Trên đầu chữ Sắc là một cây Đao: Tà dâm hủy hoại đời người
Cổ nhân có câu: “Sắc tự đầu thượng nhất bả đao”, trong Hán tự, “Trên đầu chữ Sắc (色) là một cây đao (刀)”. Chỉ một từ Sắc đã bao gồm nội hàm răn dạy của cổ nhân về sự nguy hiểm của nó: Ham mê sắc dục là tự cầm dao đâm mình. Sắc đẹp, sắc dục, tà dâm… ở thời đại nào cũng có sức dụ hoặc ma mị ghê gớm. Kẻ háo sắc tham dâm giống như liếm mật ngọt trên đầu lưỡi dao, cuối cùng sẽ khiến bản thân thương tổn. Từ xưa đến nay, chỉ một chữ “Sắc” nhưng đã hại không biết bao nhiêu người.
Cổ nhân nói: Vạn ác tà dâm đứng đầu. Vậy nhưng ngày nay, những tin tức về tội tà dâm xảy ra ở khắp mọi nơi trong xã hội. Ngoại tình, mua bán dâm, tấn công tình dục, xâm hại tình dục mà nạn nhân là trẻ em… là tin tức thường ngày xuất hiện nhan nhản trên mặt báo. Vì sao thứ tà ‘đứng đầu trong vạn điều ác’ lại trở nên phổ biến đến mức đáng sợ như vậy?
Môi trường khuếch đại dục vọng
Những câu chuyện phòng the, vốn là chuyện riêng tư của vợ chồng, ngày nay tràn ngập trên mạng xã hội, và cũng không còn là chuyện của vợ chồng.
Chuyện ái dục trở thành chuyện giữa thầy trò, đồng nghiệp, người lớn tuổi với trẻ em, thậm chí cùng huyết thống, người đồng giới…
Xã hội chìm trong sự suy đồi đạo đức, những thứ dâm dật, tục tĩu tràn ngập khắp nơi, tranh ảnh khỏa thân, truyền hình phát sóng hằng ngày không hạn chế bất kỳ độ tuổi nào đầy cảnh nóng, cha mẹ, con cái cùng xem. Tác phẩm nghệ thuật, văn học đầy tình tiết đồi trụy, những thứ rác rưởi đó đã ăn sâu vào tâm trí, tiềm thức, thay đổi hoàn toàn phương thức tư duy của con người, coi những thứ dâm ô trở thành bình thường, quan niệm về đúng sai, thiện ác, tốt xấu, chính tà hoàn toàn đảo ngược.
Phong trào “giải phóng tình dục” khoác cái vỏ bọc ‘tự do, tiến bộ’ khuếch đại dục vọng ham muốn của con người khiến xã hội chìm trong ngọn lửa sắc dục hun đốt khắp nơi.
Mối quan hệ nam nữ ngày một phóng túng; sống thử thành trào lưu thể hiện sự ‘tân tiến’ còn thủ tiết thì bị cười chê, phỉ báng. Tiêu chuẩn để đánh giá một người thời nay không dựa trên đức hạnh mà thường gắn với khả năng tình dục (đối với nam) hay vẻ gợi cảm (đối với nữ). Phần đông xã hội mất đi chuẩn mực đạo đức của mình, tinh thần trống rỗng đến cực độ, nên chỉ tìm kiếm lạc thú thấp hèn qua việc kích thích các giác quan.
Nhưng ngọn lửa sắc dục không chỉ mang lại khoái lạc. Cùng với cơn thác đó, thì tội ác liên quan đến tình dục ngày càng bùng nổ như không thể kiểm soát và nạn nhân của nó không chỉ là những phụ nữ yếu thế mà cả những đứa trẻ non nớt… Trẻ em ngày nay lớn lên trong một thế giới mà bóng đen của sắc dục bao phủ khắp nơi.
