.
Ngày 06/01/1941, khi người dân ở nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới đang phải hứng chịu nạn xâm lược của chủ nghĩa phát-xít, Tổng thống Hoa Kỳ Roosevelt đã đề xướng trong Thông điệp Liên bang trước Quốc hội rằng, người dân trên toàn thế giới cần được hưởng bốn quyền tự do cơ bản – tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận Tự do, tự do khỏi nghèo khó, tự do khỏi sợ hãi.
Sau khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc, người dân ở nhiều quốc gia và khu vực, trong đó có Hoa Kỳ, đã nhanh chóng có được “bốn quyền tự do” này.
Người dân Hồng Kông dưới sự cai trị của Anh cũng đã có được “bốn quyền tự do.”
Người dân Đài Loan, nơi Quốc Dân Đảng và Đảng Dân Tiến thay nhau nắm quyền, đã có được “bốn quyền tự do.”
Năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 74 năm thành lập ĐCSTQ. Người dân Trung Quốc chưa nhận được bất kỳ quyền nào trong số “bốn quyền tự do” mà ngài Roosevelt đề xướng.
Đối với ông Tập, làm thế nào để người dân Trung Quốc được hưởng “bốn quyền tự do”? Đây là bốn chỉ số chính để ông Tập thu phục được cảm tình của 23 triệu người dân Đài Loan.
Tuy nhiên, ông Tập không đi theo hướng này, mà thay vào đó, ông xem việc “sáp nhập Đài Loan” là một sự kiện lớn lưu lại tên tuổi của mình trong lịch sử.
Vì lý do này, khi trận đại dịch COVID-19 từ Vũ Hán lan rộng khắp Trung Quốc và thế giới vào năm 2020, trong khi người dân trên khắp thế giới đang phải chịu đựng virus, thì ông Tập lại phát động các cuộc tập trận quân sự thường xuyên nhất trong lịch sử trên Biển Bột Hải, Hoàng Hải, Hoa Đông, và Biển Đông, chuẩn bị cho việc dùng vũ lực sáp nhập Đài Loan.
Mai Thanh lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