Thông qua tuyên truyền về giải phóng tình dục, ma tính của con người bùng phát, toàn xã hội đâu đâu cũng xuất hiện hiện tượng loạn tính suy bại, đảo lộn quan niệm luân lý đạo đức hàng ngàn năm.
Dâm loạn là tội ác lớn nhất của nhân loại
Theo giáo lý nhà Phật, dâm dục hay tà dâm là một trong mười ác nghiệp.
Trong Kinh Thánh Tân Ước từ “tà dâm” là phiên dịch của từ πορνεύω (phiên âm: pôr-nê-vô) trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “phạm tội tình dục” (động từ).
Tà dâm là “tội lỗi nguyên thủy”, dẫn đến việc Adam và Eva rời khỏi Eden (Eden theo tiếng Do Thái có nghĩa đen là “phúc lạc”).
“Háo sắc tham dâm”, có ý niệm hay hành vi quan hệ bất chính với người không phải vợ chồng, là một việc vi phạm luân thường đạo lý, trời không dung đất không tha, khiến Thần linh phẫn nộ. Có người vì nó mà coi rẻ bản thân, vì nó mà vứt bỏ gia đình con cái; lại có người vì nó mà hủy hoại tương lai, làm ra những chuyện thương thiên hại lý, khiến lòng người căm phẫn, đất trời không dung tha.
Có người hễ thấy sắc là dấy khởi tà niệm, làm hao tổn thân thể, hại người hại mình, thậm chí là đoạt mất tính mạng người ta, còn tưởng rằng “Thần không biết quỷ không hay.”
Không ai muốn những chuyện dâm loạn xảy ra trong nhà mình, nhưng nhiều người lại không kiềm chế nổi bản thân, muốn thỏa mãn sự phóng túng dục vọng ở bên ngoài gia đình. Chúa Giê-su nói: “Các con nghe thấy có lời rằng ‘bất khả gian dâm’, chỉ là ta muốn nói cho các con biết, phàm mà thấy phụ nữ liền động niệm dâm dục, người này trong tâm đã phạm tội gian dâm với cô ta rồi.”
Kinh Thánh Do Thái viết: “Mọi người phải tôn trọng hôn nhân. Chớ biến chốn loan phòng ra ô uế, vì Ðức Chúa Trời sẽ đoán phạt kẻ gian dâm (pôr-nê-vô) và kẻ ngoại tình (mi-xi-a).”
Văn hoá truyền thống chân chính của cả phương Đông và phương Tây đều coi trọng nền tảng gia đình và đạo nghĩa vợ chồng. Trào lưu giải phóng tình dục, sống thử, hôn nhân ngoài giá thú… thời hiện đại hoàn toàn không phải là văn hóa chính thống của phương Đông lẫn phương Tây, đó chỉ là một thứ văn hoá biến dị thời hiện đại đang ăn mòn xã hội loài người. Con ma sắc tình quả thật đang gây bao nhiễu loạn thế gian.
Cổ nhân giảng: “Người không Lễ khác chi cầm thú”
Trong các chính giáo đều giảng: Con người được tạo ra bởi Đấng Sáng Thế. Quy phạm nhân luân là phép tắc đầu tiên mà mỗi con người phải thực hiện. Lễ là luân lý đạo đức để làm người, vì động vật thì không cần luân lý đạo đức. Không có nhân luân thì con người khác gì cầm thú? Vua tôi, cha con, vợ chồng, thầy trò, lớn bé có tôn ti trật tự, nam nữ có khác biệt rõ ràng, mỗi người nên giữ bổn phận và trách nhiệm của mình, không thể rối loạn.
Một khi vượt khỏi phép tắc đó thì đã trái với ý chỉ ban đầu của Thần, nhất định bị Trời trừng phạt.
Cổ nhân thường nói: “Lén lút làm chuyện trái lương tâm, đừng tưởng không ai biết, mắt Thần như điện.”
Người quân tử biết rõ điều ấy là tai họa to lớn vô cùng nên hết sức cự tuyệt, tránh bị tổn đức. Kẻ tiểu nhân lại cho đó là điều sung sướng để thỏa mãn mà sa vào nên tất sẽ bị ác báo. Cho nên, người xưa vẫn thường nói, “họa hay phúc không phải tự nhiên mà đến, mà đều là do con người tự chiêu mời mà đến.”
Trong “Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn” có viết rằng: “Những người tham lam sắc dục, hành vi bất chính, làm tổn hại đi bản tính lương thiện và danh tiết của bản thân tức là trái với Thiên lý thì sẽ phải chịu nhận sự trừng phạt. Thiên thượng sẽ giáng tai họa cho những người này, báo ứng vô cùng nhanh chóng. Chỉ những ai trọng đức, giữ mình thanh khiết, thủ thân như ngọc thì mới có thể được phúc báo.”
Dâm dật kiêu xa, sĩ đồ vô ích.
(Dâm tà loạn phép, mong có con đường làm quan là vô ích.)
Tà dâm cũng giống như những tế bào ung thư đang phá huỷ và lan rộng ra khắp xã hội, một xã hội ung thư vì những tế bào tinh thần lành mạnh, đạo đức phẩm hạnh đã bị những tế bào bệnh hoạn huỷ hoại.
Con người ta, chỉ một niệm dâm dục, sẽ dẫn khởi nhiều ác niệm, làm ra những chuyện không còn liêm sỉ, đi ngược với luân lý, các loại ác nghiệp cũng từ đó mà sinh ra.
Chỉ nghĩ đến khoái cảm hay nhu cầu thỏa mãn dục vọng của bản thân mà dung túng, kích động, thậm chí kiếm lời từ tình dục là bất Nhân. Hành động vô lối, tùy tùy tiện tiện là bất Lễ. Hủy hoại đạo đức và sự ổn định trong xã hội là bất Nghĩa. Chỉ theo đòi hỏi của cơ thể mà không dùng tới lý trí là bất Trí. Phản bội người hôn phối là bất Tín. Thuận theo ý dâm dục là hành vi của kẻ vô đạo.
Người phạm tội tà dâm không chỉ huỷ hoại phẩm tiết của bản thân, mà còn liên lụy tới cả gia đình, dòng tộc. Nhẹ thì hao tổn phúc báo, công danh sự nghiệp không thuận lợi, gia đình hay xích mích bất hòa; nặng thì phúc phận tiêu tan, thân bại danh liệt, gia đình tan vỡ, thân thể ốm đau bệnh tật, thậm chí tai ương còn giáng xuống các thế hệ cháu con.
Sự lạc thú của tà dâm chỉ là nhất thời, nhưng hậu quả của nó lại vô cùng khủng khiếp. Người phạm tội tà dâm có thể phải chịu báo ứng ngay tại đời này hoặc có thể chịu kiếp nạn ở đời sau. Có khi bị đoạ xuống địa ngục, chịu hình phạt của núi đao biển lửa. Bởi theo giáo lý nhà Phật, con người sống là không chỉ có một kiếp này.
“Vạn ác dâm vi thủ”, trong các điều ác nơi thế gian, tà dâm là tội ghê gớm nhất, vậy nên báo ứng do phạm lỗi tà dâm là rất thảm khốc, rõ ràng và mau lẹ phi thường.
Theo những nghiên cứu khảo cổ học, sự sụp đổ của kinh thành Babylon cổ đại, sự biến mất của nền văn minh Maya và sự nhấn chìm xuống biển của nền văn minh Hy Lạp đều có liên quan mật thiết đến sự dâm loạn của con người. Trụ Vương nhà Thương vì viết bài thơ dâm loạn sỉ nhục Nữ Oa nương nương nên bị trời trừng phạt, bị Đát Kỷ mê hoặc, khiến giang sơn 600 năm sụp đổ. Nhìn chung lịch sử đông tây từ xưa đến nay, sự sụp đổ và hủy diệt của các triều đại đa phần đều có nguyên nhân từ sự hoang dâm của các nhà thống trị, sự suy tàn của nhiều gia tộc cũng bắt nguồn từ dâm loạn. Thế nhưng những bài học đắt giá trong lịch sử dường như chỉ là chuyện hoang tưởng đối với con người hiện đại.
Giảm thiểu sắc dục chính là bí quyết dưỡng sinh, dưỡng khí, dưỡng tâm
Dù trong xã hội nào vẫn có những câu chuyện hoang dâm vô độ, nhưng tư tưởng chủ lưu đối với vấn đề này qua hàng nghìn năm lịch sử vẫn là nên tiết chế, duy trì sự cân bằng, vừa phải, để không những bảo toàn khí huyết mà còn giữ gìn lễ tiết, khí phách của một người có hàm dưỡng.
Trong lịch sử Việt Nam, vua Lê Tương Dực ban đầu được ngợi ca là “thông minh xứng đáng bậc chí tôn, sáng suốt làm gương cả nước” (Đại Việt sử ký toàn thư). Nhưng về sau, vua đắm chìm trong nữ sắc, ăn chơi truỵ lạc, cuối cùng mất ngôi, chết ở tuổi 21. Hậu thế chỉ còn nhớ đến Tương Dực Đế với cái tên “Vua Lợn”.
Sắc dục là mối hoạ loạn của bậc đế vương, là “mê hồn hương” làm hao phí sinh mệnh, tổn hại phúc đức và vấy bẩn tâm hồn. Ngược lại, giảm thiểu sắc dục là bí quyết dưỡng sinh, dưỡng đức, dưỡng tâm mà cổ nhân truyền lại cho hậu thế.
Thời nhà Tống có Bao Hoành Trai thân thể cường tráng, tinh lực hơn người, năm ông 85 tuổi còn được bái làm tể tướng. Quyền thần Giả Tự Đạo cho rằng ông ắt hẳn có diệu thuật dưỡng sinh nào đó, bèn tới thỉnh giáo ông. Bao Hoành Trai nói rằng: “Tôi có một bài thuốc hoàn tử, là bài thuốc bí truyền không truyền ra ngoài.”
Giả Tự Đạo nóng lòng hỏi là thuốc hoàn tử gì, Bao Hoành Trai thong dong nói rằng: “Là do ta may mắn uống viên ngủ một mình đã 50 năm rồi!” Những người ngồi tại đó lúc bấy giờ đều cười sảng khoái.
Sắc dục quá độ khiến người ta hao tổn tinh huyết, tinh thần mệt mỏi. Kiêng kỵ sắc dục tạo thành thói quen sinh hoạt lành mạnh, có tác dụng rất tốt với việc dưỡng sinh. Khổng Tử nói: “Thời niên thiếu khí huyết chưa đầy đủ, nên cấm kỵ nữ sắc.” Trương Tam Phong – ông tổ của Thái Cực – cũng từng khuyên Minh Thành Tổ: “Tịnh tâm ít dục sẽ trường sinh.”
Kẻ trí hay người mê có thể phân định thông qua việc đối đãi với quan ải sắc dục. Đứng trước nữ sắc yêu kiều quyến rũ, say đắm lòng người, bậc trí giả thường xem đó là họa, từ đó mà biết tránh. Như thế ắt sẽ được phúc tinh chiếu rọi.
Trong “Lễ Ký – Lễ Vận” có viết: “Ẩm thực nam nữ, nhân chi đại dục tồn yên,” đại ý là việc ăn uống và quan hệ nam nữ là những ham muốn lớn của con người. Vì vậy, Khổng giáo chủ trương lấy lễ nghi để khắc chế dục vọng.
Đạo gia cho rằng có thể từ bỏ dục vọng về quan hệ nam nữ thì sẽ sống thọ cùng trời đất (“Thọ dữ Thiên tề”). Ý nghĩ về dục và sắc khiến người ta mất đi chân khí, giảm đi phúc thọ và trở nên thô tục. Người tu Đạo mà không đoạn dục thì ác nghiệp sẽ đầy thân, không cách nào thăng Thiên, uổng phí cả một đời tu Đạo.
Vào đầu triều đại nhà Minh, Phương Hiếu Nho đã bày tỏ quan điểm: “Ồ! Sở thích và ham muốn có sức mạnh hơn lưỡi kiếm. Mọi người chỉ quan tâm đến sự xâm hại của nóng lạnh đối với thân thể, nhưng lại không tìm các biện pháp phòng ngừa tai họa do dục vọng tham ăn và tham sắc gây ra.”
Người ta muốn làm nên đại sự thì phải tu dưỡng thân thể cường tráng mới có đủ năng lực để gánh vác, vì vậy mà đoạn tuyệt với sắc dục.
Trong “Hoàng Đế nội kinh” có viết: “Điềm đạm hư vô thì chân khí sung túc, tinh thần vững vàng thì đẩy lùi bệnh tật. Đó là một sự thanh nhàn và ít ham muốn, tâm an thì không sợ hãi, sở thích không thể làm khổ đôi mắt, dâm tà không thể mê hoặc cái tâm. Những người sống lâu 100 tuổi mà không suy yếu là do họ không mạo hiểm cái đức của mình.”
Chân nhân Trường Xuân đã khuyên hoàng thượng hãy là người đầu tiên từ bỏ dâm dục. Cuốn sách “Thái Vy Linh Thư” viết dâm dục đứng đầu trong 10 điều bại hoại. Học Đạo tu hành không có gì khác ngoài khả năng có thể thực sự đoạn tuyệt dâm dục, phần còn lại đều rất dễ dàng.
Cổ nhân tin rằng “Có đức mặc sức mà ăn”, coi đạo đức là cội nguồn của mọi điều tốt đẹp trong cuộc đời con người, như thân thể an khang, công thành danh toại, gia đạo yên vui, cửa nhà sung túc. Thế nên, các bậc cổ Thánh tiên Hiền đều khuyên con người dưỡng đức, tích đức. Mà trong số các hành vi tổn đức, thì dâm dục đứng đầu. Bởi thế, để dưỡng Đức không gì bằng tránh xa dâm dục.
Trong cuốn “Chu Tử trị gia cách ngôn” (hay còn gọi là Chu Tử gia huấn) có dạy: “Túng đối như hoa tự ngọc chi mạo, định tồn nhược tỷ nhược muội chi tâm.” (Ý là: Dù đứng trước người dáng vẻ xinh đẹp như hoa như ngọc, thì nhất định phải giữ tâm như đối với chị gái, em gái).
Sách Trung Dung của Tử Tư mở đầu bằng điều răn rằng, người quân tử biết tu dưỡng bản thân ngay cả khi không ở trước mặt người khác còn kẻ tiểu nhân thì chẳng sợ Trời, không sợ đất. Từ xưa đến nay, những người có lòng nhân ái, có đạo đức và hàm dưỡng đều giữ cho mình một cái tâm thanh tịnh và thành kính. Họ dùng sự thanh tịnh để bồi dưỡng đức hạnh của bản thân, dùng chính khí để chống lại những ham muốn xấu.
Chính nền tảng đạo đức đề cao sự ‘tịnh tâm, thiểu dục’ như vậy, quan hệ giao tiếp giữa nam và nữ đã được quy phạm một cách nghiêm túc đã kiềm giữ dục vọng của người xưa trong vòng lễ giáo, duy trì sự ổn định và hài hoà của xã hội trong mấy nghìn năm. Trong đó, trẻ em được bảo toàn trọn vẹn sự thuần khiết vô tư nên được có.